Saturday, January 7, 2012

TẠI SAO BANG GIAO MỸ - NGA BỊ XẤU ĐI ?



Chu chi Nam - Ngày 28/12 vừa qua, Bộ Ngoại giao Nga có ra một tài liệu được đăng tải trên phần lớn những bản tin của các hãng truyền thông quốc tế, theo đó : « Thực trạng Hoa Kỳ khác xa những lý tưởng mà Hoa Kỳ thường tuyên bố. » Đây là những lời tố cáo của Nga về chính sách ngoại giao Hoa kỳ, tôi xin tóm tắt như sau :

-Tại Guantanamo, Hoa kỳ đã giam giữ từ năm 2001 một số nghi can khủng bố, đã tra tấn và đánh đập họ. Việc làm này vẫn chưa chấm dứt như lời hứa của ông Obama.
- Lấy cớ chống khủng bố, qua đạo luật Patriot Act (Luật Yêu nước), chính phủ Hoa kỳ đã tự cho phép theo dõi đời sống riêng tư của người dân, nhất là những người theo đạo Hồi giáo.
- Trong vòng 30 năm qua, Hoa kỳ đã kết án tử hình 130 người trong đó có nhiều người bị oan ức.
- Hoa kỳ luôn tìm cách ngăn cản những ứng cử viên độc lập.
Trong bản Báo Cáo dài gần 90 trang, Bộ Ngoại giao Nga còn tố cáo cả Liên Hiệp quốc, Géorgie và Canada.
Từ đó nhiều nhà bình luận, báo chí cho rằng « Bang giao Nga Hoa Kỳ bỗng dưng trở nên xấu đi « .
Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu vấn đề này.
Thực ra thì chính trị ngoại giao đều có nguyên nhân gần và nguyên nhân sâu xa. Vấn đề « Bỗng dưng « là chỉ có tính chất báo chí giật gân, gây thị hiếu cho đọc giả, mà chúng ta không thể trách, vì vấn đề nghề nghiệp.
Vậy đâu là nguyên nhân gần và nguyên nhân sâu xa của trình trạng bang giao xấu đi giữa Hoa kỳ và Nga.
Nguyên nhân gần có thể là lời tuyên bố của bà Ngoại trưởng Hillary Clinton, cho rằng cuộc bầu cử ở Nga vừa qua là một cuộc bầu cử không trung thực, gian lận. Đây là giọt nước làm tràn li.
Tuy nhiên có rất nhiều nguyên nhân sâu xa.
Có thể bắt nguồn từ sự tranh giành ảnh hưởng của những đại cường quốc trên thế giới. Sự việc này là một sự việc muôn thưở, không phải chỉ có ngày hôm nay, mà là đã có từ thời rất xa xưa của lịch sử nhân loại, giữa những quốc gia.
Thật vậy, mặc dầu chiến tranh lạnh đã chấm dứt, nhưng sự tranh giành ảnh hưởng giữa Nga và Hoa kỳ vẫn tiếp tục, lúc thì âm thầm, tiềm ẩn, lúc thì bộc phát.
Tất nhiên sự tranh giành ảnh hưởng này không chỉ riêng Nga và Hoa Kỳ, mà còn có những cường quốc khác như Anh, Pháp, Nhật, Trung cộng. Ở đây tôi chỉ nói đến sự tranh giành ảnh hưởng giữa Nga và Mỹ, và một vài vùng tiêu biểu :
I ) Tranh giành ảnh hưởng tại những nước chung quanh Nga, ngày xưa là chư hầu của Liên Bang Sô Viết, sau khi đế quốc cộng sản Liên sô sụp đổ.
