Monday, May 8, 2017

Buồn cho Mạnh Tử

Trần Thảo (Danlambao) - ...Mạnh Tử có lẽ không bao giờ ngờ rằng tư tưởng tốt đẹp của mình nhằm để cải thiện xã hội tốt đẹp lại trở thành một cái bánh vẽ to lớn mà những giới cầm quyền từ thời phong kiến tám hoánh cho tới những chế độ cộng sản ngày nay như tại Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn, Cuba, Lào v.v... sử dụng như một chiêu bài triệt để mị dân. 

Hãy nhìn vào chế độ cộng sản Việt Nam hiện nay để cực cảm cái tính chất gian xảo, mị dân của chúng. Tất cả mọi cơ chế của bộ máy cai trị đều được gắn cái mác NHÂN DÂN to đùng. Nhà nước nhân dân, quân đội nhân dân, công an nhân dân, và còn bao nhiêu cái mác nhân dân nữa?...

*

Mạnh Tử là một triết gia nổi tiếng thời Chiến Quốc bên Trung Hoa. Ông là học trò của Khổng Cấp, tức là Tử Tư, một người cháu nội của Khổng Tử. Vì thế có thể nói Mạnh Tử là tiếp nối và xiển dương đạo Nho của Khổng Tử. 

Cuộc đời của Mạnh Tử có nhiều điểm rất giống với Khổng Tử. Phần lớn thời trai trẻ Mạnh Tử chu du các nước chư hầu, với lý tưởng xiển dương đạo Nho, khuyến khích các nước chư hầu của nhà Chu thực thi vương đạo, trong trật tự xã hội lấy điều nhân nghĩa làm đầu. Điều khác biệt giữa Mạnh Tử và Khổng Tử là ông thay vì đề cao vai trò của quân quyền (Vua) như Khổng Tử, Mạnh Tử đề cao vai trò của người dân, khuyến khích các nhà đương quyền chư hầu lấy dân làm gốc để phát triển đất nước, xây dựng xã hội tốt đẹp.
Thế nhưng, cũng giống như Khổng Tử, Mạnh Tử đã thất bại trong lý tưởng của mình. Những chư hầu lớn như nước Lương, nước Tề, nước Đằng phần lớn đều chủ trương bá đạo, bác bỏ đường lối vương đạo, chỉ khư khư rình rập sơ hở của nước khác để chiếm thành, chiếm dân, chỉ coi người dân như một nguồn cung cấp thuế má nặng nề, cung cấp nhân lực cho chiến tranh,lao dịch. Mạnh Tử cuối đời đã ôm niềm thất vọng mà quay về quê nhà, mở trường thu môn đệ, cố gắng phát triển đạo Nho.
Tư tưởng lấy dân làm căn bổn của đất nước của Mạnh Tử rõ nét trong câu nói của ông với Lương Huệ Vương: "Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh". Theo thứ tự, có nghĩa là có dân thì mới có đất nước, có đất nước thì mới có Vua.

Chúng ta nhìn lại các triều đại phong kiến bên Trung Hoa, ngay cả những thời cực thịnh của đạo Nho như thời nhà Hán, nhà Tống, người dân chưa bao giờ thực sự là "vi quý", chỉ thấy người dân è cổ ra đóng thuế, cung ứng nhân lực cho chiến tranh xâm lược các nước nhỏ, trong xã hội thì làm nô lệ cho các giai cấp quý tộc, quan quyền.

Điều trớ trêu là những triều đại phong kiến Trung Hoa không thực sự áp dụng tư tưởng "lấy dân làm gốc" của Mạnh Tử, coi dân như cỏ rác, nhưng trên miệng của giới quan quyền, họ vẫn cứ bô bô cái miệng "có dân là có tất cả".

Tôi có lúc đã tự hỏi, phải chăng Mạnh Tử cũng chỉ là cái loa tuyên truyền cho giới quý tộc cầm quyền vào thời đại của ông? Câu nói "dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh" nổi tiếng cũng chỉ là nhắm vào người dân, nói cho dân nghe những điều họ ao ước, cho họ một cái bánh vẽ thật hấp dẫn? Điều này cũng có thể xảy ra vì vào thời phong kiến, giới sĩ tộc và giới quý tộc cầm quyền thường hay cấu kết nhau để bảo vệ quyền lợi cộng hưởng. Nhưng điểm qua cuộc đời của Mạnh Tử, từ lúc ba tuổi đã mất cha, hoàn cảnh nghèo khó, may mắn được sự giáo dưỡng hợp cách của thân mẫu mà được học hành và trưởng thành. Mạnh Tử chu du các nước chư hầu của nhà Chu, tận dụng khả năng biện luận của mình để phát huy đạo Nho và thực hiện những tư tưởng xã hội của mình, ông cũng chả có chức quan gì, ngoài vai trò của một trí thức, một triết gia mà được đón chào vừa phải ở các nước chư hầu. Thế nên có thể nói Mạnh Tử khi nói với Lương Huệ Vương câu "dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh" là thực tâm của ông mong mỏi xã hội sẽ được xây dựng trên nền tảng lấy dân làm gốc.

Mạnh Tử có lẽ không bao giờ ngờ rằng tư tưởng tốt đẹp của mình nhằm để cải thiện xã hội tốt đẹp lại trở thành một cái bánh vẽ to lớn mà những giới cầm quyền từ thời phong kiến tám hoánh cho tới những chế độ cộng sản ngày nay như tại Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn, Cuba, Lào v.v... sử dụng như một chiêu bài triệt để mị dân. 

Hãy nhìn vào chế độ cộng sản Việt Nam hiện nay để cực cảm cái tính chất gian xảo, mị dân của chúng. Tất cả mọi cơ chế của bộ máy cai trị đều được gắn cái mác NHÂN DÂN to đùng. Nhà nước nhân dân, quân đội nhân dân, công an nhân dân, và còn bao nhiêu cái mác nhân dân nữa? Thật đếm không xuể!

Nhưng nhân dân thực sự được cái gì? Điểm nóng tại Xã Đồng Tâm, Huyện Mỹ Đức ở thời gian gần đây, cũng như ở Bắc Ninh, Bắc Giang cho chúng ta cái nhìn như thế nào về tình trạng áp bức, bóc lột, cưỡng chế mà chế độ CSVN hiện nay đang đối xử với người dân đen? 

Buồn cho người dân Việt Nam đang sống khắc khoải dưới ách cộng sản bạo tàn, mà cũng buồn cho ông Mạnh Tử.

08.05.2017

0 comments:

Powered By Blogger