Monday, January 16, 2012

PHONG TỤC NGÀY TẾT ÂM LỊCH : CHUẨN BỊ ĐÓN TẾT

CHUẨN BỊ ĐÓN TẾT


Đi thăm mộ tổ tiên

Từ ngày 23 cho đến chiều 30 tháng Chạp, con cháu trong gia tộc tề tựu đông đủ và cùng đi thăm và quét dọn mồ mã tổ tiên. Mỗi gia đình đều đem theo hương đèn, hoa quả để cúng, mời vong linh tổ tiên về ăn Tết với con cháu

Đưa Táo quân về trời


Tục đưa Táo quân về trời để răn dạy con người tự giữ gìn hạnh kiểm vì mọi việc làm của con người đều được trình báo với Ngọc Hoàng. Ngày 23 tháng Chạp, mỗi nhà đều làm cơm, cúng tiễn Táo quân về trời. Ngoài mâm cơm với các món ăn tươm tất (tùy gia đình giàu, nghèo), còn có mũ và áo mã (bằng giấy) để Táo quân mặc và một hoặc ba con cá chép thả trong chậu nước để Táo quân cưỡi về thiên đình.

Tống cựu nghinh tân



Cuối năm quét dọn sạch sẽ nhà cửa, cùng hàng xóm vệ sinh nhà thờ, đường xóm, tắm giặt, mua sắm quần áo mới và mọi thứ thức ăn, vận dụng trong ngày tết...
Nhiều gia đình nhắc nhở, dặn dò con cháu từ phút giao thừa trở đi, không cãi cọ nhau, không vứt rác bừa bãi, không nghịch ngợm, trách phạt nhau.... Đối với hàng xóm láng giềng, trong năm cũ có điều gì không hay không phải đều xuý xoá hết, tất cả mọi người dù lạ dù quen, sau phút giao thừa đều niềm nở, vui vẻ và chúc nhau những điều tốt lành.

Quà tết, lễ tết

Việc biếu quà tết có ý nghĩa tỏ ân nghĩa tình cảm, con rể tết bố mẹ vợ, học trò tết thầy giáo, bệnh nhân tết thầy thuốc... Quà biếu, quà tết đó không đánh giá theo giá trị thị trường, nhưng cũng đừng nên gò bó, câu nệ sẽ hạn chế tình cảm: không có quà ngại không dám đến.

