Trong xã hội dân chủ, những sai sót của chính phủ hoặc của các viên chức nhà nước thường được các đảng đối lập và báo chí săm soi làm cho ra lẽ. Tùy mức độ sai phạm, những cá nhân hay tập thể liên hệ có thể phải chịu hình thức kỷ luật nào đó hoặc bị đưa ra toà để xét xử. Đối với sự sai phạm của chính phủ, người dân sẽ đánh giá và quyết định số phận của chính phủ đó trong những cuộc bầu cử. Vì vậy hiếm khi một đảng cầm quyền rơi vào những sai lầm tai hại đến nỗi bị xoá sổ. Trong khi đó, dưới chế độ độc tài, do chủ trương bưng bít nên các báo cáo thành quả của chế độ luôn luôn được tô hồng, còn các sai sót luôn được giấu kín hoặc giảm thiểu. Khi buộc phải thừa nhận ở một mức độ nào đó về những hiện tượng tiêu cực của nhà cầm quyền thì có nghĩa là sự tiêu cực đó đã xẩy ra từ lâu rồi và đang có nguy cơ ăn thủng đến cốt lõi. Khi chính người lãnh đạo cao nhất của một đảng cầm quyền phải thừa nhận đảng của họ suy thoái trầm trọng và kêu gào toàn đảng phải chấn chỉnh, thì có nghĩa là mức độ băng hoại và sự ung thối của đảng đó đã đi đến chỗ tận cùng trên mọi mặt, mà sự bưng bít không thể che giấu được nữa. Thường thì đây là dấu hiệu hấp hối của một đảng chính trị trong tiến trình suy thoái, để đi đến chỗ kết thúc của các triều đại mà người ta đã từng chứng kiến trong lịch sử.
Cuối năm vừa qua, ông Nguyễn Phú Trọng và hội nghị Trung Ương đảng Kỳ 4 của đảng Cộng Sản Việt Nam đọc lại từ đầu truyện dài “Chỉnh đốn đảng để sống còn”, một mốc điểm mới trong tiến trình suy thoái vừa nêu ở trên.
Sở dĩ gọi là “truyện dài” vì đây không phải là điểm khởi đầu sự suy thoái trầm trọng của đảng CSVN được người lãnh đạo cao nhất đảng nêu lên cùng với lời hô hào phải quyết liệt chỉnh đốn. Từ chương một của 25 năm trước, cựu Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh bắt đầu than thở công khai: “nhà dột từ nóc”. Và từ đó, nhiều chương tiếp nối suốt hơn 20 năm qua. Nghị quyết của kỳ đại hội đảng nào cũng có những đoạn viết rất sống động về việc phải đẩy mạnh “xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh” (1); và đều coi đây là “nhiệm vụ trọng tâm của toàn đảng”. Song song với “nhiệm vụ trọng tâm” đó, đảng cũng liên tục tổ chức rầm rộ các đợt học tập “tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh”, mà các báo cáo kết quả đều đạt “thành công rực rỡ”. Thế nhưng đến nay ông Nguyễn Phú Trọng lại phải viết một chương mới với những lời lẽ báo động còn nguy kịch hơn nữa — chỉnh đốn đảng để tránh xụp đổ toàn bộ. Điều hiển nhiên tại điểm này là các chương cũ, bao gồm các lệnh lạc lẫn báo cáo về các chiến dịch chỉnh đốn trong quá khứ, kể cả các chiến dịch học tập đạo đức Hồ Chí Minh, đều chỉ được giới đảng viên nắm chức quyền xem như loại truyện dài đọc chơi, chẳng có hệ quả gì. Tình trạng hối lộ, tham nhũng, rút ruột, bán chức, đánh bạc bằng công quỹ,… gần như công khai và cùng khắp cả hệ thống cầm quyền là những bằng chứng mà chính lãnh đạo đảng cũng không chối cãi nữa.
Thế thì nguyên do nào khiến các thế hệ đảng viên nắm quyền có thể tự tin và xem thường các chiến dịch chỉnh đốn đảng đến thế? Họ đã đọc được những dấu hiệu gì?
