Tuy đã 12 giờ trưa, giờ của mọi gia đình cùng quay quần bên mâm cơm, nghỉ giải lao và chuẩn bị cho buổi chiều làm việc.
Nhưng không khí ở đây im lặng, có chút gì đó dờn dợn, tang tóc và khiếp hãi vây bủa cái xóm có hơn 1,500 nóc nhà này. Miếu Ðỏ, Câu Hà, nhà nhà đóng cửa, nhà bị đập thì căn lều trước đống gạch vụn, trước gia tài đã thành đống đổ nát mà ngủ. Những giấc ngủ xanh xao, mệt nhọc, hằn vết lo lắng...
Chúng tôi đi dạo quanh thôn một vòng, không có gì hơn ngoài những gì đã thấy, họa hoằn lắm mới gặp một gia đình đang ngồi duỗi những sợi kẽm, sắp xếp mấy tấm tôn rách thu lại được từ buổi sáng kinh hoàng đó.
Rạng sáng ngày 19 tháng 7 năm 2011 mà nhật báo NV đã đưa tin, 18 căn nhà trong xóm Miếu Ðỏ chỉ sau vài chục phút đã thành đống gạch vụn và nhiều người bị đánh đập trọng thương bởi dùi cui của công an, cảnh sát 113. Những tiếng khóc kêu la thảm thiết của người dân không cứu được họ, những gia đình chứng kiến cảnh này đã khiếp đảm và im lặng... chờ tới phiên của mình!
Gia tài còn lại của người dân là một chiếc bàn thờ, một tấm bạt che mưa nắng...
Hỏi thăm những người đang thu gom “tài sản” của mình, họ nhìn chúng tôi đầy vẻ nghi ngại, một người đàn ông trong nhóm lên tiếng: “Chúng tôi không làm gì sai trái cả, sao các anh đối xử với chúng tôi tệ mạt thế này?! Bây giờ các anh theo dõi gì nữa chứ? Chúng tôi mất tất cả rồi, chưa vừa lòng các anh sao?!”
Chúng tôi giải thích cho họ biết chúng tôi không phải là kẻ xấu đối với họ, và nếu không tin tưởng nhau được thì cũng không nên cư xử lạnh nhạt với thiện ý của chúng tôi... Một người phụ nữ trong nhóm bảo: “Nếu các anh là nhà báo thì chúng tôi sẵn sàng tiếp chuyện. Nhưng là nhà báo của nhà nước thì vui lòng để chúng tôi yên, chúng tôi không còn gì để mất nữa đâu!”
Sau một hồi trò chuyện, người đàn ông ban nãy nói: “Họ không hề thông báo, không hề nương tay, thậm chí đối xử với dân như đối xử với súc vật. Chúng tôi buồn vô cùng và cũng thất vọng vô cùng! Phải chi chúng tôi mới xây dựng nhà thì khác, đằng này nhà ở đã gần ba năm nay, có đóng thuế đất hẳn hoi, thậm chí có nộp phạt về chuyện xây dựng nhà, và hơn hết là chính quyền đã cấp KT3 (sổ khẩu tạm thường trú). Nếu như chúng tôi sai trái, sao họ lại cấp KT3, chịu để nộp thuế và nộp phạt xây dựng, như vậy nghĩa là sao?”
Chính quyền địa phương và cò đất chơi đòn bẩy, thu hồi KT3 trong đêm...
Trở lại chuyện nhà đất ở thôn Câu Hà, xã Ðiện Ngọc, huyện Ðiện Bàn, tỉnh Quảng Nam (cũng là nơi giáp ranh giữa tỉnh Quảng Nam và thành phố Ðà Nẵng, là giao điểm của phường Hòa Hải, Hòa Quí - Ðà Nẵng và xã Ðiện Ngọc - Ðiện Bàn - Quảng Nam) trong ba năm trở lại đây, gần 2 ngàn ngôi nhà mọc lên ở thôn này cùng cơn sốt nhà đất có chủ định.
