Monday, January 16, 2012

Nỗi thống khổ của dân oan huyện Từ Liêm

2012-01-16

Tình trạng giới cầm quyền cưỡng chiếm đất đai người dân xem chừng như ngày càng phổ biến và đáng ngại.

Photo courtesy of dddn.com

Vụ cưỡng chế và san ủi mặt bằng xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm hôm 22/9/2008

Khi “biến cố đổ máu Tiên Lãng”, Hải Phòng vẫn còn đậm nét trong công luận thì 32 hộ dân ở thôn Phúc Lý, xã Minh Khai, huyện Từ Liêm, Hà Nội cũng không thoát khỏi số phận này.

Bỗng dưng mất đất

Trong khi “chuyện dài quê hương VN” với hàng triệu dân oan khắp nước mất đất – nói theo lời blogger Nguyễn Ngọc Già – “kéo nhau la lết cùng trời cuối đất kêu oan vẫn tuyệt nhiên vô vọng”, thì tại huyện Từ Liêm, Hà Nội trong thời gian gần đây cũng không thoát khỏi cảnh mà ngay báo chí “lề phải” cũng báo động qua những bài tựa đề như “Huyện Từ Liêm, Hà Nội: Cưỡng chế giải phóng mặt bằng trái các quyết định của TP”, “ Công dân tố ‘bỗng dưng’ bị…phá nhà”.

Hồi cuối tháng rồi, tin trong nước cho biết 20 hộ dân ở Khu Vườn Cam, thôn Phú Đô, xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, kêu cứu liên quan việc UBND huyện ra quyết định cưỡng chế thu hồi đất đai của họ, trong số này có ông Lưu Văn Thành than rằng “những người dân chúng tôi bị mất đất, vẫn chưa nhận được quyết định giao đất tái định cư hay được tạm trú ở đâu” trong khi hành động sai trái của huyện Từ Liêm “đẩy hơn 20 hộ dân với gần 1 trăm nhân khẩu vào cảnh màn trời chiếu đất”.

Hay dân oan Nguyễn Thị Thúy kêu cứu trên báo Pháp Luật và Xã Hội rằng chị “ bị còng tay rồi bị giữ tại trụ sở UBND xã Minh Khai một cách vô lý trong khi giới lãnh đạo xã Minh Khai “tiến hành cưỡng chế, phá dỡ toàn bộ căn nhà của chị Thuý mà không có bất kỳ quyết định nào”.

Nhắc đến xã Minh Khai, 32 hộ dân ở thôn Phúc Lý thuộc xã này cũng đang lâm cảnh mà nhà thơ Đỗ Trung Quân nói là “cái bất nhẫn, bất tín, bất nhân” đang xảy đến “với chính những người dân đã gắn bó, đổ mồ hôi từ bao đời tìm miếng cơm manh áo trên mảnh đất mình”. Thế bây giờ 32 hộ dân với gần 150 người tại thôn Phúc Lý, xã Minh Khai, huyện Từ Liêm, Hà Nội thân phận ra sao ? Dân oan chứng kiến tình cảnh này, là Thầy Truyền Đạo Lê Duy Bắc, kể lại:

"Hiện tại người dân đang sống trong cảnh khốn cùng, không có công ăn việc làm, nhất là tới Tết họ cũng chẳng có tiền sống. Và khi mất đất rồi họ cũng không còn công việc gì làm nữa, chẳng có thu nhập nào nữa. Họ giống như dân Libya chờ lương ăn Tết. Họ sống theo kiểu gì thì tôi không hiểu. Nhất là năm nay tài chính lại khó khăn. Sống từng ngày thôi chứ tôi cũng không biết thế nào được."

Hiện tại nhà cầm quyền đã rào đất của họ lại hết rồi và người dân thì mất đất rồi, họ không làm gì được nữa, không có quyền trên đất họ nữa.

Thầy Lê Duy Bắc

Như vậy họ bị đẩy vào “cảnh khốn cùng” – mà nói theo nhà văn Nguyễn Công Hoan là “Bước Đường Cùng” – như thế nào? Thầy Lê Duy Bắc mô tả:

"Hiện tại nhà cầm quyền đã rào đất của họ lại hết rồi và người dân thì mất đất rồi, họ không làm gì được nữa, không có quyền trên đất họ nữa. Đấy là sự cướp đất. Bởi vì luật đất đai của VN quy định rõ là khi lấy đất của dân phải có sự thỏa thuận của họ. Nhưng ở đây không thoả thuận được thì nhà cầm quyền cướp, quả tôi không hiểu nổi. Nếu không thỏa thuận được với dân mà vẫn cứ lấy đất thì đó là cướp rồi chứ còn gì nữa."

Nhưng nguyên nhân nào mà giới cầm quyền cưỡng chế đất đai của họ ? Thầy Lê Duy Bắc cho biết:

"Theo tôi được biết thì giới cầm quyền lấy đất bán đi cho 1 công ty tư nhân. Nên đất này không nằm trong 1 dự án nào cả. Mà họ lấy đi để bán cho công ty tư nhân tên Công ty Y học Rạng Đông."

