Tham vọng hoang tưởng “RỪNG NÀO CỌP NẤY ” của Đại Hán.
Hôm thứ Tư 9/5 dưới tiêu đề “Hòa bình chỉ là chuyện trong mơ nếu khiêu khích vẫn tiếp diễn”, giọng điệu rất hiếu chiến của TQ đã được đăng trên trang mạng Hoàn Cầu của đảng CSTQ. Tiếp theo là sặc mùi “phát xít”… “tình hình đã leo thang đến giai đoạn mà Trung Quốc cần phải giành được chiến thắng – Philippines cần được dạy một bài học về tinh thần dân tộc quá hung hăng – Một hành động đáp trả quyết đoán của Trung Quốc vào lúc này sẽ nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân Trung Quốc – Nếu thế đối đầu hiện tại leo thang thành một cuộc xung đột quân sự thì cộng đồng quốc tế cũng đừng lấy làm ngạc nhiên”. Một nhà bình luận chính trị Singapore có nhận định rằng vào lúc này không thể loại trừ một một kịch bản xung đột quân sự trên biển Đông như ở quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974, giữa TQ và Việt Nam Cộng Hoà, lập lại trên bãi cạn Scarborough Phillipines.
Hệ lụy của vụ việc khiến chúng ta không thể không tự hỏi: Vậy thì chừng nào tới lượt Việt Nam lại được TQ dạy thêm cho một bài học “vẫn ngoan cố chiếm cứ đảo Trường Sa của TQ”? Đó là suy tư trăn trở của rất nhiều “thất phu hữu trách” Việt Nam, không phân biệt chính kiến trong hay ngoài nước hiện nay, qua sự kiện hải quân Trung Quốc bất chấp Công ước Quốc Tế về Luật Biển 1982 (UNCLOS) mà họ đã ký kết, uy hiếp hải quân Phillipines ở bãi cạn Scarborough (Panatag Shoal) thuộc lãnh hải nước này, làm nổi sóng một góc Biển Đông nói trên, không xa “huyện” đảo Trường Sa của Việt Nam.
Nỗi đau không riêng ai của mọi người VN khi một phần lãnh thổ, đất đai biên giới, hải đảo, biển trời của tiền nhân mà vì định mệnh do những người CSVN tạo ra, đã bị Trung Quốc cướp đoạt (biên giới-1979) quần đảo (Hoàng Sa-1974) một nữa (quần đảo Trường Sa-1988), phần còn lại của Trường Sa đang đối diện với nguy cơ như chỉ mành treo chuông hiện nay trước áp lực đe dọa từ sự bành trướng trên toàn vùng biển Đông của Trung Quốc.
Nhưng điều trăn trở cứ âm ỉ nhức nhối là gần như cả cộng đồng dân tộc VN (trừ nhóm nhỏ những người độc tài đảng CSVN cầm quyền) không đồng tình với cái cách đương đầu xử lý sự việc bất hợp lý thiếu lôgíc của nhóm người này mà không thông qua sự phúc quyết của toàn dân. Tranh chấp hải đảo và biển Đông VN-TQ ví von như tranh chấp nhà và đất. Nếu giải quyết trong “dĩ hòa vi quý” láng giềng với nhau bằng quang minh chính trực không xong thì giản đơn, bởi trực giác, tuyệt đại đa phần người trong cuộc đều chọn giải pháp cùng nhau mang chứng lý đến nơi thứ ba, độc lập trung thực, có tư cách pháp nhân am hiểu luật lệ để nhờ tài phán.
