Wednesday, July 27, 2011

Người dân hy vọng gì ở một vị thủ tướng?

Trong sự ngỡ ngàng của mọi người dân Việt Nam, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tái đắc cử và tiếp tục nắm giữ quyền lực trong 5 năm tới.Tại các quán trà đá ven đường đến ngõ ngách người ta lại có chuyện để tào lao về tình hình đất nước hiện tại cũng như tương lai dưới chính sách của ngài thủ tướng nhiều tăm tiếng.

Tên tuổi của Nguyễn Tấn Dũng gắn liền với vụ bê bối Vinashin - một sự kiện đã đưa chính phủ Việt Nam vào bảng xếp hạng thế giới về trình độ tham nhũng, đồng thời trở thành "điểm đến nhiều rủi ro" cho các doanh nghiệp nước ngoài khi cân nhắc việc làm ăn tại xứ này.
Người dân băn khoăn về năng lực của ngài thủ tướng sẽ tiếp tục được giao trọng trách chèo lái con thuyền đất nước bằng sự hoài nghi không phải là vô căn cứ. Lạm phát phi mã khiến cuộc sống của người dân đã khốn cùng nay càng thêm khốn đốn hơn. Đồng tiền Việt Nam không nhận được sự tin tưởng của dân cũng như doanh nghiệp, khiến giá vàng ngày một leo thang...
Các vấn đề bất ổn trong xã hội đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của mỗi người Việt Nam. Trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng của một nền kinh tế với nhiều bất trắc, ông Nguyễn - mà uy tín với đồng bào chưa chắc đã được 94% - ung dung lên nhận chức thủ tướng và nhận thêm đó là sự tung hô nhiệt tình từ phía báo chí trong nước lẫn... quốc tế!
Hẳn bạn đọc vẫn chưa quên thủ tướng Dũng từng được đánh giá là "người lãnh đạo xuất sắc nhất châu Á" bởi trang firmenpresse.de vào ngày 10 và 12 tháng 1. Tờ báo mạng của Đức này đã khen ngợi vị thủ tướng của chúng ta "là một người thành công với những chiến lược và chính sách khôn ngoan, nhìn xa trông rộng, mà nhiều vị thủ tướng khác tại Á châu không bì kịp". Tờ pháp luật Việt Nam trong thời gian đó cũng đưa ra những tít giật gân gây sốc cho độc giả "Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xuất sắc nhất châu Á"!. Vnexpress và Vietnamnet cũng đồng thanh nói báo chí Châu Âu xem "Thủ tướng Việt Nam là nhân vật năm 2010". Thông tấn xã Việt Nam cũng có bài báo dài vào ngày 12.01.2011với tựa đề đầy kiêu hãnh "Báo Đức ca ngợi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng". Những lời khen quá mức này đã từng gây ầm ĩ trên các diễn đàn về tính thực tế không được kiểm chứng của trang báo chuyên đăng các tin tiếp thị firmenpresse.de và còn... vì «tác giả Đức Olaf Juttner cùng một loạt các trang báo quốc tế» thật ra chỉ là doanh nhân và trang đăng quảng cáo dịch vụ của một Công ty xử lý rác có tên là RES-Resources, Ecology, Services GmbH?!!!.
Việc tái đắc cử của vị thủ tướng nhiều chính sách sai lầm đã từng phải điều trần trước quốc hội này dường như là một nghịch lý với 94% phiếu bầu cho sự tín nhiệm? Chúng ta đặt ra câu hỏi về năng lực của ông thủ tướng đã được một nhiệm kỳ qua kiểm chứng. Về kinh tế, ông khởi sắc bằng vụ Vinashin với khoản thâm hụt khổng lồ và số nợ quốc tế lớn đến mức cả nhà nước phải... tảng lờ trước những bức thư đòi nợ. Về môi trường, ông bất chấp rủi ro của toàn dân mà quyết định cho phép khai thác Boxit ở Tây Nguyên. Về phòng chống tham nhũng, những kết quả thu được sau một nhiệm kỳ cũng không có gì khá khẩm ngoài nạn tham nhũng còn tràn nan hơn ở mọi cấp chính quyền. Vậy thành tựu của ông Dũng là gì mà ông vẫn nhận được nhiều sự tín nhiệm đến vậy?
