Trong bối cảnh kinh tế hoàn cầu CUỐI NĂM 2011 đang có những dấu hiệu khó khăn, đặc biệt từ khu vực Âu Châu với hàng loạt những cuộc khủng hoảng tài chánh tại các quốc gia như Hy Lạp (Greece), Bồ Đào Nha (Portugal) và gần đây nhất là Ý Đại Lợi (Italy), vai trò của Hoa Kỳ như cường quốc số một về kinh tế lại càng trở nên quan trọng. Mọi người đều ngóng trông liệu Hoa Kỳ có đủ sức để lôi kéo toàn thế giới thoát ra khỏi một cuộc khủng hoảng toàn cầu mới hay không?
Khu vực kinh tế Liên Minh Âu Châu (European Union), hay còn gọi là khu vực đồng Euro (Eurozone) hiện đang dẫn đầu về tổng sản lượng quốc dân (GDP) với 16.2 ngàn tỷ USD (2010), so với Hoa Kỳ là 14.5 ngàn tỷ, Trung Cộng (Cộng hoà Nhân Dân Trung Hoa) 5.8 ngàn tỷ và Nhật 5.4 ngàn tỷ. Hẳn nhiên là nếu khối Liên Minh Âu Châu bị khủng hoảng, thế giới sẽ bị mất đi một nguồn lợi tức về kinh doanh đáng kể.
Hoa Kỳ vừa trải qua một cơn bệnh ngặt nghèo kéo dài từ giữa năm 2007 đến nay, đã có một ít dấu hiệu hồi phục nhưng vẫn còn dấu vết di chứng nguy hiểm như nạn thất nghiệp, suy giảm về địa ốc, thâm thủng ngân sách và lạm phát đang có nguy cơ bùng phát do chính sách thả lỏng về tài chánh kéo dài của chính quyền. Trong những điều kiện như vậy, trông mong vào Hoa Kỳ để cứu nguy kinh tế thế giới phải chăng là điều không tưởng?
Nhiều người hướng về Trung Cộng như một “cứu tinh”, còn tích lũy nhiều tiền của với tham vọng trở thành một chân vạc trong thế “Tam Quốc Chí” thời đại mới. Với tổng tài sản thặng dư trên 1 ngàn tỷ USD ký gởi dưới dạng công khố phiếu khắp nơi, nhiều nhà chính trị Âu Châu cho rằng nếu Trung Cộng đứng ra bảo đảm những món nợ quốc gia của nhóm PIGS (Portugal, Italy, Greece, Spain) là những quốc gia đang gặp khó khăn nhất trong khối Euro thì may ra Âu Châu có thể vượt qua được khủng hoảng kỳ này. Theo sự tính toán của kinh tế gia Alexopoulos, ngân hàng trung ương Âu Châu đang cần một khối lượng tiền là 1 ngàn tỷ Euro ($1.33 ngàn tỷ) thì giải quyết được những món nợ quốc gia có khả năng không thanh khoản được.
Nhưng xét cho cùng, nền kinh tế Trung Cộng vẫn còn thuộc dạng “ký sinh cộng hưởng”, dựa vào buôn bán xuất cảng vào hai khối kia để phát triển chứ không thể đóng vai trò chỉ huy thế giới được. Vả lại, như những anh giàu mới nổi keo kiệt, Trung Cộng có những chủ trương khác để sử dụng những món tiền tích lũy của mình, ngay đến dân chúng Trung Hoa còn chưa được hưởng phúc lợi xã hội lẽ ra phải có, trông mong chi đảng Cộng Sản Trung Hoa ra tay “tế độ” kinh tế Âu Châu?
Rốt cục rồi chỉ còn lại Hoa Kỳ. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ sơ lược một số yếu tố có tính cách kinh tế vĩ mô (macroeconomics) của Hoa Kỳ để từ đó, thử đưa ra một nhận định về thực trạng kinh tế Hoa Kỳ cuối năm 2011 và khả năng của nước Mỹ có thể lôi kéo kinh tế thế giới trở lại được hay không?