Mâm ngũ quả



Ngày Tết, gia đình nào cũng có mâm ngũ quả dâng lên bàn thờ tổ tiên, ông bà. Mâm ngũ quả bên cành đào, câu đối đỏ, bức tranh Tết, bánh chưng xanh... tạo nên khung cảnh ấm áp của mỗi gia đình khi Tết đến xuân về.
Không biết phong tục này có từ bao giờ, phải chăng vì đất nước ta vốn bốn mùa hoa trái, nhất là vào mùa Xuân hoa quả càng rộ . Hoa qủa là lộc của thiên nhiên, đất trời. Lộc Xuân càng quý. Dâng lộc trời, cúng ông bà, tổ tiên trong những ngày đầu Xuân thật là một tục lệ đẹp đẽ đầy nét nhân văn.
Cứ vào khoảng 28 tháng Chạp âm lịch thì nhà nhà đều cho bày biện một mâm ngũ quả kèm với nhiều sản vật khác trên bàn thờ. Mâm ngũ quả thường bày trên một cái mâm bằng gỗ tiện, sơn son, có chân, gọi là mâm bồng. Nếu không có mâm bòng, có thể bày trên một cái đĩa to, nhưng phải đặt trên chồng bánh chưng để tạo dáng cao, uy nghiêm, thành kính.
Mâm ngũ quả có 5 loại. Tại sao lại 5? Theo các vị cao niên, am tường về Nho giáo thì xuất xứ của mâm ngũ quả có liên quan đến quan niệm triết lý Khổng giáo của phương Ðông, thế giới được tạo nên từ năm bản nguyên - gọi là "ngũ hành": Kim - Mộc - Thuỷ - Hỏa - Thổ, nghĩa là 5 yếu tố cấu thành vũ trụ.
Còn theo quan niệm của dân gian thì "quả" (trái cây) được xem như biểu tượng cho thành quả lao động một năm. Ông cha ta chọn 5 loại trái cây để cúng đêm giao thừa là ngụ ý rằng : Những sản vật này đựơc kết tinh từ công sức, mồ hôi, nước mắt của con người lao động, kính dâng lên đất trời, thần thánh trong giờ phút linh thiêng của vũ trụ vạn vật sinh tồn. Tư tưởng, hình ảnh ấy đã ăn sâu và tâm thức của người Việt Nam bao đời nay.
Ðã gọi là ngũ quả thì nhất thiết phải là 5 loại quả. Nhưng các vùng,các miền do mùa xuân hoa trái khác nhau, nên mâm ngũ quả cũng khác nhau như:chuối, bưởi, phật thủ, dưa hấu, cam, quýt, dừa, na, hồng xiêm, táo...
Mỗi quả mang một ý nghĩa:
- Chuối - phật thủ: như bàn tay che chở.
- Bưởi - dưa hấu: căng tròn, mát lành, hứa hẹn năm mới đầy ngọt ngào, may mắn.
- Hồng - quýt: rực lên màu sắc mạnh mẽ, tượng trưng cho sự thành đạt.
- Ở vùng Thủ Dầu Một, ngày Tết hầu như nhà nào cũng có mâm lễ: Long - Lân - Quy - Phụng. Kết từ hoa quả - tứ linh hoàn toàn mang tính hình tượng như hoa quả kết thành "vật thực", thể hiện lòng thành của con cháu tưởng nhớ gia tiên, cảm tạ ơn trời, ơn đất.
Mâm ngũ quả trong Nam cũng khác so với ngoài Bắc. Trên mâm ngũ quả ở ngoài Bắc thường có : Bưởi, đào, quýt, chuối, hồng. Có khi người ta thay bưởi bằng phật thủ hoặc lựu Mâm ngũ quả trong Nam vẫn cứ giữ nguyên truyền thống là mãng cầu, sung, dừa xiêm, đu đủ, xoài mà các bà thường quan niệm sơ đẳng là "cầu - sung - vừa - đủ - xài".
Một mâm ngũ quả được bày dưới cùng là một nải chuối to già còn xanh, nải chuối đều, hoặc 2 nải chuối nhỏ ghép bên nhau như một chiếc bệ cong gồm 2 tầng nâng đỡ hoàn toàn hoa trái khác. ở đây có sự phối hợp màu sắc, mâm ngũ quả đẹp là đủ màu sắc rực rỡ. Chính giữa bệ mâm xanh sẫm, trước đây bày quả phật thủ .
Ngày nay ít trồng phật thủ nên thường thay bằng quả bưởi to, càng to càng đẹp. Bưởi chín vàng, tươi nổi bật trên bệ chuối màu xanh. Những quả chín đỏ đặt xung quanh, những chỗ khuyết dưới đặt xen kẽ quýt vàng và táo màu xanh ngọc, còn bao nhiêu lá xanh cố tình để sót lại ở cuống quả như hoàn thiện những nét trang trí cuối cùng.
Vài năm gần đây, mâm ngũ quả cúng Tết đã có nhiều thay đổi nó không còn ngũ quả nữa mà đã trở thành "lục, thất, bát... quả" vì bên cạnh có thêm những đặc sản cao cấp như: nho, lê, táo... tùy theo cách nghĩ và túi tiền của mỗi gia đình.
Mâm ngũ quả đã làm quang cảnh ngày Tết và không gian cúng thêm phần ấm áp, rực rỡ mà hài hoà. Nó thể hiện sinh động ý tưởng triết lý - tín ngưỡng - thẩm mỹ ngày Tết. Tìm hiểu về mâm ngũ quả cũng là tìm hiểu về nguồn gốc, lịch sử, truyền thống tốt đẹp để chúng ta nhớ lại ông bà, tổ tiên.

