Thursday, July 28, 2011

Vụ Cù Huy Hà Vũ: điều lớn hơn ở một bản án


Phạm Hồng Sơn - Trước khi bị bắt Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ đã bày tỏ nhiều quan điểm mạnh mẽ, rõ ràng, có tầm chiến lược cho việc bảo vệ và phát triển đất nước. Trong đó có một quan điểm liên quan đến vấn đề thời sự rất nóng bỏng hiện nay của nước nhà: bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải và chủ quyền dân tộc trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc.

Theo Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ, để giải quyết được vấn đề này thì Việt Nam cần phải sớm trở thành “đồng minh quân sự với Mỹ.” Những diễn biến thời sự sau khi Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ bị bắt và ngay gần đây càng cho thấy quan điểm của Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ là đúng đắn. Ngay cả Đảng Cộng sản Việt Nam, mặc dù vẫn còn e sợ (một cách sai lầm) quan hệ thân thiết thực sự với Mỹ, cũng đã phải tiến hành nhiều hoạt động quân sự gắn bó hơn với Mỹ. Nếu bây giờ có một cuộc thăm dò xã hội (kín, một cách độc lập) thì chắc tỷ lệ người dân Việt Nam ủng hộ việc thiết lập quan hệ đồng minh toàn diện, không chỉ về quân sự, với Mỹ sẽ thuộc về đa số áp đảo, và trong đa số đó cũng sẽ có rất nhiều đảng viên cộng sản. Dĩ nhiên, chúng ta cần phải loại bỏ triệt để một ngộ nhận hay một lối nghĩ lạc hậu rằng đồng minh với Mỹ nghĩa là dựa dẫm, ỷ lại, hay lệ thuộc, thần phục chính quyền Mỹ (như chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã từng dựa dẫm, ỷ lại hay chính quyền Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã lệ thuộc, thần phục đối với đồng minh Liên Xô và Trung Quốc). Đồng minh với Mỹ cũng không nhằm mục đích để khiêu khích quân sự hay tấn công một quốc gia khác mà chỉ là xu thế tất yếu của các quốc gia đang bị mộng bá quyền hung hãn của Trung Quốc đe dọa trực tiếp. Chúng ta cũng cần phải nhìn thấy sức mạnh, giá trị đáng học hỏi nhất của Mỹ không phải ở bom nguyên tử, tiền bạc hay tàu khu trục. Sức mạnh và giá trị của Mỹ chỉ nằm ở hai chữ Dân Chủ.

Một quan điểm khác của Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ cũng đang được chứng minh là đúng đắn, đáp ứng đúng nhu cầu hàn gắn vết thương của dân tộc Việt Nam vốn chịu nhiều xung đột, hận thù. Trong các ngày 24 và 27 tháng Bảy vừa qua, dù vô tình hay hữu ý, nhiều nhân sỹ, trí thức hàng đầu trong xã hội đã bày tỏ công khai, mạnh mẽ sự tán đồng, xiển dương quan điểm của Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ về vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc: “Những người chiến thắng phải đi bước trước, mà giang tay ôm vào lòng những người anh em chiến bại để tỏ chữ Hiếu đối với Mẹ Chung - Tổ Quốc, để mọi người Việt dẫu chính kiến có khác biệt lại xum họp Một Nhà!

Phiên tòa xử phúc thẩm Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ sẽ diễn ra vào ngày 02/08/2011 tới đây. Tất cả những người có lương tri đều đang hướng đến phiên tòa và đòi hỏi phán quyết có “hiệu lực pháp luật” của phiên tòa đó phải theo hướng “vô tội” vì mọi hành vi của Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ, như bản cáo trạng đã nêu, đều là những hành động, tâm tư của một người trí thức cương trực, yêu nước và hoàn toàn trong khuôn khổ pháp luật. Nhưng, dù phán quyết của phiên tòa sắp tới vẫn tiếp tục đi ngược lương tri và công lý thì điều có ý nghĩa nhất vẫn là những tâm tư, quan điểm đúng đắn của Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ vẫn sẽ tiếp tục được quan tâm, chia sẻ, phổ biến và nhiều điều chắc chắn sẽ trở thành hiện thực trong tương lai không xa. Bởi đó là những tâm tư, quan điểm phù hợp với xu hướng tiến bộ của thời đại, trùng hợp với khát khao của giới trí thức cấp tiến và hoàn toàn vì chủ quyền quốc gia, lợi ích chính đáng của dân tộc.

Như thế, việc tống tù một con người không những không thể vùi dập được quan điểm, tư tưởng của người đó mà có khi lại còn giúp cho quan điểm, tư tưởng đó được phổ biến, thăng hoa mạnh mẽ hơn. Việc người cầm quyền thù ghét những quan điểm đối lập không phải là chuyện lạ của loài người nhưng việc dùng nhà tù hay bạo lực để đối phó với quan điểm đối lập đã thuộc về ấu trĩ xa xưa của nhân loại tiến bộ.

Còn việc Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ đã dùng pháp luật để công kích, khởi kiện cả người đứng đầu chính phủ, hay tố giác, lên án những người có quyền có thể là một việc rất không dễ chịu đối với người cầm quyền độc đoán. Nhưng nhìn ở góc độ khác, đó lại có thể là một ẩn ý muốn chỉ ra hay tạo ra cơ hội lịch sử cho những người cầm quyền độc đoán vượt khỏi sự tầm thường. Lịch sử đã cho thấy việc ủng hộ, thúc đẩy hay tạo ra sự đột phá về tinh thần tôn trọng pháp luật đích thực trong các thể chế chính trị phi dân chủ luôn là điều chắc chắn mang lại sự kính phục hay sự vĩ đại cho người cầm quyền độc đoán.

Những người cầm quyền chưa có tư tưởng dân chủ thường chỉ thấy quyền lực có sức mạnh trấn áp, sức mạnh nhũng lạm. Nhưng quyền lực còn có những sức mạnh khác – sức mạnh cải cách, sức mạnh mở ra một trang mới tiến bộ hơn cho lịch sử.

29/07/2011

0 comments:

Powered By Blogger