Điều này phù hợp thông lệ và công pháp quốc tế trong chiều hướng hòa bình, các bên đều có lợi như tinh thần của tổ chức Liên Hiệp Quốc khuyến cáo. Tuy nhiên, giới chức lãnh đạo CSVN lại cứ ngoan ngoãn lẽo đẽo theo sau cái tên “vô loại” là Trung Quốc tranh chấp giang hồ thiếu chứng lý với mình, từng cướp đất đai đảo biển của mình mà đàm phán song phương “đồng thuận” theo yêu cầu của chúng. Đảng CSVN đã không cần đoái hoài đến danh dự quyền lợi quốc gia và quan điểm ý kiến của cha mẹ mình là “nhân dân VN”, đã phải cứ luồn cúi thấp hèn. Cụ thể mới đây nhất:
Thứ Ba 29/5/2012 ở thủ đô Phnom Penh, Campuchia, trong vai trò chủ tịch / Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Asean (ADMM-6) năm 2012. Bộ Trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, UV/BCT đảng CSVN cũng không dám nêu tên Trung Quốc là quốc gia ngoài khối Asean đang tranh chấp trên biển Đông dù vụ việc tranh chấp bãi cạn Scarborough giữa Phillipines (trong Asean) và TQ (ngoài Asean) đang tiếp diễn là thời sự thực tế còn nóng hổi. Ông phát biểu:
“Vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông là một thực tế mà chúng ta không cần né tránh vì nó xảy ra trong khu vực Đông Nam Á, tranh chấp giữa các nước Asean với nhau và giữa một số nước Asean với quốc gia ở ngoài Asean.”
Có hài hước không? “không né tránh” nhưng không dám nói “quốc gia ngoài Asean” đó là ai ngoài TQ khi chính nó đã cướp đảo và đang đè đầu tranh chấp trực tiếp với VN và Phillipines (trong cùng khối Asean) và nó còn đang bắt giữ đánh đập tịch thu tàu thuyền của đồng bào ông hàng ngày.
Là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng VN, ông Phùng Quang Thanh còn lặp lại cái tư tưởng của nhà nước CSVN “không giống ai” trong khối Asean: “Trong quá trình đàm phán tranh chấp song phương thì hai nước đàm phán với nhau để giải quyết” mà ông rất rõ 90% diện tích và hải đảo trên biển đông (trừ vịnh Bắc bộ) là tranh chấp giữa TQ và 4 nước (Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei). Cứ cái tâm thế lãnh đạo như thế này thì Nhân Cách và Hùng Khí VN làm sao lớn lên cùng thiên hạ năm châu bốn biển!?. Cũng dễ hiểu thôi cùng thời điểm dù không được mời (hội nghị nội bộ Asean) nhưng bộ trưởng QP/TQ Lương Quang Liệt cũng tự nhiên có mặt gọi là “viếng thăm” Campuchia.
Chúng ta người dân Việt bị những người CSVN có “tầm cao trí tuệ ấy” vì quyền lợi của đảng – như đặt cái cày trước con trâu một cách thô bỉ, độc tài, vô trách nhiệm, thử lạm bàn những hoàn cảnh nào sẽ đến với Trường Sa thân yêu của chúng ta ở tương lai gần!
Đảo Trường Sa VN mong manh như chiếc lá giữa dòng
Từ một nước cộng sản theo chế độ XHCN, lãnh đạo bởi một nhóm người cuồng tín cực đoan hạn hẹp tri thức và nhân cách gây nên biết bao sự chết chóc đói nghèo đau thương cho nhân dân TQ, thập niên tám mươi, khi quốc tế CS tự nó suy tàn bởi áp lực nền kinh tế không thể sánh bằng thế giới tư bản, để tránh vết xe đổ thê thảm của Liên Xô-Đông Âu và tự cứu mình, nhìn tấm gương phản chiếu những thành tựu kinh tế tư bản phương Tây từ Đài Loan và hai lãnh thổ cận biên của mình nằm trong tay tư bản quốc tế xây dựng (MaCau và HongKong), các nhà lãnh đạo TQ (chủ yếu Đặng Tiểu Bình) buộc phải che mặt chữa thẹn bằng cách ví von “Mèo đen hay trắng không quan trọng, miễn bắt được chuột” để biện minh cho sự chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế XHCN qua cấu trúc kinh tế tư bản, mở cửa từng phần qua từng giai đoạn cho tư bản thế giới tràn vào đầu tư sản xuất tận dụng sức lao động rẻ khổng lồ của TQ. Nhờ vậy sau 1/3 thế kỷ kinh tế phát triển tăng trưởng liên tục hiện nay TQ thặng dư dự trữ ngoại tệ trong thương mại lên tới hơn ba ngàn tỷ usd (3.044 tỷ usd – 2011) – Trong khi nền kinh tế tài chính Mỹ và Châu Âu khủng hoảng suy thoái liên tục 10 năm trở lại đây và trong tình trạng ở mức “báo động”. Hoa Kỳ đang mắc nợ trong và ngoài nước tới 14.340 tỷ usd (Wikipedia). Oái ăm trong số này Mỹ nợ TQ 1.500 tỷ usd, chủ yếu là trái phiếu CP (ngay trong lúc này nếu đáo hạn, không biết CP/Mỹ hay đơn vị phát hành lấy usd ở đâu để thanh toán?) Trong khi ở Châu Âu, Hy Lạp, Tân Ban Nha, Ý và Bồ Đào Nha… lâm vào hoàn cảnh khủng hoảng nợ công còn tệ hơn thế!
