Tuesday, September 20, 2011

Càng văn minh, càng vô cảm?

Bước sang thập kỷ thứ 2 của thế kỷ XXI, người Việt Nam tiếp cận và du nhập thêm nhiều thành tựu khoa học công nghệ cao, văn minh thế giới. Người Việt Nam cũng có vẻ giàu hơn khi nhiều người được là chủ sở hữu của những vật phẩm tiêu dùng cực kỳ xa xỉ…

Nhưng hình như tỉ lệ thuận với những điều tưởng chừng tốt đẹp đó lại là sự vô cảm trong mọi lĩnh vực và ở nhiều tầng lớp xã hội cứ ngày càng tăng thêm, như một thảm họa đạo đức đến đau lòng.

“Bầu”- “bí” lên đời- tình thương xuống dốc?

Có lẽ người Việt Nam chúng ta gần như ai cũng thuộc câu ca dao xưa: “Bầu ơi thương lấy bí cùng…”, nên 1 trong những tính cách của người Việt như 1 thứ di sản truyền thống quý giá là tình thương yêu mang hai chữ “đồng bào”.

Lớn hơn là tình thương yêu nhân loại, luôn đặt chữ “nhân”, chữ “tâm” lên hàng đầu, đã tạo nên 1 nước Việt yên bình, nhân văn và hữu nghị đoàn kết với bè bạn quốc tế.

Trải qua suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước, người Việt Nam luôn nêu cao tinh thần thương yêu, đùm bọc, đoàn kết, tương thân, tương ái… để cùng nhau đồng lòng xây dựng giang sơn vững mạnh, ngẩng cao đầu với các quốc gia 5 châu, 4 bể.

Thế kỷ 21, thế kỷ của công nghệ cao, của những khái niệm “thế giới phẳng”, “toàn cầu hóa”, “kinh tế thị trường”…, Việt Nam, dù là 1 quốc gia còn nhiều vấn đề khó khăn tồn tại, cũng không ra khỏi xu thế chung của thời đại, được hưởng những ưu thế vượt bậc, và có thay đổi diện mạo.

Các chỉ số dân sinh, kinh tế, hưởng thụ văn hóa, y tế, giáo dục… đều tăng cao so với những thập niên trước với những con số khá ấn tượng. Chất lượng cuộc sống cũng theo đó tăng lên, nhiều người giàu có, trình độ văn hóa được nâng cao ở các cấp, xã hội văn minh hơn…

Báo cáo thường niên lần thứ 15, ngày 23.6.2011 của Merrill Lynch cho biết, Việt Nam là 1 trong 2 nền kinh tế dẫn đầu về tốc độ tăng số lượng triệu phú USD tại Châu Á, với tỉ lệ tăng 33%.

Nhưng ngược lại, cũng ngày càng nhiều hơn những hành vi đạo đức băng hoại trong hành xử giữa con người với con người, chuẩn mực nhân văn bị phá vỡ. Các tội phạm tham nhũng, tội ác phi nhân trong các câu chuyện có thực ngày càng nhiều, mà người gây án là những người có ăn học và được đào tạo bài bản.

Không ngày nào truyền thông Việt Nam thiếu những thông tin như giết người, cướp của, bạo lực… xảy ra trong ngày. Bạo lực gia đình, bạo lực xã hội đã trở nên thường nhật đến mức không còn là tin “vedette” để làm tăng tiara báo in hay chỉ số raiting cao trên truyền hình, báo điện tử…

Chưa kể những thông tin về thói vô trách nhiệm của con người gây ra những cái chết thương tâm, những hệ lụy đạo đức xã hội… Những lái xe vô lương tâm coi thường sinh mạng hành khách, những bác sĩ quên lời thề đạo đức ngỏanh mặt làm ngơ trước sự đau đớn của bệnh nhân.

