Friday, January 27, 2012

Cái khó cũng ló cái khôn

Tác Giả: Lạc Nhân

Tôi bị nhốt tám năm trong ngục tù Cộng Sản, được mệnh danh một cách mỹ miều là Trại Cải Tạo.

Trong tám năm đó, ngoài sự hành hạ của đám cai tù, chúng tôi còn bị thời tiết khắc nghiệt và những con vật và ký sinh đáng ghê sợ hành hạ để bổ túc thêm nỗi đoạn trường cay đắng mà con người trong chốn lao tù này phải chịu đựng, chẳng thua gì một con vật.

Trong phạm vi bài này, tôi chỉ trình bày giới hạn một vài khía cạnh 'khôi hài đau ruột' về sự vật lộn, tranh sống giữa người và vật để sinh tồn trong hoàn cảnh đói khát giống nhau. Lẽ tất nhiên con người phải hơn con vật, vì con người có đủ trí khôn để khống chế, đè bẹp những con vật nào muốn lợi dụng hoàn cảnh ngặt nghèo để uy hiếp, tấn công đối thủ với mục đích tàn phá cơ thể cũng như những gì con người sở hửu.

SỰ VẬT LỘN GIỮA NGƯỜI VÀ RỆP

Trong những ngày tháng đầu tiên, khi bước chân vào trại tù, chúng tôi đã rất khổ cực về thể xác lẫn tinh thần, phần vì suốt đêm trằn trọc lo nghĩ về thân phận, về gia đình, phần vì phải đối phó với lũ rệp đông đảo không thể tưởng tượng được. Hằng đêm, chúng tôi đã phải ngồi dậy bắt rệp, bằng cách bóp nát chúng giữa hai ngón tay và đưa lên mũi ngửi mùi máu tanh tưởi của chính mình, như là một hành động phản xạ một cách xót xa của lý trí, khí thấy từng giọt máu của mình bị con vật hút đi, thay vào đó là những mầm mống bệnh tật.

Trong thời kỳ đói kém của những năm đầu sau 75, C.S đã bắt chúng tôi lao động cật lực để tự túc, chứ không hề có một sự giúp đỡ nào từ bên ngoài. Suốt ngày, chúng tôi hết đào hố sắn từ đồi này qua đồi nọ, lại 'nên nuống trồng nang trồng nạc' (lên luống trồng lang trồng lạc), theo một chỉ tiêu của loài vật. Do đó, tối đến là chúng tôi rã rời thân xác, chỉ mong nằm xuống để chìm ngay vào giấc ngủ mệt nhoài, không còn sức lực nào để giết rệp như những ngày đầu mới nhập trại. Thế là, bọn tàu lặn, mặc sức tung hoành, nhậu nhẹt đến căng bụng những giọt máu vốn rất hiếm hoi của những người tù bất hạnh!

Những tên bò sát này rất khôn ngoan, cũng như những người lính biệt kích được huấn luyện rất tinh nhuệ. Chúng 'di tản chiến thuật' rất tài tình. Khi trời vừa sáng, trước khi tiếng kẻng đánh thức chúng tôi dậy lúc năm giờ, thì chúng đã kịp 'lặn' sâu vào vào những hang động, nơi địa hình hẻm hóc, nằm im chờ đến hôm sau lại bò ra 'nhậu' tiếp, chỉ còn vài ba tên cố bám, hoặc vì nhậu no quá không kịp đào thoát, còn bám trên mùng mền, nên bị chúng tôi hành quyết tại chỗ.

Chúng tôi biết chắc lũ rệp phải mất một thời gian để len lỏi từ điểm khởi hành đến nơi ăn nhậu. Chúng phải chui qua mùng, lội ngược lên chiếc chiếu, chiếc mền, rồi mới đến cơ thể của chúng tôi. Biết được lộ trình của địch, chúng tôi liền dựng lên chiến luỹ 'Magino' để ngăn bước tiến của quân thù, hoặc ít ra cũng kéo dài thời kỳ tiến quân của chúng cho đến sáng.

Miền Bắc mùa Đông trời rất rét, nên chúng tôi được phát mỗi người một tấm mền dày, cộng thêm của riêng của chúng tôi, gồm một vài tấm mền mỏng hoặc tấm ra, và một số bao cát, dùng làm vật chắn, thế là chúng tôi có đủ vật liệu để xây thành. Những chiếc mền này chỉ để xử dụng ngăn lũ rệp vào mùa hè, còn mùa rét thì dùng để đắp, vì rệp thường ngủ yên, không hành quân vào mùa này.