1. Tỉ lệ thất nghiệp
Tỉ lệ thất nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng nhất để đánh giá sức khỏe của một nền kinh tế. Điều này dễ hiểu vì có công ăn việc làm thì mới có sản xuất và đất nước mới có sản lượng. Tỉ lệ thất nghiệp cao sẽ là gánh nặng cho ngân sách quốc gia phải tài trợ và tái huấn luyện cho những người bị thất nghiệp.
Hiện nay tình trạng thất nghiệp tại Hoa Kỳ là một vấn đề nan giải cho chính quyền và đe dọa Obama có thể mất ghế tổng thống vào kỳ bầu cử năm 2012. Đã qua 2 lần QE (Quantitative Easing, hay chính sách thả lỏng tiền tệ) mà tỉ lệ thất nghiệp vẫn không chịu tụt giảm như dự tính. Điều này đã khiến phe Cộng Hòa tha hồ bắn phá chính sách kinh tế của chính quyền đương nhiệm là không có hiệu quả và phí tiền của người đóng thuế.
Tuy nhiên, công bằng mà nói, chiều hướng có tiến triển khả quan. Tháng 11/2011, tỉ lệ thất nghiệp lần đầu tiên rớt xuống mức 8.6%, thấp nhất từ tháng 10/2009 là 10.1% đến nay.
Thất nghiệp ở Mỹ |
Điều cần lưu ý là khi kinh tế phát triển trở lại thì lực lượng lao động sẽ gia tăng vì số người lâu nay tìm không ra việc làm (hay đã chấm dứt lãnh trợ cấp thất nghiệp) sẽ gia nhập trở lại. Đó cũng là điều làm cho tỉ lệ thất nghiệp không thể tụt giảm nhanh chóng được.
2. Tỉ lệ lạm phát
Về tỉ lệ lạm phát thì trái với sự lo sợ của một số nhà phân tích, tình trạng hiện nay vẫn còn ở mức độ kiểm soát được. Theo lý thuyết tiền tệ, khi chính phủ tung tiền ra kích thích kinh tế, hậu quả đương nhiên là theo thời gian, sẽ tạo ra lạm phát vì quá nhiều tiền theo đuổi hàng hóa, giá cả tất nhiên sẽ lên.
Cho đến nay thì mọi kinh tế gia đều đồng ý là lạm phát, nếu để yên, sẽ làm sụp đổ kinh tế một cách nhanh chóng theo đường xoắn ốc, có khi chỉ trong vòng một vài tháng.
Cách sử dụng lưu lượng tiền như thế nào để đạt hiệu quả tối đa phát triển kinh tế mà không gây lạm phát là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của ngân hàng trung ương các quốc gia. Lạm phát toàn năm trong khoảng 2-3% được coi là lý tưởng.
Lạm phát ở Mỹ |
3. Tăng trưởng GDP
Tăng trưởng ở Mỹ Nguồn: viewpointonline.net |
Tuy nhiên sau đó liên tiếp quý 2 và quý 3, tỉ lệ tăng trưởng đã bắt nhịp trở lại tuy còn ở mức độ khá khiêm nhường. Theo phỏng đoán chung của các nhà phân tích thì tỉ lệ tăng trưởng GDP quý 4/2011 có thể lên đến 2.9% nhưng toàn năm 2012 chỉ ở mức 2.1%.
4. Chỉ số sản xuất (Index of Productivity)
Chỉ số sản xuất là sản lượng sản xuất tính trên đầu người lao động (labor productivity) của Hoa Kỳ thuộc vào hàng đầu thế giới. Thượng nghị sĩ John Mc Cain đã từng tuyên bố trong kỳ tranh cử tổng thống năm 2008 là người lao động Mỹ siêng năng và giỏi nhất thế giới!
Theo một bài báo đăng trên Wall Street Journal năm 2008 thì người lao động Mỹ đứng hạng thứ tư sau Switzerland, United Arab emirates và Qatar.
