Dư luận Trung Quốc đang xôn xao về vụ 200.000 người ở tỉnh Sơn Đông bị cưỡng ép sử dụng thử một số thuốc lâm sàng không rõ nguồn gốc.
Theo Tân Hoa xã ngày 10.1, những người phải uống thuốc là cán bộ cấp thấp và người dân ở huyện Lâm Cù. Trong số thuốc họ uống, có loại không có tên hay nhãn mác gì, có loại thì người uống không rõ do ai sản xuất, được kiểm định chưa. Sau khi thông tin này được công bố, nhiều cư dân mạng Trung Quốc cho rằng những người này đã bị ép làm “chuột bạch” bất đắc dĩ.
Không biết vì sao
Chính quyền Lâm Cù chia 200.000 người nói trên thành 2 nhóm, mỗi nhóm gồm 100.000 người ở 250 thôn. Trong đó, nhóm 1 phải sử dụng một loại thuốc chưa rõ nguồn gốc, không có tên và được cho là có tác dụng trị xoắn khuẩn Helicobacter pylori. Nhóm 2 được cho uống các loại thuốc trị bệnh đường tiêu hóa và kháng sinh bao gồm omeprazole, tetracycline, metronidazole và bismuth. Tân Hoa xã dẫn lời một số người tỏ ra rất ngạc nhiên vì họ hoàn toàn khỏe mạnh và Sở Y tế địa phương cũng không nói rõ tại sao họ được phát thuốc và ép uống đều đặn.
Chỉ đơn cử riêng thôn Đậu Gia ở huyện này hiện vẫn đang có 80 người tuổi từ 25-55 phải uống thuốc do chính quyền phát. Trước đó, tất cả những người này đều được cho xét nghiệm máu, kiểm tra hơi thở và làm một số xét nghiệm khác. “Lấy máu làm gì không biết, uống thuốc gì cũng không biết. Phải uống liền 10 ngày, không được ngưng và không được uống rượu bia trong thời gian đó. Chúng tôi uống xong thấy có một số phản ứng như nhức đầu, buồn nôn…”, một người dân cho Tân Hoa xã hay.
Mặt khác, những người bị chọn dùng thuốc được cấp một khoản tiền hỗ trợ nhưng số tiền này đang do Sở Y tế Lâm Cù “cất giữ cẩn thận”.
|
“Điều trị” miễn phí
Sau khi vụ việc bị báo giới Trung Quốc phanh phui, chính quyền Lâm Cù đã lên tiếng giải thích. Ngày 9.1, ông Lưu Vệ Đông, người đứng đầu Cơ quan phòng chống và chữa ung thư dạ dày thuộc Sở Y tế địa phương, tuyên bố đây là chiến dịch phòng chống ung thư dạ dày miễn phí. Ông này còn khẳng định những người uống thuốc đều ký một bản cam kết tình nguyện sử dụng thuốc thử nghiệm.
Theo điều tra của báo Dương Thành, huyện Lâm Cù là một trong những khu vực có tỷ lệ người mắc bệnh dạ dày cao nhất nước với 95% người từ 40 tuổi trở lên có bệnh. Vì vậy, ông Lưu Vệ Đông cho biết Cơ quan phòng chống và chữa ung thư dạ dày đã cho triển khai hoạt động thử thuốc trên và được nhiều người dân “tình nguyện hưởng ứng”. Trong đó, nhiễm xoắn khuẩn Helicobacter pylori được cho là một trong những nguyên nhân chính gây ung thư và các bệnh dạ dày khác. Theo ông Lưu, từ tháng 6.2010, nhà chức trách đã phát động chiến dịch xóa bỏ nhiễm Helicobacter pylori quy mô lớn với sự góp mặt của nhiều chuyên gia uy tín trong nước và quốc tế.
Đến tháng 3.2011, chính quyền Lâm Cù ra công văn yêu cầu trong 2-3 năm tới, phải tiến hành chữa miễn phí nhiễm Helicobacter pylori cho 200.000 người ở độ tuổi từ 25-54, sau đó sẽ tiếp tục quan sát họ trong vòng năm 5-10 năm để xem kết quả. Ông Lưu Vệ Đông cũng cho biết hoạt động này do Bộ Y tế kết hợp Bộ Khoa học kỹ thuật quốc gia tổ chức. Những người được chữa bệnh phải dùng omeprazole, tetracycline, metronidazole và bismuth. Tuy nhiên, ông Lưu khẳng định 4 loại thuốc đều đã qua giai đoạn thí nghiệm lâm sàng nên không cần người làm “chuột bạch”. Quan chức này cũng phủ nhận việc cưỡng ép người dân và nói những ai không đồng ý đều không bị gây khó dễ gì.
Tuy nhiên, những phát ngôn của ông Lưu thật khác xa với những gì mà người dân huyện Lâm Cù kể với báo giới. Mặt khác, nhà chức trách cũng không đề cập gì tới loại thuốc trị Helicobacter pylori không rõ nguồn gốc mà người dân phải uống. Truyền thông Trung Quốc dẫn lời giới chuyên gia nhận định những gì xảy ra ở Lâm Cù rất giống một cuộc thử nghiệm thuốc với 2 nhóm: một nhóm sử dụng thuốc cần thử, nhóm còn lại uống các loại thuốc đã có trên thị trường để so sánh kết quả. Vì thế, có ý kiến tỏ ra nghi ngờ liệu giới chức y tế địa phương có quan hệ mờ ám với một hãng dược nào đó hay không.
Ngọc Bi
http://www.thanhnien.com.vn/dem-nguoi-dan-ra-lam-chuot-bach.aspx
0 comments:
Post a Comment