Ghi nhận lại dữ liệu kinh tế tài chính quốc tế khái quát như thế để chúng ta có cái nhìn khác về TQ hôm nay đang “rủng rỉnh” tiền bạc nhân cơ hội các “anh hào quốc tế” đang ngụp lặn vướng bận trong nợ nần chồng chất mà tăng cường quân sự trong cái tư duy “rừng nào cọp nấy” của máu Đại Hán muốn thâu tóm biển đảo đất trời một số quốc gia xung quanh về làm “phên dậu” nhà mình, giống như láng giềng Liên Xô với các nước khối SNG trước kia.
Tham Vọng Hoang Tưởng “RỪNG NÀO CỌP NẤY ” của Đại Hán
Bản đồ TQ phổ biến năm 2010 (Ảnh: GS Nguyễn Văn Canh)
TQ – Mưu toan bành trướng bá quyền trong đất liền và ngoài Biển Đông: bản đồ Đại Hán phổ biến năm 2010: toàn thể lục địa Á Châu đều nằm trong lãnh thổ TQ, gồm toàn vùng Đông Á, ngoại trừ Nhật Bản, Đông Nam Á Châu, mà cả Trung Á như Ấn Độ, Pakistan, A Phú Hãn. 5 quốc gia nguyên thuộc Khối Liên Bang Sô Viết, nằm về phía Đông bờ biển Caspian cũng thuộc lãnh thổ TQ.(??).
TQ/Phổ biến năm 2010 (Ảnh: GS NguyễnVăn Canh)
Bản đồ TQ nới rộng Thái Bình Dương với hai vòng đai phòng thủ.
a) Tuyến phòng thủ “Chuỗi Đảo”: từ Nhật Bản xuống Phi. 4 quốc gia đồng minh của Mỹ là Nhật, Nam Hàn. Đài Loan và Phi nằm trong vành đai này để TQ bảo vệ. (?)
b) Phòng thủ “Viễn Dương”. Tuyến phòng thủ này bao gồm một khu rộng lớn từ Nam Dương qua đảo Guam xuống đến Úc Châu. TQ nới rộng vành đai phòng thủ tới Ấn Độ Dương và chiếm toàn phần phía Tây Thái Bình Dương. Với tuyến phòng thủ này, Đúng với tư duy “rừng nào cọp nấy” TQ muốn khẳng định chủ quyền trên toàn vùng Thái Bình Dương và đẩy lui lực lượng Mỹ về phía Tây, tới Hawaii. (??).
