Thursday, September 1, 2011

Nội Loạn Tại Trung Quốc

Công an và an ninh TQ xuất hiện mọi nơi.

Vì sao một quốc gia đã đạt mức tăng trưởng rất cao và trở thành nền kinh tế hạng nhì thế giới lại cứ hay gặp bất ổn?

Câu hỏi trên được nêu ra khi người ta theo dõi tình hình Trung Quốc trong mấy tháng qua với hàng loạt tin tức về tình trạng động loạn xã hội lan rộng ở nhiều nơi. Câu hỏi ấy càng đáng chú ý hơn khi người ta chú ý đến tình hình Việt Nam, vổn dĩ cũng áp dụng mô hình kinh tế của Trung Quốc với cùng một ý thức hệ. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu câu trả lời qua cuộc trao đổi với nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa do Vũ Hoàng thực hiện sau đây.

Những bất ổn chính ở ngay trong nội địa

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Thưa ông, sau khi tiến hành cải cách 30 năm trước và gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO 10 năm trước, Trung Quốc đã đạt mức tăng trưởng rất cao, bình quân là 10% một năm trong mấy chục năm liền. Nhờ vậy mà mấy trăm triệu người thoát ra khỏi tình trạng cùng khốn của thời Mao Trạch Đông trước đấy và xứ này đã có nền kinh tế đứng hạng nhì thế giới với hy vọng sẽ bắt kịp Hoa Kỳ vào năm 2016 như Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đã dự báo. Nhưng song song với thành tựu kinh tế đó, xã hội xứ này vẫn thường xuyên gặp bất ổn với nhiều vụ biểu tình và thậm chí xung đột của người dân với nhà chức trách địa phương vì rất nhiều lý do khác nhau. Tại sao như vậy là câu

Cung điện Lhasa, Tây Tạng Trung Quốc. AFP
Cung điện Lhasa, Tây Tạng Trung Quốc. AFP

hỏi đã được mọi người nêu lên. Phải chăng là vì mâu thuẫn giữa nền tảng kinh tế đã thay đổi ở dưới với thượng tầng chính trị vẫn độc tài độc đảng ở trên? Trong chương trình tuần này, chúng tôi đề nghị là ta sẽ cùng tìm hiểu giải đáp cho vấn nạn ấy vì nhiều người liên tưởng đến trường hợp Việt Nam. Thưa ông, câu trả lời của ông cho câu hỏi ấy là thế nào?

Trước hết, dù thông tin bị bưng bít, người ta vẫn thấy là trong gần hai chục năm liền, năm nào Trung Quốc cũng gặp bất ổn xã hội.

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Là chúng ta cần cả một cuốn sách hay rất nhiều chương trình chuyên đề, chứ khó thấy ra câu trả lời ngắn gọn trong một chương trình! Lý do là hồ sơ quá phức tạp cho một quốc gia rộng lớn lại có quá nhiều khác biệt trong một tiến trình chuyển hóa đầy khó khăn.
- Trước hết, dù thông tin bị bưng bít, người ta vẫn thấy là trong gần hai chục năm liền, năm nào Trung Quốc cũng gặp bất ổn xã hội. Dù kinh tế tăng trưởng mạnh như khi vừa gia nhập tổ chức Thương mại WTO hoặc bị nguy cơ suy trầm như trong các năm 2008-2009 hoặc ngay năm nay vì rủi ro lạm phát. Bất ổn đó thể hiện dưới nhiều mặt vì sự bất mãn của dân chúng về mọi loại vấn đề, mà lại có chiếu hướng tăng chứ không giảm. Đó là ta căn cứ trên cách đếm những vụ biểu tình đông người của các chuyên gia và học giả Trung Quốc, và nhất là việc lãnh đạo xứ này đã gia tăng ngân sách và quân số về bảo vệ an ninh nội địa còn cao hơn ngân sách quốc phòng!
Vũ Hoàng: Một cách cụ thể để suy ra toàn bộ hồ sơ về nội an của Trung Quốc như ông nói thì ai là những người tham gia các vụ biểu tình này? Thành phần nông dân bị cướp đất hay những người thất nghiệp? Tuổi trẻ khát khao thay đổi và thấy bất an với tương lai trước mắt hay những người bất mãn về nạn bất công xã hội? Họ là những ai mà lại không hài lòng về những thành tựu kinh tế làm cả thế giới kinh ngạc và khâm phục?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ là thời nào và trong mọi xã hội thì vẫn có người không hài lòng và phản đối qua nhiều cách khác nhau. Nhưng trường hợp của Trung Quốc lại đáng chú ý chính là vì những thành tích kinh tế trên bề mặt của họ. Vì vậy mà đột biến chính trị vẫn có thể xảy ra, cũng bất ngờ như sự sụp đổ của Liên bang Xô viết năm 1989, như khủng hoảng chính trị tại Đông Á mười năm sau, hoặc những gì chúng ta đang chứng kiến tại Bắc Phi và Trung Đông trong thế giới Á Rập Hồi giáo.

