Tương lai khu vực đồng euro ảm đạm thêm với việc cơ quan thẩm định tài chính Standard & Poor’s hạ điểm tín nhiệm của Ý, cường quốc kinh tế thứ ba tại châu Âu.
Tương lai vùng euro ảm đạm thêm. Mọi quan ngại bắt đầu dồn vào nước Ý, quốc gia đứng hạng thứ nhì về nợ công trong vùng đồng tiền chung. Sau khi Moody’s cảnh báo ba ngày trước, vào tối thứ hai hôm qua 19/09/2011, cơ quan thẩm định tài chính Standard & Poor’s hạ điểm tín nhiệm của cường quốc kinh tế thứ ba tại châu Âu xuống một nấc từ A+/A-1+ xuống A/A-1 vì nghi ngờ Roma không đủ sức đối phó với khủng hoảng.
Nguy cơ khủng hoảng nợ công lây lan như hiệu ứng domino mỗi ngày mỗi nghiêm trọng hơn. Sau Hy Lạp, Ailen, Bồ Đào Nha … và gần đây nhất là Hoa Kỳ, bây giờ đến lược nước Ý bị hạ điểm tín nhiệm ngắn hạn và dài hạn. Thêm vào đó, cơ quan thẩm định tài chính Standard & Poor’s còn dự báo một viễn cảnh tiêu cực cho sinh hoạt kinh tế của Ý. Nói cách khác, Ý bị cảnh báo là còn sẽ bị hạ bớt điểm trong tương lai.
Câu hỏi đặt ra là tại sao Ý bị S&P hạ điểm tín nhiệm một cách khá bất ngờ như vậy trong khi cơ quan Moody’s trước đó còn thận trọng chờ đến tháng 10 ?
Theo S&P, nguyên nhân chính là do tình trạng mong manh của chính phủ Berlusconi. Liên minh cầm quyền tại Ý chỉ có được một đa số sát sao.
Nhà tỷ phú kiêm thủ tướng thích ăn chơi này vừa bị thêm một tai tiếng không biết lần thứ mấy quan hệ với gái mại dâm làm cho 80% dân Ý phản đối ông.
Thứ đến là thái độ phân hóa trong Quốc hội Ý cản trở việc thi hành các biện pháp kinh tế khẩn cấp đối phó với khủng hoảng.
S & P không tin vào kế hoạch khắc khổ của chính phủ Berlusconi, tiết kiệm 59 tỷ euro với mục tiêu cân bằng thâm thủng ngân vào năm … 2013.
Kế hoạch chống khủng hoảng của Ý bị S&P xem là những biện pháp chấp vá, thỏa hiệp nội bộ, tăng thuế giảm chi, không đủ sức hấp dẫn đầu tư và kính thích kinh tế.
Mặc dù thâm thủng ngân sách của Ý còn thấp so với Đức và Pháp nhưng Ý bị nợ nần rất cao, 1.900 tỷ euro, tương đương với 120% tổng sản phẩm quốc nội.
Sau Tây ban Nha, Ailen, Bồ Đào Nha, Chypre và Hy lạp, nước Ý là thành viên thứ sáu của Liên Hiệp Châu Âu bị hạ điểm tín nhiệm.
Chính phủ Ý lập tức phản đối Standard & Poor’s đã ra quyết định dựa trên những « tính toán chính trị không đúng với thực tế ».
Vấn đề là sự kiện Ý bị hạ điểm đã gây ra hậu quả trên thi trường tại chính. Đồng euro một lần nữa bị mất giá so với đôla Mỹ và đồng yen của Nhật.
Tại châu Á, các sàn giao dịch đang trượt giá do tình trạng bất đồng ý kiến trong nội bộ châu Âu về việc giải ngân 8 tỷ euro cho Hy Lạp vay. Tin Ý bị hạ điểm càng làm cho chỉ số Nikkei của Nhật sụt giá thêm.
Giới phân tích tài chính e ngại việc Hy Lạp rơi vào tình trạng vỡ nợ và khủng hoảng lan sang các quốc gia khác như hiệu ứng domino.
Tuy nhiên, một số sàn giao dịch tại Á châu như Thượng Hải, Hồng Kông, Seoul kết thúc với điểm dương. Tại châu Âu, sau một vài giờ tụt giá, hầu hết các thị trường chứng khoán đều lên điểm trở lại. Điều này chứng tỏ khả năng đề kháng của các ngân hàng tại châu Âu khá vững chắc.
Rất có thể giới đầu tư cũng đánh cược vào hiệu quả « thuốc đắng dã tật ». Theo họ, hạ điểm tín nhiệm của nước Ý sẽ làm cho giới lãnh đạo chính trị châu Âu phải thức tỉnh chấp nhận những biện pháp cần thiết để cứu Hy Lạp và tự cứu mình.
0 comments:
Post a Comment