“Cổ LãoJan 23, 2012 08:40 AM
“Kháng Long Hữu Hối” mà Kim Dung dùng để đặt tên cho một chiêu trong GLTBC thật ra là hào thượng cửu, hào dương trên cùng, của quẻ Càn trong Kinh Dịch. Nghĩa của nó là rồng lên quá cao, sinh ra/nhận lấy/ sự hối tiếc. Bàn ra là làm việc gì thái quá, quá đà, dễ dẫn tới sự thất bại để hối tiếc. Theo Văn Ngôn thì hào thượng cửu này cao quý nhưng không có quần chúng cũng không có sự giúp đỡ của trí giả nên hành động đơn độc dễ chuốc lấy thất bại. Không có nội hàm “dậy non” trong hào hay thậm chí quẻ này.
Nhân dịp đầu xuân Nhâm Thìn và quẻ thuần Càn này dùng hình ảnh rồng để minh họa, xin quí vị chú ý đến câu “Dụng cửu” trong quẻ thuần Càn này mà cho đến nay các vị chú giải đều bất lực không hiểu. Phan Bội Châu còn cho là “ý thâm diệu của thánh nhân thì sâu xa huyền bí quá.” Đó là câu “Dụng cửu. Kiến quần long vô thủ. Cát.” Nghĩa đen là “Dùng hào dương: thấy bầy rồng không có đầu, tốt.”
Tất cả lực lượng dân chủ Việt Nam đến nay đều không có một vị/sự lãnh đạo tập trung phải chăng là hình tượng “quần long vô thủ” ? Điều đó có những lợi điểm như thế nào để gọi là “cát”? Làm sao để vận dụng được thực trạng đó để làm động/biến hết tất cả hào trong quẻ ra quẻ Thuần Khôn?”
Nhận thấy lời bình “ Làm việc gì thái quá, quá đà, dễ dẫn tới sự thất bại để hối tiếc. Theo văn ngôn thì hào thượng cửu nầy cao quý nhưng không có quần chúng cũng không có sự giúp đở của trí giả nên hành động đơn độc dễ chuốc lấy thất bại,” ứng vào trường hợp Anh Đoàn Văn Vươn, chỉ hai anh em đơn độc, cả gan dùng bom tự chế, súng đạn ghém, hoa cải đánh trả cả trăm ưng, khuyển, súng đạn trùng trùng, lại không có quần chúng, trí giả vùa giúp, làm sao không thất bại?!
Lại thấy phần bình kế chỉ thẳng vào “ Các lực lượng Dân Chủ VN “ thiệt là thích lắm! Nên mặc dấu chữ nho, chữ nhất chẳng biết, Kinh Dịch lại càng bù trất nhưng cứ xâm mình lạm bàn về câu hỏi nhức nhối: Quần long vô thủ như rắn không đầu làm sao lại “ tốt?”
Các cụ ngày xưa vì là bâc trưởng giả thận trọng nên dè dặt không tiện giải đoán khinh xuất. Tui là kẻ hậu sanh, vô danh, tiểu tốt, thử đoán liều.
Cái dzụ anh hùng, rồng Lương Sơn Bạc nầy tụ hội mà không có kẻ làm “đầu rồng” thì thật là tốt lắm, cực kỳ tốt. Cứ nghĩ mà coi, khi đám anh chị cs quốc tế, giang hồ, tứ chiếng tụ hội, tôn trùm Sít ta lin, Mao sếnh sáng làm đầu rồng, thiên hạ có khổ không?! Hai trự đầu rồng độc tài, độc đoán, độc tôn, độc ác nầy tự tung, tự tác giết người hàng loạt. Theo bản kê xếp hạng giết người hàng loạt, hai đầu rồng nầy cho dân Nga, Tàu hui nhị tì hàng triệu nhân mạng. Riêng con rồng tre An Nam, xác chết chưa chôn, nghe đâu cũng xơi táí, om em cả triệu nhân mạng, được xếp vào hạng sát thủ thứ mười?! Cho nên ngày nay, cái vụ thiếu đầu rồng lại hóa hay. Trong thời đại truyền thông đại chúng ngày nay, mỗi cá nhân trong nhóm cầm đầu hoạt động, đều thâu thập tin tức, dữ kiện như nhau. Ông, bà nào có khả năng phân tích, phán đoán nhanh nhẹn thì đưa ra sáng kiến hành động kịp thời, đúng lúc là đạt kết quả. Còn như cứ chờ đợi ông đầu rồng nào đó chỉ đạo, có khi ông tắt tị là kẹt! Hổng phải là tui tự nói càn. Xin trích dẫn học giả Gordon Chang thuộc hệ thống truyền thông Forbes, “ Dù sao đi nữa, nay đâu còn cần đến một cỗ máy vận hành trơn tru để đánh sập một chế độ trong thời đại cách mạng không có lãnh tụ này.” Xin minh giải thêm câu nầy cho rõ: Trong cuộc cách mạng Tunisia, đâu có ai là lãnh tụ. Mọi sự khởi phát là do ngọn đuốc tự thiêu của anh Bouazizi! Ở Ai Cập, anh Weal Gonim chỉ làm nhiệm vụ loan tin kêu gọi biểu tình, được mọi ngừơi ngợi khen là người hùng chớ đâu có là lãnh tụ gì! Riêng ở Lybia, lúc khởi đầu đâu có ai là lãnh tụ, cho đến nỗi khi dân chúng cướp kho súng của quân lính Gaddafi tự trang bị để chiến đấu, không có ai tổ chức cho thành đơn vị tác chiến đàng hoàng. Mãi đến khi các sĩ quan Lybia quay về với dân chúng mới giúp tổ chức thành đơn vị chính qui.