Nguy cơ cuộc đột biến chính trị bất ngờ

Vũ Hoàng: Ông cho rằng đột biến chình trị hay khủng hoảng cũng có thể bất ngờ xảy ra cho Trung Quốc. Thế thì trong "cái riêng" của Trung Quốc, có những hiện tượng phản kháng nào khả dĩ gọi là "chung" mà

Cảnh sát chống bạo động luôn luôn ứng trực. AFP
Cảnh sát chống bạo động luôn luôn ứng trực. AFP

người ta đã thấy trong các xã hội kia?

"Có những vấn đề cơ cấu trong nền kinh tế Trung Quốc đã gây ra tình trạng phát triển không liên tục, không cân bằng, không phối hợp và không bền vững".
Thủ tướng Ôn Gia Bảo

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Về Trung Quốc, ta thấy một số đặc điểm trong không gian xã hội.
- Trước kia là nông dân và thành phần bần cùng tại thôn quê hoặc một số công nhân trong các doanh nghiệp ở thành thị. Phản ứng của họ lập tức bị khoanh vùng và tiêu diệt mà không lan qua nơi khác. Sau này, phong trào nổi loạn lại xuất phát ở các đô thị, trong thành phần ta có thể gọi là trung lưu có tiền, vì những lý do cũng khác với nông dân. Song song, và từ nhiều năm nay, các sắc tộc thiểu số người Hồi giáo, dân Mông Cổ hay người Tây Tạng cũng nổi lên đòi quyền bình đẳng hay tự trị trong các khu vực sinh hoạt bị phong toả của họ. Gần đây hơn là sự tham gia của tuổi trẻ với phương tiện truyền đạt hiện đại hơn, đó là mạng lưới Internet.
- Về lý do, trước kia, người ta khiếu kiện và biểu tình phản đối vì bị cướp đất, giãn dân mà không có đền bù thoả đáng. Sau đấy, người ta biểu tình vì mất việc, lương thấp và thiếu an sinh xã hội, Sau này, người ta biểu tình tại thành phố vì môi sinh bị xâm hại, địa phương bị thiên tai mà không được cấp cứu hoặc vì thiếu vệ sinh về thực phẩm hay sự an toàn cho dân cư, về nạn tham nhũng và cường hào ác bá trong khu vực sinh hoạt của họ. Chúng ta thấy sự chuyển dịch ngày càng cao hơn về thành phần xã hội và càng rộng hơn về địa dư và yêu cầu.
Vũ Hoàng: Đó là những nét đặc thù của Trung Quốc mà người ta có thể ít thấy tại Trung Đông chẳng hạn. Thế còn về cái nét chung mà nhiều xã hội hay quốc gia khác đã bị trước khi tan rã?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Nhìn trên toàn cảnh, ta thấy ra cái chung giữa những cái riêng ấy, tức là nguyên nhân căn bản nhất. Đó là sự bất mãn về hệ thống cai trị thiếu công minh, giới chức hữu trách thiếu trách nhiệm và nền tảng luật lệ hoặc "pháp quyền nhà nước" không được chính viên chức nhà nước tôn trọng mà

