Tuesday, May 9, 2017

Khi lương tâm, chứ không phải súng, quyết định nhà nước dân chủ

Xã luận báo Christian Science Monitor - Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - Hãy chọn hầu như bất kỳ cuộc phản kháng nào trong lịch sử mà đưa đến cuộc cách mạng dân chủ - chẳng hạn Ukraine vào năm 2014, hay Tunisia vào năm 2011, hoặc Philippines vào năm 1986 - và ta sẽ tìm thấy rất nhiều bậc anh hùng vô danh không được khen ngợi là những người lính hay cảnh sát. Họ bất tuân khi bị ra lệnh bắn vào những người biểu tình ôn hòa. Thế rồi nhà độc tài phải bỏ chạy.

Thời điểm lương tâm như thế của lực lượng an ninh có thể đang đến với Venezuela. Khi các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ chống lại Tổng thống Nicolás Maduro càng ngày càng lan rộng và thường xuyên hơn thì rạn nứt ngày càng bộc lộ rõ hơn trong giới ủng hộ ông. Các cuộc thăm dò chứng tỏ chưa đến một phần tư dân Venezuela còn ủng hộ ông. Và khi tính chính danh của Maduro lụi tàn và nền kinh tế bước vào năm suy thoái thứ tư, thì ông càng dựa vào sự đàn áp bằng vũ lực và vào lòng trung thành bấp bênh của lực lượng vũ trang. Trong tháng qua, hàng chục người chết trong các cuộc biểu tình ôn hòa.

Viên chức cấp cao mới nhất công khai chỉ trích chính quyền Maduro là Bộ trưởng Tư pháp Luisa Ortega Díaz. Vào tháng Ba bà tố cáo một vụ thâu tóm quyền lực vi hiến khác và việc Maduro sử dụng bọn côn đồ vũ trang chống lại những nhà bất đồng chính kiến. Sự chỉ trích của bà khiến cho Julio Borges, người phát ngôn đối lập của cơ quan lập pháp bị loại ra rìa, đưa ra lời kêu gọi này cho quân đội: "Bây giờ là lúc các bạn hãy tuân theo mệnh lệnh của lương tâm mình."

Bất kỳ người lính hay cảnh sát nào từ chối bắn vào những người biểu tình bất bạo động cũng đều có lý do đạo lý và pháp lý vững chắc. Chiếu theo hiệp ước vào năm 1990 của Liên Hiệp Quốc "Những Nguyên tắc Căn bản về việc Xử dụng Vũ lực và Vũ khí của những Viên chức Thi hành Luật pháp" thì các nhân viên an ninh đều có quyền bất tuân những mệnh lệnh bắn mà có thể giết oan những người vô tội.

Ở Venezuela, những người lính cũng có thể đã từng nghe câu nói của Simón Bolívar, nhà giải phóng nổi tiếng vào thế kỷ thứ 19 của Châu Mỹ La tinh: "Đáng nguyền rủa thay người lính nào quay vũ khí của quốc gia lại chống lại nhân dân." Hơn nữa những người lính có thể cảm thấy can đảm hơn trước những yêu cầu gần đây về bầu cử tự do và công bằng và thả tù chính trị từ đa số các nước láng giềng Venezuela thuộc Tổ chức Các Nước Châu Mỹ.

Những nhà nước dân chủ mới thường được sinh thành hay tái sinh sau cuộc cách mạng tinh thần của những người lính mà, thay vì bắn nhân dân, lại đứng về phía đồng bào của mình và hân hoan đón nhận chính nghĩa tự do của họ.

Nguồn:

Báo Christian Science Monitor số ra ngày 4 tháng Năm, 2017.


Bản tiếng Việt:

0 comments:

Powered By Blogger