Friday, January 13, 2012

Thử Tiên Đoán!

Tiên Đoán Điều Không Thể Tiên Đoán Được

Jason Miks – PBD dịch

Trong bài đầu tiên của loạt bài đặc biệt về tương lai của Á Châu Thái Bình Dương, Jason Miks nói rằng chuyện Trung Cộng vươn lên chỉ là chuyện đáng nói nhất trong nhiều câu chuyện đặc biệt về tầm quan trọng của Á Châu.

Photo Credit: Gustavo Madico

Thị xã St. Austell ngái ngủ ở quận Cornwall của Anh không phải là nơi mà tôi nghĩ rằng mình sẽ được nghe bàn chuyện trật tự thế giới. Nhưng khi ngồi ăn bữa điểm tâm truyền thống kiểu Anh tại một nhà trọ bed and breakfast(1) hồi mùa hè thì tôi lại được nghe bàn luận về chính chuyện đó.

“Tôi không nghĩ là tương lai chúng ta sẽ sáng sủa gì cho lắm. Chúng ta không cạnh tranh nổi với họ,” một người đàn bà than thở, mà tôi nghĩ tuổi bà ta chắc khoảng cuối lục tuần. “Tôi biết. Chúng ta không bỏ tiền ra đầu tư vào việc huấn luyện, thực tập. Do đó mà việc làm đều bị đưa đến đó cả,” người bạn đi chung với bà ta trả lời như thế.

“Họ” đây là người Trung Hoa, “Đó” là Trung Cộng. Và, ngay cả tại một nơi trông mịt mù xa xôi như ở đây mà mọi người cũng phải lưu tâm đến trường hợp vươn lên mạnh mẽ của xứ Cộng Hòa Nhân Dân(2) này.

Xem chừng như người nào cũng có ý kiến về Trung Quốc(3), và khi tôi nói chuyện với những người này về Trung Cộng, thường là họ tỏ ra cam chịu và lo ngại khi nói ra cảm nghĩ của họ về trường hợp vươn lên của Trung Cộng ảnh hưởng đến nước họ như thế nào.

Tôi sinh tại Hoa Kỳ, nhưng trong thời gian sống ở Nhật gần sáu năm thì tôi không có thì giờ để về thăm nước. Khi tôi về được hồi đầu năm nay, tôi ngạc nhiên khi nghe ngay cả những người bạn và người quen vốn là những người thận trọng nhất khi nói chuyện đã dùng một chữ mà tôi không nghĩ là họ sẽ dùng trong lần cuối tôi còn ở trong nước, tức là năm 2005 – chữ đó là “sợ.”

Tại sao? Không phải chỉ là vì sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Cộng, dù người Mỹ mệt mỏi vì chiến tranh xem chừng như hiểu rõ về các giới hạn mà ngay cả quân lực hùng mạnh nhất thế giới có thể đạt được. Mà điều làm họ sợ hơn là tâm điểm của trọng lực kinh tế toàn cầu đang chuyển sang hướng đông, khi mà càng ngày càng nghe thêm được nhiều chuyện về tình trạng hạ tầng cơ sở của Hoa Kỳ vốn càng ngày càng ọp ẹp nay lại đang đổ nát thêm nữa.

Dĩ nhiên là họ đúng. Theo Ngân Hàng Phát Triển Á Châu thì nhiều thập niên tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ giúp cho Á Châu nay chiếm 27 phần trăm GDP(4) toàn cầu, mà theo dự liệu thì tỷ lệ chiếm cứ thị trường của vùng này sẽ còn tăng nữa – lên đến phân nửa tổng số toàn cầu vào năm 2050, là $148 ngàn tỷ.

Cũng như khi nhịp độ ngày càng cường thịnh của Trung Cộng trên trường quốc tế cho thấy họ quay trở lại vị trí của họ cách đây nhiều thế kỷ, thì tỷ lệ của cải ngày càng gia tăng của Á Châu trong tổng số tài sản thế giới cũng quay trở lại như trước đây. Xét cho cùng, vào giữa thế kỷ 18, Á Châu đã chiếm 58 phần trăm nền kinh tế toàn cầu, một tỷ lệ dần dần bị sụt giảm khi Tây Phương trải qua Cuộc Cách Mạng Kỹ Nghệ. Mức phát triển nhanh chóng tại Tây Phương khiến cho tỷ lệ GDP của Á Châu sụt xuống còn khoảng 15 phần trăm vào năm 1952.

Thực ra thì những gì chúng ta đang nhìn thấy không phải là ngoại hạng hay bất thường, mà là trở lại bình thường. Ấy vậy mà chiều hướng hai thế kỷ quay ra khỏi Á Châu này, và một thế kỷ duy nhất quay trở lại, có lẽ đã che khuất một vài con số còn đáng kể hơn nữa. Và Trung Cộng, như câu chuyện trong bữa điểm tâm tại Miền Tây(5) này cho thấy, có thể là nguyên nhân đưa tới những con số đáng chú ý nhất.

