Wednesday, January 25, 2012

Sóng Ngầm Biển Đông

Cuộc Chạy Đua Vũ Khí Sắp Tới

Toshi Yoshihara & James R. Holmes – PBD dịch

…sẽ là dưới mặt biển, theo lời Toshi YoshiharaJames R. Holmes, và sẽ có tác động chính trị cho toàn vùng Á Châu Thái Bình Dương.

Một cuộc chạy đua vũ khí hải quân đang tăng dần tốc độ trong vùng Á Châu Thái Bình Dương. Cuộc chạy đua này sẽ không giống như lần chạy đua tại Âu Châu cách đây hơn một thế kỷ, khi các cường quốc đều cố hơn nhau về số lượng và trọng tải chiến hạm. Ngày nay, một phần chính của cuộc cạnh tranh hải quân này đang diễn ra trong thế giới chiến tranh dưới mặt biển đục ngầu mà, thay vì các chiến hạm trang bị đại bác vốn đã trở thành biểu tượng của cuộc chạy đua vũ trang trước Thế Chiến I, các quốc gia trong thập niên tới đây sẽ hạ thủy các loại tiềm thủy đĩnh nhỏ, trông có vẻ khiêm nhượng không bề thế.

Do đó, cỡ súng và trọng tải chiến hạm sẽ không phải là các tiêu chuẩn đo lường sức mạnh trên biển. Mà thay vì thế, các thủ đô tại Á Châu sẽ đầu tư vào các đặc điểm tinh vi về kiểu vỏ tàu, chân vịt và các hệ thống động cơ đẩy tàu dưới nước nhằm đạt được tối đa khả năng về ẩn mình lén lút và bền bỉ của các con tàu truy sát yên lặng này. Các khuynh hướng hiện nay cho thấy chiến tranh tiềm thủy đĩnh sẽ là một kỹ nghệ tăng trưởng mạnh tại Á Châu, trở thành một đặc điểm rõ rệt của thế quân bình quân sự vùng trong thập niên tới.

Vậy thì tại sao họ lại theo đuổi một chương trình tiềm thủy đĩnh? Lý do chính là vì tiềm thủy đĩnh đem lại các lợi thế hoạt động hấp dẫn đối với các nhà hoạch định hải quân Á Châu. Tiềm thủy đĩnh là phương tiện lý tưởng nhất để đánh chìm tàu buôn và bóp nghẹt hoạt động thương mại đường biển. Với hiện trạng là đa số các quốc gia Á Châu đều dựa vào mậu dịch đường biển, chiến tranh dưới mặt biển lợi dụng các nhược điểm trọng yếu của các hệ thống kinh tế kết hợp. Cuộc chiến tranh tàu ngầm không hạn chế của hải quân Đức (chống lại Anh Quốc) và Hoa Kỳ (chống lại Nhật Bản) trong Thế Chiến II tiêu biểu cho tiềm năng tấn công thương mại. Tiềm thủy đĩnh cũng đe dọa đến chiến hạm nổi. Khi được sử dụng để phòng thủ, một hạm đội tiềm thủy đĩnh chặn đường có thể lập thành một vùng cấm hải không tàu nào có thể lai vãng, và kết quả là không để cho một lực lượng hải quân thù nghịch kiểm soát được các vùng biển này. Nếu được sử dụng để tấn công, tiềm thủy đĩnh tấn công có thể dọn sạch một khu vực trên biển không có tàu địch để chính ta kiểm soát vùng biển đó.

Các yếu tố chiến lược khác còn tạo thêm các động lực khác để khuyến khích phát triển tiềm thủy đĩnh. Giới thủy thủ tiềm thủy đĩnh nói rằng phương tiện chống tiềm thủy đĩnh hữu hiệu nhất chính là bằng một tiềm thủy đĩnh khác. Theo lý luận đó, hải quân các nước thường cảm thấy bắt buộc phải cạnh tranh ‘đối xứng” với những nước có thể trở thành địch thủ, gia tăng số lượng tiềm thủy đĩnh lên ngang nhau từng chiếc một. Do đó, cuộc chạy đua về tiềm thủy đĩnh có thể nhanh chóng trở thành cuộc chạy đua về con số tàu ngầm mất đi và tăng thêm của mỗi bên, theo đó khi một bên có nhiều tiềm thủy đĩnh hơn thì bên kia bị xem là lâm vào thế bất lợi trầm trọng. Và vì chỉ có một vài cường quốc mới có đủ khả năng tài chánh mở cuộc chiến hàng không mẫu hạm, tiềm thủy đĩnh là cách giúp cho các nước yếu hơn có một giải pháp kham nổi về mặt tài chánh để thi triển sức mạnh ngoài biển–mà nếu không thì sẽ không có khả năng này. Vậy thì chẳng có gì là ngạc nhiên khi bắt đầu thấy các hạm đội tiềm thủy đĩnh trong vùng này.

