Friday, January 13, 2012

Miến Điện từng bước chuyển sang dân chủ




Trọng Thành (RFI) - « Ngọn gió cải cách tại Miến Điện » là chủ đề trang nhất tờ Công giáo La Croix. Bài xã luận của La Croix nhận xét : Miến Điện đang trải qua một giai đoạn vô cùng hấp dẫn. Từ một đất nước liên tục nằm dưới chế độ độc tài quân sự, kể từ khi giành được độc lập vào năm 1948 đến nay, Miến Điện rất có thể sẽ bước qua nền dân chủ trong những năm tới đây.


Ngày hôm qua 12/1/2012, chính quyền Miến Điện vừa ký thỏa thuận ngừng bắn với quân nổi dậy thuộc sắc tộc Karen.


La Croix điểm lại một số mốc chuyển biến chính. Thứ nhất là việc chính quyền bãi bỏ lệnh quản chế đối với lãnh đạo đối lập Aung San Suu Qi, tiếp đó, đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ được hợp pháp hóa, kiểm duyệt đối với truyền thông được nới lỏng, các chùa chiền, tu viện cũng ít bị khống chế hơn, nhiều tù nhân đã được trả tự do và đặc biệt mới đây là chính phủ tiến hành các đàm phán với những lực lượng nổi dậy thuộc các sắc tộc thiểu số.
Ngày thứ Tư tuần này, lãnh đạo đối lập Aung San Suu Qi đưa ra một đánh giá thận trọng về các chuyển biến đang diễn ra, với lời khẳng định « Miến Điện đang đến gần một bước chuyển quyết định sang nền dân chủ ». Khả năng bãi bỏ cấm vận của phương Tây đối với chế độ độc tài đã được đưa ra. Thứ Bảy tuần trước, ngoại trưởng Anh William Hague cho rằng, còn quá sớm để làm việc này, trước khi chính quyền Miến Điện trả tự do cho tất cả các tù chính trị, tổ chức các bầu cử tự do và công bằng, mở cửa cho trợ giúp nhân đạo tại các khu vực khủng hoảng và khuyến khích quá trình hòa giải dân tộc. Cuối tuần này, ngoại trưởng Pháp Alain Juppé sẽ có mặt tại Rangoon để tìm hiểu tình hình tại chỗ.
Theo La Croix, có nhiều lý do để giải thích sự chuyển biến mau lẹ này. Đó là một thế hệ lãnh đạo mới đã nổi lên nắm quyền vào năm ngoái. Thế hệ này có khả năng tạo lập một thể chế đa nguyên chính trị hạn chế, mà không ảnh hưởng đến vai trò hàng đầu của quân đội. Bên cạnh đó, sự phụ thuộc vào Trung Quốc gia tăng khiến tầng lớp lãnh đạo lo ngại. Mà để cân bằng với Trung Quốc, Miến Điện cần phải dựa vào Ấn Độ và Phương Tây. Để làm được điều này, Miến Điện cần phải cải thiện việc tôn trọng nhân quyền và hướng đến nền kinh tế thị trường.
Bài « Miến Điện từng bước hướng đến nền dân chủ » trên La Croix nhấn mạnh đến sự táo bạo của tân tổng thống Thein Sein trong các cải cách, đặc biệt với thỏa thuận ngừng bắn vừa được ký với Liên Minh Quốc Gia Karen (KNU), tại thành phố chính của tiểu bang Karen, miền đông nam nước này.
Theo nhiều nhà quan sát, đây là một bước tiến quan trọng của Miến Điện trong việc giải quyết các xung đột lâu dài và phức tạp. Bởi, sắc tộc Karen là một trong các sắc tộc lớn, ở một đất nước mà 153 sắc tộc thiểu số chiếm tới 40% dân cư. Kể từ khi Miến Điện độc lập đến nay, không có chính quyền nào thành công trong việc đoàn kết được tất cả các sắc tộc. Chống lại xu thế giành quyền tự trị của một số sắc tộc, như người Karen, chính là một trong các lý do mà tập đoàn quân sự đưa ra để duy trì quyền lực của họ trong hơn nửa thế kỷ qua.
Bên cạnh việc hòa đàm với người Karen, chính quyền Miến Điện cũng đã tiến hành đàm phán với người Shan, và một thỏa thuận ngừng bắn đã được ký vào tháng 12/2011. Riêng với người Kachin, dù có lệnh từ phía chính quyền trung ương không cho phép tấn công, nhưng lệnh này không hẳn đã được tôn trọng.
Theo ông Renaud Egreteau, chuyên gia người Pháp về Miến Điện và giảng viên tại Đại học Hồng Kông, các bên xung đột còn phải nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy đàm phán và nhìn chung không nên quá hào hứng với những diễn biến nhìn chung có vẻ thuận lợi.
Aung San Suu Kyi, lãnh tụ đảng đối lập: Miến Điện đang trên bờ tự do

0 comments:

Powered By Blogger