Friday, January 27, 2012

Câu chuyện ngày tư ngày tết.

Tác Giả: Giao Tiên

Từ sau ngày đất nước thay bậc đổi ngôi thì không khí đón xuân của miền Nam cũng thay đổi hẳn.

Mọi người đi vào guồng máy XHCN. Các thực phẩm ăn Tết đều do nhà nước quy định, và công đoàn phân phối”. Sau cả năm trời, ăn cơm trộn lẫn mì sợi và bo bo. Thức ăn thì “không người lái”. Ngày Tết là cơ hội duy nhất để mọi người kiếm chác chút thịt cá cho đỡ thèm.

Trong Bệnh Viện, vào những ngày cuối năm, mọi người hình như sao lãng các nhiệm vụ y tế thường ngày, mà chỉ quan tâm về các đề tài “ăn Tết”. Gặp nhau ngoài hành lang, trên trại bệnh, dưới căng-tin, người ta thủ thỉ hỏi nhau: “nhu yếu phẩm ngày Tết năm nay có gì đặc biệt không ?”, “năm nay công đoàn mổ mấy con heo ?”, “ngày nào thì chia thịt, chia cá cho công nhân viên ?”. Mọi người đều hồi hộp chờ đợi các thực phẩm do công đoàn của Bệnh Viện phân phối để ăn Tết. Với số lương khiêm nhượng của cán bộ nhà nước, các công nhân viên không đủ khả năng để mua thực phẩm ngoài chợ. Mọi người đành thúc thủ, trông chờ vào thực phẩm phân phối của công đoàn Bệnh Viện. Dĩ nhiên là với giá cả nhẹ nhàng hơn, và phù hợp với mức lương được nhà nước ban phát.

Món thực phẩm được quan tâm nhất là thịt heo. Quanh năm đã rau dưa cho qua ngày. Chờ đợi mãi mới tới Tết, hy vọng kiếm chút đồ mặn cúng kiếng ông bà, cho mâm cơm được tươm tất, để tròn bổn phận với tổ tiên. Vả lại cổ nhân đã nói: “đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết”. Ba ngày Tết mà không có thịt cá, ăn toàn “thực phẩm không người lái” thì làm sao mà no được ?

Thịt heo công đoàn bán cho công nhân viên bệnh viện là thịt của bầy heo do công đoàn nuôi cả năm bằng cơm thừa canh cặn của bệnh nhân trong bệnh viện. Bầy heo nuôi không vốn này, tới cuối năm, được đem ra làm thịt, bán cho công nhân viên với giá cả nhẹ nhàng. chỉ cần lấy đủ vốn để sang năm mua 1 bầy heo con nuôi tiếp. Đàn heo này là niềm hy vọng của mấy trăm công nhân viên bệnh viện nhân dịp xuân về. Đã có năm, gần đến ngày Tết, thì tổ trưởng công đoàn báo cáo trong buổi giao ban của bệnh viện,: “cả bầy heo bỗng dưng trở bệnh, bỏ ăn mấy bữa rồi !” Thế là mọi thảo luận về tiến trình y lý bỗng nhiên ngưng bặt. Mọi người sôn xao, lo lắng còn hơn con cái trong nhà bị bệnh. Bệnh viện trưởng tạm gác các đề tài y tế cao siêu, để tập trung giải quyết đề tài “heo bệnh”. Ông đề nghị truy cứu nguyên nhân, rút ưu khuyết điểm, và chỉ thị cho công đoàn phải thường xuyên báo cáo lên ban Giám đốc tình trạng sức khoẻ của bầy heo. Các trưởng phòng, trưởng trại thì thẫn thờ, lo lắng. Các nhân viên cấp thấp thì chỉ biết tặc lưỡi, thở dài. Ôi ! chưa bao giờ tình trạng sức khoẻ của bầy heo được cả mấy trăm người trong bệnh viên quan tâm, lo lắng như vậy !