Công việc xây chiến luỹ cũng đơn giản thôi. Trước khi nằm xuống, chúng tôi cẩn thận nhét mùng thật sâu dưới chiếu, một cái mền được xếp rộng hơn, phủ lên chiếc chiếu làm tấm bia thứ nhì, chiếc mền thứ hai, rộng hơn nữa, phủ lên chiếc mền thứ nhất...sau hết, chúng tôi dùng những bao cát chận lên những chiếc mền, đến đây xem như chiến luỹ Magino hoàn tất. Kết quả thật không ngờ, chỉ còn mười phần trăm quân du kích lọt qua được chiến luỹ của chúng tôi mà thôi! Mà khi chúng vào lọt được rồi, thì trời cũng sắp sáng, chúng chưa kịp làm ăn gì thì đã bị chúng tôi phát hiện và giết gần sach, vì chúng thường bám lấm tấm trên mùng, nên rất dễ thấy.

Chúng tôi biết 10% tên này cũng đã phải vất vả, lội suối băng đèo suốt đêm mới tới đích, chắc chúng cũng đã mệt lả rồi! Thật đúng là một sáng kiến, mới nghe qua rất là khó tin, nhưng thật sự chúng tôi đã thành công tốt đẹp. Cái khó đã ló cái khôn, và cái khôn này đã tiết kiệm cho chúng tôi ít nhiều xương máu trong những ngày tháng dài đăng đẳng của kiếp tù đày. Chuyện rệp còn dài, nhưng chúng tôi xin tạm ngừng nơi đây, vì con ruồi đang chờ.

TRÁNH DƠ CHẢ XẤU MẶT NÀO

Ở Hoàng Liên Sơn, trong rừng sâu, có một loại ruồi, mà khứu giác của chúng, có thể nói là nhạy hơn loài chó săn. Chúng có màu nâu đen, nhỏ hơn ruồi xanh một tí, nhưng lại bay nhanh kinh khủng. Tôi mô tả đoạn này hơi khó khăn, vì phải bàn đến cái thứ mà ai nghe cũng nhăn mặt, bịt mũi. Nếu không được thơm, xin độc giả miễn thứ cho, vì đây là sự thật.

Khi lao động ngoài đồng, nếu có 'nhu cầu tống xuất' đòi hỏi, thì tù nhân chỉ việc vác cái cuốc đến gặp cán bộ quản giáo (chúng tôi còn gọi là cán bộ súng ngắn, trình độ tiểu học, lo về 'bát nháo dục'), hoặc cán bộ quản chế (cán bộ súng dài, lo về việc chế ngự tù vượt ngục), đứng thẳng người hô to: 'Báo cáo cán bộ, tôi đi ngoài'

- 'Được!', tên cán bộ đáp, nghe rất oai phong lẫm liệt!

Thế là người tù ung dung, thụ hưởng cái mà chúng tôi cho là một đặc quyền đặc lợi, không thể bị từ chối, dù lúc đó nhu cầu không đòi hỏi. Ai dại gì bỏ qua! Tại sao không hưởng thụ mươi mười lăm phút ngồi xả hơi trong bóng mát, không làm gì, hoặc làm một việc nhẹ nhàng, mà các 'chú' cho là một trong tứ khoái, thay vì phải cuốc lia cuốc lịa theo chỉ tiêu, dưới ánh nắng chảy mỡ, và dưới những cặp mắt cú vọ của những tên cai tù ngu dốt và hách dịch.

Nhưng khốn khổ thay, từ khi chúng tôi 'move' đến khu rừng này, thì một loài không tặc ở đâu bay đến cướp mất cái đặc quyền 'tự khoái' độc nhất của chúng tôi, biến những giây phút thần tiên thành địa ngục! Sự ung dung, thoải mái không còn nữa, mà trở thành vội vã và bất đắc dĩ! Vì, sau khi 'an toạ' hưởng nhàn một vài phút, để chuẩn bị 'thả bom' xuống cái hố nhỏ mới đào xong, thì bỗng nghe 'vù' một âm thanh, cùng một luồng gió chướng từ đâu bay đến: một sư đoàn Mig-19 ào ạt tấn công hố bom chúng tôi vừa thả, đồng thời chúng hạ cánh bừa lên chỗ phát xuất những trái bom!

Thế là anh phi công cứ phải nhỏm lên, nhỏm xuống, tay quơ lia lịa vì nhột nhạt và sợ bị dính bom! Thế thì còn gì là khoái lạc, là êm đềm, là thưởng thức, là thoải mái, là v.v...và v.v...? Thà lao động cực nhọc còn hơn!

