Tuesday, January 17, 2012

Câu đối thời cổ đại [2]

Tiếp theo phần I

Câu đối ngày nay

Câu đối không chỉ để văn nhân sĩ tử thù tạc, hưởng thụ gío – trăng – hoa – cỏ, mà còn phản ánh những bức xúc của cuộc đời, thời cuộc, chính sự. Trong từng mốc thời gian, câu đối dần nâng lên, phát triển về số lượng, chất lượng, ngày càng được những người yêu thích, thưởng thức, tham gia sáng tác.

Câu đối cổ hình lá chuối. Ảnh Thanh niên

Ngay từ khi nước Đại Việt ra đời, có chữ viết, có nhà nước phong kiến, vua quan, các đối tượng có học (nhà nho, thầy đồ, sĩ tử, học sinh) – đều ưa thích và sáng tác diễn tả sinh hoạt đời sống của cá nhân hay xã hội… 680 năm trước (1332), nhà sử học Lê Văn Hưu lúc thiếu thời đã từng làm câu đối. Một câu đối trong số đó được lưu truyền tới hôm nay. Tương truyền, khi còn bé, đi học về qua chiếc lò rèn, thấy bác thợ cả đang bằng chiếc búa nhỏ, đập từng tiếng trên đe, trên vật rèn…. chỉ huy anh thợ phụ quai búa rèn sắt. Vốn tính hiếu kì, LVH đứng lại xem. Chỉ một loáng, từ thanh sắt đỏ rực, thầy trò bác thơ đã rèn ra chiếc dùi nhọn. Thích thú lại quen biết, chú bé cất lời xin một chiếc. Bác thợ cả hỏi: Cậu lấy dùi làm gì? Không phải dùng làm’’vũ khí’’ đánh nhau với bạn chứ?

LVH vội thanh minh: Ồ không! Cháu xin để làm dùi đóng sách vở.

- Thế à? – Bác thợ cũng là người có học, chợt nghĩ ra… bảo : Nếu vậy, ta ra cho câu đối, đối được sẽ tặng một chiếc. Có dám đối không? không để cho cậu bé lên tiếng, ông đọc luôn:

Than trong lò, sắt trong lò, lửa trong lò, thổi phì phò rèn lên dùi vở.

Không hề lúng túng, sợ sệt Lê Văn Hưu ứng đối ngay:

Nghiên ở túi, giấy ở túi, bút ở túi – viết lúi húi mà đậu khôi khoa.

Chỉ từ một quy trình của công nghệ rèn, với những dụng cụ và sức lao động, người thợ rèn đã biến sắt thép thành những dụng cụ , đồ nghề phục vụ cuộc sống và chiến đấu chống giặc ngoại xâm (gươm, giáo…). Bên bễ, lò, đe, búa – bác thợ cả như một vị tướng – cầm chiếc búa con chỉ huy người lính (thợ phụ) quai búa tạ (búa to) biến sắt thành vật hữu dụng .

Về mặt nghệ thuật đôi câu đối đạt đến cảnh giới tuyệt đỉnh. Đối nhau từng chữ, từng đôi, từng nhóm từng cụm từ. và từng ý…nhưng cốt lõi chỉ nằm ở hai động từ:

Câu của bác thợ rèn – ‘’thổi phì phò’’…

Câu của Lê Văn Hưu –‘’viết lúi húi’’….

Tại sao lại thổi phì phò?

Khi xưa những chiếc lò rèn có 3 chi tiết quan trọng: Bễ – Lò nung – Đe búa. Muốn rèn được sắt thành vật dụng, phải cho vào lò lửa. Muốn cho thanh sắt nóng đỏ lên, mềm ra, Bễ phải thổi gió vào lò cho than cháy rực lên nhằm tăng nhiệt độ . Vât sinh gió chính là chiếc Bễ – được cấu tạo thành 2 ống bằng nhôm, kim loại hay gỗ ghép, đường kính chừng 20 phân. bên trong có cuộn giẻ bọc da, buộc ở đầu qcây que. Người thợ mỗi tay cầm 1 cây, tay này kéo lên, tay kia ấn xuống đẩy gió vào lò qua ống dẫn. Dưới tác động của hơi gió, ngọn lửa cháy to tạo ra những tiếng phì phò… phì phò. Cùng với tiếng quạt gió, những người thợ làm việc nặng nhọc cũng ‘’ tthở rốc…phì phò’’ – theo. Tiếng động này dân ta nói một cách hình tượng – Thở như…trâu khi con vật kéo cầy trên ruộng.