Có lẽ dấu hiệu đầu tiên cho thấy các chiến dịch chỉnh đốn “không có răng” là hiện tượng chương nào cũng viết như chương trước. Điểm lại những báo cáo của các giới chức cao nhất tại các kỳ đại hội đảng CSVN, người ta gần như có thể thuộc lòng những câu, những chữ quen thuộc được lập đi lập lại, với vài tô điểm chút ít đó đây. Đối với các đảng viên nắm quyền, mỗi chiến dịch “mới như cũ” chỉ càng tô đậm sự hữu hiệu của các cách hóa giải mà họ đã rút ra được vào cuối mùa “diệt tham nhũng” trước. Chẳng hạn như ông Nguyễn Phú Trọng lại nhấn mạnh đến giải pháp “phê bình, tự phê” và coi đây là vấn đề mấu chốt. Nhưng cũng chính ông biết giải pháp đó đã bị vô hiệu hóa từ lâu. Ông nói: “Việc tự phê bình và phê bình còn tình trạng xuê xoa, nể nang, thậm chí biến cuộc họp tự phê bình và phê bình thành nơi vuốt ve, ca tụng lẫn nhau hoặc lợi dụng để đấu đá ’hạ bệ’ nhau”.
Dấu hiệu thứ hai là thái độ che đậy của chính lãnh đạo đảng. Chẳng hạn như cụm từ chung chung ngắn gọn “một số vấn đề tiêu cực” được dùng để nói tới cả cơn thủy triều tham nhũng mông mênh đang dâng lên đến tận nóc của toàn cơ chế đảng. Giới đảng viên đang nắm quyền thấy rõ lãnh đạo đảng không dám vạch trần tệ nạn tham nhũng quá xa vì như thế sẽ làm thiệt hại trầm trọng đến uy tín và vai trò lãnh đạo của đảng, nghĩa là sẽ làm lung lay chính bệ ngồi của giới lãnh đạo cao nhất. Đó là chưa kể các thiệt hại cho các đường dây, mạng lưới kinh tài của từng người lãnh đạo chóp bu. Chính vì vậy mà chiến dịch vạch trần tham nhũng chưa khởi sự ông Trọng đã long trọng nêu lời cảnh cáo coi chừng “diễn biến hòa bình”, nghĩa là “phải coi chừng đám phản động lợi dụng các dữ kiện về mức độ tham nhũng cực kỳ trầm trọng trong gan ruột đảng ta”. An toàn nhất vẫn là… giấu nhẹm như cũ. Tóm tắt lại, hầu hết giới đảng viên bên dưới đang nắm quyền đều tin vào định luật: Chẳng sợ, vì nếu chết là chết hết, kể cả lãnh đạo! Và vì thế thế hệ lãnh đạo nào cũng chỉ làm cho có trong lúc còn ngồi cai trị và chỉ tuyên bố cực mạnh khi đã qua chức “cựu” hay “nguyên”. Quá lắm thì cũng chỉ hy sinh vài con dê nhỏ tế thần công luận.
Dấu hiệu thứ ba là không có bác sĩ. Thật vậy, xin hãy nhìn thử Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã “kê toa” những loại thuốc gì tại Đại Hội IV vừa qua. Xem ra ông Trọng chỉ áp dụng đúng công thức của các đời trước, đó là báo nguy và báo động mà không đưa ra giải pháp nào cụ thể. Khi làm Tổng Bí thư vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, ông Đỗ Mười đã có những bài viết lê thê rất hồ hởi: “Không ngừng xây dựng, đổi mới và chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới” (2) nhưng chắc để dành công việc cụ thể cho cấp khác khai triển. Đến thời ông Lê Khả Phiêu, ông phát động “Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng”trong toàn Đảng nhưng ai làm? Qua hai nhiệm kỳ của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, toa thuốc vẫn trống trong lúc căn bệnh trở nên cấp thiết và trầm trọng hơn. Nghị quyết đại hội đảng lần thứ X nêu rõ: “Tình trạng tham nhũng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là rất nghiêm trọng. Nạn tham nhũng kéo dài trong bộ máy của hệ thống chính trị và trong nhiều tổ chức kinh tế là một nguy cơ lớn đe doạ sự sống còn của chế độ ta”… và tới đó là hết. Chỉ có một hiện tượng mới cách đây khoảng 5 năm, khi ông Nguyễn Tấn Dũng lên làm thủ tướng, ông dõng dạc tuyên bố quyết tâm chống tham nhũng và sẽ từ chức nếu không giải quyết được. Nhưng lúc đó cũng không thấy ông Dũng đưa ra toa thuốc gì cụ thể. Rốt cuộc ông Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai bên cạnh các báo động về nạn tham nhũng đã tới mức có thể làm xụp đổ chế độ. Nếu người dân còn thấy thì giới đảng viên đang nắm quyền còn biết rõ hơn nữa: toa thuốc trị tham nhũng từ xưa đến nay… vẫn trống trơn!
