Friday, January 6, 2012

Bài giảng về cánh chung luận của ĐGM Nguyễn Văn Khảm vốn đã rối lại càng rối thêm khi bài phỏng vấn ra đời

Câu chuyện về bài giảng của LM hay GM Phêrô Nguyễn Văn Khảm nhân ngày lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ mà Giáo Hội cử hành vào Chúa Nhật cuối năm phụng vụ năm A vừa qua đã tạo nên nhiều suy nghĩ cho những ai ưu tư khi nghĩ đến thực trạng của Giáo Hội Việt Nam. Điểm cần lưu ý về tinh thần phụng vụ của ngày lễ Chúa Kitô Vua năm A thì cho dù rơi vào khoảng thời gian năm 1999 hay năm 2011 cũng là câu chuyện tin mừng mà thánh Matthêu nói về ngày phán xét. Nhắc đến điều này để cùng nhau xác quyết một lần nữa rằng : khi vị giảng thuyết đưa chủ thuyết của Marx vào bài giảng thì không ăn nhập gì với bài tin mừng của ngày lẽ Chúa Kitô Vua, vì ông Marx không bao giờ mơ tưởng hay nghĩ đến chuyện ngày phán xét.

Trong suốt thời gian qua, có nhiều vị trên các diễn đàn đã đặt vấn đề tại sao trang báo điện tử của TGP Sài Gòn không huỷ cái Audio bài giảng của linh mục Khảm hay GM Khảm đi cho xong chuyện mà cứ để nó nằm chình ình trên trang mạng coi bộ khó coi và còn tạo ra nhiều sự bất bình, cũng như sự chia rẻ trong khối tín hữu Công giáo Việt Nam nữa. Qua những ý kiến này thì người viết lại cho dù có rút đi, xoá bài giảng đi hay để bài giảng vậy cũng chẳng có gì quan trọng cả. Điều quan trọng là ở chỗ người có trách nhiệm phải biết nhận ra sự thật của vấn đề đúng sai ở chỗ nào, nhất là khi lên tiếng trả lời phỏng vấn thì lại càng phải thành thật và minh bạch hoá vấn đề cho rõ ràng thêm ra để khỏi tạo thêm khúc rối. Câu chuyện không phải đơn thuần như nhiều vị đã nghĩ là xóa bài giảng đó đi cho xong chuyện. Trên thực tế, đây là một trong những vết tích mang tính lịch sử và sẽ được ghi vào trang sử của Giáo Hội Việt Nam trong thời đại mà Giáo Hội đang phải đối phó với những gian manh của chế độ cộng sản Việt Nam vô thần. Bởi vậy dù trang báo điện tử của TGP Sài Gòn có xóa đi thì cũng vô ích, vì Audio bài giảng đó đã được nhiều người lưu trữ làm tài liệu cho hậu thế rồi, chính ngay bản thân người viết cũng đã lưu giữ bằng cách thu âm lại để làm tài liệu. Bài học về niềm đau của Giáo Hội Ba Lan sau thời cộng sản qua những tổn thương nặng nề cho giáo hội khi phát hiện quá nhiều giáo sĩ đã làm mật vụ cho cộng sản Ba Lan đã tạo thêm nhiều thảm cảnh đau buồn cho dân tộc Ba Lan khá dài. Gương của vị chuẩn Giám mục Wielgus của giáo phận Warsaw Ba Lan bị bắt buộc phải từ chức trước giờ lễ tấn phong sắp được cử hành là một ví dụ cụ thể qua bằng chứng khi giáo dân Ba Lan lên tiếng tố giác vị này đã làm điểm chỉ mật báo cho mật vụ cộng sản Ba Lan khi đất nước này còn chế độ cộng sản cai trị, là một bài học đáng lo ngại cho Giáo Hội nào đang sống dưới thời cộng sản như Giáo Hội Việt Nam hiện nay.

Trên thực tế, dù nhiều người muốn bênh đỡ cho câu chuyện của bài giảng gọi là cánh chung luận của ĐGM Khảm được êm đẹp, nhưng xét ra thì bài giảng vốn đã rối lại còn bày thêm ra chuyện phỏng vấn ấm ớ hội tề nên càng làm cho câu chuyện càng rối thêm lên.

