Wednesday, January 11, 2012

Nối đuôi nhau phá sản, DN phải tự cứu mình


Tác giả: Trần Thủy
(VEF.VN) – Dự báo năm 2012, lạm phát vẫn cao. Để tồn tại thì các DN trước hết cần phải tự cứu mình. Nếu tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng khó khăn, DN cần phải tìm nguồn vốn bên ngoài.
Đó là lời khuyên của các chuyên gia kinh tế tại Hội thảo “Trợ giúp DN nhỏ và vừa tại Việt Nam”, do Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh doanh (Hiệp hội Công thương TP. Hà Nội) kết hợp với Hanns Seidel Stiftung ( CHLB Đức) vừa tổ chức tại Hà Nội.



Trong 600.000 DN đăng ký hoạt động theo luật DN của nước ta thì có tới 97% là DN nhỏ và vừa. Mỗi DN tách riêng thì không lớn, nhưng tổng thể các DN nhỏ và vừa là không hề nhỏ khi xét về nhiều phương diện, từ tạo công ăn việc làm, thu hút nhiều lao động, xóa đói giảm nghèo, sản xuất ra khoảng 40% hàng hóa tiêu dùng và xuất khẩu…
Các DN nhỏ và vừa sử dụng vốn đầu tư và hỗ trợ từ ngân sách rất thấp nhưng lại đóng góp vào thu ngân sách khá lớn. DN nhỏ và vừa gắn bó với cơ sở xã hội nên tác động mạnh đến đời sống dân sinh và ổn định xã hội. Tuy nhiên trước tác động tiêu cực của nền kinh tế, thời gian qua, DN nhỏ và vừa đang gặp nhiều khó khăn.

Lạm phát cao, hậu quả đổ đầu DN

TS. Nguyễn Văn Nam, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh doanh, cho biết, bất cứ nền kinh tế nào, khi chống lạm phát đều phải dùng giải pháp lãi suất cao. Lạm phát càng nặng thì lãi suất càng cao. Lãi suất cao tất yếu sẽ gây khó khăn cho DN.

Những DN càng phụ thuộc vào vốn tín dụng thì càng khốn đốn trong sản xuất kinh doanh. DN nhỏ và vừa là những DN có năng lực tài chính thấp nên gặp lạm phát và lãi suất cao thì bài toán về vốn cực kỳ nan giải, có nguy cơ phải ngừng sản xuất, giải thể, phá sản cao.