Tăng trưởng ở Mỹ Nguồn: Bộ Lao Động Hoa Kỳ |
The cách tính toán của bộ Lao Động Hoa Kỳ lấy năm 2005 làm chuẩn, biểu đồ chỉ số sản xuất của người lao động Mỹ (tính theo giờ làm việc) như sau:
Chỉ số sản xuất ở Mỹ Nguồn: Bộ Lao Động Hoa Kỳ |
5. Lãi suất
Nói chung, lãi suất được coi là chi phí vay vốn (borrowing costs of capital) trong phạm vi kinh tế của một quốc gia. Lãi suất có hai dạng: (1) theo thị trường tự do và (2) theo ấn định (hay tác động) của chính phủ.
Các nhà kinh doanh buôn bán khi cần vay vốn để làm ăn thường phải trả lãi suất theo thị trường tự do, cao hay thấp tùy vào uy tín (credit) của mình, loại kinh doanh và nhất là tùy môi trường kinh tế của quốc gia sở tại. Trong thời kỳ khó khăn thì đương nhiên các chủ nợ đòi hỏi một lãi suất cao hơn bình thường. Ngay cả những chính phủ khi muốn vay mượn để trang trải chi phí bằng cách phát hành công khố phiếu cũng phải chịu sự tác động của lãi suất thị trường tự do.
Thể chế ngân hàng trung ương (ở Hoa Kỳ là hệ thống Dự Trữ Liên Bang) được tạo ra nhằm giải quyết vấn đề điều chỉnh lãi suất thị trường tự do không biến động quá đáng để ổn định sự tăng trưởng kinh tế. Khi có khó khăn, ngân hàng trung ương có thể tác động làm hạ lãi suất bằng cách ra sức thu mua công khố phiếu, tung tiền ra ngoài lưu lượng thị trường. Dĩ nhiên muốn làm được điều này, chính phủ phải “in” thêm tiền với nguy cơ gây lạm phát. Giải pháp tránh lạm phát tốt nhất là có sự tài trợ của một tổ chức tài chánh cao hơn, chẳng hạn như ngân hàng thế giới đứng ra cho vay với lãi suất đặc biệt. Tuy nhiên để đánh đổi lại, các quốc gia chịu sự giúp đỡ của ngân hàng thế giới phải tiến hành những sự cải tổ về đường lối, chính sách, nhằm thỏa mãn những điều kiện đưa ra khi vay nợ.
Trường hợp của Hoa Kỳ đặc biệt hơn vì gần như không còn tổ chức tài chánh nào cao hơn nên phải “tự cứu” lấy mình và trong thời gian vừa qua đã chấp nhận mức nợ lên đến 92.7% GDP (theo USNews.com).
Lãi suất theo thị trường ở Mỹ Nguồn: Bộ Lao Động Hoa Kỳ |
Lãi suất nói lên chính sách tiền tệ mà một quốc gia đang theo đuổi và có những mặt lợi và hại khác nhau:
- Lợi: tạo một nguồn tài chánh dồi dào cho những người làm ăn, kích thích kinh tế và tạo công ăn việc làm cho người dân, từ đó tạo ra nhu cầu mua sắm và thúc đẩy kinh tế thêm nữa.
- Hại: quốc gia phải nợ thêm, tiền lãi phải trả hàng năm lên cao làm thâm thủng ngân sách. Ngoài ra cái tai hại nhất là khả năng tạo ra lạm phát và lôi cuốn nền kinh tế sụp đổ trở lại.
6. Nợ quốc gia
Với tỉ lệ nợ so với GDP là 92.7%, Hoa Kỳ đang “vươn” lên đứng hàng thứ ba trong 10 cường quốc kinh tế hiện nay, sau Nhật và Ý. Nếu tính theo số nợ tuyệt đối thì Hoa Kỳ thật sự là “đệ nhất chúa chổm!”