Số liệu nguyên thủy về nước mà nay là nền kinh tế lớn thứ nhì trên thế giới cho thấy thật rõ rệt. Tỉnh Quảng Đông, tỉnh đông dân và giàu nhất tại Trung Cộng, hồi năm ngoái có tổng sản lượng trong tỉnh là $665 tỷ, tức là nếu tỉnh này là một quốc gia thì sẽ là một trong 20 nước lớn nhất trên thế giới tính theo GDP. Nếu cũng tính theo cách này cho Thượng Hải, thành phố năng động nhất này của Trung Cộng sẽ là nền kinh tế đứng hàng thứ 34 trên thế giới, lớn hơn cả Phần Lan. Ba mươi năm tăng trưởng ở mức hàng chục phần trăm đã đưa khoảng 500 triệu người Hoa thoát khỏi tình trạng nghèo khó phần nào trong khi cung cấp đủ mức lợi tức ròng cho 900 triệu dân – gần hai phần ba dân số – để có được điện thoại cầm tay.

Vậy thì mức phát triển nhanh chóng từ các biện pháp cải tổ kinh tế đều nhờ vào kế hoạch chung của Đảng Cộng Sản? Gordon Chang, trong bài viết thứ nhất của chúng tôi, không nghĩ là vậy.

“Thế giới cho là Đặng Tiểu Bình, nhân vật nhỏ thó của Trung Cộng, đã có công biến đổi xã hội Trung Cộng đến mức gây sửng sốt cho mọi người. Theo lập luận này thì nước độc tài của ông ta đã bàn cãi trước, rồi hoạch định, và cuối cùng là ra lệnh thay đổi.” Chang viết tiếp. “Nhưng thực ra sở dĩ có cải tổ lại chính là do ý chí bất tuân lệnh hơn là do việc thực thi kế hoạch cải tổ.”

“Trung Cộng đã có được ‘phép mầu kinh tế’ phần lớn là vì giới nông dân tuyệt vọng và giới hành chánh bất mãn mà công khai tự trở thành các thương gia can đảm. Vì bất cần tuân lệnh của chính quyền trung ương nên họ đã gầy dựng được các cơ sở kinh doanh tư nhân lớn nhỏ đủ loại và thay đổi nền kinh tế của Trung Cộng đến mức không còn nhận ra được nữa.”

Chang kết luận bằng một câu mà bất cứ ai đã từng đến Trung Cộng đều thấy là thật như vậy, và chắc chắn là bất cứ ai đã đến thăm nước này nhiều hơn một lần và đã nhìn thấy nhịp độ thay đổi quá nhanh – “Tại Trung Cộng ngày nay, hầu như bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra.” Và xem chừng như càng ngày càng gồm cả chuyện có khả năng và ý muốn với lên tới tận sao trời(6) – theo cả nghĩa đen.

Vào lúc mà Hoa Kỳ không còn sử dụng đội phi thuyền Con Thoi Không Gian(7) biểu tượng của chương trình không gian của họ nữa (làm cho Hoa Kỳ hiện không có phương tiện nào đưa các phi hành gia của họ lên quỹ đạo), Trung Cộng càng ngày càng trợ nên bạo dạn hơn trong các dự án không gian của họ).

Như David Axe viết trong bài thứ nhì của loạt bài này của chúng tôi, năm ngoái là lần đầu tiên kể từ giữa thập niên 1990 mà một nước khác đã vươn lên bằng với Hoa Kỳ chỉ riêng về con số phóng hỏa tiễn thành công. Nước đó dĩ nhiên là Trung Cộng. Và họ vẫn tiếp tục mạnh dần lên nữa.

Các thành quả của Trung Cộng về không gian trong những năm gần đây gồm có phóng phi thuyền đầu tiên không có phi hành gia vào quỹ đạo mặt trăng, Hằng Nga Nhất Hào, trong năm 2007, chuyến bay thứ ba có phi hành gia của phi thuyền Thần Chu và phi hành gia đi ngoài không gian. Các kế hoạch trong tương lai gồm một chuyến bay có phi hành gia lên mặt trăng vào năm 2017. Theo quan điểm của Hoa Kỳ thì vấn đề ở đây là Trung Cộng quan tâm đến không gian không phải chỉ để hiểu biết thêm về khoa học. Nhiều người lập luận rằng song song với các tiến bộ dân sự của Trung Cộng trong lãnh vực không gian là Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân [PLA].

“Bất cứ ai kiểm soát được vũ trụ sẽ kiểm soát thế giới của chúng ta; bất cứ ai kiểm soát được không gian sẽ giữ quyền chủ động trong chiến tranh,” Trung Tướng Lưu Kế Huyền thuộc Viện Khoa Học Quân Sự của PLA viết như thế. Axe lập luận rằng PLA, “có vẻ xem không gian là cách tối hậu để thực thi chiến thuật cổ xưa nhất: kiểm soát cao điểm để tăng cường khả năng phòng thủ, quan sát chiến trường và tầm nhìn đến các lực lượng đồng minh láng giềng.”

