Việt-Long- RFA
Trung Quốc gây khẩu chiến ngoại giao với Ấn Độ hôm thứ năm tuần trước vì xứ này ký hợp đồng liên quan đến dầu khí trên biển Đông, sau khi đã nặc danh cảnh cáo tàu chiến Ấn Độ hồi tháng 7, cũng trong hải phận Việt Nam.
Phải xin phép Bắc Kinh?
Một ngày trước khi Ngoại trưởng Ấn Độ SM Krishna đến thăm Việt Nam bàn chuyện hợp tác kinh tế thương mại và quân sự vào thứ sáu 16 tháng 9, phát ngôn viên Khương Du của bộ ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh kiên quyết phản đối bất kỳ nước nào can dự vào những dự án thăm dò hay khai thác dầu khí trong vùng biển thuộc thẩm quyền tài phán của Trung Quốc.
Bà Khương Du muốn nói đến hai lô dầu khí nằm trong thềm lục địa Phú Khánh của Việt Nam, gần các giếng dầu Lan Đô và Lan Tây của dự án Nam Côn Sơn, đã được phát hiện từ hai năm 1992 và 1993, Ấn Độ trúng thầu năm 2005 và 2010. Khu vực đó rõ ràng nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam không thể chối cãi, như bộ ngoại giao Việt Nam tuyên bố, nhưngTrung Quốc đã vẽ đường “Lưỡi bò” bao trùm lên, nghiễm nhiên coi đó là lãnh hải “từ lịch sử” của mình.
Lần này Trung Quốc đã công khai nêu quan điểm của họ dựa trên Công ước 1982 về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc. Trước đây có thể họ chỉ nói tới Công ước này trong những cuộc đàm phám song phương mà thôi. Hôm 15 tháng 9 phát ngôn viên họ Khương lập luận rằng Công Ước không có khoản nào cho phép một quốc gia nào được quyền mở rộng vùng đặc quyền kinh tế cũng như thềm lục địa lên trên “lãnh thổ/ lãnh hải” của các quốc gia khác. Hơn thế nữa, bà Khương Du cho rằng Công Ước này cũng không phủ nhận chủ quyền của một quốc gia, mà chủ quyền ấy đã được hình thành trong lịch sử, và quốc gia đó vẫn kiên quyết và liên tục xác định chủ quyền.
Đến khuya thứ năm giờ Hà Nội mới có tin bộ ngoại giao Việt Nam vào cuộc, lên tiếng phản bác lập trường của Trung Quốc về vấn đề này; và nhân có tin Trung Quốc cho tàu ngư chính yểm trợ 500 tàu cá hoạt động ở Trường Sa, tân phát ngôn viên Lương Thanh Nghị của bộ ngoại giao Việt Nam xác định Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam, mọi ý kiến phản đối sự hợp tác của Việt Nam với các đối tác nước ngoài trong hải phận này là hoàn toàn “không có cơ sở pháp lý và vô giá trị”.
Ngang ngược không thể chối cãi.
Dù không phải là chuyên viên công pháp quốc tế, người ta cũng thấy lập luận của Trung Quốc đã dựa trên một căn bản sai trái ngược ngạo, là sự xác lập chủ quyền của Trung Quốc trên 80% diện tích biển Đông mà Trung Quốc coi là lãnh hải của họ “từ trong lịch sử”.
Bắc Kinh thường trưng ra những bằng cớ lịch sử ít ỏi, mù mờ và thiếu vững chắc, nếu so với những chứng cứ lịch sử của phía Việt Nam. Lập luận của Trung Quốc lần này có thể đã nghiễm nhiên coi việc Hoàng Sa thuộc về Trung Quốc như một sự kiện đã rồi của lịch sử kể từ năm 1958 khi họ công bố lãnh hải Trung Quốc bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa, mà Hà Nội cũng công nhận như thế.
Rồi năm 1974 Trung Quốc gây chiến chiếm cứ Hoàng Sa thuộc chủ quyền của nước Việt Nam Cộng Hòa. Việt Nam lúc đó có đủ ba yếu tố xác định chủ quyền tại Hoàng Sa là chính quyền, lãnh thổ và dân cư, nhưng quần đảo này vẫn bị đánh chiếm. Phải chăng Hoàng Sa đã thuộc về Trung Quốc từ những năm 1958 hay 1974 “trong lịch sử” như bộ ngoại giao Trung Quốc nói?
Một điểm đáng chú ý của vụ này, là Trung Quốc chỉ chính thức nêu luận cứ này vào lúc trước khi Ngoại trưởng Ấn Độ đến Việt Nam một ngày, để bàn chuyện hợp tác chiến lược về mọi mặt. Bởi vì trước đó cũng trong ngày thứ năm 15 tháng 9, bộ ngoại giao Ấn Độ đã tuyên bố New Delhi bác bỏ yêu sách của Trung Quốc sau khi nhận văn thư của Bắc Kinh. Văn thư đòi hỏi Ấn Độ phải được Trung Quốc cho phép hoạt động ở vị trí hai lô dầu 127 và 128, nếu không có phép thì sẽ bị coi là “bất hợp pháp”. Lời lẽ này là một sự hăm dọa khá rõ rệt. Một viên chức ngoại giao của Ấn Độ cho biết bộ đã chính thức trả lời Trung Quốc về việc đó, chỉ trích văn thư của Trung Quốc không có căn bản pháp lý, vì những lô dầu đó thuộc quyền sở hữu của Việt Nam.
