Thursday, January 26, 2012

“Người có tố chất thì không cần pháp trị”

Pháp trị là dành cho loại người không có tố chất

Chuyện giáo sư nổi tiếng của đại học Bắc Kinh mắng chửi dân Hồng Kông thậm tệ trên truyền hình trở nên hoạt đề văn hóa nóng bỏng. Vượt qua những cơn thịnh nộ về những từ ngữ thô lỗ cộc cằn, trận chửi này còn lộ ra nhiều thứ, đặc biệt là quan niệm của học giả Trung Quốc đối với xã hội pháp trị như thế nào.

Khổng Khánh Đông bận đồ nho nhã trên TV

Khổng Khánh Đông, giáo sư hệ Trung Văn của đại học Bắc Kinh, cháu đời thứ 73 của Khổng Tử đã dùng những từ ngữ như đồ con hoang, đồ chó, đồ hèn hạ để mắng chửi dân Hồng Kông chỉ vì một chuyện va chạm văn hóa đi tàu và ngôn ngữ giao thiệp giữa dân Hồng Kông và dân Lục Địa.

Chuyện xảy ra do em bé từ Trung Quốc ăn uống vung vãi làm sao khiến hành khách và nhân viên ở Hồng Kông phản ứng về quy định cấm ăn trên tàu. Hai bên nói vịt nói gà bằng hai thứ tiếng Quảng Đông và Phổ Thông trong cách giải quyết dẫn đến tình huống tranh cãi thô bạo mang tính đại diện giữa người thuộc hai “chế độ”. Diễn biến tâm lý phức tạp giữa dân Hồng Kông và nội địa Trung Quốc từ lâu nay có cơ bùng nổ ngoài mức dự toán.

Thái độ của Khổng Khánh Đông cũng có dấu hiệu mang tính đại diện cao cho tâm lý người dân lục địa. Khổng Khánh Đông không phải là giáo sư tay ngang mà là nhân vật truyền thông có uy tín sắc sảo về ngôn ngữ văn học Trung Quốc từ Hán Đường cho đến Kim Dung, Lỗ Tấn.

Người ta không tin rằng với một chế độ kiểm duyệt gắt gao mà để cho đoạn băng mạ lỵ dài sáu phút phát sóng. “Nếu đối tượng bị chửi là dân Tân Cương – Duy Ngô Nhĩ thì ngay lập tức có cảnh nổi loạn xuống đường đốt xe” các đài radio, truyền thông Hồng Kông quả quyết . Dân Hồng Kông hiện đang biểu tình đòi đại học Bắc Kinh phải khai trừ chức vị giáo sư của Khổng Khánh Đông nhưng chắc là không được đáp ứng vì thế lực của nhân vật đại diện văn hóa cánh tả này rất lớn.

Truyền thông Hồng Kông phân tích rằng sự mắng chửi như thế này là có bàn tay của trung ương đảng dính vào, muốn dằn mặt vào thái độ của người Hồng Kông vốn tự hào về văn hóa đương đại nhờ có quy củ do thực dân đế quốc Anh để lại mà quay lưng lạnh nhạt với Trung Quốc. Đây cũng là đây là thủ pháp trấn áp công cộng ở vị trí của kẻ mạnh lên những tinh thần yếu đuối.

Xung đột văn càng bốc cao, thậm chí trên mạng còn có phong trào kêu gọi độc lập Hồng Kông, kêu tỉnh Quảng Đông sát lại với Hồng Kông (dùng căn cước tiếng Quảng Đông) để thành lập một nước cộng hòa ly khai với Trung Quốc đại lục. Tuy lý tưởng này không dễ thực hiện vì chênh lệch thế lực quá lớn nhưng phản ảnh tâm lý lòng người phân tán trong nước Trung Quốc.

“Pháp Trị có gì hay?”