Ai cũng biết Hải Quân Nga bố trí hạm đội tiềm thủy đĩnh ngay trong vùng Đông Á, dù chỉ vì hạm đội này thừa kế Hạm Đội Thái Bình Dương nổi tiếng của Liên Xô cũ. Xét thuần về số lượng, Hải Quân Liên Xô duy trì một hạm đội tàu ngầm kinh hãi–tính đến đầu thập niên 1970, Hải Quân Liên Xô có khoảng 300 tiềm thủy đĩnh tấn công chạy bằng nguyên tử lực (SSNs) hoặc tiềm thủy đĩnh nguyên tử trang bị hỏa tiễn có hệ thống hướng dẫn đến mục tiêu, cùng với 50 tiềm thủy đĩnh nguyên tử trang bị hỏa tiễn vòng cầu liên lục địa (SSBNs). Để so sánh, toàn bộ Hải Quân Hoa Kỳ có chưa đến 500 chiếc tính đến cuối thập niên 1970, trước khi có nỗ lực tái củng cố trong thập niên 1980.

Mặt khác, các tiềm thủy đĩnh của Liên Xô thường có nhiều hạn chế về địa lý, kỹ thuật và nhân sự. Tuy số lượng tự nó là một phẩm chất, nhưng như Đô Đốc Hạm Đội Sergei Gorshkov(1) vẫn hay nói (giống như Josef Stalin), số lượng không phải là tất cả. Vòng cung phía bắc của ‘dãy đảo đầu tiên’ bao bọc bờ biển của Nga tại Đông Á, tạo thành một vòng đai phòng thủ có sẵn để chống lại lực lượng tiềm thủy đĩnh thù nghịch. Và thật ra, các lực lượng chống tiềm thủy đĩnh của Nhật và Hoa Kỳ đã tận dụng khéo léo địa hình hải dương. Trong khi tàu ngầm của Liên Xô vượt trội hơn đối thủ Tây Phương của họ trong vài lãnh vực–chẳng hạn như tàu được đóng chắc chắn có sức chịu được áp lực cao, và do đó có thể lặn sâu hơn–nhưng cũng ồn ào hơn. Vì thế, tàu ngầm của Liên Xô tương đối dễ bị các chuyên viên dò sóng âm thanh của Tây Phương phát hiện. (Một thủy thủ tiềm thủy đĩnh hồi hưu của Hoa Kỳ so sánh tiếng ồn của tàu ngầm loại cũ của Liên Xô nghe như hai bộ xương đang làm tình với nhau trong một thùng rác bằng kim loại.)

Tiếng ồn của máy móc làm mất đi khả năng ẩn mình lén lút–đặc tính quan trọng nhất của bất cứ tiềm thủy đĩnh nào. Hơn nữa, lực lượng tiềm thủy đĩnh, cũng như các loại chiến hạm khác của Hải Quân Liên Xô, đã bị sút kém trầm trọng về khả năng hải hành và các khả năng khác so với thủy thủ tàu ngầm của Hoa Kỳ và Nhật Bản. Không phải tự nhiên mà thủy thủ tiềm thủy đĩnh của Tây Phương lại khoe khoang là họ thường qua mặt được các tàu ngầm của Liên Xô như thế nào trong trò chơi mèo vờn chuột trong thời Chiến Tranh Lạnh ngoài khơi. Hải Quân Nga ngày nay cũng vẫn bị cùng các trở ngại này. Trong số ba nguyên tắc được nêu ra ở trên thì các trở ngại về địa lý không thể thay đổi được. Hạm Đội Thái Bình Dương của Nga, như hiện giờ, vẫn phải đối phó với một dãy đảo ngoài khơi. Xét từ quan điểm vật chất, các khó khăn kinh tế sau Chiến Tranh Lạnh đã hủy hoại hải quân Nga. Thật ra, một phần viện trợ của Hoa Kỳ cho Nga sau khi Liên Xô sụp đổ đã giúp tháo gỡ các tiềm thủy đĩnh nguyên tử của Liên Xô nằm gỉ sét bên cầu tàu. Vụ tai nạn làm chìm chiếc SSGN Kursk loại Oscar II vào năm 2000 và vụ cháy chết người trên chiếc tiềm thủy đĩnh tấn công Nerpa loại Akula–hiện đang thử hải hành ngoài khơi trước khi cho Ấn Độ thuê dài hạn–là những điềm gở đáng lo ngại cho Moscow.

Do đó, mặc dù viễn ảnh kinh tế của Nga khá hơn trong thời kỳ giá dầu tương đối cao này, vẫn không có gì chắc chắn là Hải Quân Nga hồi phục được sau những ngày mà thủy thủ Nga đã phải bán đi những phần đồng phục để mua thực phẩm, như họ đã từng phải làm như thế trong thập niên 1990. Tinh thần, khả năng kỹ thuật và chiến thuật đều cần thời gian để gầy dựng lại sau những lần tổn hại như vậy. Và Hạm Đội Thái Bình Dương của Nga nay chỉ bằng được một phần ngày xưa xét về các tiêu chuẩn vật chất như số lượng và khả năng. Trong số 23 tiềm thủy đĩnh chiến lược và chiến thuật tại các căn cứ Thái Bình Dương, 10 chiếc được cất làm trừ bị, trong khi tình trạng vật chất của ngay cả những chiếc đang hoạt động cũng đáng ngờ. Hải Quân Đại Tá Alfred Thayer Mahan, viện trưởng thứ nhì của Học Viện Chiến Tranh Hải Quân Hoa Kỳ, đã viết rằng một chính quyền độc tài chuyên chế có thể thành lập một lực lượng hải quân hùng mạnh thật nhanh chóng, nhưng hạm đội đó cũng có thể tàn tạ nhanh chóng nếu chính quyền đó xao lãng. Nếu Mahan nói đúng, Nga sẽ vẫn là cường quốc hải quân hạng nhì tại Thái Bình Dương trong tương lai trước mắt.