Ấn Độ giống như nhanh chóng gánh vác dùm cho Việt Nam trong việc này, vào lúc Việt Nam chưa lên tiếng. Ấn Độ với nhãn quan quốc tế đã khẳng định vùng lãnh hải đó thuộc chủ quyền của Việt Nam, mạnh mẽ bác bỏ mọi luận cứ của Trung Quốc.
Xung đột vũ lực?
Điểm đáng chú ý là Ấn Độ đang nhanh chóng gia tăng mức độ can dự vào khu vực biển Đông, với Việt Nam là đối tác chiến lược. Hôm mùng 2 tháng 9 bộ ngoại giao Ấn Độ xác nhận chiến hạm INS Airavat của nước này đã bị hải quân Trung Quốc kiếm chuyện trong chuyến thăm Việt Nam cách đó hơn 1 tháng.
Tàu INS Airavat đang trên hải trình từ Nha Trang đến Hải Phòng sau khi ghé bến Nha Trang hai ngày. Hôm đó là 22 tháng 7, tàu đang chạy cách bờ biển Việt Nam khoảng 45 hải lý thì nhận được tín hiệu vô tuyến tự nhận là của hải quân Trung Quốc nói rằng tàu này đã vào hải phận Trung Quốc. Lúc đó tàu Airavat không nhìn thấy bất cứ tàu thủy hay máy bay nào, và tiếp tục hành trình. Ở Hải phòng đến ngày 28 tháng 7, tàu Ấn Độ đã thao dượt và huấn luyện tác chiến cho hải quân Việt Nam.
Sang tới mùng 5 tháng chín, ba ngày sau khi có tin Trung Quốc dọa dẫm tàu chiến Ấn Độ bằng tín hiệu nặc danh, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc mới phủ nhận chuyện đó. Bà Khương Du còn nói là báo chí phải thận trọng kiểm chứng với các bên liên quan trước khi đưa những tin như vậy.
Như vậy khi Ấn Độ thực sự hoạt động thăm dò rồi khai thác ở hai lô 127, 128 ngoài khơi Phú Yên-Khánh Hòa, liệu Trung Quốc có thể gây sự bằng sức mạnh chăng?
Điều chắc chắn là Trung Quốc sẽ phản đối mạnh mẽ hơn, nhưng cũng không khác gì những sự phản đối, cảnh cáo vừa qua, mà giới quan sát coi như hành động “nắn gân” Việt Nam và Ấn Độ, để xem Việt Nam có cương quyết bảo toàn lãnh thổ hay không. Đến mãi 1 tháng rưỡi sau khi chuyện hăm dọa tàu chiến INS Virarat bằng tín hiệu truyền tin được Ấn Độ công bố, bộ ngoại giao Trung Quốc mới phủ nhận. Mềm nắn rắn buông là thế.
Vì vậy nếu phía đối phương cứ tiến hành những hoạt động phù hợp với công pháp quốc tế, không chắc Trung Quốc sẽ có hành động vũ lực cụ thể, chẳng hạn như đưa tàu tới ngăn cản hay cắt dây cáp thăm dò của tàu Ấn Độ hay Việt Nam, hay khiêu khích, hoặc ủi tàu như họ từng làm với những tàu cá nhỏ của ngư dân Việt. Ấn Độ vì quyền lợi kinh tế, và đã được Mỹ Nhật Úc khuyến khích, sẽ không thể nhường nhịn mà rút lui như các công ty châu Âu có quyền lợi về đầu tư ở Trung Quốc.
Gần đây Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ đã có nhiều hành động chứng tỏ đang nhất quyết phối hợp để ổn định vùng biển Đông và Ấn Độ Dương cũng như Nam Thái Bình Dương. Trung Quốc không thể coi nhẹ sự cương quyết của những cường quốc đó, và Trung Quốc sẽ không dại dột gây chiến, giữa lúc đang có nhu cầu cấp thiết và cũng đang gặp khó khăn trong công cuộc phát triển kinh tế và quân sự thêm nữa như hiện nay. Trong khi đó vì quần đảo Senkaku hay Điếu ngư đài cách Đài Bắc 220 km và cách đào Iriomotejima của Nhật Bản hơn 150 km, Tokyo vừa tuyên bố sẽ dùng vũ lực để chống giữ quần đảo này nếu nước khác chiếm hữu và xác lập chủ quyền bằng vũ lực.
Tưởng xòe tiền ra làm quạt, dương buồm chạy thuyền to là các nước xung quanh đều sợ hãi chăng?
0 comments:
Post a Comment