Thursday, July 28, 2011

Một cựu tình báo CIA _Merle L. Pribbenow viết về TT Đặng Văn Quang, Nguyễn Kỳ Phong Dịch

Nhật báo The New York Times số ra ngày 27 tháng 10, 2009 có đăng một bài viết rất sôi động về ông Ahmed Wali Karzai, bào đệ của tổng thống Afghanistan Hamid Karzai. Bài viết cáo buộc ông em tổng thống là một tay buôn bán nha phiến lớn và đồng thời cũng là một nhân viên ăn lương của cơ quan tình báo CIA. Bài báo do ba tác giả ký tên, trong đó có James Risen, một tác giả có tiếng với tác phẩm mới xuất bản gần đây là State of War, nói về những kế hoạch tình báo của Hoa Kỳ dưới thời tổng thống Bush. Nhưng cũng giống như những cáo trạng mà tác giả Risen đã đưa ra trong State of War, những tin tức trong bài viết trên báo Times gần như dựa hoàn toàn vào những nguồn tin nặc danh.

Trong khi lưu ý độc giả là ông Ahmed Wali Karzai đã phủ nhận một cách khẳn định những liên hệ đến tin đồn chuyển nhận nha phiến và cũng không có làm việc ăn lương cho CIA, tác giả Risen tiếp tục trích theo nhiều viên chức nặc danh “trong giới quân sự và chính trị,” cho rằng liên hệ của Nha Tình Báo CIA với Ahmed Karzai là “đầu mối của nhiều bực bội cho giới chức quân sự và chính trị trong nội các Tổng Thống Obama.” Trong khi thú nhận những bằng chứng về hoạt động của Ahmed Karzai đều là những bằng chứng “gián tiếp,” bài viết lên án liên hệ của Amed Karzai đến nha phiến đã biến ông thành một tệ trạng, “một lực lượng không tốt” (một danh từ rất đặc biệt và nhạy cảm) ở Afghanistan. Bài viết đồng thời lập lại chỉ trích đến từ những nguồn tin nặc danh của Nha Bài Trừ Ma Túy Hoa Kỳ, cho rằng chánh phủ Mỹ đã không hành động thích nghi trước những nguồn tin về Ahmed Karzai và liên hệ của ông ta với nha phiến.

Là một nhân viên CIA đã nghỉ hưu và từng phục vụ ở Việt Nam, bài viết trên nhật báo Times về Ahmed Karzai đem lại cho tôi một âm hưởng quen thuộc. Vài thập niên trước đây trong thời chiến, một vụ vu khống tương tự xảy ra cho Trung Tướng Đặng Văn Quang, một viên chức có nhiều thế lực và rất thân cận với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Mặc dù đã về hưu hơn mười năm, và chính cá nhân tôi không biết sự chính xác của cáo trạng về người em tổng thống. Nhưng tôi tin rằng, trước khi báo chí, công luận nước Mỹ, và những viên chức trong chánh phủ Obama mù quáng tin vào cáo trạng đăng trên nhật báo Times, xét lại trường hợp ở Việt Nam trước đây là một điều có ích. Bài học về trường hợp của tướng Quang có thể áp dụng được vào trường hợp em của Tổng Thống Karzai.

Những Tin Đồn Độc Hại

Tướng Đặng Văn Quang là phụ tá đặc biệt cho Tổng Thống Thiệu về Quân Sự và An Ninh Quốc Gia. Đồng thời ông ta cũng là bạn và người tín cẩn của tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, từ thời cả hai mới vào quân ngũ. Vào cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970, ở Sài Gòn có tin đồn tướng Quang buôn bán bạch phiến; một nhân viên ăn lương của CIA; và là người đi thâu tiền tham nhũng cho Tổng Thố ng Thiệu. Những tin đồn này được đối thủ chính trị (trong đó có nhóm theo phe Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ) của Tổng Thống Thiệu tung ra, rồi được báo chí trong và ngoài nước đăng tải rộng rãi. Tiếng đồn về hành vi của tướng Quang không những được các hãng thông tấn loan tải ở Mỹ, những vu cáo đó còn được viết như một đề tài chánh trong quyển The Politics of Heroin in Southeast Asia, một tác phẩm phổ quát, vẫn được trích dẫn thường xuyên, của tác giả Alfred McCoy, hiện đang dạy tại đại học Wiscosin-Madison.