Trong khi đó, Lực Lượng Tự Vệ Hải Dương của Nhật (MSDF), bố trí một lực lượng tiềm thủy đĩnh chạy bằng dầu cặn-điện có lẽ là tối tân và có khả năng nhất thế giới. Các nhà hoạch định quốc phòng của Nhật đã duy trì hạm đội này ở mức tối tân nhất về kỹ thuật bằng cách giải nhiệm tàu theo thông lệ sớm trước thời hạn nhiều để thay bằng các loại tàu có khả năng hơn nữa. Do đó, dù số lượng tài ngầm vẫn tương đối không tăng không bớt (khoảng 16 chiếc) trong thập niên qua, MSDF đã duy trì các tiềm thủy đĩnh tối tân ở một tỷ lệ cao đáng nể. Thí dụ, loại tiềm thủy đĩnh mới nhất, Soryu(2), vượt hơn loại trước hầu như trong tất cả mọi tiêu chuẩn hoạt động. Soryu là loại tàu đầu tiên của Nhật được gắn hệ thống động cơ đẩy tàu độc lập với không khí (AIP), một kỹ thuật sử dụng bình tế bào nhiên liệu cho phép tiềm thủy đĩnh hoạt động dưới nước lâu dài trong khi giảm bớt tiếng ồn. Đây là phương tiện hoạt động dưới mặt biển đáng gờm. Tóm lại, MSDF dẫn đầu vùng này trên phương diện chiến tranh quy ước về tiềm thủy đĩnh–là tiêu chuẩn được dùng để so sánh khi xét đến các lực lượng hải quân khác tại Á Châu trong thập niên tới.

Phòng thủ hải lộ là ưu tiên hàng đầu trong chính sách hải quân của Nhật. Tình trạng gián đoạn thông thương đường biển, huyết quản của nền kinh tế Nhật Bản, là mối đe dọa đến vấn đề sinh tồn quốc gia. Không cần phải nhìn đâu xa hơn các bài học cay đắng của Thế Chiến II. Trong Cuộc Chiến Thái Bình Dương, Hải Quân Hoa Kỳ đánh đắm hơn 1.100 thủy thủ thương mại của Nhật, khiến dân trên các đảo của Nhật gần bị chết đói. Vào thời Chiến Tranh Lạnh lên cao nhất trong thập niên 1980, lực lượng tiềm thủy đĩnh của Nhật chiếm đóng các vị trí ngăn chặn dọc theo dãy đảo thứ nhất, phát giác và theo dõi các tiềm thủy đĩnh của Liên Xô muốn tìm đường ra Thái Bình Dương. Nhiều hạm trưởng của Liên Xô chọn cách quanh quẩn an toàn trong vùng Biển Nhật Bản thay vì có thể bị đánh đắm nếu bùng phát xung đột. Vì Tokyo phải đối phó với các điều kiện nhất thiết về kinh tế và chiến lược như vậy nên không có gì ngạc nhiên là tiềm thủy đĩnh chiếm ưu tiên cao trong lãnh vực quốc phòng của Nhật Bản, và sẽ tiếp tục như thế trong những năm tới.

Hải Quân Trung Cộng cũng có truyền thống lâu đời về chiến tranh dưới mặt biển. Chịu ảnh hưởng của chủ thuyết chính thống của hải quân Liên Xô, Hải Quân của Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân (PLAN) hầu như dồn hết tâm trí vào việc phòng thủ duyên hải, một nhiệm vụ rất thích hợp cho tiềm thủy đĩnh. Tư thế thiên về đất liền và phòng thủ ngoài biển của Trung Cộng thời Mao đã củng cố thêm khuynh hướng chiến đấu dưới mặt biển này. Sau cuộc xung đột bất ngờ của họ trong thập niên 1950 với các lực lượng của Đài Loan và Hoa Kỳ về các đảo ngoài khơi, trọng tâm chiến lược của Bắc Kinh được đặt vào việc đánh bại một cuộc xâm chiếm đại lục có thể xảy ra bằng đường biển. Do đó, lực lượng tiềm thủy đĩnh–cùng với các tàu tuần duyên–đã trở thành tiền tuyến phòng thủ quê nhà và trực thuộc hoạt động của lục quân. Cơ cấu hải quân Trung Cộng trong suối thời Chiến Tranh Lạnh cho thấy ưu tiên này và đến thập niên 1980, Bắc Kinh không những đã hạ thủy các tiềm thủy đĩnh chạy bằng nguyên tử lực mà còn có một hạm đội tàu ngầm lớn nhất Á Châu.

