Monday, June 25, 2012

Cảm nghĩ về buổi hội thảo của ông Bùi Tín và cộng đồng người Việt San Jose

Sáng thứ Bảy đầu mùa hè nắng dịu và ấm. Không muốn bỏ qua một ngày đẹp hiếm hoi, tôi dậy thật sớm đi tắm hơi, bơi, tập yoga, chuẩn bị tinh thần cho một sinh hoạt kế tiếp trong ngày mà tôi không tha thiết lắm. Sau bao năm chán ngán tới tận xương tủy và xa lánh các buổi hội họp liên quan đến người Việt, tôi quyết định tham dự buổi hội thảo của ông Bùi Tín cùng cộng đồng người Việt San Jose do nhóm Việt Học tổ chức.
Tin tức cho biết ban tổ chức đã gặp không ít khó khăn ngay từ đầu như hợp đồng thuê hội trường với Học khu East Side Union High School bị hủy bỏ, sự phản đối của một số các cư dân trong vùng, hàng loạt thư và bài viết tố cáo “đặc công đỏ” Bùi Tín và “bọn cò mồi, tay sai cộng sản” lần lượt được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, và sau hết là lời kêu gọi biểu tình tẩy chay Bùi Tín và buổi hội thảo. Cuộc tranh luận giữa ban tổ chức và một số các nhân vật trong cộng đồng để giải quyết các khúc mắc cũng được thực hiện trước đó vài ngày. Nhưng cuối cùng, trên một đất nước mà quyền tự do hội họp và bày tỏ quan điểm luôn được tôn trọng, buổi hội thảo đã diễn ra vào sáng thứ Bảy, 23 tháng Sáu, trong một phòng họp sang trọng và hiện đại của thư viện Martin Luther King, thuộc thành phố San Jose.
Ai đến thư viện sáng hôm đó cũng sẽ thấy một quang cảnh rất quen thuộc của cộng đồng người Việt trước tiền đình thư viện – nhóm người biểu tình đứng rải rác đây đó cùng cờ vàng 3 sọc đỏ và nhiều biểu ngữ. Tôi cố ý đến muộn để tránh dự phần vào một nghi thức mà tôi, và không chỉ riêng tôi, cho là vô cùng ngớ ngẩn khi người Việt tổ chức hội họp bất kể vì lý do gì – chào cờ. Nghi thức này không thể thiếu vì nó là bảo hiểm “chính nghĩa quốc gia” của ban tổ chức. Tốn vài phút, đỡ đi nhiều rắc rối không cần thiết, thế thôi. Ý nghĩa thiêng liêng của việc chào cờ, mặc niệm đối với cuộc họp mặt đó như thế nào hình như chẳng ai quan tâm.
Tôi vào đúng lúc mọi người đã an tọa và ông Bùi Tín sắp bắt đầu phần thuyết trình của ông xoay quanh 3 vấn đề chính là hiện tình đất nước, giải thể cộng sản, dân chủ hóa Việt Nam. Tuy yếu và xanh xao vì tuổi tác và 3 cuộc giải phẫu tim, ông vẫn đứng thẳng trong hơn 30 phút, mắt hướng vào khán giả, tay không giấy bút, không một lần nhìn xuống, giọng trầm ấm, mạch lạc, rõ ràng, ông miên man nói về những vấn đề quê hương đất nước đã bao năm làm tim óc ông nhức nhối, chảy máu. Khách tham dự khoảng hơn 100 người, đa số thuộc thế hệ cha ông. Thi thoảng có một vài tiếng vỗ tay, tiếng xầm xì bàn tán đồng tình phản đối, và dĩ nhiên không thể thiếu tiếng điện thoại di động reo inh ỏi và tiếng trả lời điện thoại. Không khí khán phòng nặng nề từ đầu như chùng thêm xuống sau phần thuyết trình, phản ảnh khách tham dự đã không hài lòng. Dường như họ đến vì một mục đích khác, không để nghe ông thuyết trình hay hội thảo mà để hạch tội và buộc tội ông.