Điểm rối nổi bật nhất là ngày lễ Chúa Kitô Vua năm A, thánh Matthêu đã giới thiệu về hình ảnh ngày phán xét rất rõ ràng, nhưng giám mục hay linh mục Nguyễn Văn Khảm lại đem cái chủ nghĩa Marx lồng vào và còn đem ví chủ nghĩa của Marx với các triết thuyết của các tôn giáo trong đọạn chuyển mạch như sau: “Dĩ nhiên bất cứ một tôn giáo nào cũng hàm chứa bên trong một cánh chung luận, triết thuyết nào có khả năng cung cấp cho con người một cánh chung luận hấp dẫn, cũng có nghĩa là cung cấp một niềm hy vọng có sức thuyết phục thì triết thuyết đó cuốn hút con người.

Tôi lấy một cái thí dụ, ta đang sống rất là cụ thể trong một đất nước xã hội chủ nghĩa, dưạ trên cái nền tảng triết học của Marx. Thế thì có nhiều người có thể nghĩ Mác xít vốn là một hệ tư tưởng vô thần cho nên là không có cánh chung luận. Không phải thế, trái lại nó có một cánh chung luận rất là hấp dẫn, rất là cụ thể, nó đã trình bày cái điểm tới của lịch sử nhân loại, là một xã hội cộng sản hoàn hảo trong đó không còn cảnh người bóc lột người mà mỗi một người trong anh chị em và tôi chỉ cần làm việc theo khả năng còn nhu cầu có bao nhiêu là cứ việc xài. Người ta sống với nhau trong tình huynh đệ, một thiên đàng tại thế, và khi mà có cái điểm tới của lịch sử cả nhân loại như thế, thì mỗi cá nhân ở trong lịch sử đó khám phá ra cái ý nghĩa của một sự hy sinh mình chiụ. Tôi chết đi nhưng sự nghiệp của tôi vẫn còn tồn tại mãi trong nhân dân. Tôi hy sinh nhưng mà sự hy sinh đấy không vô nghĩa, bởi vì nó xây dựng cho thế hệ tương lai, xây dựng cho nhân dân. Trong cái cánh chung luận rất là cụ thể và hấp dẫn và chính vì thế nó đã cuốn hút cả triệu con người chấp nhận bao nhiêu là hy sinh để xây dựng tương lai, cho nên có chứ không phải không đâu …

Đọc qua đoạn nói về cánh chung luận của ông Marx mà vị giảng thuyết đã nêu trên đây, chắc chắn không ai có thể chối cải được cái rối của bài giảng, vì ông Marx không bao giờ bàn đến chuyện ngày phán xét mà ông ta chỉ bày ra chuyện bịp thiên hạ về chiếc bánh vẻ cảnh thiên đàng hạ giới của chủ nghĩa cộng sản. Đó là viễn tượng không còn cảnh người bóc lột người(sic) và chỉ còn đảng bóc lột người mà thôi phải không Đức Cha ? Lại nữa bài tin mừng của Matthêu mô tả ngày phán xét rất oai phong khi quan toà phân chia 2 hạng Dê và Chiên ra hai bên tả hữu hẳn hòi, thì vị giảng thuyết lại đi vơ ông Marx vào chuyện phán xét này mà còn gọi là cánh chung luận rất là cụ thể và hấp dẫn. Ngay tự bản thân của vị giảng thuyết cũng đã thừa nhận cái rối của nó vì chính trong phần trả lời phỏng vấn, ĐGM Khảm đã minh bạch xác nhận cánh chung là tứ chung mà. Chắc chắn ĐGM dư biết ông Marx không bao giờ bàn đến chuyện tứ chung. Cái rối của bài giảng là chuyện thật sự người giảng thuyết đã loanh quanh trong chuyện muốn đề cao chủ nghĩa Marx nhưng lại không dám công khai rõ ràng, và đã tỏ ra úp mở cho nên Linh mục Đỗ Xuân Quế gọi là mạo nhận thiếu lương thiện. Trong vấn đề này, những ai đó đã viện dẫn bênh đỡ nói vị giảng thuyết đã chỉ trích, chê chủ nghĩa Marx thì lại càng không đúng chút nào.