Ngày nay, lực lượng tàu ngầm của Trung Cộng vẫn hì hục dưới gánh nặng của di sản Chiến Tranh Lạnh này. Đại đa số các tiềm thủy đĩnh của nước này, bắt chước các kiểu của Liên Xô trong thập niên 1950 và 1960, đều đã lỗi thời theo tiêu chuẩn Tây Phương. Nhưng cũ kỹ chỉ là một khía cạnh đo lường hiệu quả. Một chiếc tiềm thủy đĩnh nằm đúng chỗ, dù là ọp ẹp, có thể rình rập để phục kích các chiến hạm địch đi ngang đó. Điển hình là cuộc khủng hoảng tại Eo Biển Đài Loan năm 1996 khi Tổng Thống Bill Clinton phái hai hạm đội hàng không mẫu hạm đến biểu dương lực lượng. Khi cuộc đối đầu ngang eo biển này lên cực điểm, các nhà hoạch định quốc phòng Hoa Kỳ đã lo lắng về khả năng của Bắc Kinh có thể bố trí phần lớn hạm đội tiềm thủy đĩnh của họ tại các vùng biển gần đảo này. Dù Hải Quân Hoa Kỳ có ưu thế vượt trội về hoạt động và kỹ thuật đối với hải quân Trung Cộng, các hạm trưởng Hoa Kỳ vẫn thực sự lo lắng về tiềm năng bố trí tiềm thủy đĩnh của PLAN.

Tại sao? Khả năng chiến tranh chống tiềm thủy đĩnh (ASW) của Hoa Kỳ là một nghệ thuật chiến dịch đã suy yếu sau thời Chiến Tranh Lạnh. ASW vẫn là một trong các sứ mạng khó khăn nhất đối với bất cứ hải quân nước nào. Gánh nặng nghiêng nặng hơn lên vai bên nào phải truy tầm, phát giác và tiêu diệt tiềm thủy đĩnh để bảo đảm có được mức an toàn chấp nhận được ngoài biển. Ngược lại, chiếc tiềm thủy đĩnh khôn khéo chỉ cần bảo đảm bắn trúng một trái ngư lôi duy nhất vào mục tiêu chính là đủ để tác hại vật chất lẫn tinh thần của hạm đội địch. Bản chất phi đối xứng của chiến tranh dưới mặt biển có nghĩa là không có hạm trưởng nào xứng đáng trong chức vụ của họ lại coi thường mối đe dọa từ tiềm thủy đĩnh–bất luận tàu ngầm của địch có cũ kỹ đến đâu. Chỉ riêng số lượng tiềm thủy đĩnh của Trung Cộng cũng đủ làm tăng thêm mức độ bất cân xứng này.

Bắc Kinh đã thực hiện một chương trình tân tiến hóa hải quân cách đây hơn mười năm kể cả hạm đội tiềm thủy đĩnh. Trong thập niên 1990, Trung Cộng đã hai lần mua các tiềm thủy đĩnh chạy bằng dầu cặn-điện loại Kilo của Nga có trang bị loại ngư lôi nhắm theo sóng rẽ nước của chân vịt thật nguy hiểm và rất khó tránh. Tiềm thủy đĩnh Kilos cũng được trang bị hỏa tiễn phi hành tấn công đối địa và hỏa tiễn phi hành chống hạm. Đã từng có lần tưởng như chương trình này đã bị thất bại vì các khó khăn kỹ thuật, tiềm thủy đĩnh tấn công chạy bằng dầu cặn loại Tống(3) do Trung Cộng chế tạo đã bắt đầu được sản xuất hàng loạt đầu thập niên này. Chứng tỏ được các tiến bộ đáng nể trong lãnh vực kỹ nghệ quân sự của Trung Cộng, các tiềm thủy đĩnh có khả năng này đã được chế tạo nhanh chóng với nhịp độ hai chiếc mỗi năm. Tiềm thủy đĩnh tấn công chạy bằng dầu cặn loại Yuan(4) được hạ thủy vào năm 2004 mà xem ra đã làm cho cơ quan tình báo Hoa Kỳ phải ngạc nhiên. Nghe nói tiềm thủy đĩnh loại Nguyên kết hợp các đặc điểm lợi hại nhất của loại Kilo Tống và còn có thể được trang bị hệ thống động cơ đẩy tàu độc lập với không khí nội hóa. Theo dự liệu thì Trung Cộng sẽ hạ thủy các tiềm thủy đĩnh tấn công chạy bằng nguyên tử lực (SSNs) loại Thượng và do đó còn tăng thêm khả năng tấn công cho hạm đội này.

Bốn loại tiềm thủy đĩnh tấn công tối tân này chiếm một phần ba toàn bộ lực lượng dưới mặt biển của Trung Cộng. Trong thập niên tới, khi PLAN tung ra các phương tiện mới, đa số tiềm thủy đĩnh của nước này sẽ là loại tân tiến. Với đà này, trễ nhất là đến năm 2015 thì hải quân nước này sẽ đảo ngược mức suy giảm nặng nề về số lượng chung của hạm đội của họ khi hoàn tất công việc giải nhiệm hàng loạt các tàu cũ. Trễ nhất là đến năm 2020 thì hạm đội của họ sẽ không những mới hơn mà còn bù đắp được cho những khoản cắt giảm nặng nề về số lượng từ khi chấm dứt Chiến Tranh Lạnh.

