Wednesday, June 26, 2013

Cuộc Triển Lãm Thuyền Nhân Việt Nam

Để kỹ niệm Tuần Lễ Tỵ Nạn Quốc Tế (International Refugee Week) BCH CĐNVTD Victoria phối hợp cùng Ban Quản Trị Đền Thờ Quốc Tổ và Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam tổ chức một cuộc triển lãm với đề tài THUYỀN NHÂN VIỆT NAM để đánh dấu 35 năm ngày thành lập Trại Tỵ Nạn thuyền nhân Việt Nam vùng Đông Nam Á.

Trong buổi lễ khai mạc, ngoài các quan khách của các cơ quan, hôi đoàn, đoàn thể, ... của cộng đồng Người Việt còn có sự tham dự của các nghị viên hội đồng thành phố, các chính khách Úc cùng các vị đại diện của cộng đồng bạn và một số các quốc gia trong vùng Đồng Nam Á (nơi có các trại tỵ nạn). Trong đó có sự hiện diện của Phó Chủ Tịch Cộng Đồng Tây Tạng Victoria, ông Tenzin Khangsar, Nghị Viên Maribyrnong, ông Quốc Nam, Phó Thị Trưởng Maribyrnong, ông Grant Miles, Dân Biểu Marsha Thomson, và đặc biệt là vị Tổng Lãnh Sự Thái Lan, ông Simon A. Wallace, và vị Lãnh Sự Phi Luật Tân, bà Virginia "Gigi" Kalong.

Trong nghi thức chào cờ Úc-Việt và một phút mặc niệm, hình ảnh bốn người bạn trẻ nghiêm trang, dương cao các lá cờ Mã Lai, Thái Lan, Nam Dương, và Phi Luật Tân đã làm cho đồng hương tỵ nạn và nhất là các vị đại diện của các quốc gia đó vô cùng xúc động.

Ông Nguyễn Thế Phong (Ủy Ban Quản Trị Đền Thờ Quốc Tổ) đã bày tỏ lòng biết ơn sâu xa của Người Việt tỵ nạn đến với các quốc gia Mã Lai, Thái Lan, Nam Dương, Phi Luật Tân, Hong Kong đã mở cửa các trại tỵ nạn đón tiếp hàng triệu người vượt biên, vượt biển; đến với những nhân viên Cao Uỷ Tỵ Nạn LHQ, các thiện nguyện viên, các vị "cứu tinh" (rescuers) đã ra tay cứu giúp và tận tình giúp đở Người Việt trong cơn nguy khốn, hoạn nạn; đến với các quốc gia thứ ba đã mở rộng vòng tay đón nhận và cưu mang Người Việt tỵ nạn kể từ ngày Miền Nam Việt Nam rơi vào tay Cộng Sãn.

Các vị đại diện của các quốc gia đến dự đã tỏ ra rất cảm kích đối với tấm lòng biết ơn của Người Việt tỵ nạn, và tỏ ra rất vinh dự khi được ông Nguyễn văn Bon (Chủ Tịch CĐNVTD/VIC) trao tặng tấm bảng đồng "Thank You" mang những dòng chữ dưới đây:

"On the 35th Anniversary of the opening of the refugee camps for the Vietnamese refugees in South-East Asia in 1978, the Vietnamese Community in Australia, Victoria Chapter would like to express its eternal gratitude for generosity and cooperation of the (…) Government in response to the United Nations call to establish live saving havens for millions of desperate Vietnamese refugees fleeing the Communist regime after the fall of the Republic of Vietnam on 30th April 1975.

The life saving acts of the (…) Government and the (…) people are forever remembered and indebted by the Vietnamese refugees and their descendants everywhere."

(...) = Indonesia/Malaysia/Philippines/Thailand

Sau đó ông Nguyễn Thế Phong đã đưa các quan khách đi một vòng (a tour) xem các tấm hình với những lời giải thích cặn kẻ, và có những chi tiết đã làm cho nhiều người phải ngạc nhiên, sửng sốt.

Đây là lịch sử Việt Nam cận đại được diễn đạt bằng hình ảnh. Các hình ảnh đã được sắp xếp theo thứ tự thời gian bắt đầu từ cuộc di cư 1954, kèm theo là sự kinh hoàng của thời kỳ Cải Cách Ruộng Đất, ... kế đến là chiến tranh bùng nổ, cuộc chính biến 1963, rồi chiến tranh leo thang với cuộc thảm sát Tết Mậu Thân 1968, Mùa Hè Đỏ Lữa 1972, rồi sau đó là Ngày 30 Tháng Tư - một đại hoạ cho đất nước VN.

Kể từ đó là hình ảnh của các trại "học tập cải tạo", "vùng kinh tế mới", các con thuyền vượt biển, những người vượt biên, với các thảm cảnh hải tặc, chìm tàu, đói khát, ... và các trại tỵ nạn ở các nước Mã Lai, Thái Lan, Nam Dương, Phi Luật Tân và Hồng Kông đã mở cửa đón tiếp hàng triệu Người Việt bỏ nước ra đi. Rồi từ các trại tỵ nạn là việc đi định cư ở các nước thứ 3 với những bước đầu tập tễnh hội nhập vào một cuộc sống mới. Cuối cùng là các hình ảnh nói lên sự thành công trong việc tạo dựng tương lai bằng 2 bàn tay trắng, những thành tựu và sự đóng góp cho cộng đồng, xã hội của đất nước đã mở rộng vòng tay đón nhận, cưu mang Người Việt tỵ nạn.

Điều đáng trân quý hơn hết là những hình ảnh về công cuộc đấu tranh cho quê nhà, về việc bảo tồn và phát huy văn hoá Việt Nam, và việc tưởng niệm những người đã hy sinh để bảo vệ tự do và vì 2 chữ Tự Do.

Đây là một điểm son của Người Việt tỵ nạn - tuy đã có một cuộc sống yên ổn, đầy đủ, sung túc tại xứ người nhưng Người Việt tỵ nạn không bao giờ quên những người đã hy sinh vì tự do, không quên cội nguồn, không quên quê hương, đất nước.

Cuộc triển lãm đã thu hút một số đông đồng hương - có những người vui mừng nhận ra căn "nhà" (chòi), khu trại, bạn bè, người thân, hay chính mình trong hình. Quan trọng nhất là có một số đông phụ huynh dắt theo con em để giải thích về cuộc đời tỵ nạn qua các hình ảnh - mỗi tấm hình là một câu chuyện mà các con em không thể nào tưởng tượng nổi (unimaginable), không thể nào hiểu nổi (incomprehensible) về những gì đã và đang xảy ra trên đất nước VN, về những nỗi khó khăn, thống khổ mà thế hệ đi trước đã phải cam chịu, vượt qua.. để tạo dựng cho các con em có được một cuộc sống như ngày hôm nay - một cuộc sống Tự Do, Dân Chủ và có Nhân Quyền.

Melbourne
22/06/2013
























0 comments:

Powered By Blogger