May mắn cho Hoa Kỳ là nay với sự mất uy tín của Euro, đồng USD lại trở thành nơi trú ẩn của những quốc gia muốn tồn trữ của cải thặng dư và từ đó, chính phủ Hoa Kỳ có khả năng hạ lãi suất xuống mà vẫn có kẻ bấm bụng mua công khố phiếu Mỹ, chấp nhận thà lãi ít mà chắc ăn còn hơn không. Lãi suất US Treasury bond 10 năm hiện chỉ còn 1.95%!
Làm một bài tính đơn giản, với số nợ 14.6 x 92.7% = 13.5 và lãi suất 1.95%, số lãi hàng năm chính phủ Hoa Kỳ phải trả là: 13.5 x 1.95% = $263 tỷ hay 7.1% ngân sách ($3.7 ngàn tỷ) của chính phủ. Nếu lãi suất là 7% (như trường hợp của Ý gần đây) thì tỉ lệ này sẽ lên đến 26%! Khả năng quỵt nợ dĩ nhiên là rất cao. Cũng chẳn ngạc nhiên lắm khi công ty Standards & Poors đã lần đầu tiên trong lịch sử đã hạ uy tín công khố phiếu của Hoa Kỳ xuống còn ở mức AA trong vài tháng vừa qua.
Gần đây đang có những cố gắng của Quốc Hội nhằm cắt giảm chi phí chính phủ nhưng chắc chắn sẽ còn lâu lắm mới quân bình lại thu chi của chính phủ, còn chuyện trả nổi nợ thì còn phải lâu hơn nữa.
Danh sách tỉ lệ nợ so với GDP Nguồn: Bộ Lao Động Hoa Kỳ |
Kết luận
Bức tranh toàn cảnh trên đây cho thấy là tuy đã có dấu hiệu hồi phục khả quan nhưng nói chung tình hình kinh tế Hoa Kỳ vẫn còn nhiều điểm đen tối mà trong đó lớn nhất là món nợ quốc gia đang chồng chất dần lên. Tiếp theo là nạn thất nghiệp và chính sách thả lỏng tiền tệ kéo dài đang có nguy cơ dẫn đến lạm phát.
Ngoài ra còn những điều bất ngờ có thể xảy ra bất cứ lúc nào liên quan đến chính trị của toàn thế giới. Iran với tham vọng phát triển chương trình hạt nhân vẫn còn là một mối đe dọa đáng kể cho hòa bình trong vùng Trung Đông. Bắc Hàn với cái chết của Kim Jong-il đang để lại một lỗ hổng bất ổn cho vùng Tây Bắc Thái Bình Dương. Chiến tranh bùng nổ dù chỉ trong phạm vi khu vực bất cứ lúc nào cũng làm ảnh hưởng xấu đến kinh tế thế giới.
Tuy vậy, năm 2011 cũng đánh dấu một số điều đáng mừng cho nhân loại. Nhiều người cho rằng năm 2011 là năm “tuổi” cho một số kẻ ác nổi tiếng. Bin Laden, Gadafi (Lybia), Kim Jong-il (Bắc Hàn) đã qua đời. Tội phạm chiến tranh Bosniam Serb Mladic bị tóm cổ. Mubarak (Ai Cập), Ben Ali (Tunisia), Ali Saleh (Yemen) bị mất quyền lực. Thế giới Ả Rập đang chuyển mình với khát vọng tự do dân chủ.
Trên mặt trận khủng bố thì tập đoàn Al Qeda đang tàn lụi dần sau cái chết của Bin Laden. Hoa Kỳ đã chính thức triệt thoái khỏi Iraq và từ từ rút chân ra Afghanistan. Ngân sách quốc phòng được cắt giảm đáng kể, dồn phương tiện cho những dự án phát triển kinh tế khác có hiệu quả hơn.