Còn Viết lúi húi là thế nào?

Khi người ta đầu cứ ngẩng lên, cúi xuống – dân gian gọi là lúi húi . Chàng thư sinh – cũng với dụng cụ cần cho việc trau dồi kiến thức(sách, bút, nghiên) nhưng nhà nghèo, không có bàn ghế ngồi học, phải nằm phủ phục trong ổ rơm, trên phản, trên giường – lúi húi, cặm cụi học: Kết qủa của sự học đó là đỗ đạt, được bổ đi làm quan…

Cả hai người – Mộ công nhân – một trí thức đều lao động’’cật lực’’ mới có thành quả. Chỉ cần dung 3 từ, đôi câu đối đã thể hiện đầy đủ công việc nặng nhọc của người thợ, ngưòi học trò nghèo. Chỉ vẻn vẹn mỗi câu 16 chữ mà đôi câu đối nói được đầy đủ một qúa trình lao động sang tạo, bao gồm ý nghiã rõ ràng, sâu sắc điều cần diễn đạt…

120 năm sau (1322 – 1442), đến lượt vua Lê Thánh Tôn đã đưa câu đối tiếp tục lên đỉnh cao nghệ thuật. Tương truyền: Lê Thánh Tôn là ông vua giỏi trị nước. Ngài dùng câu đối để phản ánh sinh hoạt đời sống của thần dân mình sau mỗi chuyến vi hành, tìm hiểu cuộc sống của dân để ra các quyết sách có lợi cho dân cho nước. Những câu đối của ngài, được lưu truyền trong dân gian, đưọc sách báo, văn chương ghi lại. Xin giới thiệu một vài câu nổi tiếng này :

Nhà vua vốn rất thương dân, không chịu giam mình trong cung điện, nghe đám quần thần tấu trình mà trong đó khá nhiều điều gian trá’’xàm tấu’’ nên thường cải trang thành thường dân đi xem dân chúng làm ăn sinh sống…

Một năm kia – vào chiều 30 tết – Ngài cải trang thành Thư sinh cùng một Thị vệ đóng vai thơ đồng đi tìm hiểu dân gian đón tết. Dân Việt có câu tục ngữ từ bao đời: Ðói ngày giỗ cha, no ba ngày tết. Dù cả năm ăn đói mặc rách, nhưng ngày tết nhà nào cũng cố sắm sửa cho con cái mình được bữa no có tấm áo lành, đẹp để mặc.

Khi Ngài đến cuối một phô nhỏ, vắng – trong kinh thàng Thăng Long – thấy có một túp lều, cửa đóng im ỉm, lạnh tanh. Viên thị vệ tiến lên đánh tiếng, mãi sau mới thấy có một người đàn ông vẻ ngái ngủ ra nhấc tấm phên che. Nhà vua bắt chuyện, hỏi… người kia than phiền: … Nghèo đến độ chỉ đủ hai bữa cơm hàng ngày, không có dư để mua sám tết. Ngạc nhiên – vì ngài thường được các quan trong triều tấu sớ rằng con dân của ngài sung túc – giờ thấy người kia nói vậy, nhà vua thấy lạ, hỏi: Anh làm nghề gì? Có chịu khó làm việc không?

- Bẩm, con làm nghề… hót phân. Hàng ngày đi từ sáng sớm đến tối mịt, chỉ hót được hai thúng, đem bán cho các chủ ruộng, mua vừa đủ hai bữa gạo ăn.

Nhà vua nghe xong thương cảm. Bảo người Thị vệ cho anh ta ít tiền đoạn sẵn giấy bút mang theo Ngài viết cho đôi câu đối:

Khoác một chiến bào, đảm đang khó khăn thiên hạ

Vung ba thước kiếm, tận thu lòng dạ thế gian.

Khẩu khí như của một ông Nguyên Soái chuẩn bị ra trận. Nào chiến bào, nào Kiếm, nào gánh vác thiên hạ trên hai vai. Ðủ cả. Thế nhưng nhìn người hót phân cũng thây đúng các trang phục này:

- Áo bào chính là áo tơi khoác ngoài, che mưa nắng, rét mướt – vì cấu trúc, hình thể của chúng hoàn toàn giống y trang. Chỉ khác: một làm bằng lụa quý thêu kim tuyến, còn một làm bằng lá gồi – thứ lá cây dùng làm nón và lợp nhà dành cho dân nghèo.

