Friday, January 27, 2012

Hoa Kỳ và Philippines thảo luận tăng cường hợp tác quân sự

Tầu sân bay Mỹ USS Carl Vinson trong vịnh Manila hôm  15/05/2011.

Tầu sân bay Mỹ USS Carl Vinson trong vịnh Manila hôm 15/05/2011. REUTERS/Romeo Ranoco

Thanh Phương

Ngoại trưởng Philippines hôm nay, 27/101/2012, tuyên bố Manila sẽ chấp nhận sự hiện diện quân sự lớn hơn của Mỹ để giúp nước này bảo vệ quyền lợi và bảo đảm hòa bình trong khu vực, trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc gia tăng. Theo lời ông Albert del Rosario, Philippines muốn có thêm nhiều cuộc tập trận với Hoa Kỳ, cũng như đón nhận một lực lượng Mỹ luân phiên trú đóng đông hơn.

Tuy không nêu tên Trung Quốc, nhưng Ngoại trưởng Philippines cho biết sự hiện diện quân sự lớn hơn của Mỹ là cần thiết trong bối cảnh có những tranh chấp lãnh thổ trong khu vực.

Theo nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ, hôm qua, tại Washington, các giới chức Quốc phòng Hoa Kỳ và Philipines đã thảo luận về khả năng tăng cường hợp tác quân sự. Theo các giới chức Mỹ, các cuộc thảo luận này dựa trên những đề nghị mà Ngoại trưởng Mỹ đưa ra nhân chuyến viếng thăm Manila vào tháng 11/2011.

Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ, bà Victoria Nuland hôm qua nhắc lại rằng trong chuyến viếng thăm đó, Ngoại trưởng Mỹ H.Clinton đã nhấn mạnh đến việc tăng cường hợp tác quân sự Mỹ-Philippines, nhưng nói rõ là Hoa Kỳ không tìm cách tái lập các căn cứ quân sự, cũng như không triển khai lực lượng một cách thường trực ở nước này.

Cho đến năm 1992, Hoa Kỳ vẫn có nhiều căn cứ quân sự lớn ở Philippines, nhưng Washington đã buộc phải bỏ các căn cứ quân sự theo quyết định được thông qua ở Thượng viện Philippines. Tuy nhiên, vẫn có một lực lượng khoảng 600 lính Mỹ luân phiên trú đóng ở miền Nam Philippines trong thập niên qua để huấn luyện quân lính Philippines chiến đấu chống các nhóm Hồi giáo cực đoan.

Những định hướng mới về ngân sách quốc phòng của Mỹ, do Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta trình bày hôm qua, dành rất nhiều phương tiện hành động ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, khu vực mà chính quyền Obama xem là ưu tiên chiến lược hàng đầu, trước thế lực ngày càng mạnh của Trung Quốc.

0 comments:

Powered By Blogger