Theo ông Nam, nguyên nhân dẫn đến lạm phát cao là do chúng ta thường để lạm phát xảy ra rồi mới dồn sức để chống, mà không ý thức được tầm quan trọng của phòng ngừa lạm phát. Lạm phát chính là căn bệnh của chính sách tài chính tiền tệ, của chính sách quản lý vĩ mô lệch lạc và hậu quả khó khăn lại đổ vào đầu người dân và DN, nhất là DN nhỏ và vừa.
Chúng ta đã từng dung dưỡng tình trạng lạm phát khá cao trong nền kinh tế, kéo dài nhiều năm trên dưới 5%, trong khi ở các nước phát triển, lạm phát chỉ từ 2-3% đã được báo động, cho là cao và khó kiểm soát rồi. Duy trì tình trạng sống chung với lạm phát khá cao như vậy nên khi bùng phát lên 9%-10% thì đã trở thành bệnh nặng khó chữa.
Tình trạng lạm phát cao cỡ hai con số chỉ xảy ra trong những tình huống đặc biệt của nền kinh tế hoặc chỉ xảy ra ở những nước có chính sách quản lý kinh tế vĩ mô yếu kém kéo dài. Lạm phát càng kéo dài thì càng gây tác hại nặng lên mọi mặt của nền kinh tế, đẩy các DN, nhất là DN nhỏ và vừa vào con đường phá sản.
Giải pháp cơ bản là cần nhanh chóng dập tắt lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô để DN vượt qua khó khăn. Tuy nhiên đợt lạm phát này đã kéo dài từ cuối năm 2010, đến hết tháng 9/2011 đã ở mức 22,42% so với cùng kỳ 2010 mà vẫn không dập tắt được, như vậy là đã kéo khá dài và làm cho các DN nhỏ và vừa của Việt Nam vốn nhỏ bé yếu ớt ngày càng đuối sức.
Doanh nghiệp nối đuôi nhau phá sản
Ông Vũ Quốc Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho biết, các DN nhỏ và vừa hiện gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất là thuế cao. Hiện thuế thu nhập DN của ta là 25% nhưng trên thực tế các DN phải chịu cao hơn do có nhiều khoản chi hợp lý nhưng không hợp lệ nên không được đưa vào tính toán khấu trừ thuế.
Thứ hai là chi phí thuê mặt bằng của các DN nhỏ và vừa rất cao, gấp 2-3 lần so với các DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN nhà nước.
Chia sẻ điều này, ông Vũ Ngọc Bình, Tổng giám đốc Công ty TNHH Phương Lan (23 Nguyễn Công Trứ- Hà Nội) cho biết, DN của ông thuê 1ha đất tại Cụm công nghiệp Liên Phương (Thường Tín Hà Nội), năm 2010 tiền thuê là 36 triệu đồng, thì đến 2011 số tiền thuê tăng lên đên 464 triệu đồng, mà DN gần như bị bắt ép, phải nộp, không được mời họp, thảo luận, phát biểu ý kiến. Ban quản lý thông báo tháng 4/2011 thì bắt nộp ngay.
“Chúng tôi bắt buộc phải nộp vì đã trót đầu tư vào đây gần 70 tỷ đồng để xây dựng nhà máy rồi, không thể bỏ được. Khoản tiền trên đương nhiên sẽ được tính vào giá thành sản phẩm và làm cho sản phẩm đội giá lên”, ông Bình nói.
Trước mọi khó khăn bủa vây, DN phải tự cứu mình (ảnh minh họa)
Cũng theo ông Bình, không chỉ tiền thuê mặt bằng tăng vọt mà các chi phí đầu vào phục vụ cho sản xuất như điện, nước, xăng dầu, cước vận tải, nguyên vật liệu cũng tăng cao, khiến giá thành sản phẩm tăng khó cạnh tranh, hàng tồn kho tăng cao, sản xuất đình trệ.
Tiếp tục vấn đề này, ông Vũ Quốc Tuấn cho biết, DN nhỏ và vừa thời gian qua hầu như không được hưởng ưu đãi gì từ nhà nước. Sở dĩ nền kinh tế của ta chưa bị tác động lớn là do có 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, các làng nghề cùng DN nhỏ và vừa tiếp sức. Nhưng các DN này đã không còn tiếp cận được vốn ngân hàng, thuế không được giảm, chi phí đầu vào sản xuất tăng, thành ra rất khốn đốn. Số DN phá sản giải thể, ngừng hoạt động, ngừng nộp thuế không chỉ là 49.000 DN mà thực tế lớn hơn nhiều có lẽ chiếm tới trên 30% số DN nhỏ và vừa.
Theo TS. Nguyễn Văn Nam, lạm phát cao sẽ còn kéo dài, DN nhỏ và vừa sẽ ngày càng đuối sức. Nếu bỏ sản xuất thì hết tồn tại, nhưng nếu cứ sản xuất thì lãi suất cao cũng dẫn đến không chịu nổi sẽ thua lỗ và phá sản. Khi DN nối đuôi nhau phá sản nền kinh tế sẽ rơi vào tình trạng vừa lạm phát cao, vừa suy thoái, trì trệ là vô cùng nguy hiểm.
DN phải tự cứu mình
TS. Nguyễn Đại Lai (Ngân hàng Nhà nước) dự báo, năm 2012 lạm phát vẫn ở mức cao và khó khăn không phải đã giảm. Trong hoàn cảnh này để tồn tại thì các DN trước hết cần phải tự cứu mình. Nếu tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại khó khăn, DN cần phải tìm nguồn vốn bên ngoài.
Theo TS. Lai, các DN có quan hệ đầu vào, đầu ra ổn định, có tham gia chung Hiệp hội nghề nghiệp, có đủ tín nhiệm cần liên kết với nhau tiến hành các nghiệp vụ mua bán chịu bằng cách phát hành cho nhau các giấy nhận nợ hoặc quyền đòi trả nợ trong phạm vi thời hạn thỏa thuận (thương phiếu) để hữu dụng hóa nguồn vốn bằng giá trị hàng hóa gối đầu nhàn rỗi của từng bên, nhằm duy trì sản xuất.
“Hiện chúng ta đã có luật về thương phiếu nên có thể phát động rộng rãi trong các làng nghề”, ông Lai nói.
Hiệp hội nghề nghiệp cần đề nghị các cơ quan pháp luật bổ sung chức năng làm đầu mối để tổ chức hình thành những định chế quỹ đầu tư hoặc công ty tài chính liên danh, nhằm tạo ra các pháp nhân đủ tư cách đăng ký và phát hành chứng chỉ quỹ hay trái phiếu công ty tài chính liên danh, thu hút vốn trên thị trường chứng khoán hoặc gọi vốn đầu tư vào chứng khoán của quỹ đầu tư, công ty tài chính đối với các ngân hàng thương mại, tạo vốn trực tiếp cho DN.
Luật sư Cao Bá Khoát (Công ty TNHH tư vấn doanh nghiệp K và cộng sự) cho rằng trong tình hình hiện nay các DN nhỏ và vừa không thể trông chờ vào sự ra tay giải cứu của Nhà nước mà trước tiên hãy tự cứu mình.
Ông Khoát tư vấn, trước hết DN nhỏ và vừa phải tái cơ cấu lại. Hiểu theo cách đơn giản là sắp xếp lại DN cho hợp lý để đạt hiệu quả cao nhất, tiếp đó là thay đổi mô hình, chiến lược kinh doanh và cách thức quản trị…
Bên cạnh đó các DN phải liên kết với nhau hình thành các chuỗi giá trị để làm nhà cung cấp cho các DN lớn hoặc mua bán sáp nhập để hình thành DN mạnh hơn về vốn về công nghệ về nhân lực.
Các chuyên gia cũng cho rằng trong tình hình hiện nay, Nhà nước cần giảm thuế thu nhập DN cho DN nhỏ và vừa, giúp họ vượt qua khó khăn, cùng với đó là xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ các DN nhỏ và vừa, các làng nghề, các hộ kinh doanh cá thể trong lĩnh vực sản xuất lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng… đó là những ngành nghề phục vụ dân sinh và xuất khẩu, có vai trò quan trọng trong ổn định kinh tế – xã hội.
http://vef.vn/2011-10-22-noi-duoi-nhau-pha-san-dn-phai-tu-cuu-minh

0 comments:

Powered By Blogger