ĐÓN TẾT

Cúng giao thừa ngoài trời



Dân tộc nào cũng coi phút giao thừa là thiêng liêng. Các cụ ta quan niệm: Mỗi năm Thiên Đình lại thay toàn bộ quan quân trông nom thiên hạ dưới hạ giới, đứng đầu là một ngài có vị trí như quan toàn quyền. Và các cụ hình dung phút giao thừa là lúc bàn giao các quan quân quản hạ giới hết hạn kéo về trời và quan quân mới được cử thì ào ạt kéo xuống hạ giới tiếp quản thiên hạ.
Những phút ấy, các gia đình đưa xôi gà, bánh trái, hoa quả... ra ngoài trời cúng, với lòng thành tiễn đưa người nhà trời cai quản mình năm cũ và đón người nhà trời mới xuống làm nhiệm vụ cai quản hạ giới năm tới để mong các quan phù hộ cho một năm mới mọi sự tốt lành.

Hái lộc, xông nhà, chúc tết, mừng tuổi



Ai cũng hy vọng một năm mới tài lộc dồi dào, làm ăn thịnh vượng, mạnh khoẻ tiến bộ, thành đặt hơn năm cũ. Lộc tự nhiên đến càng sớm càng tốt, nhưng nhiều nhà chủ tự đi hái lộc (chỉ là một cành non ở đình chùa, ở chốn nghiêm trang về nhà), tự mình xông nhà hoặc dặn trước người "nhẹ vía" mà mình thích đến xông nhà.
Đáng lẽ sáng mồng một đông vui lại hoá ra ít khách, không ai dám đi đến nhà khác sớm, sợ trong năm mới gia đình người ta xảy ra chuyện gì không hay lại đổ tại mình "nặng vía", vì tục xông nhà chỉ tính người đầu tiên đến nhà, từ người thứ hai trở đi không tính.
Sau giao thừa có tục mừng tuổi chúc tết. Trước hết con cháu mừng tuổi ông bà, cha mẹ. ông bà, cha mẹ cũng chuẩn bị một ít tiền để mừng tuổi cho con cháu trong nhà và con cháu hàng xóm làng giềng, bạn bè thân thích, đồng thời chúc nhau những lời chúc tốt đẹp. Người nào thích điều gì thì chúc điều đó, chúc sức khoẻ là phổ biến nhất, luôn hướng tới sự tốt lành và kiêng nói tới những điều rủi ro hoặc xấu xa.
Quanh năm làm ăn vất vả, ít có điều kiện qua lại hỏi thăm nhau, nhân ngày lễ tết đến chúc mừng nhau, gắn bó tình cảm. Nhiều nhà, hễ đến chúc tết nhau nhất thiết phải nâng ly rượu, nếm vài món thức ăn gì đó chủ mới vui lòng, năm mới từ chối sợ bị "giông" cả năm.
Cũng vào dịp đầu xuân, người có chức tước khai ấn, học trò sẽ khai bút, nhà nông khai canh, thợ thủ công khai công, người buôn bán mở cửa hàng lấy ngày. Sau ngày mồng Một, tất cả " Tứ dân bách nghệ " đều chọn ngày "khai nghề", nếu mồng Một là ngày tốt thì chiều mồng một đã bắt đầu, riêng khai bút thì giao thừa xong chọn giờ hoàng đạo thì bắt đầu.

NHỮNG PHONG TỤC ĐẦU NĂM

Tết Nguyên Đán là thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới và là dịp để mọi người cầu chúc những điều tốt lành, may mắn cho nhau. Chính vì vậy, trong những ngày đầu năm, theo phong tục từ xưa, mọi người thường làm những việc như chọn người xông đất, lì xì, xuất hành hái lộc và thăm viếng họ hàng với mong muốn một năm mới suôn sẻ.

