Saturday, June 29, 2013

Đe doạ chỉ là vũ khí của người bị đe doạ!

Lê Diễn Đức_RFA Blog Khi nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo thông báo danh sách khoảng 20 bloggers sẽ bị bắt trong thời gian tới, song song với chuyến thăm/yết kiến Trung Quốc của chủ tịch nước Trương Tấn Sang, khiến người ta có cảm giác liên tưởng giữa hai sự kiện.
Chuyến triều bái của Tư Sang càng khẳng định thêm rằng, chính sách đối ngoại phò Tàu của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhất quán.
Bản tuyên bố chung với những từ nhất trí (29 lần) đã không nói gì về Biển Đông mà chỉ nói chung về biển. Thay vào đó lại nói đến nhiều hơn về hợp tác biển và các khoản tín dụng mà Trung Nam Hải cho vay.
Những vùng tranh chấp như Hoàng Sa và Trường Sa đã không hề được nói tới một cách cụ thể. Thái độ ngạo mạn, ngang nguợc, xâm phạm và khiêu khích trắng trợn chủ quyền của Việt Nanm trên khu vực biển của hai quần đảo này đã bị lờ đi.
Dù rằng có mâu thuẫn nội bộ trong việc tranh giành ảnh hưởng quyền lực, xung đột thấy rõ qua hai hội nghị trung ương 6 và 7, nhưng một điều chắc chắn rằng, để giữ vững quyền độc tôn cai trị và duy trì chế độ, Tư Sang, Ba Dũng, Nguyễn Phú Trọng hay Nguyễn Sinh Hùng, đều chung một thoả hiệp: gắn chặt bổn mạng sinh tồn với Bắc Kinh.


Khó ai cứu Việt Nam ra khỏi những bế tắc của nền kinh tế hiện thời. Trong khi Trung Cộng chìa tay ra với những khoản vay đầy nguy hiểm và thâm sâu.

Trung Cộng khuynh loát và chi phối kinh tế Việt Nam thông qua hơn 90% tổng thầu EPC quan trọng nhất và đồng thời, bắt đầu đổ tiền vào những khoảng trống mà Việt Nam đang khó khăn, trong đó có bất động sản và ngân hàng.
Chẳng cần phải điều binh, khiển tướng, kế hoạch xâm lược mềm Việt Nam bằng con đường kinh tế, bằng cách mua đứt bộ sậu Ba Đình, là hợp thời, đỡ tốn kém nhất và dễ dàng nhất. Có một mảnh đất được cai trị bằng một băng đảng đàn em chịu ơn huệ, ngoan ngoãn vâng lời, hợp tác toàn diện, thì còn gì bằng. Chiến lược này còn dễ chịu hơn cả việc tự trị của Hongkong. Đặt Việt Nam vào sự đã rồi của lịch sử, về lâu về dài, Việt Nam có đổi thay ra sao, cũng khó mà làm gì ngược lại.
Cho nên, bất kỳ ai làm cản trở, làm xấu đi mối quan hệ láng giềng “4 tốt” này sẽ bị tiêu diệt.
Đây không chỉ là cam kết của tướng Nguyễn Chí Vịnh với Bắc Kinh trong chuyến thăm hồi tháng cuối tháng 8/2011, rằng: “Sẽ kiến quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam”, được khẳng định thêm trong cuộc phỏng vấn của tờ Tuổi Trẻ hôm 1/01/2013, “một trong những đặc trưng của ý thức hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh là cùng do đảng cộng sản lãnh đạo và nếu có được một người bạn Xã Hội Chủ Nghĩa (XHCN) rất lớn ở ngay bên cạnh ủng hộ và hợp tác cùng có lợi thì điều đó sẽ vô cùng thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng XHCN ở Việt Nam”.
“Sự nghiệp  xây dựng XHCN” ra sao, là cái quái thai gì thì chẳng ai biết được, chỉ biết đất nước phát triển được một tý thì cạn kiệt dần nguồn tài nguyên, gánh nặng nợ nần chồng chất, còn chủ quyền, an ninh thì nằm gọn trong tay Bắc Kinh. Những tuyên bố linh tinh như của Nguyễn Tấn Dũng ở Shangri La – Singapore chỉ là màn biểu diễn rỗng tuyếch, lạc điệu, lừa đảo, mị dân.
Quay lại vấn đề “làm xấu quan hệ Việt-Trung”, “di sản quý báu” của hai nhà nước XHCN.
Trong 20 bloggers dự tính bị bắt thì Huỳnh Ngọc Chênh, Nguyễn Quang Lập, Đỗ Trung Quân, Mai Xuân Dũng, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm), Huỳnh Thục Vy, Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, JB Nguyễn Hữu Vinh,… là những người vẫn thường nói về chủ quyền của Việt Nam, chống Trung Cộng, chắc là khó thoát khỏi.
Việc bắt giữ Từ Anh Tú với 20 cuốn “Bên Thắng Cuộc” là một tín hiệu chẳng lành khi Huy Đức trở về Việt Nam.
Và nhiều người khác, các biểu tình viên/bloggers như Lã Việt Dũng, Bùi Thị Minh Hằng, Đặng Bích Phượng, Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Tường Thuỵ, v.v… cũng cần chuẩn bị tư tưởng cho một chuyến “nhập kho”.
Tung tin để hù doạ vẫn thường là trò chơi của chế độ cộng sản. Nhưng thực chất thì đôi khi họ chẳng hù doạ mà sẽ làm nếu muốn. Trong thời gian gần đây, đã gần 40 bloggers bị bắt giữ với những bản án nặng nề, chủ yếu vì tội chống Trung Quốc mà đặc biệt là trường hợp của Phương Yên và Uyên Kha.
Bắt giam Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào và Đinh Nhật Uy chứng tỏ nhà cầm quyền chẳng nương tay với tất cả những ai dám phê phán thượng tầng lãnh đạo và công kích sự xâm lăng của Trung Cộng.
Chủ quyền đất nước là thiêng liêng! Mỗi công dân đều có quyền biểu hiện tình cảm, ý thức của mình trước chủ quyền đất nước bị hiểm nguy bằng mọi hình thức. Ngay khi bị Hán hoá cả ngàn năm, tinh thần yêu nước và vùng lên thoát khỏi ách nô lệ vẫn luôn bốc cháy.
Albert Einstein có nói rằng:
Chúng ta phải hiểu một sự thật khó khăn rằng, tương lai của nhân loại có thể chịu đựng được khi mà trong lĩnh vực quan hệ quốc tế, cũng như trong tất cả các khu vực khác, chúng ta sẽ hành động một cách công bằng và hợp pháp, và không thể đe dọa bằng sử dụng bạo lực“.
Cho nên khi Huỳnh Ngọc Chênh nhận định “danh sách lên đến 20 người, thì bao nhiêu chút sợ hãi còn vương vất lại trong chúng tôi đều bay đi sạch”.
Mẹ Nấm thì cho rằng, “hai mươi cái tên trong danh sách Top 20 kia thật đáng tự hào. Mình sẽ thật sự kiêu hãnh nếu được nằm trong cái danh sách ấy”!
Còn Huỳnh Thục Vy nói “bấy nay yên lặng vì bận thôi chứ không phải sợ”.
Vậy nhà cầm quyền cứ thử xem sao! Bởi vì “sự đe đoạ chỉ là vũ khí cho người bị đe doạ” mà thôi (Giovanni Boccaccio)

0 comments:

Powered By Blogger