Chắc chắn là vụ Trung Cộng bắn hạ một vệ tinh thời tiết hồi Tháng Giêng 2007 chỉ khêu lên thêm các mối lo sợ đó. Vụ bắn hạ vệ tinh của Trung Cộng trên quỹ đạo địa cực, hơn 500 dặm phía trên Địa Cầu, là một vụ bắn thử ngăn chặn vệ tinh đầu tiên được biết là thành công kể từ khi Hoa Kỳ thực hiện một vụ thử tương tự vào năm 1985. Xét về mặt kỹ thuật, đây là một thành quả đáng kinh ngạc. Nhưng cũng là một vụ bị quốc tế lên án rộng rãi, mà cũng một phần là vì vô số các mảnh vụn của vệ tinh sau khi bị phá hủy. Trung Cộng nhanh chóng nói rằng vụ thử này không đe dọa đến ai, và hoàn toàn không phải là để tuyên bố các ý định của họ. Nhưng đối với nhiều người tại Hoa Kỳ và những nơi khác thì xem ra chính là thế.

Trung Cộng có thực sự đang trên đường va chạm với Hoa Kỳ hay không? Vào đầu năm ngoái, xem chừng như thể Hoa Kỳ bỏ mặc luôn Á Châu vì bận tay tại Afghanistan và Iraq. Thật ra, một bài viết đặc biệt đăng trên The Diplomat hồi đầu năm 2010 xem chừng như không hề mâu thuẫn với tâm trạng mọi người lúc đó khi bài viết này nêu ra câu hỏi là liệu “Mặt Trời sẽ Lặn về vai trò của Hoa Kỳ tại Á Châu Thái Bình Dương” hay không.

Nhưng như học giả về Trung Cộng, Bùi Mẫn Hân, viết trong bài của ông, “ngay khi xem chừng như ảnh hưởng của Hoa Kỳ tại vùng Đông Á đã thật sự chắc chắn là suy thoái thì lại xảy ra diễn biến phi thường.” Diễn biến đó chính xác là gì? Theo ông Bùi, đó là những hành động ngoại giao khéo léo cùng với những bước sai lầm của Trung Cộng đã giúp cho Hoa Kỳ tái lập được vững chắc ảnh hưởng của mình trong vùng này.

Ảnh hưởng của Hoa Kỳ quả thật đang suy giảm lúc đó, ông Bùi và nhiều người khác biết chắc như vậy. Con rồng Trung Cộng đã nhẫn nại nỗ lực lấy lòng những nước láng giềng bằng cách cho các viên chức mở nhiều chuyến viếng thăm đến các thủ đô láng giềng và hứa hẹn đầu tư rầm rộ vào các quốc gia then chốt. Vào năm 1997, Hoa Kỳ là bạn hàng mậu dịch lớn nhất của tất cả các nước trong vùng Đông Á. Nhưng đến năm 2009, Trung Cộng đã trở thành bạn hàng mậu dịch lớn nhất của Hiệp Hội Các Nước Đông Nam Á, Nhật Bản, Đài Loan, và Nam Triều Tiên.

Năm đầu tiên mà ông Bùi đã chọn không phải là tự nhiên chọn ra bất kỳ. Đó là năm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chánh Á Châu, vốn bắt đầu tại Thái Lan trước khi lan rộng khắp vùng, gây ra mối lo sợ là sẽ tan rã hệ thống tài chánh toàn cầu. Theo quan điểm của nhiều viên chức Trung Cộng, diễn biến này là mấu chốt quan trọng thay đổi mối bang giao của Trung Cộng với vùng này. Khi các thị trường chứng khoán trong vùng này bị áp lực, Trung Cộng đã được ca tụng vì không phá giá đồng tiền của họ, cũng như họ đã trợ giúp và cho vay tiền để giảm bớt khó khăn cho các nước láng giềng. Đây là mốc chuyển từ cương lực sang nhu lực, và đã có nhiều bài viết về nhiều hình thức của đường lối này – từ những khoản ngoại viện lớn cho những nước như Lào và Việt Nam, đến việc ký Thỏa Hiệp Hữu Nghị và Hợp Tác tại Đông Nam Á, cho đến nỗ lực phát triển thật nhiều Các Viện Khổng Tử – mà tất cả đều được gói ghém trong chiêu bài không can thiệp.

Nhưng nếu 1997 thực sự là một mấu chốt quan trọng thì tại sao Hoa Kỳ phải mất hơn mười năm mới có phản ứng với các tiến triển ngoại giao của Trung Cộng trong vùng Á Châu Thái Bình Dương? Thật khó mà không thể không nghĩ là hai cuộc chiến quá tốn kém đã là một phần lý do khiến cho Hoa Kỳ xao lãng vùng này. Cuộc chiến tại Iraq và tất cả những lý do đúng và sai đều không thuộc phạm vi bàn luận của bài viết này, vốn chỉ tập trung vào vùng Á Châu Thái Bình Dương. Nhưng ngay cả cuộc chiến được gọi là “chính đáng”, tức là cuộc chiến tại Afghanistan, cũng gây ra các hệ lụy sâu xa cho không những chính sách của Hoa Kỳ tại Trung và Nam Á, mà còn cho cả toàn vùng Á Châu.