Thực vậy, sau khi đế quốc cộng sản Liên sô sụp đổ vào những năm 1989, 1990, các quốc gia chung quanh Nga nổi lên đòi độc lập, các cường quốc tây phương Anh, Pháp, Đức và nhất là Hoa Kỳ tìm cách tranh giành ảnh hưởng tại các tân quốc gia này. Tranh giành ảnh hưởng bằng cách giúp đỡ những tổ chức dân sự, không chính phủ gây ảnh hưởng trong dân và nhất là trong giới sĩ phu, trí thức, sinh viên, học sinh, nhằm vào những cuộc bầu cử, để đưa những đảng phái, tổ chức thân mình lên nắm chính quyền. Như vậy là đã cách nay hơn 20 năm, sự việc này càng ngày càng sáng tỏ, nhất là những tổ chức, những cá nhân, đứng sau là chính quyền hay những đảng phái, hoặc Cộng hòa, hay Dân chủ, đã ngấm ngầm làm việc này, đưa đến những cuộc cách mạng dân chủ ở những nước Đông Âu cũ, là thuộc địa của Liên sô trước đây. Chúng ta thấy có cách mạng Màu Hồng, cách mạng Màu Cam, cách mạng màu Chanh ở những nước này. Về cá nhân, chúng ta thấy tiêu biểu ông Georges Sorros, một tỷ phú Hoa Kỳ, gốc Do thái, người đã nổi tiếng trong việc trực tiếp hay gián tiếp gây ra cuộc khủng khoảng kinh tế tại Á châu vào những năm cuối thập niên 80, đầu 90, bắt đầu bằng Thái Lan, qua cuộc khủng khoảng thị trường chứng khoán, rồi lây sang những nước khác, ngay cả Nhật, làm cho kinh tế những « Con Rồng Á châu « , trong đó có Nhật, bị khó khăn hàng chục năm trời. Ông Sorros không ngần ngại tuyên bố rằng ông đã giúp những tổ chức sinh viên, học sinh ở những nước Đông Âu làm cách mạng dân chủ.
Tất nhiên Nga không thể bó tay đứng nhìn mình bị cô lập, mà phải tìm cách chống đỡ lại. Ở đây tôi không thể đi vào chi tiết hoàn cảnh chính trị cận đại những nước Đông Âu, nhưng một cách tổng quát chúng ta chỉ cần theo dõi 2 nước Ukhraine và Géorgie là cũng thấy rõ. Hai nước này, trong vòng 20 năm qua, chính quyền do dân bàu, nhưng có lúc thân Hoa Kỳ, có lúc trở lại thân Nga, là nói lên sự tranh giành ảnh hưởng của 2 cường quốc này tại đó.
I I ) Tranh giành ảnh hưởng tại các nước Trung Đông
Cuộc tranh giành ảnh hưởng của những siêu cường, đặc biệt là Nga Mỹ, không chỉ hạn chế ở Đông Âu, mà còn lan sang những vùng khác, nhất là ở Trung Đông, như chúng ta thấy gần đây qua những cuộc cách mạng dân chủ ở Tunisie, Ai cập, Lybie và đang diễn ra ở Syrie (1). Qua báo chí, các cơ quan truyền thông, chúng ta biết những cuộc cách mạng dân chủ xẩy ra ở Tunisie, Ai Cập, Lybie, đều có sự giúp đỡ trực tiếp hay gián tiếp của những cường quốc Mỹ, Anh, Pháp, Đức, để tranh giành ảnh hưởng với Nga và Trung cộng. Những chế độ độc tài của những nước này đều có những quan hệ thương mại, ngoại giao tốt với Nga và Trung cộng, vì 2 nước này không cần đếm xỉa tới dân chủ hay không dân chủ, chỉ cần buôn bán có lời, xuất cảng nhiều. Chính vì vậy mà càng ngày càng có hại cho những cường quốc tây phương. Trước tình thế đó, các nước tây phương phải có phản ứng lại.
Chúng ta chỉ cần lấy trường hợp điển hình của việc lật đổ nhà độc tài Kadhafi ở Lybie thì rõ. Kadhafi sau này có ký những hiệp ước thương mại rất lớn với Nga và Trung cộng. Trung cộng có cả đến 30 đến 40 ngàn nhân viên làm việc ở Lybie. Sau cuộc lật đổ Khadaphie, những quyền lợi kinh tế của Nga và Trung cộng gần như bị đổ xuống sông, xuống biển.
