Tuesday, September 13, 2011

TIẾNG HÁT HƯNG CA LÀM DẬY SÓNG HOÀNG SA ĐÒI TRẢ TA SÔNG NÚI

VÕ ĐẠI TÔN (Cảm nghĩ – 9.9.2011).

Ngồi trên máy bay từ Cali về lại Úc Châu dài hơn 15 tiếng đồng hồ, khi phi cơ vào vùng đại dương ngút ngàn, quanh tôi mọi người say ngủ, tôi nhìn qua khung cửa thấy mênh mông biển trời, chợt nghe trong lòng dậy sóng Hoàng Sa vọng lại từ tiếng hát HƯNG CA. Tôi không còn cô đơn vì ân tình nghệ sĩ, vì nghĩa cảm thông chung bước trên hành trình đấu tranh cùng Tổ Quốc, luôn hiện hữu và nâng tôi đứng dậy, tận hiến với lời thơ tôi đã viết “Mẹ Việt Nam ơi, chúng con nguyền đi dựng lại Quê Hương”.

Vài người khách lạ tỉnh giấc, nhìn tôi qua ánh sáng chập chờn, có lẽ đang nghĩ “Ông già Á Đông này sao không chịu ngủ, ngồi lẩm bẩm nói gì một mình?”. Ai hiểu được kiếp lưu vong của người mất Nước, đang tìm nẻo quay lại cội nguồn, thao thức nỗi niềm, đang hồi tưởng đêm Hưng Ca “Xuống Đường” 14.8.2011 vừa qua tại miền Nam Cali với những tấm lòng rực lửa đấu tranh, những “Chiến Sĩ Biệt Kích Văn Nghệ” dùng lời ca tiếng nhạc thay đạn bắn thủng thành trì bạo lực. Tôi ghi nhớ một vài câu thơ chợt đến, mở đầu cho một bản trường ca đang chờ đoạn kết.

Máu tim dậy lời ca
Lửa hồn dâng tiếng hát.
Hoàng Sa tràn sóng nhạc
Đòi Sông Núi của Ta!

Báo chí hải ngoại đã đăng tải nhiều phóng sự đặc biệt về đêm phát hành CD “Xuống Đường” của Phong Trào Hưng Ca Việt Nam, phát động chiến dịch Văn Nghệ Đấu Tranh chuyển lửa vế quê hương chống Trung Cộng xâm lăng và chế độ CSVN ươn hèn, cúi đầu dâng Nước cho ngoại bang. Tôi không muốn lặp lại chương trình, chỉ xin trao gửi một niềm Giao Cảm cùng Anh Chị Em, mong được tiếp bước song hành trên đường tận hiến vì Dân Tộc. Biết bao kỷ niệm ân tình từ mấy chục năm qua vẫn còn chuyển lưu trong huyết mạch tôi, và hơn một lần nâng tôi đứng dậy.

Ban Tổ Chức không phải vì vô tình mà chọn tụ điểm xuất phát là nhà hàng “Hoàng Sa” (Paracel) tại Little Saigon, Nam Cali, nhưng là một cố tình nêu lại sự phản bội Tổ Quốc của tập đoàn CSVN từ công hàm 1958, cúi đầu nô lệ dâng hiến từng giọt máu Cha Ông. Từ nơi đây, “Hoàng Sa tràn sóng nhạc” với tiếng hát uất nghẹn và lửa tim căm hờn, đòi lại Núi Sông. Cũng từ đây, chúng ta tưởng niệm những Anh Hùng Hải Quân VNCH đã hy sinh để bảo vệ từng hải đảo xa xôi, dòng máu kiên cường hòa chung sóng nước viết thành Trang Sử Biển Đông oanh liệt.

Trên sân khấu, hoặc trong lòng của từng chiến hữu và thân hữu thủy chung một đời, bóng dáng của những người nghệ sĩ đấu tranh Hưng Ca, hội tụ về từ các nẻo đường lưu vong trên xứ người, vẫn là những ánh trăng sao vằng vặc, thách đố thời gian. Một thời, tôi đã từng viết, nay xin lặp lại, trên chuyến bay đêm giữa trời đại dương mênh mông, gợi nhớ cho tôi và trao lại Lòng Người.

