Sunday, January 15, 2012

Tết của người Việt tỵ nạn chính trị tại Thái Lan

Nhân Khánh, thông tín viên RFA
Trong những ngày Tết dù sống ở đâu thì người Việt có mặt khắp nơi trên thế giới vẫn cố gắng tổ chức những nghi thức truyền thống để khẳng định căn cước của mình.

Song tại Thái Lan, cộng đồng người Việt tỵ nạn chính trị lại không giống như vậy, hoàn cảnh sống ở đây phản ánh những thân phận đầy khốn khó trong cuộc sống, vào những ngày giáp Tết Nguyên Đán này, những nỗi niềm khi xa quê hương lại đang nổi cộm lên, thông tín viên Nhân Khánh có bài ghi nhận sau.

Người Việt tỵ nạn chính trị tại Thái Lan đang phải đối diện với những thực tế khắc nghiệt của cuộc sống xứ người, khả năng không được công nhận quy chế tỵ nạn, không có giấy phép làm việc và hàng rào ngôn ngữ là những khó khăn không dễ vượt qua. Trong thời gian chờ đợi, cánh cửa hội nhập của nước sở tại không mở ra cho những người tỵ nạn Việt Nam, mặc dù ngày qua đi họ đều phải ăn và sống.

Tha hương nhớ nhà

nguoiviet_thailan-250.jpg
Một thanh niên Việt phụ bán quán ăn ở Thái. Photo courtesy of sgtt.com.vn.

Trong bối cảnh đó, tâm trạng đón Tết của người Việt tỵ nạn tại Thái Lan tỏ ra không giống so với người Việt ở các quốc gia khác. Chẳng hạn theo thông lệ, trong thời gian cuối năm này thường người ta có một sự chuẩn bị nào đó cho việc đón Tết. Với câu hỏi này, người viết văn trẻ Thúy Quỳnh chia sẻ cùng Đài Á Châu Tự Do biết như sau:
“Khi tôi tới Thái Lan thì hoàn cảnh kinh tế của tôi rất là khó, không có chắc chắn, không có an tâm vì vậy tôi đi giúp việc cho người ta, xong rồi lại mất tiền bạc. Vì vậy tôi cũng chưa biết Tết này tôi có còn ở Thái Lan hay không. Tôi cũng tính là khó khăn quá mà không tìm được sự trợ giúp của ai thì cũng có thể tôi tới cảnh sát Di trú, chờ cho người ta liên hệ với Cao ủy Tỵ Nạn là cho tôi ở đó. Nếu mà không, họ đưa tôi về Việt Nam thì tôi cũng phải chấp nhận việc đó.

Tại vì hiện tại ở Thái Lan thì có hai mẹ con tôi, mọi việc xoay xở rất là khó khăn. Thứ hai là gặp hoàn cảnh riêng nên giao tế của tôi trên mạng, mối quan hệ của tôi ở nước ngoài để tranh thủ sự trợ giúp cũng không có hoặc rất là ít. Cho nên là, hoàn cảnh của tôi nó ở trong tình huống như vậy nên tôi chưa có chuẩn bị gì và cũng không biết là mình có được ăn Tết ở đây hoặc là lại về Việt Nam. Nếu mà về thì… có những mâu thuẫn mà liên quan đến việc tính mạng, xung đột nó xảy ra đến nước vậy mà mình quay về thì không có thể được. Mọi chuyện nó rất là khó, nó rất là khó có thể nói trước được chuyện gì.”

Ở đây những cảm xúc chạnh lòng, tiếc nuối nhớ về một quê nhà đã bị đè bẹp trước nỗi lo cơm áo gạo tiền. Thường rời bỏ quê nhà trong những tình huống gấp rút, khẩn cấp và hoàn toàn không có chuẩn bị trước, người tỵ nạn Việt Nam tìm đến Thái Lan trong bước đường cùng của cuộc sống. Với thân phận người tỵ nạn chính trị, người Việt Nam đến đất Thái với nhiều nhân thân khác nhau, họ vốn là một cựu tù chính trị, một cựu nữ quân nhân hoặc có khi đơn giản là một người lao động bình thường. Họ ra đi vì những bất đồng chính kiến, đào thoát khỏi sự truy đuổi quyết liệt của một bộ máy công quyền còn nhiều chuyên chế.

Giữ gìn truyền thống

thais-new-year-250.jpg

Những người phụ nữ Thái kính cẩn vẫy nhẹ nước lên tượng Phật và nguyện cầu được những điều an lành nhất. AFP PHOTO.

Sau tất cả những trải nghiệm phát sinh từ các va chạm gay gắt về quan điểm chính trị, họ luôn có một quê hương. Quê hương không những là con diều biếc, là tuổi thơ, là con đò nhỏ… mà quê hương còn là Tết. Trong những ngày cuối năm âm lịch, tâm trạng này bộc lộ ra như một lời tâm sự của bà Lê Thị Ba, một cựu nữ quân nhân đang tạm trú trên đất Thái Lan bày tỏ cùng Đài Á Châu Tự Do:
“Cái cảm nhận đầu tiên của mình là rất là nhớ quê hương mình. Nếu mà ngày này còn ở Việt Nam thì mình đã làm những chuyện rất là vui vẻ tưng bừng để chào đón, nhưng mà ngày hôm nay ngồi đây với thân phận của người tỵ nạn thì chỉ nhớ về quê hương với những cảm nhận rất là đau lòng. Nhớ những cái Tết mà mình từng sống ở quê hương với những người thân của mình. Bây giờ mình ở đây mình trơ trọi có một mình.