Chỉ riêng các con số cũng đã cho thấy rõ tại sao cuộc chiến tại Afghanistan đã gây tốn kém cho Hoa Kỳ đang thiếu tiền, mà hồi mùa hè này họ đã suýt phải nói rằng sẽ không trả nổi nợ. Như Robert Dreyfuss viết bài cho chúng tôi về quan điểm của ông đối với tương lai của Afghanistan, Tòa Bạch Ốc đã “ước tính một con số vô nghĩa là 50$ tỷ mỗi năm cho Afghanistan. (Nhưng trừ phi) họ có thể rút được hết quân Hoa Kỳ thật nhanh, phí tổn của cuộc chiến này trong năm 2013 và sau đó có thể vượt hơn 50$ tỷ nhiều.”

Theo Dịch Vụ Nghiên Cứu của Quốc Hội Hoa Kỳ thì tính đến Tháng Sáu năm nay, cuộc chiến tại Afghanistan đã làm cho Hoa Kỳ tốn hơn 440$ tỷ và hơn 1.500 binh sĩ Hoa Kỳ bị thiệt mạng. Để được gì? “Mười năm sau hội nghị tại Bonn để soạn ra khuôn khổ cho chính quyền Afghanistan hiện nay, chế độ này đã hầu như mất hết uy tín,” Dreyfuss viết. “Chế độ đó đã không còn ích lợi gì nữa từ lâu, và nếu có là gì đi nữa thì chỉ là chướng ngại khiến không tiến bộ được… đã từ lâu Hoa Kỳ không có nỗ lực ngoại giao hăng hái trong vùng này, và vẫn khư khư ôm chặt ý niệm càng ngày càng mất giá trị là các lực lượng quân sự có thể gây suy yếu tổ chức Taliban và buộc phải ngồi vào bàn thương thuyết.”

Đây là một viễn ảnh đen tối sau mười năm chiến tranh tại nước có nhiều khó khăn nhất này trong số những nước mang tên “stan” của vùng Trung Á. Nhưng như Joshua Kucera nhận xét tổng quát về tương lai của vùng Trung Á, không phải chỉ có Afghanistan mới có nhiều khó khăn.

“Hai mươi năm sau khi Liên Xô sụp đổ, tương lai đầy hứa hẹn đã từng thấy một thời ở năm nước cộng hòa ở Trung Á – Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan – đã giảm bớt nhiều,” Kucera mở đầu bài viết như thế.

Khi chú ý quá nhiều đến cuộc chiến tại Afghanistan như vậy, có lẽ không thể tránh được là quốc tế cũng dồn phần lớn mọi chú ý và nhận định vào chiến dịch của Hoa Kỳ nhắm vào Taliban. Và khi nói đến Trung Á thì vùng này thường là con chốt trong một Thế Cờ mới để tranh giành ảnh hưởng giữa Hoa Kỳ, Nga và Trung Cộng. Thật vậy, The Diplomat đã có đăng những chuyện này.

Dĩ nhiên vùng này không phải chỉ có thế. Nhưng trong khi một phần cảnh ngộ hiện nay của Afghanistan là vì một lãnh tụ yếu kém và thiếu hiệu quả, thì các ông tổng thống tại Trung Á lại độc tài và các chính đảng đối lập đều yếu kém hoặc bị cấm hoạt động.

“Quốc hội chỉ là các cơ quan bù nhìn và giới truyền thông độc lập và các tổ chức xã hội dân sự nếu có được phép hoạt động đi nữa thì đều nhỏ và yếu,” Kucera viết. “Một môi trường như vậy có nghĩa là không có định chế nào để chuyển giao quyền lực sau khi một người cầm quyền qua đời hoặc ra đi, mà chỉ còn những cách duy nhất là giới đặc quyền chính trị thương lượng cửa hậu để chọn ra một lãnh tụ mới – hoặc đưa đến đấu tranh bạo động vì các thế lực bên ngoài tìm cách chiếm quyền.”

Và hậu quả của tình trạng này là gì? Trì trệ và tham nhũng. Chẳng hạn như tại Uzbekistan, Islam Karimov đã cai trị nước này trong hai thập niên qua bằng bàn tay sắt. Kết quả là nước này được xếp vào hàng những nước cuối bảng trên thế giới về tự do chính trị và dân sự. Hầu như không có đối lập hoặc các tổ chức xã hội dân sự, và điều mà Kucera gọi là tiềm năng định chế đe dọa lớn nhất đến chính quyền – Hồi Giáo – thì đã “hoàn toàn được chính quyền kết nạp. Do đó, Karimov không còn chỗ trong chính trường cho bất cứ người nào khác có thể thách thức hoặc có thể thừa kế quyền lực của ông ta.”

Nhưng không phải chỉ có Karimov mới loại trừ thế lực nào có thể trở thành phe đối lập. Tổng thống của Kazakhstan là Nursultan Nazarbayev, đã cai trị nước này từ năm 1990, hầu như cũng đã làm y hệt như vậy. Nhưng không như Karimov, ông ta đã làm được như vậy phần lớn là bằng phần thưởng hơn là trừng phạt. GDP đầu người tại đó đã lên đến 11.800$, ngang với các nước Đông Âu, chứ không phải các nước Trung Á. Nhờ đó mà nhiều người hài lòng về cách cai trị của Nazarbayev. Thật ra, trong một cuộc thăm dò của một tổ chức Hoa Kỳ hồi năm ngoái, 91 phần trăm số người trả lời hài lòng với Nazarbayev – và chưa tới phân nửa nghĩ rằng dân chủ là dạng chính quyền thích hợp cho Kazakhstan. Đây là những con số mà bất cứ lãnh tụ nào trên thế giới cũng đều vui mừng, và không có lãnh tụ nào khác đạt được. Dĩ nhiên là ngoại trừ cố “Lãnh Tụ Kính Mến” của Bắc Triều Tiên.