Không chịu thua kém, các nước nhỏ hơn tại Á Châu cũng đã tham gia cuộc chạy đua tiềm thủy đĩnh. Hồi đầu thập niên 1990, Nam Triều Tiên đã bắt đầu chế tạo chiếc đầu tiên trong chín chiếc tiềm thủy đĩnh tối tân dựa trên Loại 209 của Đức, hoàn tất loạt tàu này trong vòng mười năm. Mới đây Hán Thành đã đặt mua sáu chiếc thuộc Loại 214 của Đức để thêm vào ba chiếc đang hoạt động. Sau khi hoàn tất vụ mua Loại 214 này thì sẽ xem như tăng gấp đôi số tiềm thủy đĩnh của họ. Nam Triều Tiên cũng hoạch định thiết kế và chế tạo từ đầu thêm chín tiềm thủy đĩnh nữa thuộc thế hệ sau. Được dự định hạ thủy vào đầu thập niên 2020, các tiềm thủy đĩnh mới này sẽ có trọng tải gấp đôi Loại 214 và có khả năng tấn công đối địa trong khi đang lặn dưới nước. Chính thức thì Bắc Triều Tiên là mục tiêu của họ. Tuy nhiên, tiềm năng hoạt động ra xa ngoài khơi của tất cả ba loại tiềm thủy đĩnh này tiếp tục gây ra đồn đoán là Hán Thành có thể chuẩn bị xa hơn cho thời hậu thống nhất, khi mà một số chiến lược gia tiên liệu sẽ có gia tăng căng thẳng với Nhật Bản ngoài khơi.

Trong khi đó, kể từ khi họ mua hai chiếc tiềm thủy đĩnh loại Zwaardvis của Hòa Lan trong thập niên 1980, Đài Loan đã hầu như bị cấm vận mua thêm ở ngoại quốc, vì Trung Cộng phản đối mãnh liệt những vụ chuyển giao kỹ thuật hải quân nhạy bén. Vào Tháng Tư 2001, Tổng Thống President George W. Bush đã phê chuẩn một vụ bán vũ khí khổng lồ, gây nhiều tranh cãi mà trong đó có cả tám chiếc tiềm thủy đĩnh chạy bằng dầu cặn-điện. Nhưng nền chính trị trong nước của đảo quốc này, thực trạng là Hoa Kỳ không còn chế tạo tiềm thủy đĩnh quy ước nữa, và áp lực nặng nề của Trung Cộng đối với các thành phần thứ ba đã làm đình chỉ đề nghị bán vũ khí này. Tuy không rõ là Đài Bắc có sẽ bao giờ nhập cảng hay chế tạo tiềm thủy đĩnh hay không, nỗ lực có vẻ kiên trì của Đài Loan và cứng rắn của Trung Cộng cho thấy rõ mọi bên đều xem trọng giá trị của tiềm thủy đĩnh trong trường hợp xảy ra chuyện bất ngờ giữa hai đầu eo biển này.

Tại Đông Nam Á, những nước giáp biển có khả năng tài chánh hạn chế đã dần dần chọn chiến tranh dưới mặt biển. Theo đường lối có phương pháp tiêu biểu của thành phố quốc gia, Singapore đã mua bốn tiềm thủy đĩnh tân trang của Thụy Điển trong thập niên 1990, để luyện tập khả năng thông thạo của hạm đội của họ trước khi quyết định mua các tàu tối tân hơn. Trong năm 2005, Singapore đã thỏa thuận mua hai chiếc tiềm thủy đĩnh cũ loại Archer của Hải Quân Thụy Điển. Dự liệu sẽ hoạt động vào năm 2010, các tiềm thủy đĩnh này sẽ được trang bị kỹ thuật AIP và các hệ thống ngư lôi tối tân. Các nước láng giềng của họ cũng tham gia cuộc chạy đua này. Malaysia mua tiềm thủy đĩnh loại Scorpene của Pháp, trong khi Indonesia ký thỏa thuận mua tiềm thủy đĩnh loại Kilo của Nga. Ngay cả Việt Nam, một nước thường có chiến tranh trên bộ, nghe nói đã thương lượng mua của Nga sáu chiếc loại Kilos(6).

Xa hơn nữa về phía nam, Úc đã có một chương trình đầy tham vọng nhằm thay mới sáu tiềm thủy đĩnh loại Collins của họ, chiếc đầu tiên được ấn định lịch trình giải nhiệm vào năm 2025. Canberra dự định tăng gấp đôi số lượng hạm đội của họ, hạ thủy dần dần mười hai chiếc tiềm thủy đĩnh thế hệ sau có trang bị hỏa tiễn phi hành và các hệ thống AIP. Số tiềm thủy đĩnh thay mới này theo dự liệu sẽ tốn hơn 25 tỷ Úc kim trong mười lăm năm tới, khiến nỗ lực tân tiến hóa quân sự này là nỗ lực tốn kém nhất trong lịch sử Úc. Trong một hành động cho thấy rõ Úc xem mối đe dọa ngoài khơi như thế nào, các chiến lược gia Úc nêu ra tình trạng gia tăng tiềm thủy đĩnh nhanh chóng tại Á Châu là lý do chính bắt họ phải có khoản đầu tư khổng lồ này.