Cuộc lật đổ Kadhafi có tính cách trực tiếp hơn, có Nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp quốc, có sự tham dự của Tổ chức Bắc Đại Tây Dương ( OTAN), có sự tham chiến, mặc dầu là không quân, của Anh, Pháp, Mỹ, Ý v.v…
Nhưng trước đó, 2 cuộc lật đổ chế độ độc tài ở Tunisie và Ai Cập, thì có vẻ gián tiếp hơn. Tuy nhiên những tổ chức vô chính phủ, những cá nhân, những tổ chức nghiên cứu chính trị của Hoa Kỳ giữ một phần không thiếu quan trọng.
Chính những tổ chức nghiên cứu chính trị Hoa Kỳ đã mở những khóa học tập chính trị, cách mạng không bạo động cho sinh viên học sinh ở ngay thủ đô Le Caire, Ai cập, trước đó. Những sinh viên học sinh biểu tình đã lấy quyển sách Từ Độc tài tới dân chủ ( From Dictatorship to Democracy) của nhà nghiên cứu Gene Sharp, thuộc viện Albert Einstein, một viện nghiên cứu về chính trị của Hoa Kỳ, làm quyển sách gối đầu giường. Ngay trong thời gian xẩy ra biểu tình, có những sinh viên dùng đèn cầy dưới những tấm bạt, ban đêm, để đọc quyển sách này, như chính họ tường thuật qua báo chí.
I I I ) Tranh giành ảnh hưởng tại biển Đông
Tất nhiên cuộc tranh giành ảnh hưởng không phải chỉ ở Đông Âu và Trung Đông mà đã chuyển mình qua Châu Á Thái bình dương. Hai cuộc họp quan trọng ở Hawaï, tiểu bang của Hoa Kỳ và ở Bali, thuộc Nam dương, đều có mặt của Tổng thống Obama, đã chứng tỏ điều này, vì trục kinh tế thế giới đã chuyển mình từ Âu Châu, Mỹ châu qua Á châu, vì Hoa kỳ đang gặp khó khăn kinh tế, tăng trưởng thấp, nợ cao, Âu châu cũng vậy và còn hơn Hoa Kỳ. Những cuộc họp Thượng Đỉnh Âu châu, lúc đầu để cứu nước Hy lạp, sau đó để cứu đồng Euro, đã chứng minh sự kiện này.
Và khi nói tới kinh tế thì phải nói đến sự vận chuyển hàng hóa, trong đó đường hàng hải giữ một vai trò quan trọng, chiếm tới 80% cuả vận chuyển hàng hóa thế giới.
Tất nhiên như vậy, biển Đông hay đúng ra biển Đông Nam Á, sẽ giữ một vai trò quan trọng trong nền kinh tế thế giới mai sau. Những cường quốc tây phương, đặc biệt là Mỹ, Anh, Pháp, Đức không thể nào cho phép một cường quốc khác khống chế biển này. Cuộc tranh chấp giành ảnh hưởng ở vùng biển này chưa xảy ra một cách mạnh mẽ, công khai, nhưng đã ngấm ngầm từ lâu.
IV ) Tranh giành ảnh hưởng ý thức hệ
Những cuộc tranh chấp, giành ảnh hưởng này, nhiều khi mang màu sắc ý thức hệ. Những cường quốc tây Âu, đặc biệt là Hoa kỳ, đã tố cáo những cường quốc cộng sản như Trung cộng hay cộng sản cũ như Nga là độc tài, giúp đỡ những chế độ độc tài và những tổ chức khủng bố.
Hoa kỳ nhân danh ý thức hệ dân chủ và chống khủng bố để can thiệp vào thế giới.
Chính vì lẽ đó mà có bản Tuyên Bố của Bộ Ngoại giao Nga vào ngày 28/12 vừa qua với lời lẽ:
“ Thực trạng Hoa Kỳ khác xa với những lý lẽ mà Hoa kỳ thường tuyên bố.”