Trụ sở Google ở Bắc Kinh
Trụ sở Google ở Bắc Kinh. AFP

còn được họ tùy tiện diễn giải vì chẳng có chuẩn mực thống nhất.

Cái đặc thù của Trung Quốc, và có lẽ cũng của Việt Nam, là người ta có thấy ra sự bất bình đẳng trong cuộc đua nhưng thật ra không bất mãn về tình trạng ấy

- Chính Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã tóm lược tình trạng này một cách xin gọi là sáng suốt nhất. Ông ta phát biểu rằng "Có những vấn đề cơ cấu trong nền kinh tế Trung Quốc đã gây ra tình trạng phát triển không liên tục, không cân bằng, không phối hợp và không bền vững". Tôi gọi đó là lý luận "tứ bất", bất liên tục, bất quân bình, bất phối hợp và cơ bản là bất trắc!
- Thật ra, đây là lý luận phê phán hệ thống chính trị chứ không chỉ nói về cơ cấu hay chiến lược kinh tế. Lý do là Tổng lý Ôn Gia Bảo nói như vậy từ Tháng Ba năm 2007, bốn năm sau khi ông cầm đầu Quốc vụ viện. Ngày nay, ông chỉ còn hơn một năm là mãn nhiệm mà lãnh đạo chưa giải quyết được và đành chuyển cái tứ bất này cho thế hệ lãnh đạo nối tiếp cho đến ngày đột biến.
Vũ Hoàng: Khi nói đến sự bất toàn trong hệ thống chính trị Trung Quốc, chúng tôi xin nêu ngay câu hỏi. Có phải là vì xứ này đã muốn phát triển kinh tế thị trường nên trong tiến trình phát triển họ đã gặp một hiện tượng chung là bất bình đẳng vì hố sâu giàu nghèo đã lan rộng chăng?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Câu hỏi này rất hay và nó làm nổi bật cái đặc thù của Trung Quốc.
- Sau 30 năm lầm than thời Mao, xã hội Trung Quốc tăng trưởng cao hơn nhưng cũng mở rộng khoảng cách giàu nghèo giữa các thành phần dân chúng và khoảng cách ấy có cao hơn nhiều xã hội khác tại Đông Á khi tiến vào thời kỳ công nghiệp hoá để hiện đại hoá. Nôm na là sau khi bị cào bằng và đói khổ như nhau, bỗng dưng người dân thấy mở ra nhiều cơ hội cải tiến cuộc sống và họ lao vào cuộc đua ấy.
- Cái đặc thù của Trung Quốc, và có lẽ cũng của Việt Nam, là người ta có thấy ra sự bất bình đẳng trong cuộc đua nhưng thật ra không bất mãn về tình trạng ấy. Họ mắm môi luồn lách để thăng tiến cho kịp với các thành phần ở trên và cho rằng đó là do địa dư hình thể, do quan hệ kinh tế chính trị, thậm chí là do

Giai cấp giàu nghèo có khoảng cách quá xa. AFP
Giai cấp giàu nghèo có khoảng cách quá xa. AFP

thân tộc có móc nối với quan chức.

Nhưng, nếu không bất mãn vì sự bất bình đẳng trong xã hội khiến nhiều người làm giàu rất mau, người ta lại khó chịu về nạn bất công trong tiến trình giải quyết các vấn đề của đời sống.