Và câu chuyện chiến tranh dưới mặt biển tại Á Châu sẽ không đầy đủ nếu không kể đến Ấn Độ, một cường quốc đang lên có tham vọng riêng của họ dưới mặt biển và họ thấy cần phải đối phó với mối đe dọa từ Trung Cộng. Cách đây không lâu, một đô đốc hồi hưu đã nói thẳng thắng là Tân Đề Li(7) không thể chấp nhận việc Trung Cộng bố trí tiềm thủy đĩnh nguyên tử trong Ấn Độ Dương. Tại sao lại có chuyện thẳng thắn như vậy? Từ lâu Ấn Độ vẫn tự xem là cường quốc hàng đầu trong Ấn Độ Dương, và họ theo đuổi một học thuyết là nhiều người trong số các chiến lược gia Ấn Độ gọi rõ ra là ‘Học Thuyết Monroe.’(8) Xét về mặt chiến lược và hoạt động, điều này có nghĩa là Tân Đề Li muốn thành lập (hoặc mua từ ngoại quốc) một lực lượng hải quân vượt trội hơn lực lượng hải quân ngoại quốc lớn nhất có thể được đưa vào vùng biển này. Tuy các lãnh tụ Ấn Độ không tỏ ra lo ngại gì về sự hiện diện của hải quân Hoa Kỳ, mà chỉ xem là vô hại nếu không muốn nói là có lợi, Trung Cộng lại là chuyện khác.

Vì thế, Hải Quân Ấn Độ đang theo đuổi cả SSBNs(9) lẫn SSNs(10), nhưng tính đến giờ thì chỉ thành công một phần. Về mặt răn đe bằng vũ khí nguyên tử thì Ấn Độ kém thế rõ rệt so với Trung Cộng, vì Trung Cộng có thể phóng hỏa tiễn vòng cầu liên lục địa từ đất liền đến tất cả mọi nơi trong Ấn Độ và đã mở một căn cứ tiềm thủy đĩnh tại Tam Á, trên Đảo Hải Nam. (Hải Quân Trung Cộng nay có loại SSBN có thể sử dụng, Loại 094. Loại tàu ngầm mới này tiêu biểu cho mức cải tiến từng phần của lực lượng vũ khí nguyên tử răn đe của Trung Cộng đối với Ấn Độ. Còn Tân Đề Li nếu có loại SSBN hoạt động được thì sẽ thay đổi hẳn thế cờ, lần đầu tiên giúp cho họ đe dọa được toàn bộ lãnh thổ Trung Cộng.) Hiệu năng của ngành kỹ nghệ quốc phòng Ấn Độ về kỹ thuật liên quan đến SSBN thì nhiều nhất cũng chỉ có thể nói là chập choạng chưa vững, kể cả các lò phản ứng nguyên tử cho tàu hải quân, hỏa tiễn vòng cầu liên lục địa phóng từ tiềm thủy đĩnh, và đầu đạn đủ nhỏ để gắn vào hỏa tiễn. Ấn Độ có thể giải quyết được một số khó khăn này trong thập niên tới, nhưng ngay cả các SSBNs hoạt động được của Ấn Độ cũng sẽ phải tuần tra ngoài khơi phía Đông Á thì mới đe dọa được các mục tiêu của Trung Cộng như Bắc Kinh. Trường hợp này sẽ tạo ra một tình thế năng động đáng kể trong môi trường hải dương Á Châu, khi các SSBNs của Ấn Độ đi qua Biển Đông và lảng vảng ngoài khơi phía bờ biển Trung Cộng.

Viễn ảnh tiềm thủy đĩnh không thuộc chiến lược thì sáng sủa hơn phần nào. Hải Quân Ấn độ đã bố trí tiềm thủy đĩnh loại Kilos do Nga chế tạo và đang chế tạo loại Scorpenes theo hợp đồng với chính phủ Pháp, trong khi mới trong năm nay họ đã hạ thủy chiếc SSN nội hóa đầu tiên, chiếc Arihant. Chiếc này sẽ mở các cuộc hải hành thử ngoài khơi trước khi gia nhập hạm đội để chính thức hoạt động. Như đã nói, hải quân Ấn Độ cũng đã thuê dài hạn chiếc Nerpa từ Nga để làm phương tiện huấn luyện thủy thủ tiềm thủy đĩnh của họ, vốn không có nhiều kinh nghiệm sử dụng các lò phản ứng nguyên tử trên tàu kể từ thập niên 1980, là lần cuối Ấn Độ thuê một chiếc SSN từ Liên Xô. Tính đến 2020 thì hạm đội tiềm thủy đĩnh của Ấn Độ sẽ có hiệu quả đến mức nào? Phải cần thêm một thời gian mới biết được. Cũng như Hải Quân Nga, Hải Quân Ấn Độ là lực lượng hải quân của một cường quốc trên đất liền, dù là một nước dân chủ tự xem đang bị đe dọa, và do đó có thể kiên nhẫn chú ý đến hoạt động hải quân lâu dài ngoài khơi hơn. Các tiêu chuẩn để theo dõi sẽ gồm (a) lượng thời gian hải hành của các tàu Ấn Độ, cách duy nhất để thủy thủ tiềm thủy đĩnh trở nên thông thạo việc sử dụng tàu ngầm của họ; (b) phúc trình các tai nạn, khiếm khuyết kỹ thuật, hoặc sai lầm nhân sự; và (c) hiện năng chiến đấu, nếu xảy ra xung đột ngoài biển.

