Tuesday, September 27, 2011

Thế giới lẫn lộn người sống và người chết

Nghĩa trang Bình Hưng Hòa là nghĩa trang lớn nhất của Sàigòn, trải dài trên địa bàn hai phường Bình Hưng Hòa và Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân. Nơi đây có khoảng 70,000 ngôi mộ. Ban ngày, nghĩa địa Bình Hưng Hòa trông có vẻ bình yên tuy nhiên “thế giới chết” ấy chỉ “sống” khi đêm về, khi những con người nghèo khó sau một ngày dài tản mác mưu sinh quay trở về tá túc qua đêm, lấy nghĩa trang làm nhà. Nghĩa trang Bình Hưng Hòa giờ đây không còn là nơi an nghỉ riêng của những người đã khuất nữa mà từ nhiều năm nay đang âm thầm diễn ra sự tranh dành về chỗ ở giữa người sống và người chết.

Một buổi chiều chạng vạng, trở về “nhà” sau một ngày dài đi quanh mót nhặt phế liệu, như mọi ngày, bà Sáu Gái lầm lũi trải một miếng bạt lên lối đi giữa hai ngôi mộ rồi ngồi bó gối nhìn kẻ lại người qua. Ở tuổi 52, bà Gái đã sinh sống tại nghĩa trang này hơn 10 năm qua.

Cách “ngôi nhà” của bà Sáu vài chục ngôi mộ là “nhà” của anh Quân. Mới tuổi 30 nhưng trông anh như người đang ở tuổi tứ tuần với gương mặt khắc khổ nhiều nếp nhăn. Không như bà Sáu và một số cư dân nghĩa địa khác, với Quân, mồ mả nơi đây vừa là nhà, vừa là kế sinh nhai. Chỉ tay về phía chiếc bàn ọp ẹp bày la liệt kính mát các loại, Quân nói “Tôi sống bằng nghề bán kính mát vỉa hè. Chịu cực một chút nhưng đỡ tiền thuê trọ. Bán đến tối thì tôi gom tất cả bỏ vào giỏ xách rồi ôm mà ngủ”.

Xa hơn một chút, bên hông mái nhà ọp ẹp được kê từ bức tường ngăn cách nghĩa địa Phật Học với con đường Bình Long là “cơ ngơi” của ông Trần Văn Sến. Ông thường được gọi là ông Hai Sến. Ông là người cư trú ở nghĩa địa Bình Hưng Hòa này lâu đời nhất. Ông cho biết “Hai năm nữa chẵn ba chục năm qua tôi ở nơi này”. Rồi ông kể lể “Sinh qua được 3 tháng thì bà già chết do súng đạn chiến tranh. Từ nhỏ qua sống lang bạt khắp lục tỉnh rồi dạt về Bình Hưng Hòa vào năm 1975. Mù chữ, không vốn liếng, tay nghề, không người thân thích nên qua chỉ biết sống bằng nghề đào mồ, bốc cốt, xây mộ, trông mả, bán nhang đèn, nhặt phế liệu… Nói chung ở nghĩa địa làm được gì để sống thì qua làm tất”.

Những ngôi nhà tạm bợ nằm ngay giữa những nấm mồ lạnh lẽo

Đi xuyên qua các nghĩa địa ở Bình Hưng Hòa, chúng ta dễ bắt gặp rất nhiều cảnh đời sống “ký sinh” bên những mả mồ. Đó là chị Loan bán nhang đèn, chị Hà quét dọn mồ mả, ông Bảy Thái chuyên dãy cỏ khi có thân nhân người quá cố yêu cầu, anh Mười Hùng bán vàng mã, bà Sáu Minh chuyên nhặt phế liệu, … Họ ăn ở, sinh sống, mưu sinh ngay trên mả và có người cũng đã chết ngay tại nơi này. Tất cả vẽ lên bức tranh cuộc sống nhọc nhằn quanh nghĩa trang. Nơi yên nghỉ ngàn thu của hàng vạn người chết ở nơi đây lại là nơi mưu sinh, là nguồn sống của rất nhiều người dân sống quanh đây. Người dân ở đây có rất nhiều cái “không”, đó là nhà không số, chủ không tên, không học hành, không hiểu biết, trẻ con không khai sinh, người lớn không có việc làm, ... và không được chính quyền quan tâm.

Một góc của “xóm nghĩa trang”

Trên đây là những mảnh đời rách nát của người sống chen chân dành giựt nơi an nghỉ của người chết. Có những “căn nhà” chỉ gồm toàn là lá chắn, cây che, giấy carton hay bằng những tấm áo mưa được mắc vào hai ngôi mộ. Trớ trêu thay, bên cạnh những mảnh đời bất hạnh đó, bên cạnh biết bao nhiêu người sống đang vật lộn với cuộc sống để sinh tồn thì hiện có biết bao người chết đang đưọc an nghỉ trong những ngôi mộ đáng giá bạc triệu, bạc tỷ, xa hoa bậc nhất Việt Nam.

Được biết đến với cái tên “thành phố lăng mộ” hay “nghĩa địa xa hoa nhất Việt Nam” là làng An Bằng ở xã Vinh An, huyện Phú Vang, Thừa thiên Huế. Ở đây, những ngôi mộ hàng trăm triệu cho đến vài tỷ đồng đua nhau mọc lên như nấm.

Dưới đây là một vài hình ảnh những lăng mộ như những tòa lâu đài nguy nga ở làng An Bằng:

Quả thật nếu chỉ nhìn qua các tấm hình trên thì không thể tưởng tượng ra nổi mức độ xa hoa của khu nghĩa địa này. Một quần thể lăng mộ dày đặc đến nỗi nếu không có người thông thạo địa hình dẫn đi thì khó có thể tìm được lối ra.

Phong trào xây lăng mộ “hoành tráng” của người dân An Bằng mới chỉ rộ lên từ những năm đầu thập niên 90. Những ngôi mộ trên 1 tỷ đồng xuất hiện nhiều trong khoảng 5 năm trở lại đây. Ở nghĩa trang này chẳng thể đếm được có bao nhiêu ngôi mộ và những ngôi mộ ở đây có thể ví như lăng tẩm của các vị vua triều Nguyễn bởi sự quy mô và chạm trổ tinh vi của nó. Có nhiều ngôi mộ diện tích lên tới cả ngàn mét vuông và những ngôi mộ bạc tỷ dày đặc khắp nghĩa trang.

Quê hương Việt Nam của tôi ngày nay là thế đó. Có lẻ trên thế giới này chỉ có nước VN của tôi mới có cảnh thế giới của người sống và người chết lẫn lộn như vậy. Người sống và người chết rất gần nhau nhưng thân phận của họ cách xa nhau. Những mảnh đời khổ cực nghèo túng vẫn hiện hữu bên những ngôi mộ nguy nga bạc tỷ. Người sống đua nhau thể hiện đẳng cấp sống, người chết cũng được thể hiện đẳng cấp chết. Sự cách biệt giai cấp không những bắt gặp ở người sống mà còn thể hiện qua người chết. Khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, dễ dàng bắt gặp ở mọi nơi trên đất nước, ngày càng rõ rệt. Đó là kết quả của chiêu bài “xóa bỏ giai cấp” để đưa đến thế giới đại đồng của CSVN. Giai cấp không những không được xoá bỏ mà càng ngày càng biểu lộ rõ rệt, cả người sống lẫn người chết.

Trần Việt Trình
27 tháng 9 năm 2011

0 comments:

Powered By Blogger