Bây giờ xin nêu vài nét về cái rối khi bày ra cuộc phỏng vấn. Điểm rối đầu tiên là vị phỏng vấn đặt vấn đề bài giảng đã 12 năm tại sao lại gán cho Đức cha mới giảng khi đặt câu hỏi:

PV: Như vậy là đã 12 năm rồi! Tại sao lại lấy bài giảng của 12 năm trước và gán cho Đức cha mới giảng, kèm theo nhiều lời phê phán như vậy?

ĐGM: Tôi không biết. Điều này chắc anh phải đi hỏi những người đưa tin thôi.

Đọc qua câu hỏi và trả lời này thì chỉ có người giả mù, giả điếc mới dám bênh đỡ và cho rằng cuộc phỏng vấn đã làm sáng tỏ vấn đề.

Xin quý vị hãy bấm vào Audio Bài giảng: http://tgpsaigon.net/audio/20111117/13474 ( nay có lẻ bị xoá rồi)

Quý vị sẽ thấy ngay Audio của bài giảng đã xuất hiện từ ngày nào, nó nằm ở đâu, ai là người người Post lên trang báo nào ? Nhìn hàng chữ của Audio: T5, 17/11/2011 – 10:10 by vannam . Điều này có nghĩa là Audio đã do ông hay bà, cô hay cậu vannam nào đó đã post lúc 10:10 ngày 17/11/2011 Ông hay bà, cô hay cậu có tên vannam là người thuộc môn phái nào mà được cái quyền Post bài vào tổng giáo phận thành Hồ nhỉ? Hay là ông chính uỷ Huỳnh Công MInh? Chắc chắn ĐGM Khảm và người phỏng vấn đã giả mù pha mưa để bày ra phần câu hỏi này một cách vô trách nhiệm mang tính dối trá và ĐGM Khảm cũng trả lời một cách vô trách nhiệm với câu : Tôi không biết. Điều này chắc anh phải đi hỏi những người đưa tin? Ai có quyền đưa tin lên trang báo của TGP thành Hồ nhỉ? Đó là điểm rối thứ nhất của bài phỏng vấn mà ĐGM Khảm đã trả lời vô trách nhiệm.

Điểm rối thứ hai, xin quý độc giả theo dõi câu hỏi và câu trả lời sau đây để nhận thêm về cái rối của vấn đề như thế nào?

PV: Cảm ơn Đức cha đã trích dẫn những nhận định sâu sắc của nhà thần học Joseph Ratzinger. Tại sao Đức cha lại nói về điều này trong bài giảng?

ĐGM: Câu hỏi của anh liên quan đến một câu hỏi khác: Tôi giảng cho ai? Lúc đó, mỗi Chúa nhật, tôi dâng lễ tại Nhà thờ chính tòa lúc 18:30. Cử tọa của tôi là các bạn sinh viên và các anh chị trung niên, phần đông là người học thức. “Họ được học về chủ nghĩa Marx ở đại học. Họ không xa lạ gì về những điều tôi nói. …”

Căn cứ vào câu trả lời của ĐGM Khảm thì người viết cảm nhận rằng : quả thật ngài đã tuyên truyền chủ nghĩa Marx trong Thánh Đường qua lời xác quyết của ngài như sau: Tôi giảng cho ai? Lúc đó, mỗi Chúa nhật, tôi dâng lễ tại Nhà thờ chính tòa lúc 18:30. Cử tọa của tôi là các bạn sinh viên và các anh chị trung niên, phần đông là người học thức. Họ được học về chủ nghĩa Marx ở đại học. Họ không xa lạ gì về những điều tôi nói.