“Tính chất tội phạm manh động, nhiều loại án nghiêm trọng tăng. Tội phạm sử dụng vũ khí gia tăng và lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố. Hoạt động của các băng nhóm lưu manh côn đồ sử dụng vũ khí thanh toán, trả thù lẫn nhau, gây rối trật tự công cộng diễn ra ở nhiều địa phương …”-

(Thiếu tướng Vũ Hùng Vương, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm- Báo cáo tình hình, kết quả công tác đảm bảo an ninh quốc gia 6 tháng đầu năm 2011).

Phải chăng người Việt chúng ta đã không có sự chuẩn bị để sống trong cảnh hòa bình một cách yên bình, hiền hòa, mà trở nên… “đổi tính, đổi nết”?

Vô cảm có phải là tính sẵn?

Học giả Trần Trọng Kim trong cuốn Việt Nam sử lược đã viết: “Về đàng trí tuệ và tính tình, thì người Việt có cả các tính tốt và các tính xấu. Ðại khái thì trí tuệ minh mẫn, học chóng hiểu, khéo chân tay, nhiều người sáng dạ, nhớ lâu, lại có tính hiếu học, trọng sự học thức, quí sự lễ phép, mến điều đạo đức: Lấy sự nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, làm 5 đạo thường cho sự ăn ở.

Tuy vậy, vẫn hay có tính tinh vặt, cũng có khi quỷ quyệt, và hay bài bác chế nhạo. Thường thì nhút nhát, hay khiếp sợ và muốn có sự hòa bình, nhưng mà đã đi trận mạc thì cũng có can đảm, biết giữ kỷ luật.”

Chiếu theo những chuẩn mực khác về người Việt Nam từ xưa tới nay không có tư liệu nào nói người Việt có tính xấu “vô cảm”. Nói chính xác, nó là hệ lụy của 1 xã hội hiện tại khi niềm tin thì ít và lung lay, thực dụng vừa nhiều vừa phổ biến, thói ích kỷ tràn lan và ngày càng tăng.

Nhiều người Việt Nam ngày nay không coi đạo đức là điều kiện tiên quyết của cuộc sống, các chuẩn đạo đức truyền thống xem như bị bỏ ngỏ và “rơi tự nhiên”.

Hiện tượng tôn sùng vật chất hơn các giá trị nhân văn hay các truyền thống tốt đẹp của nhân loại xuất hiện ngày càng nhiều trong mọi tầng lớp xã hội, kể cả tầng lớp trí thức, có học. Không hiếm những cảnh vô tư khoe tài sản của các “đại gia”, “thiếu gia” với những “siêu” xe hơi bạc triệu USD. Hay những “sao” trong giới giải trí khoe nhà “dát vàng”, căn hộ “thông minh”, trang viên lộng lẫy có giá hàng tỉ đồng….

Rồi trong khi có bao cảnh đời khốn khó vì thiên tai, vì tai nạn… thì có nhiều người hàng ngày chi bạc triệu cho các khỏan “phụ” như ăn sáng hết cả triệu đồng, uống chai rượu có giá vài triệu đến cả chục triệu như uống một chai nước, sắm một đôi giày hay cái túi xách tính ra có cái cả trăm triệu đồng…

Ngày nào chúng ta cũng đều nghe đến những vấn đề nhức nhối của xã hội như không chấp hành luật lệ giao thông, tai nạn, rác thải, ô nhiễm môi trường, tuổi trẻ thác lọan, bạo lực học đường.

Các “sao” trong giới giải trí đua nhau khoe thân… là vấn nạn, là thảm họa… nhưng rồi ai cũng tự an ủi rằng đó không phải việc của mình, đó là việc của chung, nhưng “chung” cụ thể là ai thì không là ai hết.

Người trẻ là tương lai của đất nước, thì lại là người nhiễm bệnh “vô cảm” nhiều nhất. Ngòai việc vô tư “copy” những kiểu ăn chơi thác lọan xứ người, vô tư tiêu xài hoang phí, vô tư trước sự trống rỗng kiến thức văn hóa, thì họ còn là những điển hình của sư vô cảm trước những nỗi đau của người khác cũng như không hề phẫn nộ trước những tệ nạn xảy ra hàng ngày.

