Friday, January 6, 2012

CUỐI NĂM, LẠI LÀM BÀN CHUYỆN THƠ VĂN

Khi vụ xử án Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ diễn ra thì rất nhiều người mang hoa đến trước nhà để tặng ông này. Và nhiều người dân cũng đã đến “tượng đài” (?) của hai nhà thơ Xuân DiệuHuy Cận để tặng hoa.

Trên một tờ điện báo có đăng bài “Chùm thơ mừng 2 thi hào Huy Cận và Xuân Diệu được nhân dân tặng hoa” của nhà văn Trần Mạnh Hảo.

Nhà văn Trần Mạnh Hảo làm bài thơ “Vây giữa rừng hoa” như sau:

VÂY GIỮA RỪNG HOA

“Mặt trời sinh đoá hoa hồng

Mẹ hiền sinh những anh hùng thi nhân”

(M.Goocky)

-Cận ơi, Diệu chết mất

Cả một trời hoa hoa

Nhân dân tấn công ta

Bằng hoa tươi Cận ạ!

-Trời ơi, Diệu đừng lạ

Hai mươi bốn Điện Biên

Hoa biến thành biển cả

Vây anh hùng thi nhân

-Cận ơi, hoa cảm phục

Ta phải vui ngàn lần

Con ta không vào ngục

Con ta vào lòng dân

Kìa, Diệu ơi cảnh sát

Cũng đế chia tự hào

Họ thu hoa về bót

Hoa cũng vào thiên lao…”

Làm thơ “tụng ca” kiểu này thì hết ý, phải không?

Riêng tôi, một người cầm bút miền Nam, hiện đang sống lưu vong tại hải ngoại thì có cái nhìn khác về nhà thơ Xuân Diệu, xin được trình bày trong bài viết sau đây.

*

Những người Việt Nam sinh ra từ thập niên 40 và sau đó, ít ai mà không biết đến mấy câu thơ:

“Là thi sĩ, nghĩa là ru với gió

Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây,

Để linh hồn ràng buộc bởi muôn dây,

Hay chia sẻ bởi trăm tình yêu mến…

Hay những câu thơ thấm đẫm tình yêu:

“Yêu là chết trong lòng một ít,

Vì mấy khi yêu mà lại được yêu.

Cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu;

Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết.”

Cũng như ít ai không biết mấy câu thơ:

“Tôi là con chim đến từ núi lạ,

Ngứa cổ hát chơi

Khi gió sớm ào reo um khóm lá,

Khi trăng khuya lên ủ mộng xanh trời…”

Và nhất là mấy câu thơ:

“Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy

Nghìn năm hồ dễ mấy ai quên”

Và sau này, dù khi hiệp định Genève được ký kết để đất nước bị cắt đôi bởi giòng sông Bến Hải, nhưng những vần thơ thấm đẫm tình yêu của Xuân Diệu vẫn được nhà cầm quyền Miền Nam cho phép lưu hành và dân chúng miền Nam ngâm nga, phổ nhạc. Và nhà thơ miền Bắc cũng đã có một chỗ đứng trang trọng trong văn đàn miền Nam và trong lòng người dân yêu thơ miền Nam.

Thế nhưng, khi miền Bắc tấn chiếm miền Nam và cái gọi là “chiến dịch Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng” kết thúc với ông Tổng Thống thời cơ Dương Văn Minh mặc áo cụt tay bàn giao chính quyền miền Nam cho Đại Tá (?) VC Bùi Tín thì, sau đó, những người yêu thơ miền Nam mới ngỡ ngàng, vô cùng ngỡ ngàng khi được đọc những bài thơ của nhà thơ Xuân Diệu trong “Tuyển Tập Xuân Diệu” do nhà xuất bản Văn Học phát hành với lời giới thiệu của Hoàng Trung Thông.

Ông bác sĩ “bạc đầu, đen óc” Bùi Duy Tâm sau này, ở hải ngoại, có khoe ngay sau ngày miền Bắc đại thắng miền Nam thì ông ta có tổ chức một “đêm thơ tình Xuân Diệu”.

Không biết ông bác sĩ một thời nổi tiếng với “chuyện tình trên sông Đà” với “nữ sĩ phản kháng” Dương Thu Hương nghĩ như thế nào khi nghe bài thơ “Tiếng Gọi Bến Tre” của nhà thơ Xuân Diệu với những câu thơ “chống Mỹ cứu nước” không chứa một chút nào sự thật như sau:

“Thông tấn xã Giải phóng Miền Nam

Ôm Bến Tre

Gọi cùng cả nước

Gọi loài người, cả thế giới nghe:

Tỉnh Bến Tre – Mỹ dìm thuốc độc.

Tôi mới đọc trên mặt chữ

Đã nghe kêu xé ruột xé lòng!

Nghe tiếng thét cháy rừng giận dữ

Đang chạy ôm trái đất từng vòng.

Vẫn là giặc Mỹ, không ai khác

Lịch sử đang quăng vào hố rác

Hai tay giòi bọ nó quào giơ

Tung thuốc độc ra – nào có thoát!

Ôi nườm nượp ùn ùn các ngả

Dân kéo về thị xã Bến Tre

Từ làng xóm, bờ kênh, vườn quả

Tiếng chân rầm rầm hơn bánh xe,

Giặc Mỹ đến tận cùng đê nhục

Nay đã gieo thuốc độc trên làng!

Em sáu tuổi lội ao nước độc

Bị lầy da lở lói rên than

Anh quăng chài vô tình đâu biết

Ăn cá vào quặn ruột ngất đau.
Mẹ bồng con ngã ra như chết;

Miệng sưng vù ông lão nhầm rau.