Cái ngày công đoàn mổ heo, là một ngày trọng đai đối với các công nhân viên bệnh viện. Mọi người gặp nhau thì hoan hỉ báo tin “công đoàn mổ heo sáng nay” thay cho một lời chào. Nhờ hệ thống “thông tin truyền miệng” cực kỳ mau lẹ và hiệu quả này, mà chỉ một giờ sau, dù không được thông báo chính thức, nhưng các phòng trại dù xa xôi cũng đã sửa soạn để đi lãnh thịt heo phân phối. Mỗi phòng trại đề cử 2 người tới công đoàn lãnh thịt heo, đem về phân chia lại cho các anh chị em cùng làm việc, từ Bác sĩ tới y công, theo tiêu chuẩn riêng của từng người. Giờ đi lãnh thịt heo là giờ phút thiêng liêng như sứ gỉả lên đường thi hành sứ mệnh. Phải có mặt đúng giờ, vì đi trễ, là các phòng trại khác tới trước, sẽ dành hết miếng ngon. Giờ đi lãnh thịt heo, cho dù có dịch bệnh bùng phát, hay bệnh nhân đột trụy, cũng phải sang tay cho người khác, để tới công đoàn theo đúng giờ giâc quy định.

Trong khi 2 nhân viên lên đường đi lãnh thịt heo, thì những người ở lại xúm nhau dồn hết bàn ghế vào một góc phòng, chừa ra một khoảng trống ngay giữa phòng. Một người chạy ra vườn, hái lá chuối, trải la liệt xuống sàn, làm chỗ phân chia thịt heo. Một người khệ nệ bưng cái cân dùng cho trẻ sơ sinh, đặt trên tấm lá chuối, sẵn sàng để cân thịt.

Khổ một nỗi là thịt heo không đồng nhất, nghĩa là có miếng nạc, miếng mỡ, miếng xương. Làm sao mà phân chia đồng đều cho mấy chục người cùng vui lòng được đây ? Bởi thế, sau màn chia thịt heo, là tới màn “mất đoàn kết”. Các đồng nghiệp thân thương, bỗng dưng trở nên thù địch vì miếng thịt heo mỡ, nạc không đồng đều. Họ không cằn nhằn, tỵ nạnh, thì cũng mặt ủ mày chau.…. Có bà Y sĩ tập kết đã mang miếng thịt heo, lên tận văn phòng Giám đốc khiếu nại rằng, trong lúc bà lo phục vụ bệnh nhân, để thể hiện tinh thần “lương y như từ mẫu”của bác Hồ, thì các chị em trong trại dành hết thịt nạc, để lại cho bà một khúc mỡ bầy nhầy. Bà nhất định không chịu nhận, và đem lên để ban Giám Đốc giải quyết. Miếng thịt heo được bày lên giữa bàn giấy của Bệnh Viện Trưởng. Ban giám đốc gồm có 5 người đứng xung quanh, quan sát miếng thịt heo. Mọi người cùng công nhận rằng” miếng thịt heo này quả nhiên là bầy nhầy nhiều mỡ thực !”. Nhưng giải quyết ra sao đây ? Đâu có ai dại gì mà nhường, hay đổi phần của mình cho bà này, mặc dầu ban giám đốc là những người được lãnh tiêu chuẩn cao nhất, và lại được các nhân viên Công đoàn ưu ái dành cho phần ngon nhất của con heo. Sau cùng, ông Bệnh Viện Trưởng phải giải quyết bằng cách “bù lỗ” cho bà một kí đường lấy từ phần tiếp liệu của căng tin. Đat được thắng lợi, bà Y sĩ hớn hở cắp miếng thịt mỡ cùng với phiếu lãnh đường ra về.

Chiều hôm ấy, mọi người hân hoan rời bệnh viện để về nhà sửa soạn đón xuân. Trên mỗi ghi đông xe đạp, đều có treo toòng teng một gói thịt heo. Nhìn gói thịt đu đưa theo nhịp đạp của xe, sao mà vui mắt tệ !

Cũng nhờ phân phối thịt heo ăn Tết, mà ngay năm đầu tiên của XHCN, mọi người đã có cơ hội học tập thế nào là lợi ích tập thể do nhà nước quản lý. Và hiệu quả của tinh thần này được thể hiện bằng câu ca dao: “Miếng ăn là miếng tồi tàn. Mất đi một miếng lộn gan lên đầu.”

Giao Tiên
01/12

0 comments:

Powered By Blogger