- Kiếm, đao – chính chiếc cào, chiếc xẻng để hót những đống phân người, phân suc vật vương vãi trên đường làng. Vừa làm sạch đường lại vừa để bón cho lúa, hoa mầu tốt tươi .

- Trên vai gánh đôi thúng. – chính là gánh vác giang sơn –‘’ đảm đang… thiên ha’’.

Thời xưa, nghề hót phân là nghề mạt hạng nhất. Ðến độ, khi dậy con cái, bố mẹ, ông bà – thường đem nghề này ra ”dọa” trẻ: ”Không chịu học hành, dốt nát, sau này lớn lên chỉ đi hót phân”. Dươi mắt của Minh Quân Lê Thánh Tôn, người làm nghề thấp hèn, bẩn thỉu nhất đã trở nên quan trọng: Còn gì vĩ đại bằng người thu phục được ”nhân tâm” thiên hạ – Ðó là ước nguyện, hành động của các đế vương!

Tiếp theo, nhà vua đến một ngôi nhà ở phố khác.

Theo phong tục, người chủ nhà cùng đứa con lớn ra chào khách xông nhà. Gia chủ này có vẻ khá hơn người hót phân, tuy cũng không hơn nhiều vì đến giờ tất niên mà nhà ông ta vẫn còn la liệt những mảnh vải đang nhuộm dở phơi trên giây. Biết khách là học trò, ông chủ nhà xin thầy cho đôi câu đối lấy may, đoạn sai cậu con trai mang giấy, bút, phẩm mực đến. Nhà vua quan sát, suy nghĩ… đọạn viết:

Thanh hoàng ngã thủ giai thiên hạ

Triều trung chu tử tổng ngô gia.

Dịch:

Xanh vàng thiên hạ đều tay tớ

Ðỏ tía triều đình bởi cửa ta.

Ông thợ nhuộm thì trong nhà phải có phẩm mực đầy mầu sắc – Xanh, vàng, đỏ , tiá (Tím thẫm), các mầu này chỉ dung cho vua quan. Ông thợ nhuộm đã tô điểm ngay cho cả triều đình… khiến họ mơi trở nên danh gía!

Hai đôi câu đối này được 2 gia chủ treo ở cửa nhà đón xuân. Thám báo của triều đình thấy khẩu khí có vẻ lộng ngôn, ngạo mạn, phạm thượng… vội về tâu trình thượng cấp trị tội. Sau khi biết rõ nguồn cơn… các quan đại thần vô cùng cảm phục minh quân của mình. Hai gia chủ kia lập tức được nhận ân xủng: Con trai ông thợ nhuộm được ngay một quan đại thần, đem con gái gả cho. Còn người hót phân thì chức sắc đia phương cấp ruộng công điền… và lộc vua ào ào đổ dến. Thiên tử đến nhà là phúc lơn không chỉ cho cá nhân mà còn là ơn mưa móc của trời đất tưới cho cả vùng…

Berlin – Tết nhâm Thìn 2012

© Lê Xuân Quang

© Đàn Chim Việt

(Kì sau 3 : Câu đối thời cận đại…)

—————————————-

Ghi chú:

Theo WIKIPEDIA:

- Lê Văn Hưu (chữ Hán: 黎文休;1230-1322) là nhà sử học đời nhà Trần, tác giả bộ Đại Việt sử ký, bộ quốc sử đầu tiên của Việt Nam. Bộ sách này không còn nhưng nhờ nó mà sử gia Ngô Sĩ Liên đã dựa vào để soạn bộ Đại Việt sử ký toàn thư.

Lê Văn Hưu là người làng Phủ Lý (tục gọi Kẻ Rỵ), huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, nay thuộc xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa

- Lê Thánh Tông (chữ Hán: 黎聖宗; 20 tháng 7[1] năm Nhâm Tuất 1442 – 30 tháng 1 năm Đinh Tỵ 1497[1]), là vị Hoàng đế thứ năm của nhà Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam, trị vì từ năm 1460 đến 1497. Ông tên thật là Lê Tư Thành (黎思誠), còn có tên khác là Lê Hạo (黎灝). Ông nổi tiếng là vị minh quân, là người đã đưa Đại Việt lên tới thời hoàng kim của chế độ phong kiến.

0 comments:

Powered By Blogger