Nhưng đợt mua tiềm thủy đĩnh này gây ra một thắc mắc đáng lo ngại về tương lai của nền ổn định hải dương tại Á Châu. Về mặt địa lý thì đối thủ dưới mặt biển tương đối đơn giản trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh. Trái lại, đến năm 2020 thì Á Châu sẽ có hơn một trăm tiềm thủy đĩnh tối tân chạy bằng dầu cặn-điện. Ít nhất là hải quân của mười nước–hoạt động theo các giả định chiến lược và nhận xét khác nhau về mối đe dọa –sẽ tranh giành ảnh hưởng địa lý chính trị bên dưới mặt đại dương. Do đó mà sẽ bắt đầu hình thành một tình hình mới và phức tạp hơn về sức mạnh hải dương chưa từng thấy trước đây trong các vùng biển Á Châu. Các vùng biển quanh các đảo của Nhật về phía bắc và quần đảo Philippine về phía nam sẽ trở thành khu vực tranh giành và khó khăn hơn bao giờ hết. Vấn đề đang nhìn thấy mọi nước gia tăng lực lượng tiềm thủy đĩnh lúc đầu có sẽ đưa đến thêm những lần tăng cường dữ dội nữa sau đó tại khắp vùng biển Á Châu hay không thì chưa biết được ngay, nhưng mức chi tiêu ồ ạt cho chiến tranh dưới mặt biển cho thấy yếu tố tác động và phản động đang có sẵn đó để thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ khí trong toàn vùng như mọi cuộc chạy đua vũ khí khác đã từng thấy.

Các lực lượng hải quân Á Châu rõ ràng nhất quyết gia tăng mức chính xác và hiệu năng tàn phá của hỏa lực phóng từ các tiềm thủy đĩnh của họ. Hầu như tất cả các loại tiềm thủy đĩnh ngày nay đều, hoặc sẽ, được trang bị hỏa tiễn phi hành tầm dài đối địa và chống hạm. Các loại vũ khí có sức công phá dữ dội này cho thấy là nhiều lực lượng hải quân không phải chỉ đang nghĩ đến sứ mạng truyền thống là kiểm soát vùng biển và cấm lai vãng tại vùng biển này mà còn nhằm tấn công vào đất liền. Viễn ảnh các tiềm thủy đĩnh ẩn hình lén lút gây chiến trực tiếp đến quê nhà của bên nào đó, có thể không hề báo trước, đã gây lo ngại cho các chính quyền trong vùng này. Nhiều thành phố duyên hải của Á Châu, động cơ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, có thể trở thành các mục tiêu đem lại nhiều thắng lợi cho đối thủ khi mở chiến dịch tấn công bằng quân sự. Vấn đề đáng ngại không kém là các nước yếu hơn vốn thiếu các phương tiện truyền thống để thi triển lực lượng nay cũng có thể mở các cuộc tấn công phủ đầu vào các căn cứ quân sự và chiến hạm đang thả neo.

Một khuynh hướng chính khác là việc kết hợp các hệ thống động cơ đẩy tàu độc lập với không khí trên đa số các tiềm thủy đĩnh mới hơn. Vì thế, ảnh hưởng tương quan giữa chiến tranh tàu ngầm và chống tàu ngầm có thể còn gia tăng cường độ hơn nữa. Một hậu quả có thể xảy ra là các lực lượng hải quân của những nước có nhiều tiền càng nỗ lực phát triển thêm các phương tiện ASW(11) (và có khả năng hơn nữa). Các hạm đội này rất có thể xúc tiến việc trang bị các đơn vị không hành hải quân từ bờ và từ hàng không mẫu hạm chuyên về hoạt động chống tàu ngầm trong những năm tới. Thật ra, mối đe dọa mới từ tiềm thủy đĩnh đang thúc đẩy MSDF(12) của Nhật muốn có các hàng không mẫu hạm trực thăng lớn hơn cho các chiến dịch truy tầm tiềm thủy đĩnh. Việc phát triển hàng không mẫu hạm của Nhật lại có thể thúc đẩy một chu kỳ chạy đua mới giữa các hạm đội nổi có mục đích kiểm soát vùng biển. Nói cách khác, một cuộc chạy đua vũ khí tiềm thủy đĩnh có thể dễ dàng lan qua các lãnh vực cạnh tranh khác về sức mạnh ngoài biển.

Nhưng cũng nên lưu ý là không có vũ khí máy móc hay gọi chung là phần ‘cương liệu’ nào có thể đưa đến hiệu quả giao chiến nếu không có các yếu tố tinh thần, vô hình, vốn chính là thực chất hải chiến. Giá trị thực sự của hạm đội tiềm thủy đĩnh nằm trong những phần ‘nhu liệu’ như học thuyết, chiến thuật, đào tạo và giáo dục thủy thủ, thao diễn thường xuyên, và tuần tra đều đặn. Trong các cuộc thao diễn hỗn hợp với Hải Quân Hoa Kỳ, lực lượng hải quân Singapore nghe nói đã chứng tỏ được thiên tài chiến thuật phi thường của họ bằng cách lợi dụng các đặc điểm thủy văn cá biệt của Biển Đông. Các tiềm thủy đĩnh của Singapore đã biểu lộ khả năng kỳ diệu để lẩn tránh các đơn vị chống tàu ngầm của Hoa Kỳ, chứng minh một lần nữa là tình trạng cũ hay mới của hệ thống không quan trọng bằng khả năng và kiến thức về địa hình địa vật hải dương địa phương của hải quân nước đó. Những nước mới gia nhập cuộc đua dưới mặt biển có thể làm được như Singapore hay không sẽ hoàn toàn tùy thuộc vào mức độ sẵn sàng đầu tư vào nhân sự của họ.