Trong cuộc trường chinh cứu Người và cứu Nước vẫn còn đang tiếp diễn hôm nay, dưới vòm trời tạm dung bên này đại dương hoặc bên kia bờ vực thẳm trong vòng tay khẳng khiu của Mẹ Việt Nam chưa được một ngày ráo lệ đau thương, có những con người hiện ra như những Vì Sao lạ. “Chính Tinh” hội tụ không phải để tạo danh riêng một thời, nhưng để thắp sáng Niềm Tin cho những Tấm Lòng còn biết hòa chung vào nỗi đau Tổ Quốc, chỉ ước mong một điều duy nhất là được trở về trên mảnh đất quê hương, quỳ dưới chân Mẹ trong ánh cờ Vàng lộng gió, nước mắt mừng vui thấm ướt những nẻo đường kỷ niệm khi Dân Tộc hồi sinh.

Từ điểm hội tụ đêm nay, mang tên Hoàng Sa giữa Biển Hồn sóng vổ, cùng nhau “Xuống Đường” tiếp bước viễn chinh, bóng dáng người con gái thương yêu của Mẹ, áo đen mỏng manh nhưng nặng trĩu cánh đại bàng trên thân họa mi Nguyệt Ánh - từ thủ đô xứ người bay về - vẫn vằng vặc Ánh Trăng. Tôi rưng rưng lặng nhìn, không biết làm sao Nàng có thể vững bước đấu tranh từ mấy chục năm qua với mâu thuẩn nội tâm - họa mi tiếng hót và đại bàng chí cao hóa thân thành một, nhị trùng bản ngã - để từ thuở nào cho đến hôm nay và còn mãi mai sau, thản nhiên tiến bước trên hành trình vì Âm Nhạc và Quê Hương ! Ánh Trăng vằng vặc vẫn bình yên tỏa sáng, và, trong tôi cũng như trong lòng những người đang tận hiến đời mình cho Tổ Quốc Tự Do, Nguyệt Ánh vẫn mãi là một Vì Sao lạ. Tôi lại nói thầm, cho tôi, và mong gửi đến Nàng , xin hẹn cùng nhau “Về hát giữa dòng sông” quê yêu. Lại thêm cảnh ruộng đồng phì nhiêu trên lưng Chín Con Rồng phương Nam sẽ được mùa trẩy hội qua giọng ca cổ nhạc của Nàng, nạm thêm ánh vàng ngọc quê hương trên khải hoàn môn Nghệ Thuật Sáng Tạo với “Mối Tình Trầu Thắm Cau Xanh”. Và, “Tiếng gọi Non Sông” chung lời “Xin hãy làm ánh đuốc”, nhịp cùng hơi thở tồn vong của nòi giống, lời ca điệu nhạc ru ấm Tình Người. Nàng vẫn còn đứng đấy, đang đứng đây, vang cao tiếng hát bộc phá thành trì đầy dối gian bạo lực của một tà thuyết đã và đang dìm sâu Dân Tộc vào hố thẳm diệt vong. Rồi, bỗng dưng Nàng quỳ xuống, ánh nến lung linh, thiết tha gọi hồn qua lời ca “Nước trôi mồ Mẹ”, phổ nhạc vần thơ của tôi, ngập tràn hồng thủy đang nhận chìm xác mẹ riêng một đời con, luôn cả Mẹ Việt Nam đang ngoi mình tìm nẻo sống.

Rồi, lại thêm một bóng dáng thương quen, thâm tình kết nghĩa, từ khi tiếng hát vào đời cho đến hôm nay vẫn riêng một khoảng trời sáng tạo hiến dâng, chân nạng nương thân tật nguyền đã hóa thành sắt thép đấu tranh, vững vàng thiết thạch, thách đố trùng khơi. Việt Dzũng dường như đã trở thành tượng đá, cho dù mai đây có rêu mờ vẫn đẹp giữa trời xanh. Khi Chàng xuất hiện, trên sân khấu, giữa Lòng Người, hòa chung Mệnh Nước, bất cứ nơi nào, tôi luôn cảm lòng mình xúc động tràn dâng, tựa hồ như đang hóa thân để cận kề đứng bên, anh em tựa vào nhau mà sống làm Người đúng nghĩa. Nghe và nhìn Việt Dzũng, tôi luôn vững Niềm Tin vào lẽ tất thắng của Con Người trong Chính Nghĩa, thản nhiên vượt qua mọi trở lực hoàn cảnh và bản thân để chu toàn Lẽ Sống. Sá gì những tháng năm xà lim tăm tối khi tôi có được niềm hạnh phúc , lại thêm một lần nữa, từ khi thoát khỏi ngục tù cộng sản, đứng cạnh người nghệ sĩ đấu tranh tài hoa này, trao cho nhau hơi thở tận đời, dù thân xác có mang nặng tật nguyền bẩm sinh hay vết thương tra tấn từ đòn thù vẫn còn rướm máu. Nỗi đau của riêng mỗi người anh em chúng tôi, hòa chung vào cùng một nỗi đau Quê Hương.

