Monday, January 16, 2012

Xuân về trên Biển Đông

@ Youtube screen capture
TT Obama họp về chiến lược mới trong năm 2012
tập trung về Châu Á Thái Bình Dương/Biển Đông

Nguyễn Đạt Thịnh
Mỗi đầu năm, người Việt Nam chọn và ước điều mình tha thiết mong cầu. Đầu năm nay tôi ước hoa mai sẽ nở vàng, hoa đào sẽ nở đỏ trên mỗi đợt sóng bạc đầu, trắng xóa ngoài Biển Đông.

Hoa xuân bùng nở trên đầu mỗi ngọn thủy triều, không chỉ là mơ ước, mà lại rất hiện thực nhờ những va chạm không thể nào tránh khỏi giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang âm ỉ nung nấu, để rồi sẽ phải nổ tung trong năm Nhâm Thìn.

Tôi ý thức được là không chỉ riêng mình tôi ước mơ hoa xuân nở giữa Biển Đông, mà toàn thể đồng bào tôi - những người đang sống lưu vong như tôi ngoài hải ngoại, hay những người đang sống tủi nhục như em tôi, cháu tôi trong quốc nội - nếu phải chọn giữa nền "hòa bình" cay cực hiện nay, và một tình trạng chiến tranh sắt máu, nguy hiểm, để bảo vệ lãnh hải, chắc chắn không ai chọn hòa bình mà ai ai cũng chọn giải pháp Trần Bình Trọng: THÀ CHẾT LÀM CHỦ TRỜI NAM, CHỨ KHÔNG SỐNG NÔ LỆ GIẶC TẦU.

Sau 365 ngày ngồi đọc, và tìm hiểu từng diễn biến nhỏ trong tình hình thế giới, tôi không mộng du, mà biết chắc chắn là Hoa Kỳ và Trung Quốc không thể tránh va chạm trên Biển Đông; thật ra va chạm đã xẩy ra từ lâu, tuy chưa hiện hình thành tranh chấp ngoại giao hay quân sự.

Gần đây, những dấu hiệu va chạm đã nhìn thấy rất rõ trong chuyến Á du 7 tuần trước của tổng thống Barack Obama; ông đến Á Châu, với tư cách tổng thống một quốc gia Thái Bình Dương để đề nghị với những quốc gia Thái Bình Dương khác, một cuộc partnership -hùn hạp, làm ăn chung. Ông mời người Việt Nam, người Mã Lai, người Phi Luật Tân, người Nam Dương, người Đài Loan, ... hùn với người Mỹ, làm ăn chung với người Mỹ.

Một thị trường chung, thường xuyên họp quanh Thái Bình Dương quả là sáng kiến độc đáo; và sáng kiến của ông được mọi sắc dân sống quanh biển Thái Bình nhiệt liệt hưởng ứng, trừ người Trung Hoa.

Không những không hưởng ứng, họ còn chỉ trích ông quên không mời Trung Quốc, quốc gia có diện tích lớn nhất, có dân số đông nhất, không chỉ riêng trên Thái Bình Dương, mà còn lớn nhất, đông nhất trên toàn thế giới.

Nếu chưa đau thần kinh, người Hoa phải đánh giá cái "quên" của Obama là một hành động thù nghịch.

Trên bình diện thời gian, gần hơn cái quên lảng đảng của tổng thống Obama là cuộc họp báo của ông -vị tổng tư lệnh quân đội Hoa Kỳ- ngày thứ Năm, mùng 5 tháng Giêng 2012, cuộc họp báo lần đầu tiên của một vị tổng thống trong lịch sử Hoa Kỳ tại Ngủ Giác Đài.

Những lần trước, quý vị tổng thống Hoa Kỳ khác đều họp báo tại Bạch Cung, dù để loan báo một quyết định quân sự.

Nhiều người cho là ông Obama thích hình thức. Không chỉ hình thức trong việc chủ tâm chọn Ngủ Giác Đài để loan báo chiến lược mới của Hoa Kỳ, mà ông còn hình thức trong việc mời toàn bộ những người soạn thảo ra chiến lược này -11 chính khách, tướng lãnh, đô đốc- cùng đứng với ông trong lúc ông trình bầy thay đổi vô cùng quan trọng cho cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc và những quốc gia Á Châu.

Ông nói với truyền thông là chiến trường đã sang trang, chiến tranh lạnh đã lỗi thời, chiến tranh Trung Đông đang chấm dứt, và quân đội Hoa Kỳ chuyển trọng tâm trách nhiệm qua Á Châu.

Tổng trưởng quốc phòng Trung Quốc, đại tướng Liang Guanglie (Lương Quang Lỵ?) nhận định, "Hoa Kỳ nên thận trọng cả trong việc họ đang làm lẫn những lời họ đang nói."

Phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc Liu Weimin, nói với phóng viên truyền thông, "Những cáo buộc của Hoa Kỳ về tham vọng của Trung Quốc không chính xác và thiếu căn bản. Việc Trung Quốc hiện đại hóa quân đội chỉ nhắm phục vụ những nhu cầu quốc gia, triển khai của đất nước, và chủ động bảo vệ hòa bình và trật tự trong địa phương chúng tôi sống. Chúng tôi không hiện đại hóa quân đội để đe dọa bất cứ quốc gia nào."