Với Việt Nam, Trung Quốc xem VN như một chư hầu, tay sai để làm bình phong che chắn một phần sườn phía nam, khi cần làm bàn đạp tiến xuống Đông Nam Á. Công luận trong nước và quốc tế đánh giá chế độ độc tài CSVN hiện nay là một chế độ nhược tiểu, hèn mọn, vong bản nhất từ trước đến nay trong lịch sử VN, không như Mông cổ, Nhật, Hàn, Miên, Lào hay Myamamar hoặc các nước vùng Trung Á có chung biên giới với TQ vẫn giữ độc lập trong mối bang giao bình thường theo qui ước thông lệ quốc tế. Không thấy một quốc gia nào tự hạ mình mạt hạng thần phục TQ như “bề trên” trái với tập quán thông lệ ngoại giao trong thời đại văn minh này, như nhóm người lãnh đạo CSVN hiện nay.
Trong chiến tranh VN với phương tây (Pháp – Mỹ) nếu CSVN nói đó là chống ngoại xâm thì sự chi viện của TQ cho CSVN phải được xem như là trách nhiệm hổ tương, chung một chiến hào ý thức hệ CS. Sự độc lập của VN cũng là sự bảo đảm an ninh, che chắn cho cạnh sườn phía nam cho TQ được an toàn, nhân dân VN tổn hao xương máu thì TQ phải hao tốn súng đạn là chuyện đương nhiên và sòng phẳng. Nhận thức rõ ràng như thế mới là phẩm chất chuẩn mực của hàng lãnh đạo nhà nước Việt Nam, không thể, hết tổng bí thư rồi tới thủ tướng và bộ trưởng QP thay nhau qua TQ triều kiến ca cẩm “ghi nhớ công ơn to lớn, uống nước nhớ nguồn v.v…” rồi về đục bia công trạng của Hoàng Đế Quang Trung đánh đuổi quân tàu xâm lược và tàn phá bia tạc chiến công của liệt sĩ nước mình đã hy sinh vì tổ quốc trên biên giới 1979 cho vui lòng “bề trên” TQ.
Sự hèn mạt đó dẫn đến bị lấn lướt, phải mất ải Nam Quan, toàn vùng đất dọc biên giới (bằng diện tích của tỉnh Thái Bình- hiện nay). CSVN đã im lặng để TQ cướp toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trong tay quân đội Miền Nam (QLVNCH) và tiếp đến mất luôn một nữa các đảo trong nhóm đảo Trường Sa. Đó cũng là chuyện tất nhiên trong thân phận kẻ làm “chư hầu” mà vì không mấy thiện cảm nên dư luận, truyền thông thế giới không màng lên tiếng bênh vực! Dù gần đây có cong lưng nhục nhã “gắn thêm ngôi sao thứ 6” lên cờ TQ chăng nữa thì vẫn không ngăn được tham vọng bành trướng của Đại Hán khi hàng ngày tờ báo Hoàn Cầu của đảng CSTQ vẫn cứ hô hào dùng vũ lực thu hồi toàn bộ quần đảo Trường Sa và đòi hỏi chủ quyền gần hết biển Đông!
Ngôi sao “xấu hổ” thứ 6, Tuổi thơ, tủi Nhục Giáo Dục XHCN?
Liệu hải quân Trung Quốc có đánh chiếm đảo Trường Sa của Việt Nam? một việc mà tại thời điểm này còn là rất tế nhị, đắn đo của TQ để có thể nói vui là: “Có hoặc Không, cũng có thể Có và cũng có thể là Chưa! ” Tùy thuộc sự “đột tử” hay sống sót của đảng CSVN.
Tương quan quân sự để có thể nói rằng việc đánh chiếm đảo Trường Sa của VN là không khó lắm với hải quân TQ dù gần đây VN tổ chức củng cố hạ tầng cơ sở trên đảo để phòng thủ và mới sắm thêm một số vũ khí đất đối biển như phi cơ SU, tên lửa Yakhont K-300P Bation-P, tàu ngầm lớp Kilo (Những loại này TQ sở hữu gấp nhiều lần VN), nhất là tên lửa hành trình tầm trung tương tự Yakhont (TQ sản xuất bán ra nước ngoài). Tuy nhiên vấn đề là đánh chiếm đảo ấy có “lợi hay hại” ở thời điểm nào? trong chiến lược toàn vùng theo sách lược và toan tính riêng của TQ mà thôi, bởi hiện nay dù TQ có kéo siêu giàn khoan “khủng” CNOOC 981 xuống biển đông khai thác tài nguyên dầu khí thì bốn nước Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei cũng không có nước nào có khả năng quân sự để cản trở có hiệu quả, ngoài phản đối chiếu lệ bằng công hàm ngoại giao.