- Nhưng, nếu không bất mãn vì sự bất bình đẳng trong xã hội khiến nhiều người làm giàu rất mau, người ta lại khó chịu về nạn bất công trong tiến trình giải quyết các vấn đề của đời sống. Tức là sau khi chấp nhận tình trạng bất bình đẳng và cố leo lên bậc thang cao hơn, người ta bất mãn về phương thức thi hành luật lệ đầy bất công khiến họ khó leo lên bậc thang ở trên. Mà nói đến luật lệ, tức là luật và lệ, ta nhìn ra yếu tố then chốt của hệ thống chính trị.
Vũ Hoàng: Ông vừa nêu ra một nhận xét rất nghiêm trọng vì hàm ý là người ta chỉ bất mãn khi là nạn nhân của bất công, chứ nếu có cơ hội thăng tiến trong hoàn cảnh bất bình đẳng ấy thì sẽ im. Có phải như vậy không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa đúng như vậy và đấy là một đặc thù lạc hậu về văn hóa vì mặc nhiên duy trì sự tồn tại của hệ thống chính trị bất công tại Trung Quốc và cả Việt Nam. Nhưng cũng vì vậy nó lại làm chế độ không cải tiến vì tưởng là sẽ tồn tại được nhờ khai thác tánh xấu của con người. Và vì không cải tiến, hệ thống chính trị ấy không giải quyết được các vấn đề kinh tế và xã hội nên tích lũy sức ép của khủng hoảng và có thể bị đột biến bất ngờ.
Vũ Hoàng: Trong mạch suy nghĩ ấy và nhất là khi ông nhắc đến việc Trung Quốc được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới đúng 10 năm trước, xin hỏi ông rằng khi mở cửa cho xứ này hội nhập vào kinh tế thị trường của toàn cầu, người ta thầm mong rằng sự cải thiện kinh tế ở dưới sẽ làm thay đổi chính trị ở trên. Kết quả hình như lại không được như vậy, có phải không?

Người ta hiểu lầm rằng nếu bao tử căng hơn sẽ tất nhiên làm cho cái đầu được thông thoáng hơn. Hoặc nói theo văn hoá Á Đông thì "phú quý sẽ sinh lễ nghĩa", khi có mức sống cao hơn người ta sẽ hành xử văn minh hơn.

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ rằng đây là một sự hiểu lầm vĩ đại nhất của nhân loại trong hậu bán thế kỷ 20 và là một cách trả thù muộn màng của Karl Marx! Người ta hiểu lầm rằng nếu bao tử căng hơn sẽ tất nhiên làm cho cái đầu được thông thoáng hơn. Hoặc nói theo văn hoá Á Đông thì "phú quý sẽ sinh lễ nghĩa", khi có mức sống cao hơn người ta sẽ hành xử văn minh hơn. Khi Trung Quốc chuyển hóa theo kinh tế thị trường thì sẽ tiếm tiến thay đổi hình thái cai trị bên trong cho dân chủ hơn và đối xử với bên ngoài một cách ôn hoà và trách nhiệm hơn.
- Quả nhiên là sự thật lại không như vậy vì bao tử không sai khiến cái đầu. Ngược lại, chính là cái đầu phải thay đổi tư duy và tổ chức để cải thiện cuộc sống người dân về cả lượng lẫn phẩm.
- Những thí dụ chứng minh là Trung Quốc đã gia nhập Tổ chức WTO mà thường xuyên vi phạm quy định của tổ chức này để trục lợi bất chính. Ngồi ghế thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, Bắc Kinh bỏ phiếu trong tinh thần vô trách nhiệm vì bao che các chế độ hung đồ để bảo vệ quyền lợi riêng tư của mình trong khi gây ô nhiễm nhiều mặt cho cả thế giới, về môi sinh lẫn an ninh. Khi có thêm sức mạnh kinh tế nhờ một chiến lược lệch lạc, họ dùng sức mạnh đó để khuynh đảo và ức chế xứ khác trong khu vực.

0 comments:

Powered By Blogger