Ông Liu nói thêm "Chúng tôi mong mỏi Hoa Kỳ cũng tham dự trong một vai trò xây dựng hơn vào mục đích chúng tôi đang theo đuổi."

Dân Việt Nam nói riêng, và toàn dân Thái Bình Dương, toàn dân thế giới nói chung, không hiểu những chữ bảo vệ hòa bình và trật tự trong địa phương chúng tôi sống theo cái nghĩa người Hoa và ông Liu hiểu.

Họ không chấp nhận cảnh sát biển Trung Quốc thi hành luật Trung Quốc trên Biển Đông, đánh, giết và bắt giam ngư phủ Việt Nam, bắt giữ ngư thuyền Việt Nam hành nghề trên biển Việt Nam.
@ Youtube screen capture
Ông Leon Panetta, tổng trưởng quốc phòng Hoa Kỳ, cũng không đồng ý với cung cách người Hoa bảo vệ hòa bình và trật tự trên Biển Đông và trên Thái Bình Dương, địa phương mà người Mỹ cũng cùng chung sống với người Hoa và mọi sắc dân Á Châu khác.
Panetta nói Hoa Kỳ kịp thời rút quân ra khỏi 2 chiến trường Iraq và A Phú Hãn để quay về Biển Đông, bảo vệ tự do lưu thông trên hải lộ này -con đường mỗi năm chuyên chở đến 5,000 tỉ mỹ kim hàng hóa tới nhiều quốc gia trên toàn cầu.

Ông còn khẳng định vùng Á Châu-Thái Bình Dương mỗi ngày một trở thành quan trọng hơn cho nền an ninh và phồn thịnh của Hoa Kỳ, do đó quân đội Hoa Kỳ có mặt để "duy trì tình trạng trên chân kỹ thuật quân sự và chủ động chiến trường."

Tháng 11 năm ngoái, trong quyết định thiết lập một căn cứ quân sự thường xuyên tại Úc, tổng thống Obama khẳng định là Hoa Kỳ cam kết sẽ đặt ưu tiên tối thượng cho nhu cầu đối phó với sự lớn mạnh quân sự và kinh tế của Trung Quốc.

Đại tướng Martin Dempsey, tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ, nhận xét mặc dù Hoa Kỳ không muốn phải lâm chiến với Trung Quốc, nhưng hải quân Trung Quốc đang bành trướng sức mạnh, nhất là bành trướng lực lượng tầu ngầm trong những vùng biển mà Hoa Kỳ vẫn thường hoạt động từ sau Đệ Nhị Thế Chiến.

Hải quân Trung Quốc không chỉ tung hoành trên "sân chơi" của hải quân Hoa Kỳ, mà còn bành trướng hoạt động trên khắp thế giới. Mới tháng trước, đại tướng Liang Guanglie, còn ký kết với nước Cộng Hòa Seychelles, một đảo quốc nhỏ đến mức chỉ có 86,525 cư dân, nằm cách Phi Châu 1,500 cây số về hướng Đông, một thỏa ước quân sự cho phép Trung Quốc đặt tại đó một căn cứ tiếp vận hải quân.

Trong một bản thông cáo truyền thông, bộ quốc phòng Trung Quốc nói căn cứ Seychelles là một trong nhiều trạm tiếp tế nhiên liệu, lương thực giúp hải quân Trung Quốc có tầm hoạt động toàn cầu.

Hoa Kỳ lo ngại về tầm bành trướng lớn lao và nhanh chóng của hải quân Trung Quốc, trong lúc Trung Quốc lại phiền trách về việc Hoa Kỳ tăng cường võ trang cho Đài Loan.

Phi đoàn F-16 Hoa Kỳ mới chuyển giao cho Đài Loan, trên chân mọi khu trục cơ của Trung Quốc, do đó có khả năng ngăn chặn mọi cuộc tấn công của không lực Trung Quốc; và dàn hỏa tiễn chống hỏa tiễn gồm 114 chiếc Patriot cũng bảo vệ Đài Loan chống lại những trận mưa pháo đến từ Trung Hoa lục địa.

Wang Baoding, phát ngôn viên tòa đại sứ Trung Quốc tại Hoa Thịnh Đốn nói, "Hoa Kỳ tạo thêm khó khăn cho nỗ lực thống nhất lãnh thổ Trung Quốc."

Đứng trước sự lựa chọn giữa hòa bình và chiến tranh ai cũng chọn hòa bình, nhưng nếu sự lựa chọn chỉ giới hạn giữa một cuộc sống yên thân trong địa ngục và một cuộc chiến tranh tự vệ thì 30 triệu người Nam Việt đã chọn thái độ cầm súng giữ nước.

Thất trận, chúng ta tiếp tục mưu cầu tự do bằng cách nhẩy vào lòng Biển Đông để không phải sống trong gông cùm cộng sản.

Giờ này, những người đã tìm được tự do, thành khẩn ước nguyện tự do cũng đến từ Biển Đông cho toàn thể 86 triệu người Việt quốc nội.

Nguyễn Đạt Thịnh

0 comments:

Powered By Blogger