Như mọi trường hợp về tin đồn, nhất là tin đồn có dính dáng đến những người làm việc trong bóng tối, ở lãnh vực an ninh quốc gia và tình báo như tướng Quang, những vu cáo này được chuyền tai và dần có một hiện hữu riêng của nó tự tại. Không lâu sau, hầu như mọi người — kể luôn giới truyền thông Mỹ, và ngay cả nhân viên tòa Đại Sứ và nhân viên Nha Bài Trừ Nha Phiến Hoa Kỳ — bắt đầu coi những tin đồn về tươ ớng Quang là sự thật.

Những lời đồn về tướng Quang không tránh khỏi sự chú ý của Sở CIA Sài Gòn. CIA Sài Gòn quan tâm đến tiế ng đồn vì sự liên hệ giữa Sở và tướng Quang, người được Tổng Thống Thiệu chỉ định đại diện để liên lạc với CIA. Tài liệu được giải mật gần đây cho biết CIA Sài Gòn theo dõi những tin đồn và gởi một tường trình về CIA Hoa Thịnh Đốn, thẩm định tính chất hư thực của tin đồn. Sự hiện hữu của bản phúc trình này — được giữ kín từ trước đến giờ — lộ ra ánh sáng trong một sử liệu nghiên cứu vừa được giải mật tên là CIA and the Generals: Covert Support to the Military Government in South Vietnam, do sử gia của CIA, Thomas Ahern, soạn thảo. Tài liệu gải mật này hiện nay được công bố ở trang web site của CIA. Dưới đây là một đoạn ngắn trong tài liệu nghiên cứu CIA and the Generals, nói về bản báo cáo của CIA Sài Gòn đối với những tin đồn về tướng Quang:

Sau hiệp ước ngưng bắn tháng 1-1973, từ vai trò nguyên thủy như một công cụ của chánh phủ Hoa Kỳ dùng để gây ảnh hưởng và cung cấp tin tức cho các tướng lãnh, CIA Sài Gòn gia tăng hoạt động trong những lãnh vực như vấn đề tham nhũng; ấn tượng của công luận Mỹ về VNCH; và chiều hướng viện trợ Hoa Kỳ trong tương lai. Từ lâu, công chức tham nhũng là một vấn nạn của chánh phủ Sài Gòn. Trong những người CIA Sài Gòn đang liên lạc, Trung Tướng Quang là người dễ đem lại tranh luận khi vấn đề tham nhũng được đề cập. Dáng người hơi mập, có giọng cười the thé từng đoạn trong những giây phút căng thẳng, người phụ tá cho Tổng Thống Thiệu thường bị một số người Mỹ coi thường. Với hy vọng giải quyết những tin đồn về chuyện tướng Quang tham nhũng, khoảng năm 1974 Trưởng Sở CIA Sài Gòn chỉ định [tên người này bị xóa bỏ] dùng mọi nguồn và phương tiện để thẩm định xuấ xứ tiền bạc và tài sản của tướng Quang. Nhưng [tên bị xóa] không tìm thấy một dấu hiệu nào, và sau đó viết một báo cáo với chủ ý: nếu báo cáo không giải oan cho tướng Quang, thì cũng cho thấy những vu khống về tướng Quang tham nhũng cũng không chứng minh được [một vài hàng bị kiểm duyệt bỏ].