Nhưng, một lần nữa, cái khó ló cái khôn, lại đến với chúng tôi. Để bảo vệ cái đặc lợi Trời cho, chúng tôi dùng một chiến thuật, gọi là 'điệu hổ ly sơn' để đối phó với lũ không tặc mất vệ sinh này: Chúng tôi đào hai hố bom! Các bạn hiểu rồi chứ? Sau khi quả bom cuối cùng được thả ra ở hố bom thứ nhất ( bom 'bo bo' chưa lột vỏ, nên 'đi' rất nhanh), chúng tôi 'di chuyển chiến thuật' qua hố bom thứ hai ngay. Tất cả lũ không tặc đều tập trung ở hố bom thứ nhất, để yên cho người phi công thưởng thức cái 'bất chiến tự nhiên thành' của mình, vừa hút gió vừa nhìn lũ tham ăn một cách khoái chí. Sau điệp vụ thả bom, cây cuốc được dùng đến để lấp cả hai hố bom, khiến một số đông phi đoàn Mig-19 bị vùi thây dưới hố vì mải lo nhậu nhẹt!

CHUỘT GẶM THỊT NGƯỜI, NGƯỜI NHẬU THỊT CHUỘT

Ngoài việc truyền bệnh dịch hạch ra, chuột còn phá phách, ăn vụng không biết bao nhiêu là quà cáp của tù nhân, trong những ngày đầu tiên, khi chúng tôi được nhân quà, sơ sài đựng trong bao nylon hoặc bao giấy.

Hai năm đầu tiên, khi chúng tôi chưa được gởi quà, thăm nuôi, thì không thấy bóng dáng chuột, chẳng hề bị phá phách quầy rầy gì cả, vì chẳng ai có gì để cho chúng phá! Vào mùa Đông, đi vào bất cứ một căn nhà nào ( thường được gọi là láng), vào ban đêm, bạn sẽ có cảm tưởng như đi vào nhà xác vậy. Hai dãy giường dưới và hai dãy giường trên, lối đi ở giữa, gồm toàn những tấm thân trùm mền kín mít, im lìm, bất động. Cái đói và cái rét cắt da đã biến chúng tôi thành những thây ma, suy tư rất nhiều, nhúc nhích rất ít. Người đói, chuột đói. Người lạnh, chuột lạnh, nên không ai đủ sức hại ai.

Nhưng đến khi những món quà ba kí, rồi mười kí, rồi cả tạ được gởi vào, thì bầu không khí cả trại tù bỗng sôi động hẳn lên, không còn vắng lặng, im lìm, chết chóc như xưa. Hoàn toàn thay đổi 180 độ. Thuốc lào kêu rét rét cả đêm, đó đây tụm ba tụm bảy, ngồi kể chuyện Tàu, chuyện tiếu lâm, ăn nhậu những thức ăn chế biến rất kỳ quái, nhưng lại ngon đáo để. Thỉnh thoảng lại bỗng vang lên những tiếng cười sảng khoái...Thật là 'có thực thì cà giựt cà tàng, không thực thì nằm đực một đống'!

Nhưng đây cũng là lúc lũ chuột ra tay hành động! Những gói quà đầu tiên đều là nạn nhân của chúng, mà từ lâu im lìm lặng lẽ, nay bỗng vùng dậy một cách mãnh liệt, vì những thức ăn quá hấp dẫn, thơm lừng, bỗng xuất hiện trong một vùng trời nghèo đói, thức ăn hằng ngày chỉ là muối rau, khoai sắn, con người không đủ ăn, đừng nói đến loài chuột!

Không có cách nào bảo vệ an toàn hơn những món quà yêu quý bằng cách là mang chúng vào ngủ chung trong mùng với mình, hoặc làm gối kê đầu, hoặc ôm vào lòng như ôm 'người tình trong mộng' vậy! Chỉ có cách đó mới thoát khỏi lũ chuột tinh quái, đã làm rách nát, vung vải và thất thoát 'nguồn sống' của chúng tôi trong những ngày đầu bất ngờ và chưa kinh nghiệm. Thế mà lũ chuột vẫn chưa chịu thua, chúng chờ đến nửa đêm, mò đến bên giường chúng tôi ngủ, khi thì cắn lộn ngón chân, khi thì gặm nhầm vành tai, cứ tưởng chúng là những miếng thịt 'dăm bông' hay là 'xúc xích' chưa đóng hộp! Ghê thay cho lũ chuột táo gan! Cũng vì đói và sự thèm khát con khô con thiều quá mạnh mẽ biến chúng thành những con vật liều mạng, không biết sợ hãi là gì!