V ) Tranh giành thị trường kinh tế để được đắc cử và để sống còn.
Ngoài vấn đề ý thức hệ, còn có vấn đề kinh tế và bầu cử của Âu châu và Hoa Kỳ.
Thực vậy, vấn đề bầu cử giữ một vai trò quan trọng trong chính sách chính trị, kinh tế của một quốc gia dân chủ. Ở Pháp là vào tháng 4/2012, ở Hoa kỳ là vào cuối năm 2012 và ở Đức vào khoảng giữa năm 2013. Nếu kinh tế Âu châu, đặc biệt là Đức, Pháp, và Hoa Kỳ, không được vực dậy, thì Tổng thống Sarkozy của Pháp, bà Thủ tướng Merkell của Đức, Tổng thống Obama của Hoa Kỳ khó có thể tái đắc cử, vì họ biết rất rõ là kinh tế quốc nội quyết định trong những cuộc bầu cử.
Tuy nhiên ngày hôm nay kinh tế quốc nội và quốc ngoại liên quan mật thiết với nhau. Cán cân mậu dịch mà cứ bị thâm thủng thì kinh tế không thể vực dậy, và nợ quốc gia càng ngày càng tăng. Đây là một phương trình khó giải, nếu không muốn nói là có tính cách sống còn cho Hoa Kỳ và những cường quốc Âu châu.
Làm bất cứ giá nào cũng phải giải quyết phương trình này. Chỉ còn có cách là tăng cường ảnh hưởng chính trị và ngay cả quân sự trên thế giới để hổ trợ cho kinh tế xuất cảng.
Một thí dụ rõ ràng đó là qua 2 Hội nghị Thượng đỉnh Á, Úc châu và châu Mỹ gần đây ở Hawaï và Bali, Hoa kỳ đã tìm cách gây ảnh hưởng chính trị để thúc đẩy trao đổi thương mại, “ Gia tăng gấp 5 lần trong tương lai “, như lời tuyên bố của ông Obama. Bằng chứng khác là sau 2 Hội Nghị này, nước Nam Dương đã mua 230 chiếc Boeing của Hoa Kỳ, với 21 tỷ $. Và về kinh tế, mỗi tỷ $ có thể tạo ra 100 000 công ăn việc làm cho dân. Kinh tế quốc nội bị liên hệ với chính sách ngoại giao và ảnh hưởng chính trị trên thế giới là vậy.
Ở trên đời này không có cái gì là hoàn hảo tuyệt đối. Chế độ chính trị dân chủ cũng vậy. Nói như Churchill: “ Chế độ dân chủ là một chế độ không hoàn hảo, nhưng là một chế độ giúp tránh được nhiều nhất những lạm dụng và sai lầm.”
Nếu đứng trên phương diện tuyệt đối, thì nền chính trị dân chủ Hoa kỳ có những thiếu xót, mà Bản Tuyên Bố gần đây của Bộ Ngoại Giao Nga nói lên rất đúng. Nhưng nói về tương đối, thì nền dân chủ Hoa Kỳ vẫn là một thể chế chính trị khá nhất hiện nay, khá hơn Nga và Trung Cộng. Chúng ta lấy thí dụ ở Trung cộng, không có một tý gì là tự do, nhất là tự do ngôn luận. Ở Nga cũng vậy. Có bầu cử, nhưng là bầu cử gian lận. Nguyên sự kiện ông Thủ tướng Nga Putin, đã làm Tổng Thống 2 nhiệm kỳ, sau đó đưa tay em ra làm tổng thống, mình lui về làm thủ tướng, nay muốn ra tranh cử lại tổng thống. Sự kiện này không thể nào xẩy ra ở Hoa Kỳ và những nước dân chủ thực sự.
Paris ngày 7/01/2012
Chu chi Nam
(1) Xin đọc thêm những bài về Hoa Kỳ và Cách mạng Hoa Lài, trênhttp://perso.orange.fr/chuchinam/

0 comments:

Powered By Blogger