Cuối cùng, các lực lượng hải quân trong vùng sẽ dồn nỗ lực vào việc truy tầm tung tích các tiềm thủy đĩnh lẫn nhau. Do đó, các hạm đội cạnh tranh dưới mặt biển hầu như chắc chắn sẽ đụng đầu nhau thường xuyên hơn trong những năm sắp tới. Những vụ tương tự như vụ chiếc SSN loại Hán(13) của PLAN xâm nhập hải phận Nhật Bản vào năm 2004 có thể sẽ trở thành một đặc điểm của chính trường Á Châu. Những vụ đụng đầu nhau dưới mặt biển xảy ra nhiều hơn thì cũng gia tăng rủi ro hoặc tính toán sai lầm dễ đưa đến các cuộc khủng hoảng ngoài ý muốn hoặc trở thành chiến tranh toàn bộ. Do đó, vấn đề kiểm soát khủng hoảng vùng càng trở nên cấp bách hơn tại các thủ đô Á Châu. Nhưng khi mà các định chế trong vùng và các biện pháp xây dựng lòng tin vẫn còn non nớt thì không thể chắc chắn được liệu những nước Á Châu có thể đi đến được quyết tâm chung về chính trị hầu bảo đảm ổn định trong lúc khủng hoảng hay không.

Cách đây hai năm, sử gia nổi tiếng Paul Kennedy đã ghi lại một khuynh hướng hải dương toàn cầu có thể đưa đến các hậu quả chiến lược lâu dài. Kennedy nhận thấy trong khi các nước Âu Châu tương đối tự ý rút ra khỏi lãnh vực hải dương, thì các nước Á Châu lại hăng hái xông vào lãnh vực hải dương. Ông quả quyết là vì có các giả định khác nhau nhiều về sức mạnh nói chung, và về sức mạnh trên biển nói riêng, nên mới có khác biệt lạ thường này.

Khi mà các yếu tố chính trị địa lý trở thành lỗi thời tại Âu Châu thì các thủ đô Á Châu lại xem sức mạnh quân sự vẫn luôn luôn cần thiết trong việc trị nước và tình trạng cạnh tranh dưới mặt biển mới đây bao trùm lên vùng này phù hợp với các thái độ lạnh lùng về các mối bang giao liên quốc. Muốn chuẩn bị sẵn sàng cho năm 2020, các nhà chính sách phải bắt đầu đối phó với mối tương quan giữa chính trị quyền lực và địa lý phức tạp đến chóng mặt bên dưới sóng biển.

Toshi Yoshihara là giáo sư đồng nhiệm tại Học Viện Hải Quân Hoa Kỳ và là đồng tác giả tập Chiến Lược của Hải Quân Trung Cộng trong Thế Kỷ 21 (Routledge, 2007).

James R. Holmes là giáo sư đồng nhiệm trong Khoa Chiến Lược và Chính Sách tại Học Viện Hải Quân Hoa Kỳ. Trước đó, ông là một Nghiên Cứu Viên Đồng Nhiệm Cao Cấp tại Trung Tâm Mậu Dịch và An ninh Quốc Tế tại Viện Đại Georgia.

Source: http://apac2020.the-diplomat.com/feature/the-next-arms-race/

________________

Chú thích của người dịch:

(1) “Hạm Đội” đây có nghĩa là toàn bộ Hải Quân Liên Xô. Chức Đô Đốc Hạm Đội của Sergei Gorshkov chính là chức Tư Lệnh Hải Quân Liên Xô

(2) Còn gọi là “Thương Long” hay “Rồng Xanh”

(3) Song-class

(4) Yuan-class

(5) Shang-class

(6) Thỏa thuận này đã được ký kết và chiếc đầu tiên sẽ được giao cho Việt Nam vào năm 2013-14

(7) New Dehli

(8) Monroe Doctrine là chính sách của Hoa Kỳ do Tổng Thống James Monroe đưa ra nói rằng nếu những nước Âu Châu còn có thêm các nỗ lực thuộc địa hóa đất đai hoặc xen vào các nước ở Bắc hoặc Nam Mỹ thì sẽ bị xem là hành động xâm lăng bắt buộc Hoa Kỳ phải can thiệp

(9) Tiềm thủy đĩnh nguyên tử trang bị hỏa tiễn vòng cầu liên lục địa

(10) Tiềm thủy đĩnh tấn công chạy bằng nguyên tử lực

(11) Anti Submarine Wafare, tức là Chiến Tranh Chống Tàu Ngầm

(12) Maritime Self-Defense Force, tức là Lực Lượng Tự Vệ Hải Dương

(13) Han-class

0 comments:

Powered By Blogger