Phần thảo luận bắt đầu. Quá khứ được dịp ùn ùn kéo nhau về, vẫn những câu chuyện của lịch sử nghe, đọc mãi thêm đau lòng và mệt mỏi. Hiếm hoi lắm mới có một vài phút thảo luận hướng về tương lai Việt Nam nhưng rồi cũng bị dìm vào quá khứ. Dù trong phòng có chưng cờ vàng ba sọc đỏ cùng cờ Hoa Kỳ, vẫn có người lên tặng ông Bùi Tín một lá cờ giấy. Sau đó thì họ lại vụng về cắm lá cờ vào chai nước và đặt trên bàn, trước mặt ông. Một lúc nào đó thì bức xúc lên đến đỉnh điểm. Trong không gian nhỏ bé của phòng họp và cuộc thảo luận, tiếng đả đảo vang lên. Vài người không còn giữ được bình tỉnh bỏ ra về, số còn lại tiếp tục cùng nhau lội ngược giòng. Một câu hỏi mang tính thời sự về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc bỗng trở nên vô duyên, lạc lõng. Riêng ông Bùi Tín vẫn giữ được vẻ điềm tĩnh, mạnh dạn lên tiếng phủ nhận tất cả những cáo buộc tội ác thiếu cơ sở về ông. Lập trường cộng sản của ông vào lúc tuổi trẻ cũng như hiện tại được ông giải thích và minh định rõ ràng. Ông khẳng định chỉ muốn làm nhà báo và sẽ sống và viết đúng với tư cách nhà báo. Lại có người mang cờ đỏ sao vàng và hình Hồ Chí Minh buộc ông phải xé bỏ để chứng minh ông đã thực sự phản tỉnh. Ông lặng lẽ nhận hình và cờ rồi đặt xuống bàn. Có lẽ ông thấy không cần phải “diễn tuồng” như thế. Tư duy của ông chỉ có ông hiểu và lương tâm ông làm chứng mà thôi.
Cuộc thảo luận kết thúc. Tôi như người bị hố vì bỏ cả buổi sáng đẹp trời đến tham dự mà không học hỏi được gì. Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh tích cực thì việc một cuộc hội thảo với nhân vật chính gây nhiều tranh cãi như cựu Đại tá cộng sản và TBT báo Nhân Dân Bùi Tín, được tổ chức và xảy ra ngay tại thủ đô chính trị của người Việt chống cộng đã là một thành công lớn. Nó đánh dấu sự khôn ngoan, chính chắn và trưởng thành trong phong cách đấu tranh cho tự do – dân chủ – nhân quyền của cộng đồng người Việt hải ngoại.
Chỉ có thế thôi thì không có gì để một người không bao giờ viết như tôi phải trăn trở, mày mò cả đêm ghi lại cảm tưởng của mình. Một việc khác đã xảy ra khi chúng tôi rời thư viện cùng anh bạn thành viên trong ban tổ chức và đụng phải nhóm người biểu tình. Họ xỉa xói, chửi bới chúng tôi là việt gian, là tay sai cộng sản. Không thành vấn đề, không sao. Tôi đã quen nghe chửi kiểu của họ. Bỗng nhiên hai người đàn bà đứng tuổi thô bạo xấn tới tạt nước vào người anh bạn tôi, làm anh phải tự vệ, dùng tay đẩy họ ra. Thế là họ có lý do để gây chuyện và bạo động. Cả nhóm 5-7 người đàn ông lẫn đàn bà vừa ào tới, vừa la to, “Đánh đàn bà à. Muốn đánh đàn bà phải không?”. Trong khuôn viên của một thư viện mang tên nhà lãnh đạo có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ cũng như lịch sử đương đại của phong trào bất bạo động, những người này đã không hiểu lịch sử hay xem thường lịch sử mà họ dùng bạo lực với chúng tôi ngay trước mắt các nhân viên an ninh Hoa Kỳ. Man rợ hơn nữa là khi đã tách khỏi đám người bạo động này và được hai vị cảnh sát tháp tùng sang phía bên kia đường, họ vẫn đuổi theo, ra rả chửi như chỉ mình được “độc quyền” nạn nhân cộng sản, như nỗi đau nhân loại này chỉ mình họ gánh chịu.
