Bắc Kinh ám chỉ Công Hàm 1958 nhường biển do Phạm Văn Đồng ký
BEIJING/HANOI (VietBao) — Trung Quốc hôm
Thứ Ba tuyên bố rằng Việt Nam phải tôn trong nhiều hiệp ước giữa hai
nước về tranh chấp biển, một lời ám chỉ tới bản Công Hàm năm 1958 do ông
Thủ Tướng Phạm Văn Đồng công nhận lãnh hải TQ ở Biển Đông, trong khi
tiết lộ rằng chuyện công ty dầu quốc doanh CNOOC của TQ mời các hãng
ngoại dự thầu 9 lô dầu ở Biển Đông, trong nơi Việt Nam đang giành chủ
quyền, là “hợp lý.”
Bản tin Xinhua cho biết, Phát ngôn nhân Bộ ngoại giao TQ Hong Lei
nói, “TQ và VN đã đạt nhiều hiệp ước về giải quyết tranh chấp biển.
Chúng tôi hy vọng VN tôn trọng các hiệp ước này và tránh bất kỳ hành
động nào có thể làm phức tạp vấn đề.”
Ông nói như thế để trả lời 1 câu hỏi về quyết định của hãng dầu quốc
doanh CNOOC rao thầu 9 lô ở Biển Đông mời các công ty ngoại quốc vào.
Xinhua nói, 9 lô dầu này rộng hơn 160,000 kilômét vuông.
Cũng hôm Thứ Ba, nhiều bản tin từ truyền thông VN ghi lời Người phát
ngôn Bộ Ngoại giao VN Lương Thanh Nghị đã phản đối TQ mời quốc tế thầu
khai thác dầu Biển Đông của VN.
Bản tin trên báo Thanh Niên hôm 26/6/2012 nhan đề “Trung Quốc mời
thầu tại thềm lục địa Việt Nam là phi pháp” đăng toàn văn bản tin từ
thông tấn TTXVN như sau:
“Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nêu rõ, việc
phía Trung Quốc ngang nhiên mời thầu quốc tế tại vùng đặc quyền kinh tế
và thềm lục địa của Việt Nam là hành động phi pháp và không có giá trị.
Trước việc ngày 23.6.2012, Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc
thông báo chào thầu quốc tế tại 9 lô dầu khí nằm trong phạm vi vùng đặc
quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, ngày 26.6.2012, Người Phát
ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nêu rõ: “Trước hết cần
khẳng định khu vực mà Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc thông
báo mở thầu quốc tế nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải
lý và thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật
Biển năm 1982. Đây hoàn toàn không phải là khu vực có tranh chấp”.
Ông Lương Thanh Nghị khẳng định, việc phía Trung Quốc ngang nhiên mời
thầu quốc tế tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là
hành động phi pháp và không có giá trị, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ
quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia chính đáng của Việt Nam, vi
phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 mà chính Trung Quốc
là quốc gia thành viên, làm phức tạp tình hình và gây căng thẳng ở biển
Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, Việt Nam cực lực phản đối và
yêu cầu phía Trung Quốc hủy bỏ ngay việc mời thầu sai trái trên, không
có hành động làm phức tạp tình hình ở biển Đông và mở rộng tranh chấp,
nghiêm túc tuân thủ Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải
quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, tôn trọng luật pháp quốc
tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 và tinh thần
Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).”
Mặt khác, một bản tin Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ VOA hôm Thứ Ba 26/6/2012
cho biết về tình hình một công ty Ý vào thầu tìm dầu ở biển VN.
Bản tin viết rằng Tập đoàn Eni SpA của Ý vừa gia nhập những công ty
năng lượng tham gia tìm kiếm dầu khí ở Việt Nam bằng việc mua 50% cổ
phần trong 2 lô thăm dò dầu khí ngoài khơi Việt Nam.
VOA ghi nhận, Việt Nam đã trở thành điểm nóng về thăm dò dầu khí ở
châu Á khi chính phủ tạo điều kiện đầu tư cho các doanh nghiệp nước
ngoài có khả năng khoan dầu ngoài khơi, cũng như sẵn sàng chia sẻ công
nghệ mà tập đoàn nhà nước PetroVietnam không có.
Công ty Neo Energy Ltd. của Úc, đối tác của Eni, hôm thứ Hai cho hay
Eni đồng ý thực hiện công việc mang tính kỹ thuật trước và chịu toàn bộ
chi phí khoan giếng thăm dò đầu tiên cho 2 lô.
Công ty Neon và công ty KrisEnergy Ltd. của Singapore đã bán đi 25%
cổ phần ở lô 105 và 120 cho Eni, nhượng cho Eni 50% cổ phần và giữ lại
25% mỗi lô cho mình.
Neon không đưa ra dự tính khi nào bắt đầu tiến hành khoan giếng,
nhưng nói rằng việc đó sẽ được thực hiện sau khi đã thăm dò địa chấn và
còn phụ thuộc vào việc có giàn khoan dầu hay không.
Ken Charsinsky, giám đốc điều hành của Neon, phát biểu trong một
thông cáo: “Việt Nam đang thu hút quan tâm rất lớn của các công ty hoạt
động trong ngành, và lợi thế bước đầu của Neon trong việc đạt được 2 lô
thăm dò có chất lượng tốt và tiềm năng lớn đã dẫn đến thỏa thuận hợp tác
với Eni.”
Tập đoàn ExxonMobil Corp. vừa mua được lô 117, 118 và 119 ở biển
Đông, gần với lô 120 của Eni, Neon và KrisEnergy. Tháng 10 rồi,
ExxonMobil nói đã phát hiện được dầu khí ở lô 119 từ giếng thăm dò thứ
hai, sau khi giếng đầu không tìm thấy gì.
Nhiều công ty khác gần đây cũng đã phát hiện dầu hỏa trong vùng biền
này, bao gồm Petroliam Nasional Bhd. của Malaysia, Premier Oil PLC của
Anh, Gazprom của Nga và Total của Pháp.
VOA ghi thêm: “Nhưng việc khai thác dầu khí ngoài khơi Việt Nam vẫn
còn nhiều thách thức. Căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam trong việc
khai thác dầu khí ở biển Đông đã âm ỉ từ nhiều năm qua giữa lúc có những
tuyên bố tranh giành chủ quyền lãnh hải.”
0 comments:
Post a Comment