Monday, January 23, 2012

Tản mạn đầu năm

Việt Tâm



Hôm nay Tết Nguyên Đán Nhâm Thìn. Người Việt tha hương lại thêm một năm xa lìa tổ quốc. Chẳng gì cũng 37 năm trôi qua, xem ra cái món nợ giữa nhau vẫn chưa được cân bằng xóa sạch. Bên này, bên kia vẫn có một cái hố cách ngăn.

Người trong nước lúc nào cũng rêu rao mời gọi, khúc ruột ngàn dặm về xây dưng, thế nhưng thực sự họ làm trái ngược với lời. Tuy rằng, lúc này cái món “Việt Kiều” (tôi chúa kỵ với danh xưng này) xem ra chẳng còn lôi cuốn gì được ai nữa. So ra với người trong nước, nói chuyện toàn tiền tỷ với hàng trăm ngàn cây thì Việt Kiều chỉ ví như nhúm giẻ lau; song kêu gào được thì người ta vẫn gân cổ lên gọi. Dù gì những tờ xanh, tờ đỏ vẫn có mệnh giá nặng ký hơn những tờ polymer lần lần lạm phát.

Tôi không muốn có ý cò ý kiến gì về các việc ai ai làm với nhau, hoặc trên danh nghĩa cứu trợ gía đình, thân nhân, bạn bè, hoặc đầu tư, mở xí nghiệp, mua nhà mua cửa, kinh doanh đất, mở thầu. Đó là sở thích của mỗi người, ai ưng thì tự chọn. Kể cả những việc từ thiện hay đóng góp xây chỗ này chỗ khác cũng là nhân tâm tùy sở thích thôi.

Nhưng tôi muốn chuyện cũ nên bỏ buông cho trôi theo năm cùng, tháng tận. Năm mới ta lại “binh” đường khác, mới mẻ, nên mạo muội trút sạch tâm can ra cho xong. Chắc hẳn sẽ có nhiều người không lấy làm hài lòng, còn nặng lời, hoặc rủa xả là khác.

Bề gì cũng 37 năm, những người ra đi giữa chúng ta dù dưới bất cứ hoàn cảnh nào đi nữa thì cũng gọi là tạm sống hòa nhập với xã hội xứ người lâu hoặc mau rồi. Chúng ta đã bỏ xa những ngày thiếu thốn, lo sợ và dặt dè bưng miệng. Chúng ta được cưu mang tử tế, hưởng nhiều thứ mà tối thiểu những người trong nước dù có nằm mơ suốt đời cũng không có.

Bình tĩnh ta cứ suy xét đi. Có cái nhà thương nào ở bất cứ nơi đâu trên quê nhà được xem là tử tế đối xử với nhau, hay là chỉ chăm chăm đòi đóng đủ mọi khoản phí rồi mới chịu chữa chạy? Không có tiền thì cứ nằm đó chịu, tiền băng bông, viện phí, mua máu, chụp X quang, thử kiếm bệnh, làm sinh thiết, chưa đóng đủ thì mọi phục vụ coi như còn bỏ lửng.

Nói ra sẽ bị mang tiếng là phản động. Ngay dưới thời bị cai trị hay dưới thời gọi là “ngụy” ít ra còn có một kiểu nhà thương thí. Người đau cứ được cứu sống rồi sau chi trả thế nào sẽ tính sau. Bây giờ đi đâu cũng la liêt phường, khóm, tổ, thôn, ấp, nhà, gia đình, xí nghiệp, đoàn thể, tổ chức “văn hóa” mà hành động lại trái ngược hoàn toàn.

Thân nhân nuôi bệnh nằm lênh khênh ngoài hàng ba, vỉa hè bệnh viện đã đành, ngay bẹnh nhân cũng ít là 2 người chung một giường và đâu đâu cũng vội vội vàng vàng cho người bênh về để có chỗ cho người khác. Mở miệng là kêu như bộng tại, hoặc còn ron rỏn là do hậu quả chiến tranh để lại.

37 năm, bao nhiêu tiền của vừa do đủ mọi ngân hàng, tổ chức thế giới cho không hoặc để hoàn lại lâu dài mà sao những tối thiểu vẫn không làm nên được một chút! Đừng châm biếm chi xa, chỉ nhắc lại với nhau lới “Bác”, “đánh thắng giặc Mỹ xây dựng hơn mười ngày nay”. Ba lần mười năm rồi còn tệ hơn thời giặc Mỹ chưa rút.

Trong khi đó thì vô vàn công trình mở mang: cầu, hầm, hồ thủy điện, đường xá, cao ốc, lễ lạc ngốn không biết bao nhiêu của, nhưng thỉnh thoảng xì ra thì có gian dối ăn bớt, cốt tre. Tham nhũng mười mươi vẫn đủng đà đủng đỉnh xem xét. Nước ngoài nhốt đầu bao người trách nhiệm mà trong nước vẫn phây phây ngoan cô gân cổ cãi chờ điều tra xem đã. Chỉ khi bị dọa cắt hết ODA hoặc khoản vay sắp tới thì mới vấy vá gom một con dê tế thần cho xong chuyện.