Có vài dự đoán liên tưởng đến, cho trường hợp TQ muốn hay chưa muốn “khởi động binh đao” với Trường Sa, người viết xin gửi đến quý bạn đọc như chút góp ý cho rộng đường suy ngẫm ý đồ “giang hồ bá chủ” của Đại Hán…
1) Có thể TQ sẽ đánh chiếm đảo Trường Sa một khi trung ương tình báo sở TQ thu thập đầy đủ dữ liệu để biết chắc chắn rằng nội bộ đảng CSVN còn đủ mạnh để cầm quyền duy trì chế độ CS tại VN, dù có sự binh biến hay đột xuất bất ổn nội loạn chính trị nào xảy ra. Điều này có nghĩa là TQ chiếm được Trường Sa nhưng chế độ CSVN bảo đảm vẫn tồn tại. Đó mới đạt yêu cầu của TQ vì TQ biết rất rõ giới lãnh đạo CSVN xem quyền lực của cá nhân và đảng quan trọng hơn một cái đảo giữa biển khơi. CSVN trước đó đã từng lập luận trong nội bộ đảng “mất một ít đất đai núi rừng cằn cỗi dọc đường biên cho TQ không quan trọng bằng sự nương tựa vào TQ để đảng CSVN tồn tại”.
TQ cũng biết chắc có đánh chiếm Trường Sa của VN thì Mỹ cũng bất động, như lần chiếm Hoàng Sa trước kia, nếu có cũng chỉ phản ứng chiếu lệ cho phải phép với quốc tế và khối ASEAN vì Trường Sa từ lâu không liên quan chủ quyền gắn bó với Phillipines. Hơn nữa, hiện nay đối với người dân Mỹ trong chiều hướng khó khăn kinh tế, một viên đạn quí như quả trứng hay cái Sandwich thì Mỹ cũng không có lý do nào để mà mặn mà dính líu vào cho hao tốn, thậm chí dù hiện nay tín hiệu xấu đó chưa phát đi nhưng nếu Việt Nam có hậm hực vì Trung Quốc mà mở toang cảng Cam Ranh mời chiến hạm Mỹ vào đồn trú vô điều kiện thì Mỹ chắc cũng chẳng thèm vào bởi không có một hấp dẫn hay thiện cảm nào đủ thuyết phục của một chế độ “búa liềm” có cái mác chuyên tráo trở lật lọng thủ đoạn thiếu văn minh như CSVN mà quá khứ Mỹ từng biết.
Làm sao thuận lợi hơn cảng nước sâu ở vịnh SuBíc Phillipines đối diện VN và biển Đông, căn cứ hải quân cũ của hạm đội 7 Mỹ trước kia (1992) mà cầu tàu, bến bãi neo đậu của Mỹ xây dựng còn tương đối tốt. Và danh chính ngôn thuận với hiệp ước phòng thủ hỗ tương với Phillipines còn hiệu lực (cho dù khá lâu 30/8/1951) mà hiện nay nhân dân, nghị viện và CP/ Phillipines cũng đang rất mong muốn Mỹ chính thức quay lại và trong tầm nhìn về chiến lược toàn cầu thì lưỡng viện Mỹ tương đối có thể im lặng như chấp nhận được nếu hải quân Mỹ có “động binh” hao tài tốn của một ít vì Phillipines (dù người dân Mỹ vẫn còn phật lòng thượng viện Phillipines, hồi 1992 biểu quyết nâng giá thuê cảng Subic lên quá cao để ép Mỹ rút hạm đội 7 về đảo Guam).