Nhưng điều đáng nói hơn là qua sự kiện này, người ta thấy rõ lý luận của học giả Trung Quốc về nền pháp trị. Qua lời của Khổng Khánh Đông, nền pháp trị ở Hồng Kông là phương tiện thống trị lên loại dân không có tố chất, không thể tự chủ. Pháp trị như là cây roi để quất lên đầu bọn chó chứ con người có tố chất, tự chủ thì ai cần đến biện pháp này. Tư tưởng của Khổng Khánh Đông lại có sức thu hút lực lượng cánh tả. Các nhóm theo tinh thần chủ nghĩa dân tộc phương Bắc Trung Quốc cũng nhao nhao nhảy vào đấu tố luôn tỉnh Quảng Đông cho rằng tỉnh này chính là quê hương của bọn Hán gian. Sự miệt thị này tạo nên tâm lý mâu thuẫn nội bộ dân tộc Trung Hoa một cách gay gắt.

Thấy rằng nhận thức của học giả Trung Quốc như thế này còn nguy hiểm hơn là những câu chửi chó mắng mèo theo kiểu ghen tị về ưu thế xã hội của người Hồng Kông, ứng cử viên hành chánh trưởng quan tranh cử trong năm 2012 Đường Anh Niên phải trấn an và đính chính trước dân chúng rằng: “Người Hồng Kông không phải là chó, pháp trị là tố chất và giá trị cốt lõi của người Hồng Kông”. Tuy câu đính chính này hơi buồn cười: “Dĩ nhiên người Hồng Kông không phải là chó rồi” nhưng đã đụng chạm đến cơ cấu chính trị.

Cẩu Trùng Chi Tranh

Hiện nay hai bên Hồng Kông và Trung Quốc chửi bới nhau rất căng. Tuy một bộ phận dân chúng Trung Quốc không đồng tình với Khổng Khánh Đông nhưng học phiệt cánh tả cũng rất mạnh bạo, rất mãn nguyện như trả được thù hận và mặc cảm thua sút bấy lâu. Bên Hồng Kông cũng không thua, gọi ngược lại đại lục là thứ côn trùng châu chấu tạo nên trận chiến mới mà BBC tiếng Trung gọi là “Cẩu Trùng Chi Tranh” (cuộc chiến giữa chó với trùng) tan vỡ lòng người, nguyền rủa nhau tới bến, rất có chiều hướng lan rộng.

Khổng Khánh Đông bị dân Hồng Kông khắc họa

Trước đây, Vương Khánh Đông thường hay lên truyền hình trung ương bận đồ nho gia, giảng đàm học thuyết Trung Dung, Luận Ngữ một cách say sưa. Nhưng ở một góc độ phàm phu tục tử lại vị giáo sư “Bắc Đại” này có thể tuôn ra từng tràng như hát, nào là “vương bát đản” (có nghĩa là trứng rùa, con hoang), đồ mất gốc, chó, chó săn, đê tiện, bố mày là người Anh à?… Vương Khánh Đông cũng có thể nhái giọng điệu để cười cợt, chửi bới, công kích hạ nhục thân phận dân Hồng Kông từng bị Anh Quốc bắt làm nô lệ mà còn vác mặt lên trời.

Những lời chửi bới rất có bài bản, cay nghiệt, cường điệu, xuyên tạc hiện trạng nhưng gây ấn tượng về nội dung và thời lượng (vì đài truyền hình cho phép). Tính cách lý luận văn hóa Cộng-Khổng phối hợp rất có khí thế và sôi sục khiến những người lý luận căn bản không dễ dàng bẻ gãy.

Là tác giả của nhiều sách và bài viết về ngôn ngữ văn học, “Khổng hoà thượng” (xưng hiệu ăn khách trên truyền hình và blog cá nhân) lại giáo sư cộng tác với đài truyền hình trung ương trong tiết mục “Bách Gia Giảng Đàn” chuyên giảng về Khổng Giáo nên có rất nhiều tín đồ “con nhang đệ tử” yêu thích. Khổng Khánh Đông còn là đảng viên cộng sản, và là nhà nghiên cứu tinh hoa Khổng giáo do đó gánh vác vai trò trí thức học giả của Trung Quốc đại lục hiện nay.

Nguồn: Facebook Trần Đông Đức

——————————

Tài liệu tham khảo:

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2012/01/120124_hongkong_chinese_anger.shtml

http://www.bbc.co.uk/zhongwen/simp/hong_kong_review/2012/01/120124_hkreview_hkdog.shtml

http://rfavietnam.com/node/1026

0 comments:

Powered By Blogger