Tuy nhiên, những gói quà kế tiếp không còn đựng trong trong bao bì nữa, tất cả những thức ăn đều được vô lon hết. Chúng tôi đã báo động cho thân nhân biết để dấy lên phong trào 'lon gô', một thứ lon đựng sữa bột 'guigoz' cho trẻ em, vô cùng thực dụng. Nó vừa nhẹ, vừa bền, rất tiện việc đựng thức ăn và làm nồi để nấu nướng, nóng rất nhanh, vì chất nhôm dẫn nhiệt rất lẹ. Nhà sản xuất lon 'gô' ở Pháp đâu có ngờ đã cho ra đời một sản phẩm vô cùng quý báu cho đám tù nhân chúng tôi! Xin chân thành cám ơn và hoan hô hãng sữa bột hiệu Guigoz! Những chiếc lon màu trắng bạc xinh xắn, nhẹ nhàng này đã khoá mõm lũ chuột thật sự có hiệu quả, vì hằng đêm chúng tôi vẫn nghe tiếng sột sột do lũ gặm nhấm cào cắn, nhưng lon gô đủ bền để chống lại những chiếc răng sắc nhọn của lũ chuột.

Khi chúng tôi có đầy đủ gia vị, thì phong trào bắt chuột lại được dấy lên, thứ nhất để tiêu diệt mầm mống bệnh dịch, thứ hai là ít ra chúng tôi cũng hấp thụ được ít nhiều chất 'protein' để bồi bổ cơ thể đang thiếu hụt chất thịt. Chuột gặm thịt người, người nhậu thịt chuột! Rõ là 'có qua có lại mới toại lòng nhau!'

SỤC BÙN VỚI ĐỈA

Hai chữ 'sục bùn' có vẽ lạ lẫm đối với người miền Nam, nhưng miền Bắc thì ai cũng biết, vì đây là công việc làm tốt cây lúa non, vô cùng lạc hậu và cực nhoc, chỉ có các nước C.S mới áp dụng cho người dân của họ: Khi cây lúa mọc cao khoảng một hai gang tay, gốc cây cần được vun xới và nhổ cỏ xung quanh gốc, thay vì dùng cào nhỏ để làm công việc này, thì cai tù lại bắt chúng tôi phải dùng hai tay để bóp nắn và nhổ cỏ từng gốc một, như thể làm 'massage', cho cây lúa được khoẻ mạnh chóng lớn! Muốn làm công việc này, thì chúng tôi phải sắp hàng ngang, bắt đầu từ bờ ruộng bên này, khom mình xuống, vừa đi tới vừa dùng hai tay, ôm từng gốc cây, cứ thế mà bóp và nhổ cỏ, sang bờ ruộng bên kia, mới được nghỉ một vài phút trước khi tiếp tục công việc hành hạ những tấm lưng còm rời rã, mỏi nhừ!

Việc sục bùn đã vất vã lắm rồi, lại cộng thêm nỗi ghê sợ đeo đuổi theo từng bước chân của người tù với những con đỉa to có, nhỏ có, tuôn ra khi nước bùn bị khuấy động, từ chỗ nước trong, từ hẻm hóc, bờ bụi hướng về mục tiêu di động để hút máu no nê, bụng căng phồng. Ngày đầu tiên, có những tù nhân ngại ngùng, ghê sợ, không dám bước xuống ruộng, thì đã có cán bộ súng ngắn súng dài quát tháo, ép buộc, doạ nạt : 'Này, mấy anh kia! muốn ở đây suốt đời hả? Lao động không tốt thì đừng mong về sớm nhá!' Thế là, không có cách nào khác, những người tù kia cũng đành nhắm mắt đưa cả chân cả tay cho lũ 'ma cà rồng' dưới nước thoả mãn nhu cầu của chúng.

Có anh tù nhân, vì quá ghê sợ con vật, liền lật đật lấy chiếc quần dài mặc vào, nhưng vì hơi lính quýnh, đưa cả hai chân vào một ống quần nên mất thăng bằng, té cái ùm xuống ruộng lúa, nước lúp xúp ngang ống chân, khiến các tên cán bộ cười ngặt nghẽo một cách khoái trá. Riêng chúng tôi, khi nhìn hoạt cảnh này, không ai cười nổi, ngược lại trong lòng cảm thấy một nỗi xót xa, cay đắng và căm hờn. Cách tốt nhất chúng tôi học được, để lôi cổ con đỉa ra khỏi da thịt chúng tôi, là dùng nước miếng nhổ vào bàn tay, bôi vào hai cái vòi của nó, và giật nó ra, nhờ chất nhờn của nước miếng, con đỉa không còn bám được vào da thịt nữa, tuy nhiên, máu đã thấy rỉ ra và con vật vẫn có đủ thời giờ để đánh chén một bụng no sau nhiều lần cố bám. Thật đúng, 'lao động là vinh quang' cho loài đỉa, biến những gốc lúa thành những củ khoai mì, bo bo cho tù nhân, và những bát cơm cho giới lãnh đạo, vì chúng tôi làm gì mà được ăn thứ xa xỉ này, mặc dù hạt gạo do chính đôi bàn tay chúng tôi làm nên!

