Sunday, January 29, 2012

Trung Cộng Có Thể Đánh Đắm Một Hàng Không Mẫu Hạm của Hoa Kỳ Hay Không?

Loren Thompson – PBD dịch

USS Nimitz

Vào ngày 3 Tháng Giêng, Tổng Thống Obama và toán đặc trách quốc phòng đã kéo màn cho thấy một tư thế quân sự toàn cầu mới tập trung vào Tây Thái Bình Dương. Dù tổng thống đã thận trọng giải thích lý do tại sao Ngũ Giác Đài lại đặt trọng tâm vào Thái Bình Dương, vấn đề đã khá rõ mối lo ngại chính là ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Cộng tại Đông Á — trung tâm kỹ nghệ của nền kinh tế mới trên toàn cầu. Một văn kiện được đưa ra ngày 3 Tháng Giêng nhấn mạnh là Hoa Kỳ phải duy trì khả năng đi lại trong vùng này về mặt kinh tế và quân sự.

Đối với Hoa Kỳ, vấn đề đi lại trong khu vực xung quanh Trung Cộng phần chính là về sức mạnh trên biển. Hoa Kỳ có thể sử dụng vệ tinh và phi cơ tầm xa để tới được khu này, nhưng họ tương đối có ít căn cứ trong vùng này và hầu như không có quân hiện diện ở nơi nào khác ngoài Nam Triều Tiên và Okinawa. Vì các căn cứ gần Trung Cộng có lẽ sẽ trở thành mục tiêu đầu tiên trong bất cứ cuộc chiến nào trong tương lai, giới quân sự Hoa Kỳ phần chính dựa vào các chiến hạm ngoài khơi.

Trường hợp này đặt ra vấn đề các hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ có dễ bị các lực lượng không và hải quân của Trung Cộng tấn công hay không. Hoa Kỳ đã xây dựng cơ cấu hải lực của họ quanh một số hàng không mẫu hạm khổng lồ, mà đã được bố trí nhiều lần để ngăn ngừa Trung Cộng tấn công Đài Loan. Nhưng với mức tăng trưởng kinh tế hàng chục phần trăm của Trung Cộng giúp họ gia tăng nhanh chóng số vũ khí tầm xa, nhiều chuyên gia đã bắt đầu hoài nghi đường hướng tương lai của Hoa Kỳ muốn phái các hàng không mẫu hạm của mình đến gần Trung Cộng trong thời chiến.

Hiển nhiên là có nhiều lý do Trung Cộng muốn tránh chiến tranh, nhất là chiến tranh có thể dính dáng đến vũ khí nguyên tử. Nhưng tai nạn vẫn xảy ra, và có ai tin vào việc Hoa Kỳ bảo đảm an ninh cho các đồng minh trong vùng hay không thì còn tùy thuộc vào các lực lượng hải quân có thể hoạt động hiệu quả như thế nào trong một cuộc chiến tranh trong tương lai. Vì Trung Cộng có tất cả các lợi thế về địa lý, điều tối quan trọng cần phải biết là liệu sáu hay bảy hàng không mẫu hạm mà Hoa Kỳ có thể phái đến Tây Thái Bình Dương nhanh chóng có thể chống trả được hỏa lực của Trung Cộng hay không. Nếu các chiến hạm này không chống trả nổi thì cuộc chiến có thể kết thúc rất nhanh.

Điều đầu tiên phải hiểu là các hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ rất lớn và có hàng rào phòng thủ rất kiên cố. Các mẫu hạm này có trọng tải 100.000 tấn, là các chiến hạm lớn nhất được chế tạo từ trước đến giờ, và các tầng chiến hạm có diện tích tổng cộng bốn mẫu Anh chứa được mấy chục chiến đấu cơ đa dụng vượt trội hơn bất cứ phi cơ nào của không quân hoặc hải quân Trung Cộng. Các mẫu hạm này thường có các tuần dương hạm hoặc khu trục hạm có trang bị hệ thống tác chiến Aegis — là hệ thống phòng không tối tân nhất thế giới — và có các tiềm thủy đĩnh tấn công chạy bằng nguyên tử lực hộ tống. Vì chính các hàng không mẫu hạm này chạy bằng nguyên tử lực nên luôn luôn di chuyển và không bị trở ngại vì nhu cầu tiếp tế hậu cần.

