Nguyễn Hưng Quốc. 23.06.2012
Nhiều người Việt Nam hay chê người Tây phương là ích kỷ và cá nhân
chủ nghĩa. Tuy nhiên, trên thực tế, sống ở Tây phương lâu, hầu như ai
cũng biết, về nhiều phương diện, người Tây phương có tinh thần tập thể
cao hơn hẳn người Đông phương, kể cả người Việt Nam.
Riêng ở Úc, từ học đường đến xã hội, ở đâu người ta cũng đề cao tinh
thần đồng đội (teamwork). Lý do đơn giản, hầu như ở đâu người ta cũng
làm việc với người khác. Xu hướng kỹ nghệ hóa và toàn cầu hóa càng gia
tăng, nhu cầu làm việc tập thể lại càng nhiều. Thường, mỗi dự án bao gồm
nhiều lãnh vực khác nhau; mỗi lãnh vực bao gồm nhiều bộ phận khác nhau;
mỗi bộ phận bao gồm nhiều người với những công việc khác nhau. Do
đó, công việc của người này bao giờ cũng cần hòa điệu và hòa hợp với
công việc của người khác. Sự hòa điệu và hòa hợp giữa các công việc ấy
cũng cần thiết không kém sự hoàn hảo trong từng công việc cụ thể. Để
thực hiện điều đó, người ta không những cần có trách nhiệm với công việc
của chính mình mà, trong chừng mực nào đó, còn cần phải có trách nhiệm
với công việc của người khác nữa.
Khi tuyển nhân viên, các công ty và cơ quan tại Úc thường nhấn mạnh
một yêu cầu: tinh thần tập thể. Trong mấy chục năm dạy học tại Úc, tôi
thường được các công ty hay cơ quan hỏi về hồ sơ xin việc của các sinh
viên vừa mới tốt nghiệp của tôi. Một trong những câu hỏi người ta thường
đặt ra nhiều nhất là: Có tinh thần tập thể hay không? Có biết cách làm
việc với người khác hay không?
Nhớ, cách đây khá lâu, tôi được mời tham gia ban tuyển chọn giảng
viên dạy tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai tại một trường đại học ở
Melbourne. Có trên dưới một trăm người nộp đơn. Vòng đầu, chúng tôi đọc
lý lịch nghề nghiệp và chọn khoảng 5,6 người để mời đến phỏng vấn. Công
việc này, thật ra, không khó khăn lắm. Chúng tôi có hai tiêu chuẩn
chính: bằng cấp và kinh nghiệm giảng dạy. Nếu căn cứ vào hai tiêu chuẩn
ấy, số người được chọn vẫn quá nhiều, chúng tôi sử dụng thêm một tiêu
chuẩn khác để loại trừ bớt: tính chất đa dạng trong kinh nghiệm giảng
dạy. Ví dụ, cũng dạy tiếng Anh trong mười năm, nhưng một người chỉ dạy ở
Úc và một người dạy ở Úc và một số quốc gia khác, đặc biệt ở châu Á,
người sau sẽ được ưu tiên hơn. Nếu người ấy biết thêm một ngôn ngữ gì
khác ngoài tiếng Anh thì lại càng được ưu tiên hơn nữa.
Cuối cùng, trong danh sách dự định mời phỏng vấn, có một người có lý
lịch, theo tôi, gần như hoàn hảo: Có bằng tiến sĩ ngôn ngữ học tại
trường đại học M. ở Úc; trước khi có bằng Tiến sĩ, từng dạy tiếng Anh ở
Trung Quốc và Hồng Kông; sau đó, dạy bán thời ở một trường đại học R. ở
Úc trong vòng bốn năm.