Cây có trái buông cành héo rụi,

Lúa chín vàng lên mốc, mềm đi.

Bao giờ vịt chết vì lá chuối!

Heo ăn bèo, heo chết, còn chi.

Thuốc độc Mỹ lê la be bét

Cả một vùng nhiểm độc nặng nề.

Đồng bào đi đấu tranh kiên quyết

Rầm rập vào thị xã Bến Tre…

Không ai trách nhà thơ “Nhớ Mùa Tháng Tám”:

“Cờ Đỏ Sao Vàng… Tháng Tám Bốn Mươi Nhăm

Nhà Hát Lớn… Mùa Thu Năm Cách Mạng…

Hà Nội Thủ Đô… Việt Minh Mặt Trận…

Tự Do Độc Lập… Dân Chủ Cộng Hoà…

Những tiếng thần reo rắc mãi, mãi lòng ta!

Nhớ hỡi nhớ! Sáng lòa vui biết mấy

Cái thuở ban đầu Dân quốc ấy

Nghìn năm chưa dễ đã ai quên…”

Chẳng ai trách nhà thơ thương khóc “Bác Hồ” – vị “cha già dân tộc” của nhà thơ:

“Bây giờ mới khóc, Bác ơi!

Giật mình, hăm bốn hôm rồi đó sao?

Nhớ thương nào có nguôi nào,

Tháng ngày càng khắc Bác vào tim con.

Vẳng nghe giọng nói Bác luôn,

Bác đang cười chuyện, Bác còn vẫy tay…

Bây giờ là mới khóc đây,

Bác ơi không phải lệ đầy bên trên,

Mà sâu giọt lệ dưới nền,

Cuộn từ gan ruột đưa lên tâm hồn.

Mến yêu, thương Bác không cùng

Thương câu Bác dặn, thương lòng Bác thương,

Bác trong sáng quá, là gương;

Bác kiên cường, chính kim cương trong đời.

Bác hiền như hạt gạo thôi,

Chí: no thiên hạ, tình nuôi đồng bào;

Bác là bóng cả cây cao

Gió đâu, chim tự xứ nào cũng che…

Bác ơi! Cháu một đời người,

Nhớ yêu Bác mãi đất trời ngàn năm”.

Thế nhưng,không một ai có thể chối cãi nhà thơ Xuân Diệu đã tự đốt đuốc để thiêu thơ mình – như nhà thơ Hà Thượng Nhân của miền Nam đã cực tả trong hai câu lục bát:

Ngày xưa thơ đẫm tình yêu

Về già đốt đuốc để thiêu thơ mình”

khi ông làm bài thơ sặc mùi tuyên truyền “Tiếng gọi Bến Tre” những câu thơ như sau:

“Thắp đuốc cho sáng khắp đường

Thắp đuốc cho sáng đình làng đêm nay

Lôi cổ bọn nó ra đây

Bắt quỳ gục xuống đọa đày chết thôi!”

Vì sao một người làm thơ “thấm đẫm tình yêu” như Xuân Diệu lại hạ bút viết “những câu thơ sắt máu” để tiếp tay đảng CSVN trong chiến dịch “Cải Cách Ruộng Đất”?

Xin thưa tất cả chỉ vì Xuân Diệu và tất cả các văn nghệ sĩ miền Bắc đã phải sống trong một nền “VĂN CHƯƠNG CŨI SẮT” mà kẻ cầm chịch là Trường Chinh Đặng Xuân Khu tác giả của những câu thơ đọc lên khiến những người yếu bóng vía có thể giật mình:

“Sắt chạm sắt toé lửa

Tiếng chạm tiếng đinh tai!!!”

Thơ như thế phải được xếp vào trường phái thơ xe lửa hoặc thơ thợ rèn gì đấy mới xứng đáng!

Chua chát thay ông chưởng môn nhân của trường phái “thơ xe lửa” này lại là người cầm nắm vận mạng và linh hồn của “ông cai thầu văn nghệ” của nền văn chương cũi sắt xã hội chủ nghĩa. Ông “thủ lĩnh cai thầu” của nền văn chương cũi sắt này là Tố Hữu, tác giả của những câu thơ nô dịch ca tụng tên đồ tể Xít-tả-lìn còn hơn ca tụng bố của ông ta:

“Thương mình thương một

Thương ông thương mười”

Và ông nhà thơ này dạy cho con hai tiếng nói đầu lòng “con gọi Xít-ta-lin”! Thiệt là thối hết biết!

*

Chúng ta tiếc cho những Trần Dần, Hoàng Cầm… của phong trào Nhân Văn giai phẩm. Nhưng những kẻ đáng thương lại là những Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Chế Lan Viên v.v…

Càng đáng thương hơn sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi nền văn chương cũi sắt ngự trị miền Nam thì lại sản sinh ra những Vũ Hạnh, Sơn Nam, Nguyễn Hiến Lê, Vương Hồng Sểnh… những kẻ sống nhờ hạt gạo miền Nam mà nên danh, nên phận lại đi viết sách, in sách nói những lời bợ đỡ nhà cầm quyền VC để được yên thân về lúc cuối đời.

Càng tội nghiệp hơn là những nhà văn, nhà thơ “người Việt tỵ nạn cộng sản uy thế văn nghệ đầy mình” lại muốn được chui vào “những chiếc cũi sắt” mà các “ông cai thầu văn nghệ” của chế độ, theo lệnh của Đảng và Nhà Nước Cộng hoà Xã Hội Chủ nghĩa đã “rọ mõm” tất cả các văn nghệ sĩ trong nước.

Đáng giận thay mà cũng đáng thương thay!

NGUYỄN THIẾU NHẪN

http://nguyenthieunhan.worpress.com

0 comments:

Powered By Blogger