Friday, January 13, 2012

Hãy Tỉnh Giấc, Putin!

Một Chiến Lược Quốc Phòng của Hoa Kỳ cho Nga Bắt Chước

Alexander Golts (The Moscow Times) – PBD dịch

Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama đã gây thiệt hại đáng kể cho Điện Cẩm Linh trong lần ông ta đến Ngũ Giác Đài hồi tuần trước để loan báo quyết định giảm bớt các tham vọng quân sự của Hoa Kỳ. Đây là một cú giáng nặng nề vào lời rêu rao rập khuôn sẵn của Nga là Washington vẫn cương quyết muốn thống trị thế giới, và Nga nằm đầu danh sách các mục tiêu của Hoa Kỳ.

Chính phủ Hoa Kỳ thực sự đang gặp khó khăn nghiêm trọng. Họ phải cắt giảm ngân sách quân sự bớt đi $489 tỷ, tức 8 phần trăm mỗi năm trong 10 năm tới. Obama đã họp với các tướng lãnh của ông ta hơn chục lần trong sáu tháng qua để tìm những cách đáp ứng các nhu cầu quốc phòng và an ninh trong phạm vi tài chánh bị giảm đi này. Kết quả của nỗ lực đó là Văn Bản Hướng Dẫn Chiến Lược Quốc Phòng.

Vì bản tái duyệt này được phát hành trong năm bầu cử, nên có vô số những lời lưu ý để bảo đảm là mức giảm thiểu chi tiêu quân sự sẽ hoàn toàn không giới hạn khả năng của Hoa Kỳ có thể chiến thắng trong bất cứ cuộc chiến nào tại bất cứ nơi nào trên thế giới. Dĩ nhiên, những lời đó sẽ khiến cho các nhà tuyên truyền của Điện Cẩm Linh diễn giải thành có nghĩa biểu lộ “bản chất hung hãn” của học thuyết quân sự mới của Hoa Kỳ. Các nhà tuyên truyền của Điện Cẩm Linh chắc chắn sẽ vin vào những chỗ nêu trong văn bản đó về việc phát triển khả năng phòng thủ hỏa tiễn là bằng chứng rõ ràng cho thấy Washington muốn tác hại đến khả năng răn đe nguyên tử của Điện Cẩm Linh.

Khía cạnh quan trọng nhất của chiến lược mới của Hoa Kỳ là quyết định rõ ràng bác bỏ đường lối của chính phủ cựu Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush là xuất cảnh dân chủ bằng mọi cách, kể cả trước mũi súng, nếu cần.

Trong lúc đó, Moscow đang cố thiết lập quyền can thiệp của họ vào các cuộc xung đột nội bộ có thể xảy ra tại những nước ở Trung Á. Nhưng trong trường hợp này, Nga không có chọn lựa nào khác. Sau khi Hoa Kỳ và các nước đồng minh của họ rút ra khỏi Afghanistan, Nga phần lớn sẽ phải tự đối phó với Taliban.

Nhưng thay vì hậu thuẫn cho Hoa Kỳ tiếp tục giữ quân trong vùng này, Moscow đang nỗ lực hết sức để làm sao cho Hoa Kỳ rút quân. Cuộc họp thượng đỉnh của Tổ Chức Hiệp Ước An Ninh Tập Thể (CSTO) hồi Tháng Mười Hai đã đưa ra quyết định là tất cả các nước hội viên của CSTO phải đồng ý thì mới cho phép một chính phủ ngoại quốc đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ của bất cứ nước hội viên nào của tổ chức này. Biện pháp này sẽ cho Nga có quyền phủ quyết trên thực tế để ngăn cản Hoa Kỳ thành lập các căn cứ tại Trung Á. Nhưng hành động cứng đầu này sẽ gây ra phản tác dụng đối với Điện Cẩm Linh. Nga sẽ gặp khó khăn trong việc ngăn chặn Taliban bành trướng vào Trung Á, mà tình trạng này có thể sẽ xảy ra sau khi Hoa Kỳ rút ra khỏi Afghanistan.