Ở tù cũng dăm bảy kiểu ở tù, có người chịu án nhưng vẫn ở nhà, hoặc tù ngày nhưng đêm về ngủ nhà, hoặc nữa tù nhưng đủ máy sưởi, tủ lạnh thì ai không hám vào tù. Thử hỏi có công trình đấu thầu nào khơi khơi mà người thường dân trúng quả, hay trái lại, nếu không là phía Chúng Coóc thì cũng bộ hạ của anh Bảy, anh Năm.

Trên danh nghĩa, họ trúng nhưng lại giao hết A' này đến A'', hoặc đến B, C gì đó thì làm sao vốn không bị thất thoát. Dâng trên, xẻn dưới: xi măng, sắt chắc chắn là phải ăn gian nên chưa làm đã hỏng, chưa sử dụng bao lâu đã hư.

Hàng năm vẫn một bệnh cũ, các đập thủy điện tích nước, sợ trách nhiệm không dám mở xả, đến khi nước lũ tràn về lo gấp rút tháo tung, dân bò lóp ngóp, cửa nhà trôi, người mất tích, gia sản mất tiêu, trí trá rồi cũng huề. Chẳng một ai chịu trách nhiệm, chẳng một đồng đền bù, mà cứ thế “mỗi năm đến hẹn lại lên” dân đến khổ đến sợ vì giặc... nước.

Thủy điện lập vô vàn, từ đèo heo hút gió đến thị thành đông đân, vậy mà điện vẫn thiếu, vẫn cúp cắt, phải òn ỉ đi mua của Tàu và bị đôn giá, bị bắt chẹt tưng bừng lên hết. Hết nạn thua bạn lại đến tai trong nhà: lỗ cú kêu inh lỗ mà xí nghiệp quốc doanh vẫn một ngày một mở rộng.

Lương quan chức kếch sù, hàng trăm triệu/tháng, đánh đồng lộn lẹo rồi rêu rao là ai cũng được hưởng ơn mưa móc cả. Báo chí lật ra, mặt mày trơ tráo, chữ liêm sỉ bỏ rơi đâu mất rồi. Ác cái, việc tệ hại như thế mà vẫn được bù lỗ, sát sườn ngày Tết đến nơi, giá điện đột ngột tăng. Xăng dâu, ga nâú bếp cũng đua theo đâu chịu kém.

Thứ gì hễ có bàn tay quốc doanh mó vào là y như xảy ra nạn độc quyền, tự tung tự tác, dấm dúi chia chác nhau. Khi vỡ lở chỉ một câu xin lỗi và không ai chịu trách nhiệm cả, trách gì ai chẳng muốn giữ một vai trò làm thượng đế ngon ơ!

Nếu phải nói e rằng không bao giờ dứt. Ngày trước ta vẫn hoạt kê gọi những thứ kéo kẹo cao su là “chuyện dài nhân dân tự vệ”, còn bây giờ chuyện xảy ra ở bển còn vô tận như phim bộ xứ Hàn. Điếc tai, đau đầu, ể mông, chân mỏi, biểu sao thanh niên hổng rủ nhau tràn đìa ăn nhậu, ngồi quán chết thôi.

Có nơi nào giờ hành chính, công sở mà đâu đâu cũng thấy la cà người có sức lao động? Người ta còn dùng hàng quán, tụ điểm cà phê, ăn nhậu để tính việc áp phe. Dân nội tại đã hư còn kéo hỏng theo cả đối tác, lắm tay ngỡ ngàng khi được mời đến bàn bạc kinh doanh tại những nơi ô tạp đó.

Những điều người tha hương xăm xăm lo lắng cho bên nhà đã đúng chưa? Mà nào có phải từ của ăn, của để san xẻ cho nhau nói làm gì, đằng này có chỗ lắt léo bày nhau, vặt cho cạn cái bầu vú nuôi dưỡng để huênh hoang khoe làng khoe xóm.

Có về bên nhà một vài lần mới thấy đau. Ở đây muối mặt nhận mình bị vơ con bỏ rơi, không người chăm sóc, tháng tháng nhận trợ cấp (trong khi so với tiền con cháu cho thập bội nhiều hơn), hưởng tiền nhà, phiếu thực phẩm, bảo hiểm khám bệnh, có người chăm nuôi, có nhịn nhín xẻn dè để gom gom tuồn về lãng nhách!

Liệu có ai thấy áy náy vì những việc làm cà chớn này chăng?



© DCVOnline

0 comments:

Powered By Blogger