Người đàn bà có mái tóc dài trắng xóa cùng ánh mắt ngây dại theo sát bên tôi. Nếu gặp nhau ở nơi khác, trong một hoàn cảnh khác thì tôi và bà đã có thể làm quen rồi thân. Nhưng ở nơi đây, bà chủ động đội “nón cối” cho tôi và nhiều người nữa để chúng tôi trở thành kẻ thù cộng sản của bà. Lợi dụng lúc tôi sơ ý, trước sự chứng kiến của người cảnh sát, bà phun toẹt nước miếng vào mặt tôi. Bãi nước miếng ghê tởm không hiểu sao lại rơi ngay vào miệng, đúng vào lúc tôi quay sang định khuyên bà hãy dừng lại. May có sẵn chai nước nhỏ trong tay, tôi vội vàng dừng lại, hối hả xối nước rửa mặt, xúc miệng, rồi hướng vào bà hét lớn, “You can’t do that. Protest but don’t use violence!” (Cô không thể làm thế. Hãy biểu tình nhưng không được dùng bạo lực).
Người cảnh sát gốc Việt chỉ tay vào bà ra lệnh, “Bà hãy đứng yên ở gốc đó.”, rồi quay sang tôi anh hỏi, “Are you ok? Do you want to press charges, Mam?” (Cô không sao chứ? Cô có muốn thưa bà ấy không?). Sự căm phẫn xen lẫn xấu hổ lúc này mới bùng lên trong tôi. Tôi muốn dạy cho bà một bài học nhớ đời để sau này bà sẽ biểu tình văn minh và có hiệu quả hơn. Để chúng tôi, thế hệ con cháu của bà, còn được phép hảnh diện với cộng đồng bạn khi thấy cái thế hệ già nua hai thứ tóc của bà mà con sung sức cùng con cháu đấu tranh chống độc tài, bất công xã hội. Tôi nhìn hai người cảnh sát đang chờ đợi câu trả lời của tôi. Họ lặp lại câu hỏi nhiều lần như muốn khuyến khích rằng tôi là công dân Mỹ, tôi có quyền thưa bà ấy gây mất trật tự nơi công cộng và có hành vi bạo lực, xúc phạm tôi ngay trước mắt các nhân viên công quyền. Tôi thầm nghĩ chỉ cần bà vào khám ngồi một ngày thì có lẽ bà sẽ bớt hung hăng đi. Nhưng cơn giận trong tôi dịu xuống nhanh chóng khi tôi thấy bà đứng im ở gốc đường, mái tóc dài trắng xoá bay bay. Tôi thương hại cho bà và cho cả thân tôi. Tôi không hiểu bà và nhóm người biểu tình của bà chống ai, chống cái gì? Bỏ đi nghi vấn bà có thể là một trong những người cộng sản nằm vùng được gài vào cộng đồng để quấy phá, gây chia rẻ, tôi chia sẻ nỗi đau hận nào đó của bà. Tôi thấy tôi trong bà. Quay sang người cảnh sát tôi nói, “It’s ok. Please just let her go and thank you very much for your help.” (Không sao đâu. Hãy tha cho bà ấy và rất cám ơn sự giúp đỡ của anh)
Tôi chào hai người cảnh sát rồi bỏ đi mang theo hình ảnh người đàn bà tóc trắng. Bà là đại diện của một thế hệ chỉ biết sống cho quá khứ, của nỗi ám ảnh đã và sẽ mãi theo tôi.
Sau đây là một số hình ảnh của buổi hội thảo:
Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: ĐCV


































© Đàn Chim Việt

-----

Xem  bài đã đăng cùng chủ đề :

0 comments:

Powered By Blogger