Trong cuộc bầu cử quốc hội mới đây nhất của nước này, Kim Chính Nhật được ủng hộ gần 100 phần trăm trong một cuộc bầu cử mà ủy ban bầu cử tuyên bố có 99.98 phần trăm dân chúng đi bầu. Không ai tin những con số này, nhưng không ai biết được con số thực sự là bao nhiêu. Có vài nơi trên thế giới mà giới truyền thông báo chí quốc tế đã phải nhờ vào trí nhớ của một cựu đầu bếp sushi để hiểu được phần nào về chuyện kế vị lãnh đạo. Và không có bao nhiêu người viết tiểu sử một lãnh tụ trên thế giới lại thú nhận với tôi là có lẽ chuyện duy nhất mà chúng ta biết được về cách hoạt động chính trị thầm kín của nước đó lại là chúng ta không biết gì cả.

Tất cả những chuyện này đều không có gì đáng kể, mà thực ra còn có thể được xem là hơi buồn cười, nếu nước đó không có vũ trang nguyên tử. Nhưng vì Bình Nhưỡng thuộc vào số vài nước có vũ trang nguyên tử trên thế giới nên các nhà lập chính sách ít nhất cũng phải cố đối phó với Bắc Triều Tiên – và xem nước này có thể hướng về đâu dưới quyền lãnh đạo của Kim Chính Ân còn non trẻ.

Có nhiều nghi vấn liệu con trai út của Kim Chính Nhật có thể tập hợp được đủ sức ủng hộ để thực sự lãnh đạo nước này hay không. Cha của anh ta, xét cho cùng thì đã được thực tập để chuẩn bị trong hai thập niên. Trước tình trạng này, các nước láng giềng của Bắc Triều Tiên đang lo âu theo dõi xem Kim Chính Ân có muốn sử dụng sức mạnh quân sự của Bắc Triều Tiên để tìm sức hậu thuẫn và cho thấy mình là người đang nắm giữ quyền hành hay không.

Một nước sẽ theo dõi sát là Nhật Bản, vì mối liên lạc của nước này với Bình Nhưỡng có tốt lắm thì cũng vẫn rắc rối, mà lý do không phải chỉ vì quyết định của Bắc Triều Tiên phóng thử loại hỏa tiễn Taepodong- 2 qua không phận Nhật Bản.

Ít nhất thì hiện giờ các mối nguy hiểm lớn nhất cho tương lai của Nhật Bản vẫn là từ trong nước, chứ không phải từ bên ngoài. Một nước mà trước đó đã mất hướng đi chính trị lại phải chịu đựng không phải một thảm họa, mà đến ba thảm họa hồi Tháng Ba. Trận động đất với cường độ 9 tại vùng đông bắc Nhật Bản vào ngày 11 Tháng Ba đã gây ra sóng thần. Trận sóng thần này phá hủy các máy phát điện tại nhà máy nguyên tử Fukushima Daiichi, khiến Nhật phải vật lộn trong tuyệt vọng để ngăn chặn thảm họa nguyên tử.

Tin tức xác nhận có hơn 20.000 người tử vong hoặc mất tích, phần lớn đã bị thiệt mạng trong đợt sóng thần cuốn trôi đi nhiều thị xã. Bất cứ người nào ở Nhật Bản ngày hôm đó sẽ nhớ lúc đó họ đang ở đâu và đang làm gì. Tôi biết là tôi sẽ nhớ mãi – tôi sắp sửa đi bộ về lại văn phòng của tôi ở Tokyo thì tôi cảm nhận ra. Động đất không phải là chuyện lạ ở Nhật Bản, vốn là một nước có động đất nhiều nhất thế giới. Nhưng không người nào mà tôi có nói chuyện trước đó đã cảm thấy được như lần này. Thường là khi đi ngoài trời sẽ không ai nhận ra được chấn động nhỏ – mà chính là các tấm kính, cửa hoặc chụp đèn trong nhà vang lên tiếng rung thì mới biết. Nhưng vào ngày 11 Tháng Ba, người ta cảm thấy mặt đất bên ngoài như đang đong đưa, đến mức trong cơn hậu chấn đầu tiên thì người ta cần phải giữ thăng bằng để không bị té ngã.

Nhưng khi các cơ quan thông tấn rời nơi đây, và khi các câu chuyện về tư cách lịch thiệp phi thường của người dân Nhật dưới áp lực bắt đầu không còn là các đầu đề tin tức quốc tế nữa, nước này lại phải đối phó với các vấn đề từ một nền kinh tế và tiến trình chính trị gây trì trệ đã từ lâu.