Về phía cò đất, họ tung tin nơi đây sắp lên thành phố, sẽ xây dựng hàng loạt công trình đô thị... Và bắt đầu mua lại đất hoa màu của bà con nông dân trong xóm Miếu Ðỏ, thôn Câu Hà. Có nhà bán hàng ngàn mét vuông với giá chừng một trăm, hai trăm triệu đồng, cò mua xong đất, chia lô và bán lại với giá trên trời (tuy vẫn thấp hơn nhiều so với giá đất thành phố). Giá trung bình mỗi lô đất ngang 4m, sâu 20m từ 100 đến 150 triệu đồng. Cò bán đất bảo đảm làm KT3, giúp đóng thuế xây dựng cho người mua...
Những người dân nghèo từ Vũng Thùng, Thọ Quang, Mân Thái - Ðà Nẵng và nhiều thanh niên mới lập gia đình ở Quảng Nam tìm đến mua, xây dựng nhà cửa. Tốc độ xây dựng mỗi lúc một nhanh. Cả một bãi cát trắng trồng phi lao nhanh chóng trở thành khu phố của người nghèo.
Sở dĩ những người nghèo dành dụm tiền bạc để vào đây làm nhà mà không chọn nơi khác là vì họ cũng mong được đổi đời, với số tiền từ 200 đến 300 triệu đồng mà họ dành dụm cả đời hoặc chạy vay chạy mướn... Nếu xây nhà ở thôn quê thì thừa sức, nhưng xây xong thì chỉ ở và không có cơ hội buôn bán... Trong khi họ vẫn nuôi hy vọng xây nhà ở khu vực này, tương lai rộng mở hơn bởi nó sẽ là thành phố, sẽ có trường đại học, bệnh viện, sân quần vợt... Họ sẽ bán tạp hóa, làm dịch vụ... để kiếm thêm thu nhập.
Vấn đề chính khiến họ mạnh tay mua đất xây nhà chính là thái độ im lặng, thậm chí có vẻ như mở cửa của chính quyền địa phương. Bằng chứng là họ được cấp KT3, được đóng thuế xây dựng, được nộp phạt xây dựng trái phép... Chứ không bị cấm xây dựng ngay từ đầu cũng như không bị cưỡng chế ngay từ đầu. Và khi họ xây dựng xong, tạm ổn định làm ăn cũng là lúc cái bẫy chính quyền sập xuống, chụp lên họ.
Ðặc biệt, ngay trong đêm 19 tháng 7 năm 2011, sau buổi sáng kinh hoàng đó, chính quyền địa phương đã đến kiểm tra KT3 của bà con xóm Miếu Ðỏ, thu hồi, sau đó nói là không hợp lệ, không trả cho bà con.
Khoanh vùng và cưỡng chế một cách đàn áp...
Chúng tôi ghé vào một quán nước trong xóm, gặp mấy người đang ngồi bàn tán, thấy chúng tôi vào, họ im lặng quan sát chúng tôi. Sau một hồi làm quen, người đàn ông tên Hưng cho biết: “Cái nhà lúc nãy các anh chụp hình là nhà của mấy mẹ con cô Chiến, cô này nghèo lắm, vì nghe ở đây dễ thở, đã dồn hết vốn liếng vào đây mua đất làm nhà. Nhà bị đập, cô Chiến kêu la thảm thiết, giằng co một hồi, bị công an đánh ngất xỉu và hiện nay đang điều trị ở bệnh viện. Mấy ngày nay anh chồng đã ly hôn của cô Chiến cũng tới lui để mà trông nom vợ cũ. Nhìn cảnh nhà này mà ứa nước mắt!”
Nỗi buồn lo của những cư dân sắp mất nhà.
H. chủ quán nói chen vào: “Thôi anh ơi, thương thì thương đó, nhưng tụi mình có hơn gì đâu, có khi tối nay ra đường không chừng, cứ cái đà này, chắc chắn chúng ta đều màn trời chiếu đất, lúc đó chúng ta thương nhau hết chỗ biết!”