Qua câu trả lời này của ĐGM Khảm đủ để nhận ra rằng ngài đã tạo thêm khúc rối khó gỡ khi bày ra trả lời phỏng vấn: “Họ được học về chủ nghĩa Marx ở đại học. Họ không xa lạ gì về những điều tôi nói “( trích lời phần trả lời của GM Khảm). Quả thật đây là khúc rối khó gỡ và không ai có thể tìm ra lý giải để biện minh, hay bênh đỡ cho việc làm của vị giảng thuyết được. Điều này chứng tỏ ngài đã đứng trên bục giảng để giảng bài học về chủ nghĩa Marx cho sinh viên, cũng như cho nhiều người trí thức đến tham dự thánh lễ. Vai trò của vị giảng thuyết lúc bấy giờ đang đứng trên bục giảng trong thánh đường là để công bố lời Chúa, chứ không phải say sưa đưa chủ nghĩa Marx vào bài giảng như một vị cán bộ giảng dạy ở các trường đại học, thật quá phi thường !!! Xin thưa với mọi người và ngài giám mục rằng: Sinh viên đại học là những người bị nghe, bị học về cái chủ nghĩa phi nhân này, chúng tôi cũng đã bị học cái chủ nghĩa này trong những năm tháng bị tù đày, và cả dân tộc Việt Nam thì bị áp đặt phải sống dưới chủ nghĩa phi nhân này, còn linh mục hay giám mục Nguyễn Văn Khảm không phải là người bị nói, mà là người ưng thuận và say sưa nói, đó là khúc rối vậy.

Để biện minh cho việc làm mà GM Khảm cảm thấy thích thú trong việc rao giảng chủ nghĩa Marx cho sinh viên nghe, cho nên ngài đã dẫn chứng quan điểm của nhà thần học Joseph Ratzinger viết về tác dụng chủ nghĩa Marx vào năm 1967 tại trường đại học Tubingen. Phần này GM Khảm đã cố gắng giới thiệu một trang sách rất đặc biệt của nhà thần học Joseph Ratzinger đã nói về chủ nghĩa Marx, nhưng đoạn cuối của phần dẫn chứng trang sách đã cho mọi người thấy chính nhà thần học Joseph Ratzinger cũng rất kinh sợ cái chủ nghĩa vô thần này , xin trích phần nhận định về chủ nghĩa Marx của nhà thần học qua lời xác minh rõ ràng với đoạn văn được trích dẫn như sau: “… chủ nghĩa Marx vẫn còn giữ được những yếu tố chủ đạo của Kinh Thánh. Thế nhưng sự phá hủy thần học đang diễn ra (qua việc chính trị hóa thần học như được quan niệm trong chủ nghĩa cứu thế của Marx), lại còn sâu xa hơn, vì chủ nghĩa Marx lấy niềm hi vọng trong Kinh Thánh làm nền tảng nhưng lại đảo ngược niềm hi vọng ấy, bằng cách vẫn giữ nhiệt tình tôn giáo nhưng lại loại trừ Thiên Chúa ra và thay thế vào đó bằng hoạt động chính trị của con người. Niềm hi vọng vẫn còn đó, nhưng đảng chiếm vị trí của Thiên Chúa, và cùng với đảng là chủ nghĩa độc tài chuyên chính, thực hành thứ “tôn giáo” vô thần, sẵn sàng hi sinh tất cả nhân tính cho thần tượng giả tạo của nó. Bản thân tôi đã thấy khuôn mặt kinh sợ của thứ đạo đức vô thần này, sự đe dọa của nó về mặt tâm lý, sự buông thả khiến cho người ta, một khi đã đạt được mục đích ý thức hệ rồi, có thể vứt bỏ mọi quan tâm đạo đức vì coi đó là cặn bã tư sản. ( hết trích).

Đọc qua đoạn mà ĐGM Khảm trích dẫn lời của nhà thần học Joseph Ratzinger qua câu :chũ nghĩa Marx vẫn còn giữ được những yếu tố chủ đạo của kinh thánh, tôi lại liên tưởng đến câu chuyện hồi tôi vừa rời khỏi nhà tù cộng sản trở về điạ phương, một hôm tôi được một công an phụ trách tôn giáo mời đi “làm việc” tại trụ sở công an thành phố Huế. Tên công an này cũng dựa vào chủ đạo kinh thánh khi nói chuyện với tôi, anh ta lên giọng với tôi : “Anh biết đó, chủ trương người cộng sản rất gần gủi với Giáo hội Thiên Chúa giáo, kinh thánh của Thiên Chúa giáo có câu: “con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có đi muốn vào nước Thiên đàng “, nói qua đoạn này anh ta khoái chí nhìn tôi và nói: “anh thấy không ? người cộng sản lúc nào cũng chủ trương sống nghèo khó, anh thấy có đúng không? “ Tôi cười trừ “.