Xứ người thì nói chung là không có ăn Tết, dưới thân phận người tỵ nạn thì không gọi là Tết… mà chỉ… rất là buồn.”

Tết cổ truyền của Thái Lan, giống các nước trong tiểu vùng sông Mê Kông: Campuchia, Miến Điện và Lào, chịu ảnh hưởng của Phật giáo tiểu thừa, sẽ ăn Tết vào giữa tháng tư. Khác với Tết cổ truyền Thái Lan mang tính chất cộng đồng, Tết Nguyên Đán của người Việt Nam thường hướng về gia đình. Song ăn Tết trở thành một điều gì đó xa xỉ với người Việt tỵ nạn trên đất Thái, một khi cảm giác bình yên đang xa hơn một tầm tay với, mọi thứ đều có vẻ tạm bợ như những căn phòng trọ của người tỵ nạn đang cư trú. Nhưng không xuôi tay nản lòng, người Việt tỵ nạn tại Thái Lan vẫn cố gắng làm một cái gì đó cho ngày Tết, theo như bà Lê Thị Ba cho Đài Á Châu Tự Do biết:

Anh chị em ở đây thì cũng cố gắng làm sao mà có một cái không khí Tết, mặc dầu là nó không nồng ấm giống như ở quê hương nhưng mà cũng có một cái hơi hướng của ngày Xuân.

Bà Lê Thị Ba

“Cái vấn đề đó thì đương nhiên là mình phải chuẩn bị. Thứ nhất là một mâm quả trái cây để gọi là tưởng nhớ tới ông bà cha mẹ của mình, để mà đốt một cái nén nhang lên, để có một cái hương vị của ngày Tết. Anh chị em ở đây thì cũng cố gắng làm sao mà có một cái không khí Tết, mặc dầu là nó không nồng ấm giống như ở quê hương nhưng mà cũng có một cái hơi hướng của ngày Xuân. Để mình hy vọng rằng qua năm mới, năm 2012, mình sẽ đi một con đường tốt đẹp hơn.

Thì anh chị em cũng đang chuẩn bị là nói thì thôi kệ trong cái khung cảnh này thì cũng gói một vài đòn bánh tét để mà có không khí của ngày Tết, để lên bàn thờ của ông bà, cho có hương hoa một chút.”

Có vậy thì mới biết Tết là quan trọng như thế nào đối với người Việt Nam, cũng như việc được làm một công dân lương thiện trong một đất nước thanh bình cũng là một hạnh phúc đời người. Do cùng trên một múi giờ với trong nước, thời tiết ở Thái Lan trong những ngày này không lạnh lẽo như bên trời Tây, không khí gần gũi kia càng làm lòng người nôn nao.

Mong ước cho quê hương

nguyen-ngoc-quang-unhcr-250.jpg

Ông Nguyễn Ngọc Quang đứng trước trụ sở UNHCR ở Thái Lan. RFA photo.

Như thường lệ, bên cạnh những lời cầu chúc về bình an, may mắn, sức khỏe cho những người thân yêu; tâm tình người tỵ nạn Việt trên đất Thái Lan vẫn không ngừng đau đáu nghĩ về quê nhà. Do họ đã từng lắng nghe và không thoái thác trách nhiệm công dân của mình đối với quê hương, nên quê hương Việt Nam luôn là nơi được dành những tình cảm tha thiết nhất khi nghĩ về ngày Tết. Cùng với bà Lê Thị Ba, ông Nguyễn Ngọc Quang đã bày tỏ cùng đài Á Châu Tự do những mong ước đó như sau:
“Cái mong muốn cho Việt Nam là một cái sự thay đổi toàn diện để cho những người Việt Nam được sống trong những ngày cách đây hơn ba chục năm, để lúc đó mình có được một cái cơ may được quay trở về thăm lại quê hương của mình. Đó là một điều rất là mong mỏi.

Tôi cầu mong chúng ta cùng chúc cho quê hương Việt Nam của mình sớm thoát khỏi ách cộng sản và mỗi người một tay để đưa quê hương đi đến con đường dân chủ, tự do, công bằng, bác ái sớm nhất.

Ô. Nguyễn Ngọc Quang

Tôi cầu mong chúng ta cùng chúc cho quê hương Việt Nam của mình sớm thoát khỏi ách cộng sản và mỗi người một tay để đưa quê hương đi đến con đường dân chủ, tự do, công bằng, bác ái sớm nhất.”

Mong sao, rồi những ngày tháng nhọc nhằn của cộng đồng người Việt tỵ nạn tại Thái Lan rồi cũng sẽ qua, bởi họ từng và đang sống đúng với lương tâm và trách nhiệm công dân với đất nước sản sinh ra họ. Chắc chắn rằng, những quốc gia dân chủ luôn tôn trọng và thực thi nhân quyền mạnh mẽ trên thế giới sẽ nhận ra điều này và không nỡ quay lưng lại với những con người Việt Nam dám trả giá trong cuộc sống để khẳng định niềm tin vào công lý dân chủ đang tạm trú tại Thái Lan.

0 comments:

Powered By Blogger