Dấu hiệu thứ tư là các chiến dịch chống tham nhũng không nhắm vào mục tiêu diệt tệ nạn này nhưng lại là vũ khí để các phe phái ở thượng tầng thanh toán lẫn nhau hoặc chia lại bản đồ quyền hành. Đây là hiện tượng không chỉ mới xảy ra trong hai thập niên vừa. Suốt từ thập niên 50, đảng CSVN đã có khá nhiều phong trào “chấn chỉnh” để thanh trừng lẫn nhau. Vụ tướng Nguyễn Kiên Giang và một loạt tướng tá bị tống giam, cái chết của thượng tướng Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn, vụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp bị hạ tầng làm…. nhiệm vụ cai đẻ; hoặc gần đây hơn, lời của ông Đỗ Mười nói về ông Lê Khả Phiêu: “Nó lật tôi thì tôi lật nó!”, v.v… Khi biết được chủ đích đó, các đảng viên nắm quyền chỉ cần xem gió đang chuyển theo hướng nào và đầu quân sớm sủa vào đúng chỗ thì mọi sự lại… bình ổn. Và ai cũng biết: tham nhũng là chuyện nhỏ!
Dấu hiệu thứ năm là câu hỏi “Ai đủ sạch để đứng đầu diệt tham nhũng?” Khi ông Nguyễn Phú Trọng nhai lại câu lãnh đạo phải “tự giác, gương mẫu làm trước” như những đời trước, lại làm nhiều người đặt lại các thắc mắc từ nhiều năm trước, đó là liệu rằng ông Lê Khả Phiêu có làm gương công khai nguồn tiền ở đâu để ông làm căn nhà đầy ắp những vật dụng quý hiếm, cùng với cả một vườn rau sạch và hệ thống tưới nước trên sân thượng của ông không? Hay ông Nguyễn Tấn Dũng có dám công khai về dãy nhà thờ tổ nguy nga và các đường dây làm ăn của con gái, con trai, mẹ, em, họ hàng và tập thể đàn em của ông không? Tương tự, những ông chóp bu khác, kể cả ông Nguyễn Phú Trọng, liệu có cái gương đủ sạch để làm gương không? Tập thể đảng viên nắm quyền dư biết ở thượng tầng “nhân không tài” (*) như lá mùa thu.
Cả 5 dấu hiệu trên đều chỉ là kiến thức thông thường đối với các tầng lớp đảng viên đang nắm quyền, dù chỉ ở cấp xã, huyện, quận. Tuy nhiên, theo sau mỗi bài diễn văn khởi động một chiến dịch chống tham nhũng mới, lại có một loạt bài bản ca tụng cho đúng truyền thống. Trong những ngày qua, đặc biệt phải kể đến nhận định của tướng Lê Văn Cương như là một tiêu biểu cho thành phần trí thức theo đảng. Trong bài viết ‘Báo hiệu Đảng ta đã chuyển mình’ (3), Thiếu tướng Tiến sĩ Lê Văn Cương, nguyên viện trưởng Viện Chiến Lược và Khoa Học của Bộ công an, bác bỏ quan điểm cho rằng nguyên nhân làm cho Đảng cộng sản suy thoái là không có đảng đối lập. Ông tướng công an này dẫn chứng là “ở các giai đoạn lịch sử của nhiều quốc gia ‘chỉ do một đảng duy nhất lãnh đạo’ nhưng ‘vẫn phát triển nhanh, bền vững, ổn định’ như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và Malaysia.” Qua nhận định này, người ta thấy ông Lê Văn Cương hoặc là chỉ có kiến thức “ba rọi” hoặc có thể sự hiểu biết của ông khá hơn, nhưng chỉ dám viết ra một nửa sự thực. Điều quan trọng nhất mà ông Cương không viết ra là, vào giai đoạn độc tài, những quốc gia vừa kể tuy do một đảng lãnh đạo, nhưng tất cả những quyền căn bản của người dân vẫn được tôn trọng. Dù bị giới hạn, nhưng họ vẫn có đảng đối lập, có tự do báo chí, có quyền lập hội, biểu tình, có các hoạt động xã hội dân sự, v.v… Song song với những quyền cơ bản đó thì các cơ chế dân chủ lần hồi được kiện toàn, xã hội dân sự vẫn phát triển. Chính nhờ những nền tảng đó mà khi chuyển tiếp qua nền dân chủ đa đảng, những quốc gia vừa kể không trải qua giai đoạn hỗn loạn. Tức là hoàn toàn trái ngược với điều vẫn được giới lãnh đạo đảng đưa ra để hù doạ: “đa đảng là loạn”.