Xông Đất Tân Niên

Xông đất (Miền Bắc gọi là "xông đất", nhưng miền Trung dùng đúng tên cổ tục này là "đạp đất".) Người Việt quan niệm ngày mồng Một Tết, nếu mọi việc xảy ra suôn sẻ, may mắn thì cả năm cũng sẽ được tốt lành thuận lợi. Người khách đến thăm nhà đầu tiên trong một năm cũng vì thế mà quan trọng. Cho nên cứ cuối năm, mọi người cố ý tìm xem những người trong bà con hay láng giềng có tính vui vẻ, linh hoạt, đạo đức và thành công để nhờ sang thăm.
Người đến xông đất thường chỉ đến thăm, chúc tết chừng năm mười phút chứ không ở lại lâu, hầu cho mọi việc trong năm của chủ nhà cũng được trôi chảy thông suốt. Người đi xông đất xong có niềm vui vì đã làm được việc phước, người được xông đất cũng sung sướng vì tin tưởng gia đạo mình sẽ may mắn trong suốt năm tới.
Thời xưa chỉ có 2 cách chọn người tốt vía xông đất ngày đầu năm. Kẻ làm quan, người có học chọn người xông đất có tuồi hợp tuổi với chủ nhà. Người xông đất phải là đàn ông trụ cột trong gia đình. Đối với người dân lao động thì đơn giản hơn nhiều: Người được chọn xông đất phải khoẻ mạnh, tốt tính, và gia cảnh khấm khá, hoà thuận.
Chúc Tết: Sáng mồng Một Tết còn gọi là ngày Chính đán, con cháu tụ họp ở nhà tộc trưởng để lễ Tổ Tiên và chúc tết ông bà, các bậc huynh trưởng. Theo quan niệm, cứ năm mới tới, mỗi người tăng lên một tuổị, bởi vậy ngày mồng Một Tết là ngày con cháu "chúc thọ" ông bà và các bậc cao niên (ngày xưa, các cụ thường không nhớ rõ ngày tháng sinh nên chỉ biết Tết đến là thêm 1 tuổi).

Lì Xì Tân Niên



Lì xì ( 利是 , phát âm theo người Quảng Đông: lishi): người lớn thường tặng trẻ em tiền bỏ trong một bao giấy đỏ, hay "hồng bao", gọi là "lì xì" với những lời chúc mừng ăn no, chóng lớn. Theo cổ tích Trung Quốc thì trong "hồng bao" có 8 đồng tiền (là Bát Tiên hoá thân) được đặt dưới gối đứa trẻ để xua đuổi quỷ đến quấy nhiễu.

Xuất hành và Hái Lộc

"Xuất hành" là đi ra khỏi nhà trong ngày đầu năm để đi tìm cái may mắn cho mình và gia đình. Trước khi xuất hành, người ta phải chọn ngày, giờ và các phương hướng tốt để mong gặp được các quý thần, tài thần, hỉ thần... Nếu xuất hành ra chùa hay đền, sau khi lễ bái, người Việt còn có tục bẻ lấy một "cành lộc" để mang về nhà lấy may, lấy phước. Đó là tục "hái lộc". Cành lộc là một cành đa nhỏ hay cành đề, cành si... là những loại cây quanh năm tươi tốt và nẩy lộc. Tục hái lộc ở các nơi đền, chùa ngụ ý xin hưởng chút lộc của Thần, Phật ban cho nhân năm mới. Cành lộc thường đem về cắm ở bàn thờ. Khác với miền Bắc, miền Trung không có tục hái lộc đầu năm nhờ thế mà cây cối trong các đền chùa ở miền Trung vẫn giữ nguyên lá xanh biếc suốt cả mùa xuân.

Tân Niên Thăm Viếng Họ Hàng

Để gắn kết tình cảm già đình họ hàng v.v. Lời chúc tết thường là sức khoẻ, phát tài phát lộc, gặp nhiều may mắn, mọi ước muốn đều thành công...; những người năm cũ gặp rủi ro thì động viên nhau "tai qua nạn khỏi" hay "của đi thay người" nghĩa là trong cái họa cũng tìm thấy cái phúc, hướng về sự tốt lành.

MỘT SỐ PHONG TỤC KHÁC

Khai bút đầu xuân



Đầu năm, người Việt kiêng cữ rất kỹ từng lời ăn tiếng nói. Các học giả còn cẩn trọng đến từng nét chữ, câu văn, nên các cụ mượn khói hương nghi ngút và xác pháo đỏ hồng của ngày đầu năm để làm lễ khai bút. Nhân thi hứng đó, các cụ làm thơ bằng chữ Hán hay chữ Nôm và viết lên giấy điều (là loại giấy màu đỏ). Các bài thơ thường mang nội dung tán dương thiên nhiên hay mang lời chúc lành cho năm mới.
Đối với học trò, tục khai bút đầu xuân tượng trưng cho lòng hiếu học của dân Việt. Học sinh Việt Nam cũng tin rằng khai bút đầu xuân đem văn hay chữ tốt đến với họ trong năm mới.