Qua câu chuyện vui và có thật này để nhận ra rằng, ngay từ đầu, ông Marx khi đưa ra chủ thuyết cộng sản, ông ta cũng đã biết khai thác kinh thánh để bịp nhân loại, để lừa bịp những hạng bần cố nông, những người nghèo khó mà ông ta gọi là giai cấp công nhân lại được nâng lên hàng lảnh đạo bịp với chế độ chuyên chính vô sản. Lênin đã chớp lấy cơ hội đưa chủ nghĩa này vào đất Nga gọi là chủ nghĩa Mác-Lê qua cái gọi là cuộc Cách Mạng Tháng Mười để lật đổ chế độ Nga Hoàng vào năm 1917. Thật ra với cái mô hình thiên đàng cộng sản hạ giới mà ông Marx đã vẻ ra cũng đã tạo được một mê hồn trận và đã cuốn hút nhiều thế hệ rồi chứ không phải ít đâu. Năm 1999, tạm gọi là năm linh mục Nguyễn Văn Khảm rao lời của Marx thì chế độ cộng sản đã bị lột mặt nạ và đã bị tiêu tùng rồi chỉ còn 4 mụn trên thế giới là Tàu cộng, Viêt cộng , Bắc Hàn và Cuba.

Tóm lại dù ĐGM Nguyễn Văn Khảm cố dựa vào thân thế của nhà thần học Joseph Ratzinger nay là vị Giáo Hoàng đương kim thì cũng không chuẩn để bảo vệ cái khúc rối mà ngài đã tạo nên.

Đây là 2 Link liên quan đến bài giảng cánh chung luận được Post lên Web của TGP thành Hồ:

1. Link về bài viết và tin tức ngày lễ Chúa Kitô Vua:

http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20111120/13456

2. Link về Audio Bài Giảng: http://tgpsaigon.net/audio/20111117/13474

Trước khi kết thúc bài viết, tôi có thử xem các link trên còn hiệu lực không ?Tất cả 2 Link trên nay chắc được sự chỉ đạo của vị thẩm quyền nào đó nên có lẻ đã xoá đi ( xin quý vị xem lại ). Như tôi đã đề cập, chuyện đó dù có xoá đi hay lưu giữ vẫn là chuyện của vết tích đã đi vào lịch sử của Giáo Hội Công giáo Việt Nam dưới thời cộng sản. Bản thân tôi cũng đã thu âm bài giảng này để làm kỷ niệm của một thời đen tối mà Giáo Hội quê nhà phải ứng phó muôn mặt với cái chủ nghĩa vô thần đầy gian xảo này .

Toàn dân Việt Nam hiện nay đang phải đối phó với những bất công, với sự đàn áp bạo tàn và đầy trắng trợn của nhà cầm quyền Việt Nam từ nạn dân oan, giáo oan, và quá nhiều thứ oan kể ra không hết. Đứng trước sự đau khổ của dân tộc Việt Nam các ngài không cảm thấy xót xa sao? Sống phúc âm giữa lòng dân tộc mà các ngài đã cùng nhau mời gọi giáo hữu thực thi, thế thì các ngài lại làm gì khi dân tộc gặp đau khổ, khi dân tộc bị đàn áp, bị áp bức, nhất là khi nạn mất nước đến nơi.…Bàn đến một chút như thế để chúng ta cùng nhau nhận ra rằng: nếu sau khi chế độ cộng sản Việt Nam sụp đổ mà Giáo Hội Việt Nam bị nhiều vết nhơ do những chức sắc của Giáo Hội đã tiếp tay cho cộng sản, thì trách nhiệm của Giáo Hội trước lịch sử sẽ ra sao đối với dân tộc Việt Nam ?

Với tâm tình đó, chúng ta hãy liên lỉ cầu nguyện chi Việt Nam sớm thoát khỏi nạn cộng sản vô thần.

Nguyễn An Quý.

0 comments:

Powered By Blogger