Saturday, January 28, 2012

Việt Nam ‘tiến một bước mậu dịch, là nuốt lời hứa về nhân quyền’



Dân Biểu Loretta Sanchez. (Hình: Abby Brack/Getty Images)
WESTMINSTER (NV) -“Mỗi lần Việt Nam được một thành tựu trong mậu dịch, như PNTR trong thương mại song phương với Mỹ, WTO, hay vào Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, là một lần Việt Nam nuốt lời hứa về nhân quyền và đàn áp nhiều hơn thay vì tự do nhiều hơn.” Nhận định này của Dân Biểu Loretta Sanchez là điều mà bà nói với vị đại diện thương mại Hoa Kỳ về việc đàm phán với Việt Nam trong hiệp định thương mại TPP.

Cuộc gặp gỡ giữa Dân Biểu Sanchez với Ðại Sứ Ron Kirk diễn ra hôm Thứ Tư, và được dân biểu này thuật lại trong một cuộc họp báo qua điện thoại với báo chí Việt ngữ hôm Thứ Năm.
Ðại Sứ Kirk, đại diện mậu dịch Hoa Kỳ, hiện đang thương thuyết với 9 nước vùng Thái Bình Dương cho một hiệp định ngoại thương giảm bớt các loại thuế xuất nhập cảng trong vùng. Hiệp định này, mang tên tắt TPP và tên tiếng Anh là Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement, có tên tiếng Việt là Hiệp định Ðối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương.
Cả Việt Nam lẫn Mỹ đều đang thương thuyết để gia nhập TPP. Trả lời câu hỏi của báo Người Việt là nếu Mỹ cũng chỉ đang thương thuyết để gia nhập TPP thì những yêu cầu của Mỹ có sức nặng tới đâu, Dân Biểu Sanchez quả quyết:
“Ðúng là chúng ta chỉ là 1 trong 9 quốc gia TPP, nhưng chúng ta là thị trường lớn nhất. Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ lớn nhất trong các nước này.”
Cuộc gặp giữa Dân Biểu Sanchez và Ðại Sứ Kirk xoay quanh vấn đề nhân quyền tại Việt Nam và những lần thất hứa của Việt Nam sau những bước tiến thương mại và ngoại giao.
Bà nói bà thuật lại cho Ðại Sứ Kirk những gì Việt Nam đã vi phạm trong quá khứ.
“Việt Nam ngày càng bỏ tù nhiều người, không chỉ các vị lãnh đạo tôn giáo hay những người tranh đấu đòi dân chủ, mà cả những người trẻ lên Internet nói lên những vấn đề của đất nước, như nhạc sĩ Việt Khang,” Dân Biểu Sanchez nói.
“Sau bình thường hóa mậu dịch (PNTR) với Mỹ, sau khi vào WTO, sau khi có ghế trong Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, Việt Nam không tuân thủ những điều họ hứa về nhân quyền. Ngược lại, nhân quyền bị đàn áp, nhắm vào những hoạt động trên mạng và các cư dân Internet.
Riêng về mậu dịch, là việc chuyên môn của Ðại Sứ Kirk, Dân Biểu Sanchez nói bà nêu vấn đề sở hữu trí tuệ, nạn làm hàng nhái, và những vụ buôn người mà được ngân hàng tại Việt Nam tài trợ.
Ðại Sứ Kirk cho biết ông rất quan tâm tới sự minh bạch của hệ thống luật pháp và các vấn đề quyền lợi của người lao động. Ông nói ông cũng quan tâm tới thương mại trên mạng và với vấn đề Việt Nam đặt tường lửa gây khó khăn cho các trang mạng.
Tuy nhiên, vì Việt Nam cứ hứa cải thiện nhân quyền rồi sau đó không thực hiện, Dân Biểu Sanchez đặt vấn đề với Ðại Sứ Kirk là nên bắt Việt Nam thực hiện trước rồi mới ký. Tuy Ðại Sứ Kirk không trả lời rõ ràng về đề nghị này, nhưng theo bà Sanchez, “Chúng ta vẫn có thể đặt điều kiện vào các hiệp định mậu dịch để các nước sẽ gặp khó khăn nếu không thực hiện những điều họ hứa.”
Ðề tài này được nhắc lại một lần thứ nhì trong cuộc điện đàm, khi ký giả Vanessa White báo Viễn Ðông hỏi bà Sanchez nghĩ gì về ý kiến cho rằng càng mậu dịch nhiều thì càng dễ dẫn tới dân chủ.
Bà Sanchez đồng ý có bằng chứng ở một số nơi rằng khi hệ thống kinh tế tư bản càng phát triển thì người dân càng đòi hỏi thêm tự do. Tuy nhiên, bà nói “đối với tôi, trong trường hợp Việt Nam, chúng ta thấy ngược lại, là có sự đàn áp nhân quyền sau PNTR, WTO, Hội Ðồng Bảo An, v.v...”
“Nếu tôi là tổng thống, tôi sẽ đòi hỏi họ cải thiện trước khi ký. Ðó là điều tôi nói với ông Kirk, nhưng câu trả lời của ông không rõ ràng,” bà nói.
Trả lời cơ quan truyền thông Chúa Cứu Thế về những gì Hoa Kỳ có thể làm được khi Việt Nam bắt giữ người đối kháng, Dân Biểu Sanchez cho biết bà và văn phòng bà làm việc trực tiếp với Tòa Ðại Sứ Mỹ tại Việt Nam để vận động cho tự do. “Nhiều khi các nhà ngoại giao của chúng ta đến gặp những người bị bắt, có khi gặp họ ở nhà nếu bị quản thúc tại gia, và có cả trường hợp gặp họ trong tù.”
Dân Biểu Sanchez cũng vận động đưa Việt Nam trở vào danh sách CPC. “Chúng ta có CPC thời Tổng Thống Bush, nhưng rồi khi tới vụ WTO thì Tổng Thống Bush rút tên Việt Nam ra khỏi CPC. Chúng tôi đang vận động Bộ Ngoại Giao và Ngoại Trưởng Clinton để đặt Việt Nam vào lại.”
Ðại Sứ Kirk, đại diện mậu dịch Hoa Kỳ, là cựu thị trưởng Dallas. Chức vụ Ðại diện Mậu dịch Hoa Kỳ là một chức vụ ngang hàng bộ trưởng nhưng không nằm trong nội các.

0 comments:

Powered By Blogger