Điều khoản quan trọng thứ nhì trong chiến lược quân sự mới của Hoa Kỳ là trọng tâm đặt vào Đông Á và Trung Đông — nhất là Trung Cộng, Bắc Triều Tiên và Iran. Các nước hội viên mới nhất của NATO, như Ba Lan và các nước ở vùng Baltic, sẽ không hài lòng về chiến lực mới này. Họ luôn luôn vận động để họ được xem là tiền tuyến phòng thủ của Tây Phương đối với một nước Nga hung hãn và đầy bất trắc, nhưng Washington coi như đã xác định một lần nữa trong học thuyết quân sự của họ là không có mối đe dọa nào thực sự từ Nga.

Thật ra, câu duy nhất trong văn bản này có liên quan đến Nga viết, “Mối bang giao của chúng ta với Nga vẫn quan trọng, và chúng ta sẽ tiếp tục xây dựng mối giao hảo mật thiết hơn trong các lãnh vực quan tâm chung và khuyến khích nước này đóng góp vào nhiều vấn đề.”

Nga dựa vào các mục tiêu phóng đại, không thực tế về an ninh để duy trì ảo tưởng mình là một siêu cường. Trong lúc đó, đường lối này cản trở đến khả năng của Nga theo đuổi một chính sách quân sự hợp lý hơn. Vấn đề khó khăn không phải chỉ là số tài nguyên khổng lồ mà Moscow phí phạm để tuyên truyền chuyện hoang đường là các kế hoạch phòng thủ hỏa tiễn của Washington đe dọa đến Nga, mà còn về cách họ tỏ vẻ như nước này có thể duy trì được một quân đội gồm một triệu quân. Ngay cả hiện nay, chỉ có tối đa là 800.000 quân là hiện dịch, và số đó sẽ giảm thêm nữa trong vài thập niên tới vì số thanh niên có thể nhập ngũ trong tuổi từ 18 đến 27 theo dự liệu sẽ giảm đi.

Kết quả tái duyệt quốc phòng của Obama cho thấy rõ Nga sai lầm quá nhiều trong việc đối phó với các khó khăn về an ninh của mình trong thế kỷ 21. Chiến lược của Hoa Kỳ bắt đầu bằng các mức hạn chế về tài trợ quân sự và xác định các ưu tiên và nguyên tắc đối với với các mối đe dọa ngày nay. Ngược lại, các cuộc tái duyệt quân sự của Nga hoàn toàn không dính dáng gì đến thực tế.

Lý do khiến Nga cần phải cải tổ quân sự cũng giống hệt như các lý do của Hoa Kỳ — là thiếu tài nguyên. Nhưng các lãnh tụ quân sự và chính trị của Nga thì lại nhất quyết cho rằng nước này chỉ có thể được xem là một siêu cường nếu họ có một triệu quân và một kho vũ khí nguyên tử khổng lồ. Ngoài ra, học thuyết quân sự của Nga từ Tháng Hai 2010 xem việc bành trướng của NATO là “mối nguy hiểm” quân sự hàng đầu của họ.

Chính phủ Obama đã đưa ra một chiến lược vững chắc, cụ thể và hợp lý để thu gọn lực lượng quân sự của Hoa Kỳ và trở nên hiệu quả hơn trong việc đối phó với các nguy hiểm và đe dọa của thế kỷ 21. Trong khi Hoa Kỳ tiến bước để đổi hướng và tổ chức lại chiến lược quân sự của họ, Nga lại một lần nữa cho thấy họ trở nên lạc hậu nhiều hơn nữa bằng cách áp dụng một chiến lược chú trọng quá nhiều đến việc duy trì các lực lượng nguyên tử mạnh mẽ và một quân đội gồm một triệu quân để bảo vệ họ đối với một kẻ thù hoang tưởng là Hoa Kỳ và NATO.

Source: The Moscow Times (http://www.themoscowtimes.com/opinion/article/a-us-defense-strategy-for-russia-to-emulate/451000.html#ixzz1jK3qHOCb)

0 comments:

Powered By Blogger