Cách đây không lâu lắm Nhật Bản có vẻ như đương đầu (hoặc ngay cả chiếm cứ) toàn thể thế giới. Số sách về Nhật Bản là Số 1 được bày bán khắp nơi, trong khi các CEO(1) nghiên cứu sách vở xem họ có thể áp dụng như thế nào những cách quản trị gọn gàng, vừa kịp lúc của hãng Toyota cho các công ty của họ. Trong khi đó, giá bất động sản tại Nhật tăng cao – có một lúc Hoàng Cung tại trung tâm Tokyo được ước tính có giá cao hơn toàn thể tiểu bang California một chút.

20 năm sau đó thì nền kinh tế Nhật Bản không còn được người ngoài xem là phi thường nữa. Nhưng nếu hai thập niên qua là về tầm ảnh hưởng sa sút của Nhật thì vài năm qua không phải chỉ riêng gì về vấn đề vươn lên của Trung Cộng, mà còn của cả Ấn Độ. Trong khi dân số của Nhật giảm đi, dân số Ấn Độ vẫn gia tăng. Tỉnh đông dân nhất của nước này, Uttar Pradesh, có dân số đông hơn cả nước Ba Tây (196 triệu so với 192 triệu). Và không như dân số đang già đi của Nhật, dân số Ấn Độ càng trẻ hơn – 30 phần trăm dân số Ấn Độ chưa tới 15 tuổi.

Kể từ khi mở rộng tự do kinh tế vào năm 1991, mức dân số gia tăng cũng đi kèm với một nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng – nền kinh tế của Ấn Độ nay lớn hàng thứ mười trên thế giới (nhưng theo Quỹ Tiền Tệ Quốc tế thì GDP đầu người chỉ đứng hàng 129). Ảnh hưởng kinh tế ngày càng gia tăng này đã đưa đến nhiều kỳ vọng hơn về chính sách, kể cả chính sách đối ngoại. Liệu Ấn Độ có thể đáp ứng được hứa hẹn của quốc gia năng động và đa dạng của họ hay không?

Theo Madhav Nalapatto, Giáo Sư thuộc chương trình Phát Huy Hòa Bình của UNESCO, thì các quốc gia trong Minh Ước Bắc Đại Tây Dương rất quan tâm đến câu trả lời câu hỏi này. Thật ra, theo ông Nalapat, có nhiều triển vọng đưa đến liên minh chiến lược giữa Ấn Độ và các cường quốc NATO.

“Vào năm 1997, sau khi Hong Kong được trao trả lại, người viết bài này đã tiên đoán Trung Cộng sắp nổi lên thành siêu cường kế tiếp, và tuy lời quả quyết này đã bị mọi người nghi ngờ khi mới đưa ra, hướng đi sau đó của Trung Cộng đã củng cố lời tiên đoán này này là mối thách thức đối với sức mạnh vượt trội của NATO sẽ là từ Trung Cộng,” Nalapat viết cho chúng ta biết. “Trong bối cảnh đó, lẽ ra Bắc Kinh nên nâng cao phạm vi và chiều sâu bang giao của họ với Ấn Độ. Tuy nhiên, Ấn Độ lại vẫn là ưu tiên thấp hơn nhiều của Đảng Cộng Sản so với một số nước láng giềng của họ trong vùng tiểu lục địa này. Do đó, nỗ lực đang tiến hành của các cường quốc NATO để liên minh với Delhi hầu như là tự nhiên mà có.”

Khi các mối bang giao giữa Trung Cộng với Hoa Kỳ và Đông Nam Á bắt đầu có trở ngại thì bang giao với Ấn Độ cũng vậy, có lẽ không tránh được vì Bắc Kinh xem chừng như xem việc họ trợ giúp cho Pakistan, đối thủ truyền thống của Ấn Độ, lại là hành động thận trọng về mặt ngoại giao. Delhi nghi ngại chuyện liên lạc giữa hai nước này, và không phải chỉ những người cho đó là âm mưu mới tin là vì Bắc Kinh cố tình tìm cách trói chặt Ấn Độ ở sân sau bằng cách yểm trợ cho Pakistan.

Nhưng các vấn đề thách thức đến nền an ninh của Ấn Độ không phải chỉ là từ bên ngoài, mà còn từ cả bên trong. Trong nhiều năm qua Ấn Độ đã phải vật lộn với một cuộc nổi dậy mà Thủ Tướng Manmohan Singh gọi là “thách thức an ninh trong nước lớn nhất” của Ấn Độ.” Hồi Tháng Tư năm ngoái, các nhóm Naxalites(8) đã tung ra cuộc tấn công lớn nhất từ trước đến giờ nhắm vào các lực lượng Ấn Độ, giết chết 76 nhân viên an ninh. Và ảnh hưởng cách mạng của các nhóm này có vẻ đang lan rộng, mà nghe nói các nhóm Naxalite đang hoạt động tại ít nhất là 40 phần trăm nước này.

Ấn Độ không phải là nước duy nhất trong vùng phải đối phó với quân nổi dậy. Như nhà lập pháp người Phi Luật Tân và blogger ASEAN Beat Mong Palatino đề cập, Tổng Thống Phi Luật Tân, Benigno Aquino chỉ mới 8 tuổi khi Đảng Cộng Sản Phi Luật Tân theo chủ nghĩa Mao được thành lập vào năm 1968 tại một ngôi làng hẻo lánh. Nhưng 42 năm sau, khi Aquino đắc cử tổng thống nước cộng hòa này, cuộc nổi dậy của cộng sản vẫn lan tràn, và vẫn là mối đe dọa an ninh hàng đầu của nước này.