Tuy nhiên, chính vì các hàng không mẫu hạm này quá lớn và có nhiều khả năng cho nên sẽ là các mục tiêu “quý giá”. Mất đi một chiếc mẫu hạm là giảm bớt không lực của hải quân Hoa Kỳ gần mười phần trăm, và có thể gây ra con số thương vong lên đến hàng ngàn binh sĩ Hoa Kỳ (thông thường trên hàng không mẫu hạm có hơn 5.000 nhân viên). Nếu đem so với một lực lượng bộ binh ẩn nấp trong vùng rừng núi Ardene thì dễ nhìn thấy một chiếc tàu bằng kim loại cao hai mươi tầng và dài bằng ba sân football ở giữa đại dương hơn nhiều. Nếu một chiếc mẫu hạm bị tiêu diệt thì sẽ gây ra tác động tâm lý rất lớn: Hoa Kỳ chưa bao giờ bị mất hàng không mẫu hạm nào kể từ khi chiếc Hornet bị oanh tạc cơ của Nhật đánh đắm vào năm 1942(1).

Nếu hàng không mẫu hạm bị tấn công trúng thì có thể trở nên bất khiển dụng hơn là bị đắm, vì loại tàu này có hàng ngàn khoang kín nước và một quả bom hay ngư lôi bình thường không đủ sức để đánh đắm một chiến hạm lớn như vậy. Nhưng khi bị mất đi cả một hàng không mẫu hạm thì mới tác hại nặng nề đến khả năng quân sự và tinh thần, do đó vấn đề có dễ bị mất hay không mới là tối quan trọng. Trước việc Trung Cộng dần dần mở rộng thêm phạm vi phòng thủ hải dương của họ ra xa hơn ngoài khơi Thái Bình Dương và bố trí tất cả các loại chiến hạm từ tiềm thủy đĩnh tấn công chạy bằng nguyên tử lực cho đến hỏa tiễn vòng cầu đối hạm, thì không phải dần dần rồi các hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ sẽ phải rút ra xa hơn nữa cho đến khi phi cơ của họ không còn trong tầm bay tới Trung Cộng nữa hay sao?

Câu trả lời cho câu hỏi đó xem ra là “không,” vì ít nhất là bốn lý do. Thứ nhất, bất luận loại vũ khí nào mà Trung Cộng có thể mua thì vẫn thiếu các bộ phận cảm ứng và hệ thống điều khiển để theo dõi và nhanh chóng nhắm mục tiêu vào một hàng không mẫu hạm. Thứ nhì, các lực lượng Hoa Kỳ có nhiều giải pháp chủ động và thụ động để ngăn chặn mức hiệu quả của bất cứ loại tấn công nào trong số này, kể cả nhắm vào các lực lượng trên bờ. Thứ ba, nếu hàng không mẫu hạm bị trúng đạn hay bất cứ loại vũ khí nào mà không mạnh bằng vũ khí nguyên tử thì vẫn chịu nổi mức hư hại và tiếp tục hoạt động dù có giảm bớt sức mạnh phần nào; và hầu như chắc chắn là hàng không mẫu hạm đó không bị đắm. Cuối cùng, Hải Quân Hoa Kỳ đang áp dụng nhiều biện pháp nhằm nâng cao khả năng linh hoạt và mức hiệu quả của các hàng không mẫu hạm của họ, để đối phó với bất cứ loại khả năng nào mới của Trung Cộng.

Về vấn đề theo dõi và nhắm vào mục tiêu một hàng không mẫu hạm, điều quan trọng phải hiểu là vùng Tây Thái Bình Dương rất lớn. Khu vực Biển Đông đang tranh chấp nóng bỏng rộng hơn một triệu dặm vuông và chỉ là một phần nhỏ của các vùng biển bên cạnh lãnh thổ Trung Cộng. Tuy các vệ tinh, phi cơ, chiến hạn hoặc radar đặt trên bờ của Trung Cộng có thể tìm ra một hàng không mẫu hạm ở đó nhưng vấn đề theo dõi liên tục và nhắm chính xác được vào mục tiêu một chiến hạm di chuyển không ngừng thì lại là chuyện khác. Các vệ tinh đến gần đến mức phân biệt được đó là hàng không mẫu hạm sẽ nhanh chóng khuất dạng bên kia đường chân trời, phi cơ sẽ cạn nhiên liệu hoặc bị các chiến đấu cơ của hàng không mẫu hạm ngăn chặn, và những cách khác cũng đưa đến các kết quả bất trắc như thế. Trung Cộng sẽ phải đầu tư hàng tỷ đô la trong nhiều năm nữa mới có thể có được khả năng chắc chắn tìm ra và theo dõi các hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ.