Tôi biết rõ nội dung báo cáo của CIA về tướng Quang, vì tôi là tác giả của báo cáo đó. Từ trước đến giờ tôi nghĩ, tướng Quang không phải là một người thánh thiện; và tôi cũng chưa hề nói ông ta hoàn toàn vô tội với tất cả những cáo trạng về tham nhũng. Nhưng ông ta hoàn toàn không liên hệ đến chuyện mua bán nha phiến.

Tôi biết chắc một số người sẽ nghi ngờ kết luận của tôi và của Sở CIA Sài Gòn. Để đi đến một nhận định trung thực về những kết luận trên, tôi nghĩ chúng ta nên nhìn kỹ chuyện gì đã xảy ra cho tướng Quang sau khi ông rời Việt Nam lúc quốc gia đó bị cộng sản cưỡng chiếm.

Sau Khi Thất Thủ

Khi Sài Gòn sụp đổ vào cuối tháng 4, 1975, tướng Quang và gia đình di tản đến Hoa Kỳ. Đầu tiên, cả gia đình được đưa vào trại tị nạn ở Arkansas, sống chung với hàng chục ngàn người tị nạn. Có cảm tưởng đang bị nhiều người tị nạn đe dọa — những người đã nghe tiếng đồn về nạn tham nhũng, và tin rằng ông cũng là một trong những nguyên do đưa đến sự thất trận ê hề của VNCH — ông và gia đình rời trại đi qua Canada định cư.

Ở Canada, từ những báo cáo của giới chức thẩm quyền, đa số dựa vào tin tức và tiến đồn đến từ báo chí, chánh phủ Canada ra lệnh trục xuất tướng Quang. Rồi sau đó, cũng từ những lời đồn thường xuyên về tướng Quang, Hoa Kỳ và không nước nào cho phép ông đến định cư (chánh phủ Cộng Sản Việt Nam đồng ý sẽ nhận tướng Quang, nhưng không bảo đảm với chánh phủ Canada là sẽ không xử bắn nếu ông ta bị cưỡng ép hồi hương). Dưới trường hợp đó, tướng Quang đã sống hơn 10 năm ở Canada trong một hoàn cảnh bất hợp pháp: không phải là di dân thường trú; không được cấp giấy phép làm việc; và đối diện với một án lệnh trục xuất đang còn hiệu lực.

Mặc dù với tin đồn ông ta có bạc triệu đến từ các vụ buôn bán nha phiến, cuộc sống của tướng Quang và gia đình ở Canada rất thiếu thốn. Họ sống trong một chung cư tồi tệ, rẽ tiền, trong khi ông Quang đi làm mọi công việc thấp nhất trong xã hội , như quét dọn và rửa ve chai. Dăm ba lần ông ta bị đuổi việc và phải dọn nhà đi chổ khác, sau khi các ký giả Canada tìm ra ông, viết những bài phóng sự “vạch mặt,” để chỉ điểm nơi tên “buôn nha phiến” đang làm việc bất hợp pháp.

Năm 1989 tướng Quang được Hoa Kỳ cho phép định cư. Giống như phần lớn người Việt tị nạn, ông định cư ở miền nam California. Giống khi còn ở Canada, tình trạng tài chánh của tướng Quang rất khiêm nhường. Những năm đầu thập niên 1990 tướng Quang nuôi gia đình bằng nghề khuân vác hành lý ở phi trường Los Angeles. Gần đây, theo nhật báo Sacramento News & Review, số ra ngày 4 tháng 12, 2008, tướng Quang, với ức khoẻ suy giảm trong những năm gần đây, đang sống trong một viện bệnh lão ở Sacramento, California.