2) Trung Quốc sẽ không “đụng” tới Trường Sa một khi biết chắc vị thế lãnh đạo của đảng CSVN đang chông chênh có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Lý do là việc đánh chiếm đảo trong tình huống ấy có thể tạo nên một hiệu ứng ngược như châm một tia lửa vào lòng người dân VN đang bất mãn chế độ CS vì tham nhũng, bất lực, hay bán nước, khiến nội tình VN sục sôi như cuồng phong, bão nổi quét phăng chế độ CS. Một chính phủ mới lên nắm quyền chắc chắn sẽ là dân chủ, đa nguyên, thân phương Tây mà hiện nay TQ không hề mong đợi. Đó là chưa nói sự thay đổi ấy của VN nó có thể tạo nên niềm “hứng khởi” như quân bài “domino” trong lòng nhân dân TQ và nếu thế kéo theo nước Lào, kế tiếp là Myamamar mà nhà cầm quyền nước này đang “bất phục TQ” mới đây đón tiếp một loạt các yếu nhân phương Tây và cả thủ tướng Ấn Độ, một quốc gia từ lâu “cơm không lành” với TQ.
Lúc ấy chính phủ mới dân chủ đa nguyên của VN cũng sẽ không còn “song phương đồng thuận” trên biển Đông với TQ nữa mà sẽ cùng Phillipines và khối ASEAN – có sự bảo trợ của Mỹ – sẽ là rào chắn cực kỳ khó chịu trong tranh chấp trên biển Đông. Điều này có thể kéo theo khuynh hướng chính trị bài xích TQ trên toàn vùng Đông nam Á, vô hình chung nó sẽ kết nối liên hoàn, dù không chính thức, cùng liên minh phòng thủ “Đông Á” của Mỹ với Hàn và Nhật cùng với Đài Loan (đang mơ ước là Singapore thứ 2 và không muốn về với TQ). Tất cả sẽ như một vòng cung bắt đầu từ Nhật Bản qua Hàn Quốc nối Đài Loan đến Phillipnes rồi chí ít cũng kéo dài đến Singapore sẽ làm TQ không được thoải mái để hít thở không khí từ “Thái Bình Dương” và vì vậy lợi bất cập hại để TQ phải cân nhắc chưa muốn đánh chiếm Trường Sa.
3) Một trường hợp giả định khác cũng gần với thực tế, Trường Sa sẽ bị Trung Quốc tạo cớ gây hấn để tấn công chiếm hữu ngay khi phát hiện nội tình trong nước VN có đảo chính hay nội loạn mà TQ không nhất thiết phải chờ để biết kết quả chính quyền mới của VN (nếu có sự thay đổi) là chính quyền theo khuynh hướng nào. Đó là chính sách “tiên hạ thủ vi cường” đặt chuyện đã rồi. Nếu để chậm hơn, một khi chế độ CSVN bị lật đổ và thay thế bằng một chế độ tự do dân chủ đa nguyên thì lúc ấy chính phủ mới của VN có khuynh hướng liên kết với Phillipines và khối Asean nhờ quốc tế và Mỹ bảo trợ giải quyết tranh chấp biển Đông và Trường Sa trên cơ sở Luật Biển 1982 (UNCLOS) thì lúc ấy sẽ khó khăn cho TQ nếu muốn “gây sự”. Còn nếu may mắn chế độ CSVN vẫn trụ lại được thì can đảm lắm CSVN cũng chỉ “chửi võ mồm” hay lại năn nỉ “đàm phán song phương” kiểu 4 tốt 16 vàng với TQ mà thôi!
4) TQ vẫn còn lưỡng lự trước Trường Sa có thể vì: Không giống Hoàng Sa và một phần Trường Sa cướp được trước đây, hải quân TQ chỉ đối diện với lực lượng quân sự Nam, Bắc VN phương tiện đối đầu có hạn, hỏa lực rất yếu trên các đảo có ít hoặc không có người.