Hơn thế nữa, suốt chiều dài lịch sử dân tộc, cái dzụ đầu rồng nầy gây ra biết bao nhiêu tai vạ! Không phải vậy sao? Khi khởi nghĩa gian lao, minh chủ, quân sư cùng nhau toan liệu, cùng gối đất, nằm sương chiến đấu. Khi thắng lợi, lập nên cơ nghiệp, vua, tôi thành cách biệt. Vua muốn rộng đường trị vì, chuyên chế, bèn tiêu diệt công thần, để tiếp tục cha truyền, con nối. Xưa, thời phong kiến đã thế, nay đầu thập niên thứ hai của thế kỷ 21 rồi, tệ trạng nầy xem chừng tái diễn. Đương kim thiên tử Dũng Y tá mới vừa phong cho con, Thanh Nghị làm thứ trưởng Thái tử, chuẩn bị tiếp nhiệm phụ hoàng, duy trì triều đại nhà Hậu Nguyễn! Cho nên bãi bỏ cái tệ trạng “đầu rồng” là tốt, rất tốt.
Huống chi, trong điều kiện thế giới phức tạp ngày nay, không một người nào một mình quán xuyến mọi việc được. Khi thiết kế thì người giỏi thiết kế làm đầu tàu. Khi hành động thì người giỏi chỉ huy dẫn đầu. Tóm lại, nói rằng “vô thủ” mà kỳ thật là đa tâm, “đa thủ,” cũng là qui tắc dân chủ, phân quyền!
Lại lạm bàn thêm về chữ “kiến”. Có lẽ quí vị học giả ngày xưa chú trọng ý nghĩa sâu xa, ít xét nét ngôn từ vẽ ngoài nên bỏ qua chữ kiến. Tui là đứa làm biếng suy nghĩ sâu xa, cứ theo mặt chữ mà đọc theo kiểu “thấy mặt đặt tên”, nên đọc chữ kiến là liên tưởng tới câu, “kiến cơ, nhi tác.” Hiểu như vậy thì câu dụng cửu “Kiến quần long…” có lẽ cũng có ý khuyên thấy cơ hội tốt là hành động, đừng để bị trì kéo bởi “cơ chế” gò bó nào?! Ví dụ như ở Tunisia, thấy ngọn lửa Bouazizi nỗi lên là tất cả xúm nhau vào, kéo sụp chế độ độc tài Ben Ali, chẳng cần đợi ông, bà lãnh tụ hoặc ban lãnh đạo nào hô hào, ra lịnh! Cho nên cái nhà ông Chang nghĩ ra, nhận xét “thời nay, cách mạng KHÔNG cần LÃNH TỤ thật là chí lý.
Như vậy, câu hỏi “làm sao để làm động/ biến hết tất cả các hào trong quẻ thành THUẦN KHÔN?” được giải đáp: Bằng cách huy động toàn lực quần chúng để biến Thuần càn cs thành Thuần Khôn Dân tộc.
Cầu mong trong năm Nhâm Thìn, phước đáo Tâm linh, lời giải đoán thô thiển kể trên được ứng nghiệm.
Nguyễn Nhơn
( Mồng ba Tết Nhâm Thìn)
0 comments:
Post a Comment