SAIGON (Tổng hợp) -- Cơn sốc vì thực phẩm có chứa hóa chất DEHP còn chưa qua thì gần đây người tiêu dùng ở Việt Nam lại thêm hoang mang vì phát hiện mì ăn liền (gọi tắt là mì gói) có chứa phẩm màu tartrazine (ký hiệu: E102) là nguy cơ gây nhiều chứng bệnh.


Mì “Gấu Đỏ”, nhãn mì quảng cáo rầm rộ nhất trên TV
và thường "khuyến mãi", rút số…(Photo VB)

Theo bài “Ảnh hưởng độc hại của tatrazine đến khả năng sinh sản...” do Tạp chí Dược&Độc học Hoa Kỳ (American Journal of Pharmacology and Toxicology), E102 được chứng minh là nếu sử dụng thời gian dài sẽ gây nên tình trạng tăng sự hiếu động thái quá, dễ cáu gắt và kém tập trung ở trẻ em và ảnh hưởng xấu đến chức năng sinh sản ở nam giới.

Người ăn vào một lượng E102 quá ngưỡng có thể bị suy giảm tinh trùng và tinh trùng bị biến dạng. E102 còn có thể gây phát ban, phá hũy ADN và là một trong những chất phụ gia nguy hiểm nhất cho bệnh nhân hen và những người không dung nạp aspirin.

E102 là chất màu tổng hợp có màu vàng chanh, không chỉ được sử dụng phổ biến ở mì, nui mà còn có trong đồ uống, rượu, nước giải khát, snack, kẹo cao su v.v… Hiện nhiều nước vẫn sử dụng E102 trong chế biến thực phẩm, chỉ một số nước có khuyến cáo cần phải ghi rõ trên bao bì, nhãn mác để người tiêu dùng có sự lựa chọn.

Nhưng E102 bị cấm dùng trong thực phẩm đặc biệt là mì ăn liền tại Nhật Bản từ 8 năm qua và hạn chế sử dụng tại các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) từ 3 năm nay. Tại Hàn Quốc đã có cảnh báo không nên sử dụng E 102 trong một số thực phẩm, trong đó có mì.

Tại Anh, Hiệp hội Tiêu chuẩn Thực phẩm Anh đề nghị các nhà sản xuất loại bỏ các màu thực phẩm được nghiên cứu và khuyến cáo không dùng bởi Đại học Southampton, trong đó có E 102.

Tại Mỹ cũng có các khuyến cáo tương tự, nhưTổ chức vì Sức khỏe Cộng đồng Mỹ yêu cầu Cơ quan Dược & Thực phẩm (FDA) nên bắt buộc trên nhãn sản phẩm thực phẩm phải có lưu ý cảnh báo “Màu nhân tạo trong thực phẩm (trong đó có E 102) gây nên những hành động thái quá và những vấn đề về hành vi ở một số trẻ em”.

Còn ở Việt Nam? Theo báo cáo tháng 4-2011 của công ty Nghiên cứu Thị trường Euromonitor International, năm 2010 ở Việt Nam đã tiêu thụ khoảng 5 tỷ gói mì ăn liền, đứng vị trí thứ 4 trên thế giới về mức tiêu thụ mì ăn liền.

Và từ trước tháng 3/2011, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất mì gói trong nước đều sử dụng phẩm màu tổng hợp E102 để cọng mì có màu hấp dẫn và về chi phí sản xuất thì tiết kiệm được từ 50-100 VND/gói mì so với dùng màu chiết xuất từ tự nhiên.

Tại các chợ và siêu thị ở Sài Gòn, nhiều nhãn hiệu mì gói công khai ghi có sử dụng màu tổng hợp E102, như: mì Hảo Hảo hương vị sa tế hành, mì xào Táo Quân hương vị thập cẩm, mì Hảo Hảo xào khô, mì Hảo Hảo hương vị nấm, mì Miliket, mì Cung Đình, v.v... Hiếm hoi mới có hiệu mì Gà Tím ghi trong thành phần là dùng “màu tự nhiên”.

Ngược lại, mì Gấu Đỏ - hiệu mì gói quảng cáo rầm rộ nhất trên TV - ghi thật đầy đủ chi tiết “màu tổng hợp tartatrine E102”. Trên bao bì một vài loại nui (nấu súp hay xào với các loại rau củ, thịt, hải sản) cũng thấy ghi có dùng “màu thực phẩm tổng hợp E102”.

Từ những hoang mang, lo ngại từ người tiêu dùng, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) có ra thông báo vào ngày 6/7, cho biết đây là vấn đề mà Cục ATVSTP hết sức quan tâm và đã nhiều lần tham khảo ý kiến các chuyên gia về phụ gia thực phẩm và được tư vấn từ hội nghị Đại hội đồng Codex thế giới lần thứ 34 tại Geneve - Thụy Sỹ (4-10/7/2011).

Theo đó, Cục ATVSTP nhận định rằng, phẩm màu E102 đã được Ủy ban hỗn hợp về phụ gia thực phẩm Quốc tế FAO/WHO (gọi tắt là JECFA) cũng như Ủy ban khoa học Châu âu nghiên cứu từ những năm 1965-1966;1975;1984 mà trên cơ sở các bằng chứng khoa học và thực nghiệm đều thống nhất quy định mức ăn vào hàng ngày chấp nhận được (ADI) là từ 0 - 7,5mg/kg thể trọng/ngày…

Rốt cuộc, Cục này trấn an người tiêu dùng khi cho rằng “cho đến thời điểm hiện nay, nếu phẩm màu này được sử dụng đúng hàm lượng theo quy định trên thì vẫn bảo đảm an toàn”.

Thực tế trong sinh hoạt của người dân Việt, mì ăn liền (còn gọi là mì tôm) là thức ăn nhanh gọn, tiện dụng mà rất nhiều gia đình lựa chọn và ưa thích, đặc biệt trẻ em hay ăn mì gói buổi sáng trước khi đến trường, hay đám công nhân, sinh viên nghèo thì hễ đói bụng, dù sáng, trưa, khuya gì cũng cứ “mì tôm” cho tiện và đỡ tốn nhất. Như theo anh Hoàng Đức Long (ở quận Trần Khát Chân - Hà Nội) thì: "Mỗi tuần tôi ăn mì gói khoảng 10 lần, thường là vào buổi sáng và buổi tối.

Vì là con trai rất ngại nấu nướng, công việc của tôi cũng bận rộn, không mấy khi đi ăn tử tế được. Trước giờ tôi cũng nghĩ là ăn mì gói sẽ không có lợi cho sức khoẻ, vì nó nóng nhưng cũng không nghĩ là nó có sử dụng phẩm màu có hại... Từ giờ tôi sẽ hạn chế ăn mì nhưng cũng không chắc là có thể từ bỏ. Thôi thì sống chết có số cả!".

Việt Báo