Nhưng, như chuyên gia hải quân tại quốc hội Ronald O’Rourke vạch ra trong một cuộc nghiên cứu hồi Tháng Tư, 2011, thì việc tìm ra và theo dõi chỉ là những bước đầu tiên trong một “chuỗi biện pháp tiêu diệt” phức tạp mà các lực lượng của Trung Cộng phải thực hiện để thực sự tấn công được hàng không mẫu hạm. Phải truyền dữ kiện thông tin, quyết định ra lệnh, khai hỏa vũ khí, và phải bay hết đường bay. Trong lúc đó, hàng không mẫu hạm vẫn di chuyển, di chuyển, di chuyển — có thể theo một dạng tránh né mà không thể tiên đoán trước được. Do đó, các loại vũ khí của Trung Cộng có thể tới chỗ cũ cách nhiều dặm so với chỗ mới mà hàng không mẫu hạm đã di chuyển tới đó; hoặc các loại vũ khí đó không bao giờ tới đích, vì muốn tới gần hàng không mẫu hạm thì phải xuyên qua được màn lưới phòng thủ dầy đặc nhất trong lịch sử chiến tranh.

Các hàng rào phòng thủ này bắt đầu bằng việc trinh sát trên không và chặn đường bằng hệ thống tác chiến Aegis trên các chiến hạm hộ tống, bằng các chiến đấu cơ liên tục tuần tra của hàng không mẫu hạm có phi cơ riêng trang bị hệ thống radar rất nhạy có tên gọi là Hawkeye, và bằng các loại vũ khí khác của hạm đội. Các hệ thống vũ khí này được kết nối với nhau để một hỏa tiễn đối không Standard phóng đi từ một chiến hạm Hoa Kỳ có thể được hướng dẫn đường bay bằng radar trên một chiến hạm khác. Hệ thống phòng thủ trên không được bổ túc bằng một hàng rào phòng thủ dầy đặc tương tự dưới mặt biển gồm các tiềm thủy đĩnh tấn công chạy bằng nguyên tử lực, các giàn dò tìm âm thanh kéo theo phía sau tàu, và các trực thăng chống tàu ngầm. Gộp chung với nhau, các phương tiện phòng thủ này sẽ chặn được đại đa số các loại vũ khí trên không và dưới mặt biển của Trung Cộng, mà phần lớn các loại vũ khí đó đều không ẩn mình được như theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ.

Ngoài các biện pháp chủ động như thế, Hải Quân Hoa Kỳ còn có nhiều phương tiện thụ động khác nhau để ngăn chặn bất cứ cuộc tấn công nào. Chẳng hạn như Trung Cộng hoạt động các vệ tinh, như các vệ tinh của Hoa Kỳ, có thể theo dõi tàu nổi bằng cách theo đõi tín hiệu điện tử của các tàu này. Những khí cụ như radars và ăng ten truyền tin phát ra nhiều tín hiệu giúp tìm ra và nhận biết các loại chiến hạm cụ thể nào. Tuy nhiên, Hải Quân có nhiều cách để che giấu hoặc làm rối loạn các tín hiệu này để không còn là tín hiệu dẫn đường hữu ích nữa trong bất cứ cuộc tấn công nào. Lãnh vực phòng thủ này được gọi là chiến tranh điện tử, và Hải Quân Hoa Kỳ từ lâu đã đi đầu thế giới trong việc tận dụng điện từ phổ để có lợi thế cả về mặt tấn công lẫn phòng thủ.

Tuy nhiên, không có hệ thống phòng thủ nào là hoàn hảo, do đó nếu Trung Cộng phóng thật nhiều hỏa tiễn chính xác vào một mục tiêu hàng không mẫu hạm, một vài hỏa tiễn có thể lọt qua hàng rào phòng thủ. Một loại vũ khí của Trung Cộng đã gây ra bàn cãi nhiều trong các tập san chuyên nghiệp dạo gần đây là loại hỏa tiễn vòng cầu đối hạm mới có đầu đạn tự tránh né; khả năng di chuyển không đoán trước được và tốc độ nhanh của loại đầu đạn này khiến khó chặn đường. Không rõ một đầu đạn như vậy chính xác được đến mức nào sau khi di chuyển để tránh né hàng rào phòng thủ, nhưng nếu đầu đạn đó trúng một siêu hàng không mẫu hạm thì chắc chắn sẽ cản trở hoạt động của các chiến đấu cơ. Sức công phá do động lực của đầu đạn đó có đủ để đánh đắm một hàng không mẫu hạm hay không thì được bảo mật không ai biết, nhưng khi mà Hải Quân chưa tài trợ để phát triển các hệ thống thử nghiệm những cách có thể phòng thủ đối với loại đầu đạn này cho thấy là mối đe dọa đó không có gì cấp bách.