Một người đàn ông khác tên K. nói: “Ðúng là họ chơi đòn quá ác độc, họ đối xử với chúng ta tệ hơn kẻ thù, đánh đập, phá nhà cửa, san bằng cơ ngơi, đẩy chúng ta ra đường, màn trời chiếu đất... Tất cả mọi chuyện đều làm một cách đột ngột và bất ngờ, phong tỏa và khoanh vùng để cưỡng bức, nội bất xuất ngoại bất nhập trong vòng đai kẽm gai và công an, phân hóa người dân, khiến họ bất lực và sợ hãi đứng nhìn... lẽ ra nhà nước nên dùng sức mạnh này với kẻ ngoại xâm, ai lại dùng với dân đen, bà con cùng dòng máu, cùng tổ quốc với mình!”
H., chủ quán nói thêm: “Chúng tôi đã nghèo sát đất, mong được cái nơi dung thân mới vào đây, tốn tiền mà còn bị tổn thương, đúng là quá bất công! Ðúng là mình bị bẫy, tốn gần mười triệu đồng để làm giấy tờ từ KT3 cho đến nộp phạt xây dựng, rồi nước non, rượu bia phải trái... Cuối cùng trắng tay, mất của. Họ không cho xây dựng thì nói ngay từ đầu chứ cấp KT3 và phạt xây dựng làm gì?”
“Thử đếm mỗi nhà tốn trung bình 10 triệu đồng, một ngàn rưỡi nhà là ngót nghét 15 tỉ đồng, vậy số tiền này đi đâu? Và một khi cầm xong 15 tỉ đồng của nhân dân thì bắt đầu xua đuổi, quá vô lý!”
Một phép toán mờ ám...
Ðó là những gì chúng tôi được nghe! Và những đống gạch vụn, những chiếc bàn thờ đặt giữa trời nắng cùng với mùng, mền, chăn, gối... trong những căn lều che tạm bợ, rách nát tứ bề, đập vào mắt chúng tôi đã khiến chúng tôi suy nghĩ rất nhiều.
Thử làm một phép toán sau khi bỏ qua con số 15 tỉ tiền phải trái, “bôi trơn” để được có chỗ che thân của nhân dân. Chí ít mỗi căn nhà xây xong cũng tốn 300 đến 400 triệu đồng. Tiền đất 100 đến 150 triệu đồng, tiền xây dựng, trang trí nội thất tốn ít nhất cũng 100 đến 200 triệu đồng, thậm chí có nhà xây dựng bề thế lên đến 500 triệu hoặc hơn. Ðặt bình quân 300 triệu đồng/căn nhà.
1,500 căn nhà nhân với 300 triệu đồng sẽ ra con số 450 tỉ đồng. Và bình quân mỗi nhà có khoảng 5 người ở, như vậy lấy 1,500 nhân với 5 sẽ ra đáp số là 7,500 người.
Trong lúc này, nguy cơ giải tỏa của 1,500 hộ gia đình ở đây là 100%. Như vậy, sau khi giải tỏa, sẽ có 7,500 người ra đường, lâm vào màn trời chiếu đất, vô sản đúng nghĩa. Ðồng thời, có 450 tỉ đồng của nhân dân trở thành gạch vụn. Và có thêm chừng vài tỉ để dọn mặt bằng, trả nó về nguyên trạng cho những mục đích sau này.
Câu hỏi được đặt ra: Chính quyền địa phương quản lý đất đai kiểu gì mà cả một khu phố với hàng chục ngàn còn người được mọc lên, được “định cư” và hoạt động mua bán, làm ăn một cách sầm uất, nhộn nhịp thì mới biết, mới ra lệnh giải tỏa?
Miếu Ðỏ, Câu Hà không còn bình yên!
Bài và hình: Phương Minh/Người Việt
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=134510&z=307&template=viewmainNVO.htm
Bài và hình: Phương Minh/Người Việt
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=134510&z=307&template=viewmainNVO.htm
0 comments:
Post a Comment