Câu đối



Câu đối thực ra gồm hai câu có số chữ bằng nhau và đối chọi nhau cả về lời lẫn ý. Khi Hán học còn thịnh hành ở Việt Nam, câu đối được cả giới trí thức lẫn giới bình dân ưa chuộng. Ngày Tết, người ta treo chúng lên hai bên nhà để khách đến thăm cùng thưởng lãm với chủ. Câu đối được viết lên hai dải giấy điều bằng mực Tầu nhũ kim (loại mực lấp lánh vàng hay bạc). Người viết câu đối thường là các ông thầy đồ già trong làng, vốn có chữ tốt văn hay lại thêm tài viết chữ đẹp. Nội dung câu đối Tết là những lời chúc lành đầu năm. Sau này, câu đối không còn thịnh hành hay mang giá trị văn học nghệ thuật nữa mà chỉ được xem như món hàng trang trí cho vui nhà trong những ngày xuân.

Tranh Tết



Để trang hoàng nhà cửa vào dịp Tết cho sinh động hơn, người Việt chọn mua vài bức tranh Đông Hồ treo trong nhà. Tranh Đông Hồ là đặc sản của làng Đông Hồ, một làng nhỏ miền Bắc nước Việt.
Tranh được in từ những ấn bản gỗ lên giấy dó (loại giấy xốp, bền, và mịn, làm từ vỏ một thứ cây leo tên là "dó"). Mực in tranh được pha chế bằng toàn chất liệu thiên nhiên: màu đen từ tro của lá tre, màu trắng từ vỏ trứng, màu xanh từ lá chàm, màu đỏ từ quả mồng tơi, v. v.
Tranh diễn tả lại những điển tích, truyện thần thoại, hoặc biến cố lịch sử một cách hóm hỉnh, thông thường qua việc nhân cách hóa các động vật. Bức "Gà Đàn," chẳng hạn, vẽ một bầy gà con, tượng trưng cho lời chúc "con cháu đầy đàn," hay bức "Đại Cát," vẽ một anh gà trống uy nghi, tượng trưng cho lời chúc "an khang" nhân ngày đầu năm. Tranh Tết, nhất là tranh Đông Hồ, làm tăng thêm sự thanh lịch của gian phòng khách và chắc cũng bộc lộ trình độ hiểu biết nghệ thuật của chủ nhà đôi chút.

Mai và Đào



Hoa là món trang trí không thể thiếu trong mỗi dịp lễ hội Việt Nam. Ở miền Bắc, hoa đào nở rộ mỗi dịp xuân về. Ở miền Nam, hoa mai cũng đua sắc. Vì thế, mai và đào là hai loại hoa đặc trưng cho ngày Tết.
- Hoa mai trưng vào dịp Tết là giống mai vàng, trổ thành từng khóm nhỏ trên cành cây mong manh cạnh những lộc non mơn mởn.
- Hoa đào màu hồng, cũng trổ thành khóm, thuộc giống bích đào (chỉ có hoa, không đậu quả) mới quý. Nhiều gia đình tin rằng những cành mai, đào nở rộ tươi tốt vào sáng mùng Một Tết sẽ đem lại sự thịnh vượng cho cả năm.