Ngày nay hiếm có việc người nào sẵn lòng giúp đỡ những người gặp khó khăn hoạn nạn, làm ngơ chạy cho mau, không cứu giúp, sợ rước phiền vào thân. Thậm chí vô cảm đến nhẫn tâm, họ sẵn sàng lao vào cướp tài sản của những người gặp nạn. Họ vì lòng tham vô đáy mà lấy cả gạo cứu đói dân làm của riêng cho mình…

Ở Việt Nam có mấy hè phố, các tụ điểm công cộng, các tòa nhà công sở… có lối đi dành riêng cho người khuyết tật phải đi xe lăn? Ngay cả chương trình truyền hình quốc gia, truyền hình các tỉnh thành, cũng bỏ quên một bộ phận công chúng bị khiếm thính( việc này các kênh truyền hình nước ngòai luôn coi trọng vì sự công bằng về quyền của con người).

Và ngay cả truyền thông Việt Nam vì mục đích riêng của mình cũng có vẻ vô cảm khi hàng ngày đua nhau đưa các thông tin khoe giàu, khoe “sướng”, sặc mùi hưởng thụ xa xỉ. Vô tình (hay hữu ý) quảng cáo cho một bộ phận cá nhân sống vô cảm trên những số phận bất hạnh, các vấn nạn xã hội đương đại…

Thử giải mã sự vô cảm ở người Việt đương đại

Sự ích kỷ, tham lam cá nhân là 1 nguyên do đưa đến sự vô cảm. Khi người Việt Nam bước từ cuộc chiến tranh nhiều gian khổ hy sinh, đươc sống trong cảnh hòa bình với nhiều vật chất nên vô tình biến mình thành kẻ “đam mê” hưởng thụ. Bất chấp tất cả những chuẩn mực đạo đức, nhân văn truyền thống được phát huy trong thời chiến, chỉ cần “sướng” thân mình không cần phải lo nghĩ gì đến xung quanh.

Gia đình là “rường cột” của xã hội, nhà trường là nơi đào tạo “nguyên khí” quốc gia, thì 2 nơi này lại đang mang trong mình bao khuyết tật. Nhiều gia đình chỉ như nhà trọ, gia pháp chỉ còn trong cổ tích, sách xưa, quan hệ giữa các thế hệ trong gia đình có khi chỉ thuần về vật chất và di truyền sinh học.

Nhà trường không còn là nơi trong sạch để “tiên học lễ, hậu học văn”. Kiến thức học vấn chỉ là thứ trang sức bề ngòai, không thực chất. Bạo lực tràn lan, tiêu cực vẩn đục giảng đường. Học sinh đánh nhau, trò đánh thầy, cô đánh trò, quan hệ thầy trò có khi mang đậm màu “kim tiền”, sắc tình dục…

Dù có khẩu hiệu: “Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật”, nhưng lỗ hổng về luật pháp còn quá nhiều. Việt Nam chưa có 1 bộ luật hòan chỉnh, chi tiết về mọi mặt, thiếu sự giám sát đồng bộ, nên việc thi hành pháp luật trở nên lỏng lẻo, không có gốc, dễ “luồn lách” để trục lợi cá nhân.

Chưa kể đại bộ phận người dân Việt Nam chưa được giáo dục có tinh thần tự giác tuân thủ pháp luật.

Thói vô cảm, có lẽ chỉ mới “thịnh” trong vài năm gần đây, khi Việt Nam đang ngày càng “thịnh” về mọi phương diện để khẳng định mình với thế giới, để hòa nhập vào xu thế chung của tòan cầu.

Nhưng vô cảm càng “thịnh”, có nghĩa là Việt Nam có thể rơi vào bi kịch 1 xã hội bất an trong chính tâm hồn con người.

Theo Minh Châu (Tuần Việt Nam)

0 comments:

Powered By Blogger