Tạp chí "Khai Phóng" số tháng 7/2011 của Hồng Kông đăng bài của nhà bình luận chính trị Trần Phá Không cho rằng gần đây vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông thể hiện rõ xu hướng xấu đi. Theo tác giả, trên thực tế, trong vấn đề Biển Đông, bản thân Trung Quốc không có lập trường rõ ràng, tiền hậu bất nhất, gây tổn hại nghiêm trọng tới uy tín quốc tế của Trung Quốc.



Thời Đặng Tiểu Bình, lập trường của Trung Quốc về Biển Đông là “gác tranh chấp, cùng khai thác”. Khi làm Thủ tướng, tới thăm Đông Nam Á, Chu Dung Cơ cũng đưa ra lập trường tương tự. Năm 2002, Trung Quốc và các nước ASEAN ký “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), cam kết “giải quyết tranh chấp Biển Đông thông qua đàm phán hữu nghị bằng phương thức hòa bình”.

Tuy nhiên, lập trường của Trung Quốc không ngừng thay đổi. Mấy năm gần đây, Trung Quốc bắt đầu từ chối đàm phán đa phương, chuyển sang theo đuổi đàm phán song phương. Các nước bỗng chốc trở nên cảnh giác với Trung Quốc. Tháng 3/2010, Trung Quốc đột nhiên cao giọng tuyên bố chủ quyền Biển Đông lên quan tới “lợi ích cốt lõi” của mình. Dư luận các nước bùng lên. Sở dĩ Trung Quốc lớn tiếng là vì nước này tự kiêu với việc quốc lực được tăng cường, quân lực được mở rộng, muốn cho thế giới thấy “cơ bắp” của mình.

Ngay sau đó, trong Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tổ chức vào tháng 7/2010, các nước ASEAN đã rầm rầm chất vấn, phê bình và chỉ trích chính sách Biển Đông của Trung Quốc. Các nước dự hội nghị như Ấn Độ, Liên minh châu Âu (EU) và Ấn Độ đều ủng hộ lập trường của ASEAN, Trung Quốc rơi vào tình trạng bị cô lập chưa từng có, tự ví là “đã bị vây đánh”. Xem ra nỗ lực 10 năm ngoại giao châu Á của Trung Quốc đã bị hủy trong một ngày. Trung Quốc lập tức thay đổi giọng điệu, vứt bỏ cách nói “lợi ích cốt lõi” (liên quan tới chủ quyền Biển Đông), trở lại với cách biểu đạt lập trường mơ hồ.

Tạm thời chưa nói tới sự đúng sai của các bên trong tranh chấp Biển Đông, câu hỏi đặt ra là liệu việc Trung Quốc vẽ đường phạm vi chủ quyền Biển Đông (đường chữ U) tới “cửa nhà” của các nước như Việt Nam, Philíppin, Malaixia và Brunây có hợp tới tình hình khách quan hay không? Đối chiếu với các quy định bằng văn bản rõ ràng liên quan tới việc “các nước có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý” trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển mà Trung Quốc ký từ năm 1982, Trung Quốc càng khó có thể bào chữa cho kiểu hoạch định này của mình. Trên thực tế, từ việc tự vạch (đường chữ U) cho tới cách nói về “lợi ích cốt lõi” đều là chuyện “mua dây buộc mình” của Trung Quốc.

Chẳng trách tại hội thảo Vấn đề An ninh ở Biển Đông tổ chức ở Oasinhtơn gần đây, trong khi học giả Việt Nam giành được sự đồng tình của những người dự hội nghị vì đã làm sáng tỏ lập trường chủ quyền của Việt Nam một cách lôgíc và hùng biện trên cơ sở lập luận chứng cứ đầy đủ, học giả Trung Quốc khiến những người dự hội nghị cảm thấy “quá khiên cưỡng”, gây ấn tượng “không trung thực” bởi phát biểu vá víu, mơ hồ. Đuối lý, học giả Trung Quốc sau đó chỉ còn cách đánh bài đổ thừa cho là “chuẩn bị chưa đầy đủ”.

Theo Khai Phóng (Hồng Công)

Mỹ Anh (gt)

nguồn : http://nghiencuubiendong.vn/tin-ncbd/1842-1842-