Trên thực tế, đánh giá vai trò chỉ huy của nền kinh tế Hoa Kỳ đối với kinh tế thế giới trong thời gian tới đây là một điều vô cùng khó khăn nếu không nói là không tưởng. Mọi sự nhận định chỉ là phỏng đoán và...hi vọng! Nếu dựa vào những yếu tố kể trên để cho điểm thực trạng kinh tế Hoa Kỳ từ 0 (xấu nhất) đến 10 (tốt nhất), chúng tôi có thể tạm kết luận như sau:
1. Tỉ lệ thất nghiệp: 5
2. Tỉ lệ lạm phát: 7
3. Tăng trưởng GDP: 6
4. Chỉ số sản xuất: 7
5. Lãi suất: 6
6. Nợ quốc gia: 3
Trung bình: 5.66
Cũng chỉ vừa điểm... đậu nếu giám khảo dễ dãi.
Như vậy, có thể nói không sai là một mình con én Mỹ không thể làm nên mùa xuân được!
Vấn đề thế giới cần giải quyết đầu tiên là cuộc khủng hoảng tài chánh đang xảy ra tại khu vực Euro. Bản chất khủng hoảng này nói cho cùng là do yếu tố “nhân tạo” (man-made) nhiều hơn là do những yếu tố bất khả kháng. Kết quả hiện nay là một hậu quả tất yếu của chính sách xã hội mà một số các quốc gia Âu Châu đã theo đuổi từ nhiều thập niên nay. Chính phủ các quốc gia này đã mị dân và kiếm phiếu bằng cách hứa hẹn và thông qua những chương trình an sinh xã hội vượt quá sức chịu đựng của ngân sách quốc gia. Tự do quá trớn cũng khiến người dân chây lười, đòi hết điều này đến điều nọ và sẵn sàng biểu tình phá rối nếu không được thỏa mãn. Đã có những lúc mà dân Âu Châu đòi chế độ làm việc chỉ có 30 giờ/tuần và về hưu lúc chưa đầy 60 tuổi.
Đã đến lúc dân Liên Minh Âu Châu phải thắt lưng buộc bụng lại và chi tiêu những gì trong khả năng của mình kiếm ra được. Điều này cũng đúng cho chính phủ Hoa Kỳ nữa vì nếu không cân bằng được ngân sách thì hậu quả giống như đang xảy ra tại Âu Châu sẽ không thể tránh khỏi được.
Điểm thứ hai là cộng đồng thế giới cần hiệp lực lại tài trợ cho Âu Châu để giải quyết những món nợ quốc gia đang có nguy cơ bị phá sản. Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu (ECB), Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) và Quỹ Tài Chánh Quốc Tế (IMF) là những bộ phận có thể đứng ra bảo đảm cho những món nợ này. Trung Cộng cũng cần phải có trách nhiệm đóng góp vì Âu Châu bị sụp đổ thì hàng hóa Trung Cộng cũng chẳng còn chỗ mà bán buôn.
Điểm thứ ba là các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc cần mở cửa rộng rãi hơn để hàng hóa Âu Châu được vào thoải mái, phần nào kích động nền kinh tế Âu Châu hồi phục trở lại. Thời gian gần đây đồng Euro bị mất giá đã phần nào làm cho hàng hóa Âu Châu rẻ và dễ cạnh tranh hơn trên thị trường thế giới. Âu cũng là trong cái khó, ló ra cái... may.
Một điểm đáng chú ý là chính sách năng lượng xanh (green energy) hay năng lượng thay thế cho năng lượng từ dầu hỏa, phải chăng có thể mang lại cho nước Mỹ một sự bộc phá mới về khoa học kỹ thuật tương tự như thời kỳ thập niên 1990's với sự phát minh computer và Internet? Thời kỳ phát triển kỹ nghệ dầu hỏa đã vượt qua “đỉnh dầu” (oil peak) và dầu hỏa đang có nguy cơ cạn kiệt dần. Đã đến lúc văn minh nhân loại cần một dạng năng lượng thay thế mới. Hoa Kỳ, với khả năng đầu tư và trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến đang ở vị trí thuận lợi nhất để phát triển kỹ nghệ này. Nếu điều này trở thành hiện thực thì Hoa Kỳ có thể mở đầu một thời kỳ thịnh vượng mới.
California ngày 23/12/2011
© DCVOnline
0 comments:
Post a Comment