Một khuynh hướng nhận định khác cho rằng những biện pháp cứu đảng được ông Nguyễn Phú Trọng đưa ra chỉ mang tính nửa vời. Tiêu biểu về khuynh hướng này có thể kể đến nhận định của giáo sư Tương Lai. Giáo sư Tương Lai cho rằng “Qua lời của Tổng Bí thư hình như vẫn còn một giải pháp nào đó khả dĩ có thể tạo nên một khuôn mặt mới cho Đảng trước các xu thế không thể ngược lại của thế giới. Tuy nhiên vấn đề quan trọng nhất là thực thi dân chủ lại không được ông nói tới”.
Nhưng càng thảo luận về các báo nguy của ông Trọng, người ta càng dễ bị hút về điểm then chốt mà Cựu Trưởng Ban Tổ Chức Đảng kiêm Cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã chỉ ra, đó là “lỗi cơ chế, lỗi hệ thống”. Chính cơ chế và hệ thống này phát sinh và bảo vệ sự tồn tại của các tệ trạng, cũng như cột chặt các tệ trạng vào sinh mạng của đảng. Nếu diệt các tệ trạng chính là cắt lìa từng bộ phận của đảng lên đến thượng tầng cho đến khi không còn gì để cắt nữa. Chính vì thế mà đảng không muốn và không thể tự chữa mình. Rõ ràng những người từng cố gắng chống tham nhũng thực sự đều bị vùi dập không thương tiếc, như Tướng Trần Văn Thanh – nguyên Chánh thanh tra Bộ công an ở Đà Nẵng, Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc – nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội ở Hà Nội, hoặc phóng viên Nguyễn Việt Chiến của báo Thanh Niên, và mới đây là Phóng viên Hoàng Khương của Báo Tuổi Trẻ, v.v.
Với tình trạng bế tắc này, có lẽ đã đến lúc ông Nguyễn Phú Trọng và toàn Bộ chính trị đảng CSVN phải thừa nhận và đối diện những tiến trình lịch sử mà không ai cưỡng lại được, kể cả tiến trình hủ hóa và tan biến của các thế lực quyền hành tuyệt đối.
— -
Ghi chú:
(1) Đề mục “chỉnh đốn đảng” trong nghị quyết các đại hội:
- Nghị quyết đại hội VII (24 – 27.6.1991) Mục 7: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức ngang tầm nhiệm vụ.”
- Nghị quyết đại hội VIII (28.6 – 1.7.1996) Mục 6 và 7: 6. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; 7. Đổi mới công tác kiểm tra và kỷ luật của Đảng.
- Nghị quyết Đại Hội đảng IX (19-22.4.2001): “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”
- Nghị quyết đại hội đảng X (18 – 25.4.2006): “Tăng cường giáo dục, rèn luyện đạo đức lối sống, nâng cao tính tiền phong gương mẫu, phẩm chất và năng lực của đội ngũ cán bộ, Đảng viên”
- Nghị quyết đại hội đảng XI (12 – 19.1.2011) Điều 8: “Xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh”
(2) Xuất bản bộ sách Đỗ Mười – Những bài nói và viết chọn lọc. (http://daibieunhandan.vn/ONA_BDT/NewsPrint.aspx?newsId=7019)
(3) Báo Quân Đội Nhân Dân ngày 30.12.2011
* “Nhân không tài” = “Người không tiền”
0 comments:
Post a Comment