Dân lâm cảnh khốn cùng

Có lẽ công luận cũng muốn biết “cảnh khốn cùng” hiện giờ, không biết ăn Tết Nhâm Thìn ra sao của dân thôn Phúc Lý phát xuất từ hành động nặng tay cụ thể như thế nào của giới cầm quyền. Thầy Lê Duy Bắc kể lại:

phu-dien-tu-liem250.jpg
Vụ cưỡng chế đất tại thôn Đình Quán, xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm sáng 23/9/2011. Photo courtesy of vietgiaitri.com
"Thực ra hôm ấy, tôi không nhầm là vào ngày thứ Ba 13 tháng rồi, người dân chỉ đứng nhìn thôi bởi vì lực lượng công an rất đông. Khi giới cầm quyền thông báo rồi ép người dân không được, người dân không nghe thì họ tiến hành cưỡng chế. Khi đó họ đã chuẩn bị sẵn rồi, như đưa hàng rào, máy ủi, máy xúc tới cưỡng chế đất. Trong đó, tôi quan tâm đặc biệt là có hai nhà liệt sĩ đã hy sinh cho CSVN, thì đất của 2 liệt sĩ đó cũng bị lấy luôn. Tôi thấy người đã ngã xuống thì người sống lại lấy luôn đất của người chết để đem bán thì tôi cũng không hiểu CSVN đang sống theo kiểu gì."

Trước tình cảnh đó, dân oan ứng phó ra sao ? Theo Thầy Truyền Đạo Lê Duy Bắc thì họ lâm cảnh “cá chậu chim lồng”.

"Người dân đành chịu thôi bởi vì họ như cá trong chậu thì làm thế nào được ! Bây giờ nhà cầm quyền họ thích đâm, thích chém, thích giết ai thì họ giết. Họ muốn làm gì thì làm. Bây giờ người dân trong nước làm gì được đâu. Người dân trong tay không tấc sắt trong khi nhà cầm quyền họ có toàn súng, dùi cui, lựu đạn thì làm sao người dân làm gì được."

Có lẽ câu hỏi cũng cần được nêu lên là những thửa đất bị tước đoạt khỏi tầm tay của dân oan ở thôn Phúc Lý vừa nói là đất như thế nào ? Họ sử dụng đất có chính đáng không ? Thầy Lê Duy Bắc cho biết:

"Đất của người dân ở đây sử dụng là hợp pháp bởi vì nhà nước đã cấp quyền sử dụng đất cho họ, nên họ có đủ giấy tờ hợp pháp. Đất này từ ngày xưa, từ ngày cải cách ruộng đất họ được chia từ thời đó cho tới bây giờ. Rồi đến một thời điểm thì chính quyền VN cấp quyền sử dụng đất cho mỗi hộ, sổ đỏ đàng hoàng, hợp pháp."

Theo Thầy Lê Duy Bắc thì hành động cưỡng chiếm đất đai của người dân là “cái vòng lẩn quẩn” không thoát ra được của giới cầm quyền, đưa dân oan tới “bước đường cùng” nhất là trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay:

"Tôi nghĩ rằng CS họ biết rõ hơn, biết rõ về điều này. Kinh tế bây giờ khó khăn quá cho nên chắc là họ nợ nhiều quá, chẳng có tiền nên lấy đất của dân bán để tiêu dùng thôi. Bởi vì người dân người ta nói rất rõ là họ không có ý kiến gì cả nếu dự án lấy đất cho mục tiêu công ích, chẳng hạn như mở đường giao thông, xây trường học, trạm xá công. Nhưng ở đây họ lấy đất để bán cho 1 công ty tư nhân, sau đó công ty này lại chữa bệnh với giá cao. Thì người dân bảo nhau là, khi đã bị mất ruộng rồi, nay mai bị ốm đau vào đấy nó cũng chả chữa trị cho đâu. Tôi nghĩ hành động đấy là cái vòng lẩn quẩn của nhà cầm quyền VN khi cưỡng chiếm đất đai."

Bây giờ nhà cầm quyền họ thích đâm, thích chém, thích giết ai thì họ giết. Người dân trong tay không tấc sắt thì làm sao người dân làm gì được.

Thầy Lê Duy Bắc

Thầy Lê Duy Bắc nhân tiện đề cập tới xã hội VN ngày nay không lạc quan như nhà cầm quyền mô tả:

"Hiện chúng tôi đang trong vòng xiềng xích, khổ lắm! Năm nay kinh tế khó khăn trong nước, người dân khốn cùng lắm. Tôi biết những người đi làm còn không có việc, và nạn thất nghiệp gia tăng rất lớn. Tình hình không như giới cầm quyền tuyên bố. Bởi vì những người lãnh đạo đang tham nhũng, có những khoản tiền nào đó thì họ không thấy khổ đâu. Còn người dân, tôi thấy họ rất là khốn cùng trong xã hội VN."

Thân phận lâm “cảnh khốn cùng” của 32 hộ dân ở thôn Phúc Lý, xã Minh Khai, huyện Từ Liêm, Hà Nội tiếp diễn vào khi “biến cố Tiên Lãng” ở vùng bãi bồi thuộc khu Cống Rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng vẫn còn đậm nét – và sôi sục – trong công luận khi dân oan Đoàn Văn Vươn cùng người thân bị giới cầm quyền ép vào tình cảnh mà blogger Nguyễn Ngọc Già hình dung rằng “ Đoàn Văn Vươn hay Pha trong Bước Đường Cùng” của Nguyễn Công Hoan.

0 comments:

Powered By Blogger