Friday, September 30, 2011

Ngoại giao Xoài!

Ngoại giao Xoài!


Tác giả: Aamir Latif
( Global post)

Đối với người Pakistan, ý nghĩa của "ngoại giao xoài" vượt xa một cử chỉ tượng trưng thuần túy: nó có thể khởi đầu cho sự thay đổi trong mối quan hệ giữa hai nước đồng minh - từ quan hệ dựa trên viện trợ sang quan hệ dựa trên thương mại.

Tại thời điểm Pakistan và Hoa Kỳ xung đột nghiêm trọng về mọi thứ, các quan chức Pakistan đã bắt đầu một chiến dịch không chính thức để xoa dịu mối quan hệ. Và "vật cầu hòa" họ viện đến là những trái xoài nổi tiếng của đất nước này.

Các chính trị gia Pakistan, lo lắng về mối quan hệ đang "xuống cấp" giữa hai đồng minh sau sự kiện tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden và tiếp diễn các cuộc tấn công máy bay không người lái trên đất Pakistan, đã chuyển những hộp "Chaunsa", loại xoài danh tiếng của nước này, tới các đối tác Hoa Kỳ.

Hussein Haqqani, Đại sứ Pakistan tại Hoa Kỳ, cho biết ông đã gửi xoài đến các dân biểu và thượng nghị sĩ Mỹ nhằm giúp giảm bớt căng thẳng. Các chính trị gia khác cũng nhanh chóng làm theo.

Sử dụng xoài giải tỏa các mối quan hệ xấu là một truyền thống cũ tại Pakistan. Các bộ lạc thường-xuyên-đấu-tranh lẫn nhau từ lâu đã dùng trái cây thơm ngon này để giải tỏa các tranh cãi và để biểu thị một khởi đầu mới.


"Phương thức ngoại giao độc đáo này cho thấy Pakistan, mặc dù có những khác biệt quan điểm về nhiều vấn đề, đặc biệt là về tương lai của Afghanistan và sự hiện diện của đặc vụ CIA trên vùng đất này, vẫn muốn có quan hệ hữu hảo với Hoa Kỳ", Shamim-ur-Rehman, nhà phân tích chính trị tại Karachi nhận xét.

Chuyến xoài đầu tiên đã hạ cánh tại sân bay quốc tế O'Hare của Chicago vào tháng 7/2011, sau khi Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm kéo dài nhiều thập kỷ do xoài Pakistan không đáp ứng tiêu chuẩn kiểm soát dịch hại và quản lý sau thu hoạch của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nhờ những cải tiến trong chất lượng sản phẩm, cánh cửa đã mở ra.

Xoài Pakistan mang hương vị lạ kỳ. Chúng ngọt hơn xoài Ấn Độ hay Indonesia - vốn thường có sẵn tại Hoa Kỳ - như bất cứ ai từng ăn chúng đều sẽ nói, không gì thay thế được.

Trong suốt nhiều năm, những người Mỹ "hâm mộ" xoài phải lái xe tới tận Toronto (Canada) mới có thể mua được Chaunsa.

Các nước khác gần đây cũng đã dỡ bỏ lệnh cấm xoài Chaunsa, bao gồm cả Nhật Bản. Sau 16 năm, Đại sứ quán Pakistan tại Nhật Bản đã tổ chức một bữa tiệc xoài để ăn mừng sự xuất hiện của loại quả đặc sản quê nhà.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng là một fan hâm mộ Chaunsa và đã góp công không nhỏ để lệnh cấm được gỡ bỏ. Trong một chuyến viếng thăm mùa hè năm ngoái, bà Clinton hào phóng khen ngợi những trái xoài Pakistan trước khi thông báo rằng lệnh cấm sẽ được dỡ bỏ. Một năm sau, chuyến hàng đầu tiên đã đến Mỹ.

Pakistan là quốc gia cung cấp xoài lớn thứ sáu thế giới, sau Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia và Mexico - cung cấp 1,9 triệu tấn mỗi năm.

Nhưng đối với người Pakistan, cái gọi là "ngoại giao xoài" này mang ý nghĩa lớn hơn rất nhiều một cử chỉ tượng trưng đơn thuần. Rehman cho biết nó có thể có ảnh hưởng sâu rộng và có thể là sự khởi đầu của một loại quan hệ khác giữa hai quốc gia - sự thay đổi từ mối quan hệ dựa trên viện trợ sang mối quan hệ dựa trên thương mại.

"Đây không phải là một cử chỉ tượng trưng. Đây là sự bắt đầu của mối quan hệ thương-mại-chứ-không-phải-viện-trợ giữa hai nước đồng minh", ông nói.

Pakistan từ lâu đã bày tỏ mong muốn tạo dựng quan hệ thương mại chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ và giảm phụ thuộc vào viện trợ nhân đạo của nước này.

"Hành động (dỡ bỏ lệnh cấm xoài) sẽ không chỉ tăng cường quan hệ thương mại giữa hai nước, mà đồng thời còn mở đường cho việc xuất khẩu các mặt hàng khác, chẳng hạn như dệt may", Rehman nói.

Các mối quan hệ vốn đang căng thẳng giữa Pakistan và Hoa Kỳ đã chạm đáy sau cuộc tấn công của Mỹ vào nơi ẩn náu của bin Laden tại Pakistan hồi tháng 5 năm nay. Các tháng sau đó được đánh dấu bởi hàng loạt phản ứng "ăn miếng trả miếng" và những tố cáo công khai của quan chức cấp cao của cả hai bên.

Đầu năm nay, Pakistan trục xuất một số nhân viên C.I.A, giành lại một phần kiểm soát một căn cứ mà Mỹ đang sử dụng để đưa vào hoạt động máy bay không người lái của mình. Mỹ sau đó đã phản ứng bằng cách cắt giảm 800 triệu đôla viện trợ quân sự. Gần đây hơn, Pakistan cho biết họ sẽ giới hạn phạm vi tự do đi lại trong nước này của đại sứ Mỹ và các quan chức khác. Tuy nhiên, Pakistan đã rút lại phát ngôn sau khi Hoa Kỳ đe dọa cũng sẽ đáp trả tương tự.

"Vào thời điểm khi hai bên đang nỗ lực hồi sinh mối quan hệ ngoại giao truyền thống của họ, phương thức [ngoại giao xoài] này có thể là một điềm lành", Rehman nhận xét.

(Theo Global Post)

0 comments:

Powered By Blogger