Ngoại trừ những con vật đáng ghét như trên đã nêu, tôi chỉ đưa ra một con vật đáng thương nhất trong tù, đó là con trâu. Suốt đời bị đày đoạ làm việc nặng nhọc, nhất là vào mùa lúa, ngoài sự vất vả cày bừa hết ruộng này qua ruộng nọ, lặn hụp dưới bùn lầy, con trâu là một miếng mồi ngon vỗ béo cho lũ ký sinh hút máu. Không có gì đáng thương hơn khi nhìn chúng trên bờ ruộng, với dáng điệu hiền lành chịu đưng, trong khi dưới bụng chúng, lòng thòng năm ba con đỉa, to bằng ngón tay cái, dài khoảng nửa tấc, gọi là đỉa trâu, mà lần đầu trông thấy, ai cũng muốn nổi gai ốc! Tội nghiệp hơn ở chỗ con trâu đã không hề hay biết, hoặc có biết đi nữa thì cũng bất lực chịu đựng trước sự tấn công tàn nhẫn của những chiếc vòi, hút tỉa những giọt máu tươi quý giá nhất trong cơ thể của nó, vốn đã gầy còm! Cuối cùng, đau đớn thay, những con trâu này lúc về già, trở thành vô dụng, liền bị đem ra xẻ thịt làm thức ăn cho con người trong những ngày lễ lạc tết nhứt (ngoài Bắc ăn thịt bò là một thứ đại xa xỉ, chỉ dành riêng cho giới giàu có hoặc cán bộ cao cấp.

‘SÁNG TAI HỌ ĐIẾC TAI CÀY'

Tuy nhiên, điều tôi muốn nói ở đây, không phải là kiếp đoạ đày của con trâu ( thật ra sống trong ngục tù C.S, con người cũng chẳng khác gì con trâu), mà là cái khó đã ló cái khôn ở con trâu, mà con bò không có. Người ta nói ngu như bò, chứ không ai nói ngu như trâu! Tục ngữ ta có câu 'sáng tai họ, điếc tai cày', có làm việc chung với trâu, tôi mới thấy câu ngụ ngôn này sao mà đúng thê! Này nhé, khi điều khiển trâu để cày hay bừa một thửa ruộng, ta phải biết dùng ngôn ngữ của trâu để hướng dẫn nó đi cho đúng đường. Chẳng hạn như 'tắc' là đi, 'hò' là đứng lại.

Một điều mà tôi thấy rất rõ là con trâu khi nghe 'hò', thì nó đứng phắt lại ngay, không đợi đến tiếng thứ hai, nhưng khi nghe 'tắc', thì phải lập đi lập lại vài ba lần, nó mới chịu đi, nhất là khi mêt, nó đâm ra nghễnh ngãng, như bị lãng tai, phải dùng roi bổ túc cho lời nói, nó mới chịu nghe! Một điều lạ nữa, là khi nghe tiếng kẻng nghỉ giải lao, thì đố ai bảo nó được, dù bạn có hét lên ầm trời 'tắc...tắc...tắc' để nó cày cho xong nốt một đoạn đường ngắn mấy bước nữa, thì nó làm như điếc hẳn, không còn thính giác nữa! Ngay cả việc dùng roi quất mạnh vào mông, cũng chẳng ăn thua gì! Chắc nó cũng muốn hét lên 'give me a break!' nếu nó biết nói tiếng người! Chúng tôi đành chịu thua.

KẾT LUẬN

Đã có nhiều tác giả viết về ngục tù C.S với những khía cạnh khác nhau, ở đây tôi chỉ đề cập một cách bi hài về những con vật đã làm tăng thêm nỗi thống khổ mà người tù đã chịu đựng. Trong hoàn cảnh đó, người tù đã nghĩ ra những biện pháp đơn sơ nhưng không kém hữu hiệu để làm giảm nhẹ bớt nỗi cơ cực hằng ngày.

Cái khó bó cái khôn, nhưng nhiều lúc cái khó cũng ló cái khôn để con người có thể vượt qua mọi trở lực để sinh tồn.

0 comments:

Powered By Blogger