Đốt pháo



Ngày xưa, dưới thôn quê, người ta tin rằng tiếng pháo trừ khử được ma quỷ và mang lại hạnh phúc cho dân làng. Lâu rồi thành tục. Ngày nay, tuy chỉ còn một số người tin vào việc trừ khử tà ma kiểu này, nhà nào cũng đốt pháo từ đêm giao thừa sang sáng mùng Một, mùng Hai, mùng Ba để đón vong hồn tổ tiên về ăn Tết, đón khách tới chơi, và đón khí xuân vào nhà. Đôi khi, đến mùng Mười vẫn nghe tiếng pháo lách tách ở xóm trên xóm dưới. Tiếng nổ đì đùng, vui tai của pháo phản ảnh sự tưng bừng nhộn nhịp của ngày Tết, và người ta tin rằng màu hồng thắm của xác pháo tượng trưng cho những điều may mắn.
Đúng giao thừa (tức là thời điểm giao hòa giữa 12 giờ đêm 30 tháng Chạp của năm cũ) với rạng sáng mùng Một của năm mới, nhà nhà nhất loạt châm ngòi đốt pháo. Pháo tiểu, pháo trung, pháo đại đồng thanh nổ đùng đùng, dòn dã.
Tiếc thay, những năm gần đây pháo lại không được đốt nên những bạn trẻ thế hệ 9x không được nghe âm thanh râm ran, ấm áp của pháo và không cảm nhận thấy Tết là mùi của thuốc pháo quyện mùi hương trầm trong lất phất mưa phùn tạo thành thành nét đặc trưng của hương vị ngày Tết .
Ngày Tết, dân tộc ta có nhiều phong tục hay như khai bút, khai canh, hái lộc, chúc Tết, du xuân, mừng thọ.... Từ già đến trẻ ai cũng biết, ngày tết trong nhà ít nhất cũng phải có cành hoa, bánh trưng, chai rượu, mâm quả...

TRÒ CHƠI DÂN GIAN NGÀY TẾT

So với những dịp lễ hội, trò chơi ngày tết có phần đặc biệt hơn. Vào dịp Tết Nguyên Đán ở cả ba miền trước đây, thường phổ biến một số trò chơi trong ngày Tết của người Việt, là những trò chơi dân gian đã được hình thành từ lâu đời ở các làng quê Việt Nam hiện nay dường như đã bị mai một...

Chơi đáo



Là trò chơi rất phổ biến ở khắp các vùng quê xưa. Thú vui đánh đáo không chỉ hấp dẫn trẻ em mà cả đối với người lớn bởi nó thể hiện sự khéo léo của người chơi và lại còn có tâm lý ăn thua kích thích dù chỉ là rất ít. Ngày Tết, trẻ em được người lớn mừng tuổi một ít tiền và cũng được phép tiêu tiền nên dùng nó vào các trò chơi như đánh đáo rất hấp dẫn.
Trò chơi rất đơn giản trên một bãi đất bằng phẳng. Tùy theo quy định của người chơi mà khoét lỗ. Dễ thì khoét lỗ to, khó thì khoét lỗ nhỏ. Ngoài lỗ đáo là vạch quy định để từ đó người chơi đứng ném tiền xu về phía lỗ đáo. Vạch này xa hay gần lỗ đáo cũng do những người chơi tự quy định, càng xa thì càng khó. Đồng xu nào trúng vào lỗ thì người ấy được ăn. Cứ như vậy, lần lượt tới người tiếp theo, đến khi nào không còn xu nữa thì hết ván...

Chơi đu



Từ trong Tết bên cạnh đình hay một thửa ruộng rộng rãi, khô ráo người ta chuẩn bị các cột đu. Họ chọn cây tre to, dài, để trồng đu. Một cây đu có thể được trồng bởi 4-6 cây tre to. Cần đu cũng là những cây tre dài nhưng thon nhỏ, thường phải là tre đực) để lúc người đu nắm vào cho gọn và chắc tránh xảy ra trượt hay tuột tay lúc đu nhanh, mạnh. Tùy theo sở thích mà người ta đu một hay đu đôi. Khi một người lên cần đu có thể nhờ một người khác đẩy cho mình có đà. Sau đó là tự người đu nhún tùy ý. Đẹp nhất là đu đôi, các đôi trai gái ưng ý lựa chọn nhau lên đu, người nhún người đẩy.Tài năng và lòng dũng cảm của các chàng trai cô gái được phô bày ở đây như dịp tự thể hiện bản thân. Hồ Xuân Hương đã miêu tả trò chơi đu rằng :
"Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới
Đôi hàng chân ngọc duỗi song song”