Sự nghèo khổ, nghị tội, và đề án về tướng Quang sau khi Sài Gòn thất thủ, là một bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy tiếng đồn (và mọi người cho là sự thật) tướng Quang là triệu phú, là đầu đảng buôn bán nha phiến, là sai. Kinh ngiệm và lý luận cho thấy những đầu đảng buôn bán nha phiến thường đem thứ tiền trộm cắp đó dấu đi ở những ngân hàng ngoại quốc. Nếu tướng Quang thuộc vào lọai đó, tham nhũng và có tiền như báo chí Mỹ và những trung tâm loan tin đồn đã nói, thì ông ta đã đem phần lớn tiền của ông ra ngoại quốc vào những tuần lễ cuối cùng của miền Nam, khi ai cũng thấy sự chiến thắng của cộng sản gần như là chắc chắn. Một số tướng lãnh và lãnh tụ VNCH di tản, trong đó có Tổng Thống Thiệu, Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm, và Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Cao Văn Viên, họ sống nhiều năm lưu đày ở đất Mỹ một cách tương đối an nhàn. Có nhà, sống nhờ vào tiền đã “dành dụm” mà không cần phải đi làm nuôi thân một ngày trong đời của họ. Trong khi rất khó để chứng minh tướng quang vô tội, trong trường hợp này, tôi nghĩ, những người quan sát vô tư chỉ có thể kết luận những vu cáo tướng Quang buôn bán nha phiến là sai.

Điều này đưa chúng ta trở lại những nghi cáo về người em Tổng Thống Afghanistan Karzai. Giống như những nghi cáo về tướng Quang, những cáo buộc này, nhìn ngoài mặt, chỉ là những lời đồn mơ hồ, thiếu bằng chứng rõ rệt hỗ trợ. Giống như những nghi cáo về tướng Quang, những nghi cáo này được tung ra từ đối thủ chánh trị của thầy của Ahmed Wali Karzai (là ông anh; tổng thống Afghanistan), hay từ những nguồn tin nặc danh đến từ Mỹ và Afghanistan. Tôi sẳn sàng thú nhận, tôi không có tin từ bên trong để biết hư thực về những nghi cáo. Cũng có thể Ahmed Wali Karzai là loại ngưòi đê tiện như bài báo đã mô tả. Tôi thông cảm cho các ký giả có được những “tin nóng,” phải viết để có tên mình trên tranh nhất, và tôi cũng nhận ra rõ những các tòa báo cần phải làm tiền.

Tuy nhiên tôi xin đề nghị với báo The New York Times, với James Risen, với các ký giả và cơ quan truyền thông, là ký giả có trách nhiệm — những ký giả quan tâm đến sự thật như chính cá nhân họ tuyên dương sự thật — trước nhất phải thật lòng tìm biết những bằng chứng cụ thể để hỗ trợ cho những nguồn tin nặc danh, trước khi quyết định đăng tải loại bài nói trên. Đồng thời tôi cũng lưu ý công luận và chánh phủ Hoa Kỳ phải thật cẩn thận trước khi chấp nhận những bài viết chỉ dựa vào những nguồn tin nặc danh, mơ hồ, những đồn đãi vô căn.

Đã quá trễ để lấy lại những tổn thương do những tin đồn vô căn cứ đã gây ra cho tướng Quang. Nhưng có thể thí dụ về tướng Quang giúp chúng ta tránh được lỗi lầm tương tự trong tương lai.

Nguyễn Kỳ Phong dịch theo “Drugs, Corruption, and Justice in Vietnam and Afghanistan: A Cautionary Tale,” đăng trong http://www.washingtondecoded.com/site/2009/11/drugs-corruption-and-justice-in-vietnam-and-afghanistan-a-cautionary-tale.html.

Merle L. Pribbenow, tác giả bài viết “Limits to Interrogation: The Man in the Snow White Cell,” là cựu nhân viên CIA và là một chuyên viên ngôn ngữ, phục vụ ở Việt Nam từ năm 1970 đến 1975. “Limits to Interrogation: The Man in the Snow White Cell” nói về cuộc thẩm vấn mấ y năm với Nguyễn Văn Tài, một cán bộ tình báo cao cấp nhấ t của CSBV bị VNCH bắt giữ.

Hoàng Hạc

0 comments:

Powered By Blogger