Đảng Cộng Sản tin rằng họ tồn tại được lâu như vậy là nhờ giới nông dân có cảm tình với lý tưởng của họ yểm trợ trực tiếp và gián tiếp, nhất là với chương trình cải cách ruộng đất của họ. Nhưng Palatino nói rằng ngay cả theo chính website của Đảng này, họ vẫn chưa bước được đến ngưỡng cửa chiến thắng trong nước. Thay vì thế, vẫn theo lời Palatino: “Họ nói rằng họ đang hoạt động trong giai đoạn tự vệ chiến lược trong cuộc chiến nhân dân kéo dài. Các lực lượng vũ trang của họ, tuy nhỏ hơn nhiều so với quân đội, được bố trí chiến lược rải rác khắp quần đảo này. Nói tóm lại, cuộc nổi dậy vũ trang của Đảng Cộng Sản vẫn ở trong tình trạng bất phân thắng bại vào lúc này.”

Aquino đã hứa là sẽ kết liễu cuộc nổi dậy lâu nhất trên thế giới này trong vòng sáu năm, và ông ta xem ra đã muốn đem thanh danh và uy tín của mình ra bảo đảm để xem có thể đạt được mục tiêu này hay không. “Trong nhiều bài diễn văn, Aquino đã nói rằng ông ta muốn để lại một xã hội hòa bình khi rời chức vào năm 2016,” Palatino nói. “Ông ta không được để mất ước mơ này vì lúc nào cũng dễ quên đi đề nghị hòa bình.”

Nhưng trong khi các khó khăn về an ninh của Ấn Độ không thể được gọi là hoàn toàn từ bên ngoài, thì các khó khăn của Phi Luật Tân chắc chắn không phải chỉ là từ bên trong. Năm nay đã có các căng thẳng với Trung Cộng lộ rõ ra ngoài vì vấn đề tranh chấp lãnh thổ từ lâu với Trung Cộng về Biển Đông lại nổi lên hàng đầu. Trước tình thế này, chính quyền tại Manila có thể phải ghen tị với tình hình tương đối êm ả của Úc trong các mối bang giao trong vùng của nước này.

Như chính phủ của Kevin Rudd(9) có đề cập trong tập Bạch Thư Quốc Phòng 2009:
“Thực tế lâu bền của viễn ảnh chiến lược của chúng ta là Úc sẽ rất có thể, nhờ vào vị trí địa lý chiến lược của chúng ta, vẫn là một quốc gia an ninh trong thời gian từ giờ cho đến 2030. Chúng ta nằm xa các mặt trận truyền thống giữa các cường quốc chính, và không có tranh chấp nào nghiêm trọng, lâu dài với các nước láng giềng của chúng ta để có thể làm thành động lực tấn công.”

Nhưng Sam Roggeveen có nhận xét trong bài của ông ta là ngay cả nước Úc cô lập về mặt địa lý cũng không tránh được ảnh hưởng của làn sóng thay đổi sức mạnh tại Á Châu.

“Vị thế an ninh và quốc tế của Úc luôn luôn được xây dựng trên một điểm hội tụ quan trọng: trong suốt lịch sử của Úc, nước hợp tác kinh tế chính của họ cũng là nước hợp tác chiến lược quan trọng, hoặc ít nhất cũng là một thân chủ đáng kể của một nước như vậy,” Roggeveen viết. “Từ khi người da trắng đến đây định cư cho đến giữa Thế Chiến II, Anh Quốc đã giữ cả hai vai trò này. Sau đó đến Hoa Kỳ, và từ thập niên 1970 trở về sau, Nhận Bản đã trở thành bạn hàng mậu dịch chính của Úc.”

Nhưng ông nói rằng chuyện Trung Cộng vươn mình dậy đang lật ngược thời gian ổn định chắc chắn lâu dài này. “Bạn hàng kinh tế quan trọng của Úc là Trung Cộng nay có một số quyền lợi về chính sách đối ngoại mà nếu xét theo mặt tốt nhất thì cũng không ăn khớp với các quyền lợi của nước hợp tác chiến lược chính của chúng ta, Hoa Kỳ. Xét theo mặt tệ nhất thì các quyền lợi này trực tiếp mâu thuẫn với nhau, gây ra các hậu quả bất trắc cho vùng này.”

Tình trạng này có khiến cho không thể tránh khỏi bất ổn nguy hiểm hay không? Không nhất thiết là vậy, Roggeveen lập luận rằng Úc có thể giữ một vai trò quan trọng khi sức mạnh thay đổi tại Á Châu Thái Bình Dương bằng cách củng có thêm “xã hội quốc tế.” Nếu Úc đi đúng nước cờ, Canberra có thể bảo đảm “cải thiện được cuộc tranh giành quyền lực thẳng thừng.”

“Người ta nói rằng mục đích của một trật tự quốc tế hoạt động trôi chảy là kiểm soát mức cạnh tranh chiến lược,” ông nói, “Và tuy có đúng như thế thật, nhưng chưa hết. Mục đích sâu xa hơn của xã hội quốc tế là thuần hóa hoặc thăng hoa vấn đề tranh giành quyền lực.”