Các loại vũ khí mới của Trung Cộng như ngư lôi nương theo sóng rẽ nước của chân vịt tàu và hỏa tiễn phi hành sát mặt biển có sức công phá yếu hơn nhiều, và có lẽ không thể đánh đắm được các hàng không mẫu hạm khổng lồ. Các chiến hạm này được bọc thép dày hai bên sườn tàu, và cách thiết kế nhiều khoang kín nước bên trong tàu sẽ giúp không để lan rộng mức hư hại. Thủy thủ đoàn được huấn luyện liên tục trong việc cứu hỏa và các khả năng khác trong trường hợp khẩn cấp để giới hạn tác động của các cuộc tấn công.

Các lãnh tụ hải quân thường bác bỏ các phúc trình mang tính cách báo động nhất về các khả năng chống đến gần ngày càng gia tăng của Trung Cộng, và vạch ra rằng nước này đi sau Hoa Kỳ trong hầu hết mọi lãnh vực hải lực. Thí dụ, 60 chiếc tiềm thủy đĩnh tấn công của Trung Cộng ít khi ra xa khỏi cảng, và thường ồn ào hơn — dễ bị phát giác hơn — so với các tiềm thủy đĩnh của Hoa Kỳ. Trong bất cứ trường hợp nào, Hải Quân cũng không phải là đang ngồi yên để xem mối thách thức của Trung Cộng tiến tới đâu. Họ đang tài trợ cho nhiều chương trình để duy trì ưu thế vượt trội đối với mối đe dọa này, kể cả các loại hàng không mẫu hạm hoàn toàn mới lần đầu tiên trong 40 năm qua, bố trí thêm các phi cơ có khả năng hơn trên các hàng không mẫu hạm, cải tiến quan trọng các khả năng phòng thủ hỏa tiễn của hệ thống Aegis, và gia tăng mức sản xuất tiềm thủy đĩnh loại Virginia có khả năng ẩn hình cao độ.

Các khoản đầu tư này sẽ đem lại thêm các giải pháp cho các hạm trưởng hàng không mẫu hạm có thể bảo vệ tàu của họ trong tương lai. Thí dụ, mẫu chiến đấu cơ liên quân F-35 cho hàng không mẫu hạm sẽ có thể bay xa hơn từ 200 – 300 hải lý khi trang bị đầy bom so với loại phi cơ được thay thế, và bay thẳng đường hơn vì có khả năng ẩn hình; tức là các hàng không mẫu hạm có thể hoạt động cách xa bờ biển Trung Cộng hơn mà vẫn hoàn thành được sứ mạng. Mẫu phi cơ radar trinh sát Hawkeye mới nhất trên hàng không mẫu hạm sẽ có khả năng bén nhạy hơn để chống lại các mối đe dọa như hỏa tiễn phi hành, và một loại phi cơ ngăn chặn sóng điện tử mới có tên là Growler sẽ làm giảm mức hiệu quả của radars và các phương tiện truyền thông của địch thủ. Hải Quân có hàng chục chương trình như vậy đang được tiến hành, và thêm một hệ thống huấn luyện vượt xa các lực lượng hải quân đối thủ.

Không phải những biện pháp này sẽ giúp cho các hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ đạt được mức bất khả xâm phạm. Vì Trung Cộng vẫn củng cố quân sự, Hải Quân Hoa Kỳ sẽ phải liên tục điều chỉnh các ý niệm hoạt động và kế hoạch bố trí của họ để đối phó với mối đe dọa này. Nhưng các hàng không mẫu hạm khổng lồ có thể vẫn là phần đóng góp hùng hậu cho sức mạnh của Hoa Kỳ trong vùng này, và trong tương lai sẽ có thêm các loại tàu tấn công cả dưới biển lẫn trên bờ có riêng khả năng không lực tối tân của họ nhờ chương trình F-35. Nếu các chỉ huy trưởng quân sự tránh các rủi ro không cần thiết, hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ vẫn giữ vai trò quan trọng trong thế quân bình lực lượng tại Tây Thái Bình Dương cho đến giữa thế kỷ này.

Source: http://www.forbes.com/sites/lorenthompson/2012/01/23/can-china-sink-a-u-s-aircraft-carrier/

__________________________

Chú thích của người dịch:

(1) Sau đó Hornet được dùng lại để đặt tên cho một hàng không mẫu hạm khác

0 comments:

Powered By Blogger