Tôi khen lý lịch người ấy rất ấn tượng. Một người bạn trong ban tuyển
chọn không đồng ý. Chị bảo tôi đọc danh sách những người chứng thực
thông tin (referee) vốn là một phần quan trọng trong mọi hồ sơ xin việc ở
Tây phương. Tôi đọc. Danh sách ấy gồm hai giáo sư ở Trung Quốc và một
giám đốc công ty ở Úc. Chị bạn đồng nghiệp tôi nói: “Anh để ý xem. Ba
người này đều không có liên hệ gì đến những nơi cô này từng học hoặc làm
việc cả. Cô ấy học Tiến sĩ ở đại học M. đến bốn năm, chẳng lẽ không
thân đủ với một giáo sư nào để nhờ làm referee? Cô ấy dạy bán thời ở Đại
học R. cũng bốn năm, chẳng lẽ không thân đủ với bất cứ ai để nhờ làm
referee? Cô ấy dạy ở Trung Quốc ba năm; ở Hồng Kông hai năm, cũng không
thân đủ với ai để nhờ làm referee? Như vậy rõ ràng là cô ấy có vấn đề
trong quan hệ với đồng nghiệp. Tôi không có ý nói cô ấy xấu. Nhưng tôi
chỉ sợ là cô ấy không phải là người có tinh thần ‘teamwork’.”
Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề, ở Tây phương người ta xem
tinh thần tập thể và thói quen làm việc tập thể là một trong những nội
dung quan trọng nhất trong hệ thống giáo dục, từ tiểu học đến trung học
và đại học. Ở đâu, các thầy cô giáo cũng khuyến khích học sinh và sinh
viên làm việc theo nhóm. Bài tập trong lớp, người ta cho những đề tài
làm theo nhóm. Bài làm cho cả học kỳ cũng làm theo nhóm. Trong lớp, học
sinh hay sinh viên thường được chia thành từng nhóm nhỏ để thảo luận. Về
nhà, họ cũng được yêu cầu làm các dự án nghiên cứu chung với bạn bè.
Như vậy, ví dụ, thay vì ra một đề luận văn cho mỗi người viết một bài
khoảng một hay hai ngàn từ; thầy cô giáo có thể cho học sinh hay sinh
viên viết chung một bài luận văn dài hơn, khoảng từ ba đến năm ngàn từ.
Không ít học sinh hay sinh viên than thở: Cực quá, thứ nhất, phải họp
hành với nhau thường xuyên; thứ hai, trong trường hợp các bạn trong
nhóm lười hoặc dốt, công việc sẽ càng kéo dài và kết quả sẽ không như ý
muốn.
Tuy nhiên, đứng về phương diện sư phạm, người ta vẫn thấy đó là cách
giáo dục tốt nhất để chuẩn bị cho học sinh và sinh viên có phong cách
làm việc hiệu quả trong tương lai. Người ta lý luận: khi đi làm việc sau
này, không phải lúc nào chúng ta cũng may mắn gặp những đồng sự giỏi,
tháo vát, có tinh thần trách nhiệm và sẵn sàng đồng ý với mình. Do đó,
học sinh và sinh viên cần được đào luyện tính bao dung, sự cởi mở và các
kỹ năng thương thảo và đàm phán để có thể thuyết phục được người khác.
Cái gọi là “người khác” ấy có thể đến từ nhiều quốc gia và từ nhiều nền
văn hóa khác nhau, do đó, kỹ năng giao tiếp liên văn hóa (intercultural
communication) cũng được xem là cực kỳ cần thiết.
Những điều được đề cập ở trên, với người sống lâu ở ngoại quốc, chả
có gì mới mẻ. Tuy nhiên, nhân đó, chúng ta cũng nên nhìn lại phong cách
giảng dạy trong hệ thống giáo dục tại Việt Nam, cách thức bổ dụng nhân
sự trong guồng máy hành chính tại Việt Nam, và đặc biệt, cái thành kiến
cho người Tây phương nặng tinh thần cá nhân chủ nghĩa cho đến bây giờ
vẫn còn rất phổ biến ở Việt Nam.
0 comments:
Post a Comment