Friday, June 1, 2012

Aung San Suu Kyi: Miến Điện không phải là đấu trường giữa Mỹ và Trung Quốc

Lãnh đạo đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới Đông Á, Bangkok, Thái Lan, 01/06/2012
Lãnh đạo đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới Đông Á, Bangkok, Thái Lan, 01/06/2012. REUTERS
Thanh Hà
Phát biểu từ Bangkok, Thái Lan, lãnh đạo đối lập Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi kêu gọi Hoa Kỳ và Trung Quốc không nên coi đất nước của bà là “đấu trường”. Vì những quyền lợi chiến lược, Bắc Kinh và Washington cùng tranh thủ mở rộng ảnh hưởng đối với chính quyền Naypyidaw.

Trả lời báo chí từ thủ đô Thái Lan trong chuyến xuất ngoại đầu tiên, ngày hôm nay 01/06/2012, bà Aung San Suu Kyi nhận xét : “Có nhiều người tự hỏi về lập trường của Miến Điện, một khi mà quốc gia này đang tiến gần hơn về phía Hoa Kỳ và điều ấy sẽ ảnh hưởng ra sao đến quan hệ giữa Miến Điện với Trung Quốc”. Đó là điều khiến lãnh đạo Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ Miến Điện lo ngại. Tại Bangkok, giải Nobel Hòa bình năm 1991 nhấn mạnh, quê hương của bà phải là một vùng đất “hài hòa” đối với các nước lớn và Miến Điện, từ nhiều thập niên qua, luôn có quan hệ “tốt” với Trung Quốc.

Trung Quốc là quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Miến Điện. Bắc Kinh chủ yếu nhập dầu hỏa và khí đốt của quốc gia này. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đã lợi dụng quan hệ hữu hảo với Naypyidaw để xuất khẩu hàng của Trung Quốc vào thị trường Miến Điện. Đổi lại, trong nhiều năm, Bắc Kinh đã dùng quyền phủ quyết tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc để bảo vệ chính quyền quân sự Miến Điện trước những biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế.
Vào tháng 3/2011, tập đoàn quân sự Miến Điện tự giải tán và chuyển giao quyền lực cho một chính quyền dân sự. Tổng thống Thein Sein lên cầm quyền và đã đẩy mạnh tiến trình cải tổ. Ngoại trưởng và nhiều viên chức cao cấp của Hoa Kỳ đã lần lượt viếng thăm Miến Điện. Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu từng bước giảm nhẹ các biện pháp cấm vận đối với quốc gia Đông Nam Á này. Từ sau cuộc bầu cử bổ sung ngày 01/04/2012, gương mặt đối lập hàng đầu là bà Aung San Suu Kyi được bầu vào Quốc hội.
Trên thực tế, không chỉ có Hoa Kỳ và Trung Quốc cùng đang nhòm ngó vào những tiềm năng của Miến Điện. Quốc gia này còn có một vị trí chiến lược giữa hai nước lớn là Trung Quốc và Ấn Độ. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đá quý và dầu khí của Miến Điện cũng rất được New Dehli quan tâm. Trong tuần, thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh vừa công du Miến Điện nhằm thúc đẩy quan hệ song phương.

0 comments:

Powered By Blogger