Đảo Trường Sa VN hiện tại được nhà nước VN nâng lên đơn vị hành chính cấp Huyện (1982) với đầy đủ cơ sở hạ tầng liên lạc viễn thông và hàng hải, tiếp cận với nội địa, dân số quân và dân sự dưới 1000 (không có con số chính xác) có các khu dân cư nhà ở như trong đất liền. Hiện đang có 21 đảo do quân đội đóng giữ (Việt Nam thông báo). Tổng cộng đã có 21 nhà giàn DK1 được xây dựng, hiện tại còn sử dụng 15 nhà giàn có binh sĩ, trong đó có 8 nhà giàn có bãi đỗ trực thăng ở trên nóc vì vậy việc bố phòng cũng có bài bản lớp lang hơn, có cả sự chi viện bằng không và hải quân từ đất liền.
Đơn vị vũ trang VN tại Trường Sa
Việc tấn công Trường Sa một hải đảo trong những điều kiện có cư dân sinh sống khách quan như trong đất liền nói trên dù dưới danh nghĩa gì cũng sẽ bị quốc tế và LHQ lên án mạnh mẽ. Quan trọng hơn là uy tín và phẩm giá của một quốc gia có nền kinh tế tài chính đang sắp bước chân lên bục thứ 2 của thế giới sau Mỹ trước Nhật và Đức như TQ sẽ bị công luận yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới đánh giá không khác gì gót dày đinh của trùm phát xít Hitle trước đây, thiệt hại vô hình khó lường. Từ đó gây nên sự lưỡng lự của “Đại Hán” hiện nay!? Có thể sự quấy rối ở bãi cạn Scarborough Phillipines hiện tại là phép thử mà TQ muốn đo lường với ASEAN, Mỹ và Thế Giới.
Tuy nhiên nhìn vào quá khứ gần đây, cuộc chiến VN-TQ tại biên giới phía Bắc 1979, dù không có một lý do chính đáng nào ngoài lời nói “dạy cho VN một bài học” rất giang hồ, TQ vẫn xua hàng chục sư đoàn kèm xe tăng trọng pháo vượt biên xâm nhập vào hàng chục tỉnh thành phố VN gây nên trận chiến bộ binh với hàng trăm ngàn tử sĩ hai bên, dời cột mốc, cướp đi một phần đất biên giới VN. Mới đây dù có đặt bút ký vào Công ước Quốc Tế về Luật Biển 1982 (UNCLOS) nhưng khi cần TQ vẫn ngang nhiên phát biểu như thời Tam Quốc tranh hùng Trung Hoa cổ: “Dù có ký nhưng khi nó không phù hợp quyền lợi, TQ không có trách nhiệm tuân thủ” để vẫn cực đoan đòi hỏi chủ quyền tuyệt đối trên toàn vùng biển Đông! Từ đó, việc TQ sẽ dùng tên lửa tầm trung trải thảm, sau đó đổ quân lên tràn ngập biến Trường Sa thành “Sa Trường” giữa biển Đông không là điều viễn tưởng, bởi cái máu “bành trướng” muốn bá chủ thiên hạ từ ngàn xưa đã ăn sâu vào xương cốt của con cháu Đại Hán. Đồng bào VN mình ai cũng quá hiểu chỉ có một nhóm nhỏ những người CSVN vì những cái ghế quyền lực đầy quyền lợi là… “không muốn hiểu”.
Tuy nhiên người ta vẫn nói “vỏ quít dày thì có móng tay nhọn”. Trong khi TQ hung hăng như phường sơn đông múa võ trên biển Đông thì Mỹ cũng lặng lẽ “tính chuyện” chiến lược thích nghi riêng tư của mình. Đầu tháng 4 vừa qua, sau khi bộ trưởng quốc phòng Singapore Ng Eng Hen viếng thăm Hoa Kỳ thì cuối tháng 4 và đầu tháng 5 những chiến hạm tối tân mới nhất “chuyên trị” các vùng nước nông cận duyên như biển Đông của hải quân Mỹ đã đến đồn trú tại Changi – căn cứ hải quân Singapore trở thành cứ điểm tiền tiêu của hải quân Mỹ, án ngữ eo biển Malacca – yết hầu hàng hải từ Ấn Độ Dương qua Thái Bình Dương và biển Đông.