Ở những đất nước mà sự tiến bộ còn kém ta một bậc (vì xã hội chủ nghĩa là sự đón đầu), các nguyên thủ quốc gia hay thậm chí đến cả chính phủ nếu phạm sai lầm họăc làm việc không có hiệu quả có thể bị buộc phải từ chức bất kỳ lúc nào. Để trở thành tổng thống của nước Mỹ, ông Obama đã phải chứng tỏ bản thân rất nhiều ngay từ thời điểm tranh cử cho đến khi nắm quyền tổng thống. Tuy bản thân trong nhiệm kỳ đương chức đạt được rất nhiều thành tựu như tiêu diệt trùm khủng bố khét tiếng Osama Binladen, nhiều chính sách an sinh xã hội hay nỗ lực giải quyết những hậu quả trên chiến trường Irac... nhưng ông Obama vẫn nhận được không ít những chỉ trích khá thường xuyên từ phía quốc hội Mỹ và cả từ phía người dân khi họ nhận thấy ông gánh vác không tốt vai trò của vị đương kim tổng thống. Các cuộc tranh cử tại hầu hết các quốc gia như Mỹ hay Âu châu đều có sự quan tâm mạnh mẽ và giám sát của người dân. Dân Việt Nam ta thì sao?
Người dân ta có quan tâm đến chính trị không và nếu có thì thể hiện sự quan tâm đó bằng cách nào? Thông thường tiếng nói chung của mọi người dân được hưởng ứng và cùng nhau tuần hành qua các cuộc biểu tình ôn hoà. Tuy nhiên biểu tình ở Việt Nam dường như là một thứ xa xỉ ? Những ngày chủ nhật gần đây diễn ra các cuộc tuần hành xuống đường vì độc lập chủ quyền của Việt Nam, chống lại bá quyền của Trung Quốc với những khẩu hiệu hết sức vô hại "Hoàng sa -Trường sa là của Việt Nam", "chống xâm lược Trung Quốc"... Đáp trả lại những tiếng nói yêu nước này là những hành động nhũng nhiễu khủng bố, thậm chí đến mức bạo lực dã man từ phía chính quyền Việt Nam. Biểu tình vì yêu nước mà còn bị đàn áp như vậy, thiết nghĩ nếu bây giờ công khai bày tỏ sự bất tín nhiệm với ngài thủ tướng mới bằng biểu tình tuần hành trên đường phố Hà Nội trước toà nhà quốc hội với những khẩu hiệu như: "Sa thải Nguyễn tấn Dũng", "Đả đảo Nguyễn Tấn Dũng" thì việc đàn áp chắc không thể tưởng tượng nổi về mức độ thảm khốc! Công an Việt Nam khi đó chắc cần một nhà tù to, nhiều toà án canguru hơn và biết đâu cần... nhiều "bao cao su" hơn nữa?
<<< "Ngày 26/7/2011, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã kí quyết định số 1259/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Nhiều dự án bất động sản ảnh hưởng? Đến thời điểm này, khi hàng trăm dự án bất động sản có nguy cơ phải hủy bỏ vì vướng vành đai xanh, hành lang xanh, một lần nữa, hàng chục nghìn người dân đã trót đóng tiền “góp vốn” vào các dự án sẽ méo mặt vì không biết số phận đồng tiền của mình sẽ đi đâu, về đâu?"( theo nguồn Vietnamnet) >>>
Liệu ngài thủ tướng có nhanh chóng đi trước đón đầu mà lập ra nhiều dự án mới xây dựng thêm nhiều trại giam nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của nhân dân? Chúng ta hãy cùng nhau chờ đợi.
Hà Nội ngày 28.07.2011

0 comments:

Powered By Blogger