Bài viết cuối cùng của chúng tôi là của một giáo sư trung học, Giang Tuyết Cần. Bài viết này xem ra là cách kết luận thích ứng vì một số lý do.

Trước hết là vấn đề sau – xét đến các viễn ảnh về làn sóng sinh viên từ Trung Cộng hiện nay – ước lượng khoảng 128.000 sinh viên – đến du học tại Hoa Kỳ.

“Các trường đại học tại Hoa Kỳ, vì học phí cao và các hạn chế nghiêm ngặt về chiếu khán nhập cảnh của Hoa Kỳ nên trước năm 2004 vẫn chỉ là giấc mơ xa vời của nhiều sinh viên cấp cử nhân của Trung Cộng,” ông viết. “Khi nền kinh tế Trung Cộng phát triển mạnh, chính phủ Hoa Kỳ nới lỏng các hạn chế về chiếu khán, và các trường cao đẳng và đại học của Mỹ bắt đầu tuyển mộ sinh viên tại Trung Cộng. Ngày nay, nền kinh tế của Trung Cộng vẫn tiến triển đều và nền kinh tế Hoa Kỳ lại sa sút, sinh viên Trung Cộng ắt sẽ có mặt tại nhiều trường cao đẳng và đại học của Hoa Kỳ.”

Đoạn này tóm gọn chiều hướng quyền lực chuyển sang miền đông, nhưng cũng gợi ý cho thấy viễn ảnh thông hiểu hơn giữa các cường quốc hàng đầu trên thế giới. Chiến tranh thường (tuy không phải lúc nào cũng thế) là do hiểu lầm hoặc đơn thuần vì không biết gì cả, do đó người ta chỉ có thể hy vọng là càng có nhiều sinh viên Trung Cộng tham gia theo học trong hệ thống giáo dục tại Hoa Kỳ thì càng có thể giúp cho hai cường quốc này tại Á Châu hiểu nhau hơn.

Và cuối cùng thì những bài viết này là nhằm giúp mọi người hiểu rõ hơn về những yếu tố thay đổi tại Á Châu Thái Bình Dương, và đó cũng là lý do tại sao bài viết của ông Giang lại quan trọng vì một lý do khác – là để cho vùng này tự lên tiếng về họ. Loạt bài viết này đã được chọn lựa vì mỗi tác giả là người từ Á Châu hoặc nếu không thì cũng có nhiều kinh nghiệm làm việc ở vùng này. Kinh nghiệm tại chỗ và mức hiểu biết đó thật quý giá để giúp hiểu được các yếu tố thay đổi của Á Châu Thái Bình Dương, và vùng này có thể sẽ hướng đến đâu.

Dĩ nhiên trường hợp này chỉ có thể mới là khởi điểm. Á Châu chưa bao giờ gặp một tình thế như ngày nay – một cường quốc tuy đã mờ dần nhưng vẫn còn đáng kể tại Nhật cùng với hai nước đang vươn lên nhanh chóng là Trung Cộng và Ấn Độ. Thêm vào đó nữa là lực lượng quân sự mạnh nhất ở Thái Bình Dương – quân đội Hoa Kỳ – thì dễ thấy được tại sao tình trạng bất trắc lại thường đi kèm theo tốc độ vươn lên của Á Châu.

“Thật khó mà tiên đoán được điều gì, nhất là về tương lai,” cầu thủ baseball Yogi Berra nghe đồn đã nói như vậy. Chúng tôi chỉ có thể hy vọng là sau khi đọc các bài viết trong loạt bài này, độc giả ít nhất sẽ có được một vài dữ kiện để thử tiên đoán xem sao.

Source: http://the-diplomat.com/2011/12/23/predicting-the-unpredictable/?all=true
_______________________
Chú thích của người dịch:

(1) giường và điểm tâm: một loại nhà trọ nhỏ, thường là của một gia đình cho thuê phòng ngủ trong nhà họ và giá tiền thuê phòng ngủ mỗi ngày gồm cả bữa ăn sáng hôm sau.
(2) People’s Republic: Những nước cộng sản như Trung Cộng và Việt Nam thường mị dân bằng cách gắn cái “mác nhân dân” vào các loại tên gọi như thể là của tầng lớp nhân dân. Nước Cộng Hòa Nhân Dân đây là Trung Cộng.
(3) Middle Kingdom, hay Trung Quốc.
(4) Gross Domestic Product (Tổng Sản Lượng Quốc Nội)
(5) West Country là tên gọi bán chính thức của vùng tây nam Anh Quốc
(6) vừa có nghĩa bóng là “minh tinh màn bạc” hay “minh tinh nghệ thuật” lẫn nghĩa đen là “lên không gian hay các hành tinh, thiên thể khác”
(7) Space Shuttle
(8) Naxal, Naxalite hay Naksalvadi là tiếng chung để chỉ các nhóm Cộng Sản vũ trang khác nhau hoạt động tại những vùng khác nhau ở Ấn Độ
(9) Thủ Tướng Úc 2007-1010

0 comments:

Powered By Blogger