Máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm J-20 của Trung Quốc rất giống với MiG-1.44 của Không quân Nga.
Gần đây, báo chí phương Tây chỉ trích Nga đã bán công nghệ máy bay thế hệ thứ 5 cho Trung Quốc, cho rằng một phần của J-20 vốn thuộc MiG-1.44, loại máy bay chưa thể sản xuất hàng loạt.
Tuy nhiên, chuyên gia Nga cho rằng, Bộ phận Thiết kế MiG không thể chuyển giao công nghệ này cho Trung Quốc, chưa nói đến việc hai nước sớm đã là đối thủ cạnh tranh máy bay chiến đấu trên thị trường thế giới.
Máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm MiG-1.44 của Nga.
Ngày 18/8, Reuters dẫn một nguồn tin cấp cao công nghiệp quốc phòng Nga cho biết, máy bay thế hệ thứ năm J-20 của Trung Quốc đã phát triển trên nền tảng công nghệ Nga được chuyển giao cho Trung Quốc, vì J-20 rất giống
MiG-1.44 của Nga, loại máy bay chưa được sản xuất hàng loạt.
Phía Trung Quốc hầu như đã tiếp xúc được tài liệu về máy bay MiG, nhưng chưa xác nhận được Trung Quốc có được công nghệ này bằng cách hợp pháp hay là dùng gián điệp.
Về việc này, Tập đoàn Chế tạo Hàng không liên hợp Nga thuộc Công ty MiG không xác nhận là đã chuyển giao cho Trung Quốc công nghệ này.
Nhà phân tích độc lập Muka Stanishev suy đoán, Trung Quốc có thể dùng tiền để mua công nghệ linh kiện của máy bay, bao gồm công nghệ phần đuôi máy bay MiG, nhưng ông không đưa ra bất cứ chứng cứ nào.
Các chuyên gia Nga phổ biến cho rằng, Nga không thể chuyển giao công nghệ hàng không hiện đại cho Trung Quốc.
Máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm J-20 của Trung Quốc.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích chiến lược Nga Makiyenko: J-20 của Trung Quốc có bố cục khí động học tương tự MiG-1.44 của Nga. Người Trung Quốc có “tính sáng tạo”, cái họ không thể chế tạo thì họ bắt chước.
Họ có thể được khích lệ khi nhìn thấy MiG-1.44 và đón nhận bố cục của nó. Nga thực sự không hứng thú với việc chuyển nhượng công nghệ cho Trung Quốc.
Còn Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích Buôn bán vũ khí thế giới Nga Shiwaliefu thì khẳng định: Nếu có chuyển giao thì mọi người đã biết đến. Nga không thể chuyển giao công nghệ này cho Trung Quốc, vì nó sẽ bất lợi cho Nga.
Trung Quốc hiện là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Nga trên thị trường vũ khí thế giới. Nga sẽ không chuyển giao hợp pháp bất cứ công nghệ nào (cho Trung Quốc).
Điều cần chỉ ra là, MiG-1.44 sớm được bắt đầu chế tạo từ năm 1979, dùng để đối phó với F-22 của Mỹ. Vì vậy, một số tính năng của nó ưu việt hơn F-22. Liên Xô đã chỉ đạo cho các viện nghiên cứu giải quyết các vấn đề công nghệ như tốc độ siêu âm, siêu động cơ, công nghệ tàng hình.
Bản thiết kế đầu tiên đã ra đời vào năm 1986, sau đó mô hình bay được thử nghiệm trên quy mô lớn. Năm 1992, ngân sách cho chương trình này bị cắt giảm mạnh, sau đó công việc bị đóng băng cho đến năm 1998.
Trên thực tế, sau khi Trung Quốc cho bay thử J-20, tháng 1/2011, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain cho rằng, Trung Quốc có thể đã dùng gián điệp mạng ăn cắp công nghệ Nga để chế tạo máy bay tiêm kích, đây là cách thức khiến Mỹ quan ngại.
Về việc này, chuyên gia Nga Shiwaliefu cho rằng, gián điệp mạng là vấn đề nước nào cũng có, chỉ có thể ăn cắp một số linh kiện cá biệt của máy bay, chứ không thể ăn cắp toàn bộ công nghệ nghiên cứu chế tạo máy bay. Trong vấn đề này, Mỹ cũng bị chỉ trích là đã chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc, bởi vì J-20 cũng giống với F-22, đặc biệt là phần đầu máy bay, hơn nữa buồng lái của J-20 đã sử dụng công nghệ tương tự F-35 của Mỹ.
Báo Nga cho biết, mặc dù thiếu thông tin chính thức, nhưng các bức ảnh về J-20 cho thấy loại máy bay này thực sự tồn tại. Các chuyên gia Nga cho rằng, Trung Quốc chỉ phỏng chế mô hình của máy bay chiến đấu Nga.
Ví dụ, tên lửa hành trình C-602 của Trung Quốc tương tự với tên lửa hành trình KH-55 của Nga, động cơ WS-10 cũng là sản phẩm tương tự AL-31F sử dụng cho máy bay chiến đấu Su.
Điều đáng chú ý hơn là, Trung Quốc đã phỏng chế thành công Su-27. Năm 1995, Nga-Trung đã ký thỏa thuận đồng ý lắp ráp 200 chiếc Su-27SK (J-11 phiên bản Trung Quốc), nhưng sau khi lắp ráp 100 chiếc ở Thẩm Dương, phía Trung Quốc từ chối sản xuất dư thừa máy bay, thì ra Trung Quốc đã nghiên cứu chế tạo các linh kiện cho máy bay của mình, trong 10 năm đã học được cách lắp ráp J-11 trên nền tảng Su-27.
Hơn nữa, các kỹ sư Trung Quốc không chỉ phỏng chế thiết bị radar và điện tử hàng không của Su-27, mà còn giải quyết được một số vấn đề khó về kỹ thuật, trên máy bay đã lắp ráp động cơ phản lực nội địa. Ngoài ra, máy bay trang bị cho tàu sân bay J-15 cũng rất giống Su-33 của Nga, như vậy các kỹ sư Trung Quốc có thể đã sử dụng nguyên mẫu của Ukraine để thiết kế J-15.
Báo Nga cho hay, hiện nay hai nước Nga-Trung đã bắt đầu cạnh tranh trên thị trường vũ khí thế giới. Năm 2009, JF-17 của Trung Quốc và MiG-29 của Nga tranh hợp đồng máy bay chiến đấu của Mianma, kết quả Nga đã thắng. Năm 2010, hai nước tiếp tục đối mặt tại thị trường vũ khí Ai Cập.
Trong nhiều năm, phía Nga đã cố gắng thuyết phục Ai Cập mua khoảng 40 máy bay MiG-29 nhưng đã không thành công. Bởi vì Trung Quốc liên kết với Pakistan đề nghị giúp Ai Cập lắp ráp sản xuất máy bay chiến đấu JF-17, giá mỗi chiếc chỉ 10 triệu USD, thấp hơn nhiều so với 35 triệu USD của MiG-29.
0 comments:
Post a Comment