Căn cứ hải quân Changi Singapore
Tàu tuần duyên cao tốc tàng hình (LCS) mới nhất của Mỹ đến Singapore.
Tàu USS Independence sẽ kiểm soát hải hành giữa Singapore và Hong Kong
Mỹ đang triển khai một số tàu chiến tàng hình tốc độ cao (70km/h) thuộc thế hệ mới ở Biển Đông. Đây có thể là một động thái như cảnh báo “không phải nhiều tiền là tự nhiên có quyền” với Bắc Kinh. Hãng Reuters dẫn lời Đô đốc Jonathan Greenert, chỉ huy tác chiến Hải quân Mỹ, cho biết nước này sẽ điều động “những tàu tuần duyên (LCS) tàng hình mới nhất” có trang bị trực thăng săn tàu ngầm tới đồn trú Singapore và trong năm tới có thể là Philippines. Số tàu trên sẽ được triển khai để kiểm soát các tuyến hải hành giữa Singapore và Hong Kong, một trong số đó, theo các chuyên gia, là USS Independence. Loại tàu này có thể tác chiến phát huy sức mạnh tại vùng nước nông và “hiện đại hơn bất cứ tàu Trung Quốc nào được biết đến”. Các chiến hạm tàng hình của Mỹ có thể tìm diệt tàu ngầm, phá mìn thủy lôi, trinh sát, do thám và đổ bộ, tàu có trang bị trực thăng tác chiến thế hệ mới.
Singapore và eo biển “ yết hầu” chiến lược Malacca.
Hơn một nửa lượng hàng hóa vận chuyển bằng tàu biển hàng năm của thế giới đi qua eo biển Malacca, eo biển Sunda, và eo biển Lombok, với đa số tàu này tiếp tục hành trình vào Biển Đông. Lượng tàu chở dầu đi qua eo biển Malacca để vào Biển Đông nhiều hơn 3 lần số tàu loại này qua kênh đào Suez, hơn 5 lần số lượt loại tàu này qua kênh đào Panama.
Singapore nằm ở nơi hẹp nhất của eo biển Malacca, có mọi điều kiện thuận lợi để kiểm soát tuyến đường hàng hải chiến lược này. Hiện nay, gần 90% dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc phải được vận chuyển qua eo biển Malacca. Điều này có nghĩa là khi hải quân Mỹ sử dụng tàu chiến, máy bay đồn trú ở đây, thì bất cứ lúc nào cần Mỹ cũng có thể kiểm soát tuyến đường hàng hải chiến lược có liên quan đến an ninh cung ứng năng lượng của Trung Quốc. Cũng là “tiên hạ thủ vi cường” Mỹ đã đặt trạm kiểm soát ngay trên lối hẹp độc đạo duy nhất của hải trình từ Ấn Độ Dương qua Thái Bình Dương vào Biển Đông. Như vậy từ Singapore nối với Phillipines, Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản chuỗi liên hoàn Hải Quân Tây Thái Bình Dương này bảo đảm hành lang thông thương hàng hải cho các đồng minh trong các hiệp ước phòng thủ của Mỹ nhưng đầy đe dọa và không “an toàn” chút nào cho Trung Quốc khi va chạm có khả năng “nảy lửa” với Mỹ hay các đồng minh của Mỹ trên vùng biển trong khu vực. Vòng cung liên kết liên minh quân sự này khi cần thiết nó sẽ kết nối trong chiến lược Châu Úc với Australia và New Zealand để làm tan giấc mộng “Rừng Nào Cọp Nấy” trên một vùng biển rộng lớn Tây Thái Bình Dương và Châu Á mà Đại Hán TQ cùng hải quân của họ đang gối đầu trên đống đôla ước mơ nhờ nó họ sẽ làm bá chủ thiên hạ, ít nhất là Châu Á.
Hoàng Thanh Trúc
0 comments:
Post a Comment