Leo cầu lấy thưởng



Trò chơi rất đơn giản mà không kém phần thú vị. Người ta lựa chọn một bờ đất cao trên một hố đất rộng, bắc một đoạn tre làm cầu. Đoạn tre ấy một đầu nằm ghếch trên bờ đất, đầu kia buộc vào sợi thừng hay chão, dây buộc vào chiếc cột chôn vững chắc. Làm sao để chiếc cầu đung đưa khó đi. Người ta treo giải thưởng trên cột. Đến lượt ai, người đó leo cầu lấy thưởng. Có người mới leo được vài bước thì đã té xuống ao. Có người ra tới mút đầu cầu lấy được thăng bằng nhưng khi với tay lấy giải thưởng thì loạng choạng lăn tùm xuống ao. Cuộc chơi càng hấp dẫn và kích thích sự hiếu thắng của mọi người.

Đấu vật


Đấu vật là một trò chơi thượng võ, cũng là một môn thể thao rất nổi tiếng vào các dịp Tết dịp Hội. ở Việt Nam ngoài đấu vật ngày Tết còn có nhiều hội vật Làng Sình, Liễu Đôi, Hà Nam, Mai Động... Xưa ở vùng Bắc Ninh, Phú Thọ có những lò vật và những đô vật nổi tiếng cả một vùng. Để khuyến khích tài năng cũng như sự rèn luyện của trai tráng, nhiều làng xã đã treo giải vật rất cao trong 3 ngày tết. Tục xưa người ta trao giải bằng tiền, bằng mâm đồng, nồi đồng hay một số thứ khác. Quy định chung của cuộc đấu là người chiến thắng phải vật cho đối phương thua trắng bụng (ngã ngửa ra đất) hay nhấc bổng được đối phương lên. Trong môn vật này không chỉ đòi hỏi sức khỏe mà sự mưu trí và nhanh nhẹn đóng góp phần đáng kể. Về kỹ thuật cũng có những "miếng" riêng của nó như đệm, bốc, ghì... mà tùy theo từng hoàn cảnh và điều kiện đô vật phải biết lợi dụng triệt để các thời cơ quật ngã hay bê bổng đối phương.

Kéo co



Là một trò chơi thu hút được rất nhiều người cùng tham gia, vừa có tác dụng rèn luyện sức khỏe, lại vừa vui vẻ, thoải mái. Nó đã trở thành trò chơi tập thể, phong tục phổ biến ở nhiều nơi trong nước ta. Cách chơi đơn giản, số người chơi bao nhiêu tùy ý, chia làm 2 phe bằng nhau, làm mốc đánh dấu vạch vôi để bên nào kéo được đối phương sang qua vạch mốc bên kia là bên đó thắng.

Chọi gà


Là một thú chơi tao nhã, vừa có tính tiêu khiển lại vừa khuyến khích việc chăn nuôi của nhà nông xưa. Đó là một thú chơi mà hầu hết ở các ngày Tết, ngày hội đều có. Nhiều làng nổi tiếng vì chơi gà chọi như Đình Bảng (Bắc Ninh),Thổ Hà, Yên Phụ (Yên Phong) hay một số nơi khác ở cả 3 miền Trung, Nam, Bắc đều có.
Trò chơi chọi gà đòi hỏi một sự kỳ công lớn của người nuôi từ việc chọn gà giống phải là gà chọi "nhà nòi"! Lựa chọn kỹ gà bố, gà mẹ rồi đến khi trứng nở ra gà con lại được lựa từ dáng vẻ chân, mỏ, mình, đầu... Những chú gà nòi được nuôi rất công phu và đưa chúng tập luyện với các chú gà chọi khác để làm quen dần với những trận chiến đấu. Có những hiệp đấu của những cặp gà kéo dài tới hàng tiếng đồng hồ không phân thắng bại. Hai con gà chọi đỏ gay lừa mổ nhau, đập cánh vào nhau, nhảy lên đá móc vào nách, vào cổ họng, vào ức của đối phương quyết liệt hoặc ghì nhau đè cánh đạp chân như những đấu thủ trên sàn đấu. Những cú mổ hiểm hóc vào mắt, vào cổ đối phương đến chảy máu, những cú đá móc với những chiếc móc sắc nhọn đến toác ngực làm người xem xung quanh thán phục, bàn tán, tranh cãi rất say sưa.
Từ đó dẫn đến những cuộc cá cược rất gay gắt của khán giả mà đôi khi diễn ra không được lành mạnh. Các sới gà chọi vào dịp Tết Nguyên Đán thường thu hút đông đảo người xem.

Chơi cờ tướng - cờ người



Đây là thú chơi tao nhã, trí tuệ nhân những lúc trà dư tửu hậu. Các cụ thường gặp nhau bên chén trà và mở bàn cờ tướng ra giải trí. 32 quân cờ chia thành 2 phe ( 16 quân đỏ và 16 quân đen), bày xong là cuộc đấu trí bắt đầu.
Cờ người cũng là cờ tướng mà quân cờ là người thật, cũng chơi trên sân bãi, 16 nam áo đỏ, 16 nữ mặc áo đen đeo biển (tên quân cờ) trước ngực, đứng vào vị trí. Hai tướng (Tướng Ông, Tướng Bà) mặc đẹp (như cờ tướng) có 2 cờ đuôi nheo cắm chéo sau lưng, được che lọng. Gặp buổi trời nắng, thì mỗi quân cờ được một người che ô, đứng bên và đi theo mỗi lần quân chuyển. Hai đối thủ ngồi phía sau. Có người chạy cờ, lo việc chuyển quân theo ý định của người chơi.
Mỗi lần đi một nước, đấu thủ (có tiếng trống khẩu) gõ một tiếng. Người chạy cờ tới nghe lệnh và chuyển quân trên bãi. Nguyên tắc đi quân là mã nhật, tượng điền, xe liền, pháo cách. Vào cuộc chơi phải bình tĩnh, thận trọng, chủ động không bị phân tán bởi những người xem mách nước. Đi một nước phải tính trước 2, 3 nước tiếp theo để khỏi bị bất ngờ trước đối thủ của mình. Cờ tướng, cờ người thường thấy trong các ngày hội, ngày Tết, mừng xuân mới.

Bịt mắt bắt vịt

Ngày Tết hầu hết các làng Việt xưa đều có các trò vui để dân làng cùng chơi lấy may, lấy phước. Trò bịt mắt bắt vịt là trò chơi khá phổ biến. Người chơi và người xem tập trung tại một bãi đất rộng quây thành một vòng tròn. Ai muốn tham gia bắt vịt thì đăng ký với ban tổ chức. Người ta chọn những con vịt to, khỏe để chúng có thể chạy và bay nhanh. Hai người chơi bị bịt chặt mắt và đưa vào vòng tròn. Người ta thả vào vòng tròn một con vịt. Con vịt sợ hãi kêu và bay, chạy loạn xạ. Người bắt vịt cứ theo tiếng vịt kêu mà chạy theo bắt. Khi con vịt bị bắt thì cuộc chơi kết thúc. Hai người khác lại tiếp tục vào chơi tiếp.

Bắt vịt dưới ao

Vào những năm Tết ấm trời, một số vùng quê tổ chức bắt vịt dưới ao. Người ta chọn một khoảng ao sâu, bờ cao hoặc dùng lưới hay que tre quây xung quanh. Người chơi từ 2 đến 4 người tùy theo diện tích của ao rộng hay hẹp. Người ta thả xuống ao 2 con vịt to khỏe và lần luợt 2 hoặc 4 người đăng ký xuống bắt. Trò chơi này người chơi không bị bịt mắt nhưng đòi hỏi nhanh nhẹn và bơi giỏi.

Bịt mắt bắt dê


Cùng trên một sân cỏ, người chơi quây xung quanh làm vòng tròn. Trò chơi chủ yếu là vui, tùy chỗ cũng có thể treo giải thưởng. Những người chơi đăng ký và chia thành các cặp. Mỗi cặp lần lượt vào sân chơi. Người ta bịt mắt 2 người thật chặt. Một trong 2 người làm dê, người kia bắt. Người làm dê trong quá trình chạy trốn thỉnh thoảng phải gây ra tiếng động để người bắt biết mà đuổi theo...

Internet

0 comments:

Powered By Blogger