Rồi lại thêm, Tuấn Minh, Trưởng Phong Trào Hưng Ca, người nghệ sĩ nhiệt tình, hào phóng, nhưng tự rèn luyện nghiêm khắc bản thân, không “lang thang lãng mạn rởm đời”, cùng với Tuyết Mai, Huỳnh Lương Thiện, Nguyễn Quang Trúc, LS.Nguyễn Xuân Nghĩa, Ngọc Phương Nam, BS. Trần Văn Thuần, Phương Loan, Mỹ Thiện, Trung Thành, Bích Châu, Nguyên Dung, Phương Nga, Thúy Trần, Mạnh Đoàn, Viễn Phương, Justin Vũ, Khang Huy, Kiệt Kỳ An, Đỗ Tấn Khoa, Lưu Xuân Bảo, Trương Sĩ Lương ... kể sao cho hết bóng dáng và Tấm Lòng rực lửa Đấu Tranh của biết bao Anh Chị Em Nghệ Sĩ chuyên nghiệp hoặc tài tử trong Phong Trào Hưng Ca hiện diện trong đêm “Xuống Đường” hay đang cất cao tiếng hát từ một vùng trời nào đó, hôm nay và ngày mai. Anh Chị Em đã thực sự hát bằng máu tim, lửa hồn, cùng Toàn Dân đòi “Trả ta Sông Núi”. Bao lần tôi muốn đứng bật dậy qua sóng nhạc lời ca, cảm thấy sự mầu nhiệm của Hồn Thiêng Sông Núi như đang hiện về, thúc giục chân đi cho trọn hành trình Tâm Nguyện. Cùng nhau đứng “Dậy mà đi”. Tôi cũng được dành cho lời phát biểu, góp thêm tiếng lòng: “Xuống Đường để cùng nhau quét sạch cỏ rác, dựng lại căn nhà Việt Nam trong hồi sinh Dân Tộc, và cho dù mỗi người trong chúng ta là bụi, cũng xin vuông tròn hạt bụi để lăn theo đường Tổ Quốc ta đi. Xin tạ ơn những người nghệ sĩ đấu tranh Hưng Ca hôm nay để rồi ngày mai cùng nhau Hưng Quốc, đã cho tôi song hành trở về với Mẹ”...

Tôi lại nhìn ra khung cửa máy bay, tiếng động cơ vút nhẹ, cỏi trời mênh mông, biển khơi ngút ngàn. Bóng đêm. Quanh tôi, hành khách ngoại quốc đang bình thản yên giấc, có lẽ ai cũng có một nơi nào đó gọi là quê hương để trở về vui sống. Tôi lại âm thầm lặng ôm nỗi cô đơn riêng mình, dường như có thêm vài sợi tóc bạc nhẹ nằm trên vai áo, và xin hẹn cùng Anh Chị Em Hưng Ca vẫn còn hội tụ nơi một phương trời nào đó. Nguyệt Ánh trở lại thủ đô Hoa Thịnh Đốn chịu tang bào huynh và lo cho thân phụ già yếu cuối đời để rồi lại lên đường, Việt Dzũng sẽ bay qua Úc, Tuấn Minh-Tuyết Mai lên vùng trời Seattle để cất tiếp lời ca, và còn Anh Chị Em nào nữa, còn nơi nào nữa hòa chung tiếng thét “Cùng đi tới” để được “Tự Do hay là chết” !. Xin một lời hẹn ước: - Chúng ta sẽ về lại quê hương một ngày gần đây trong trọn Tình Người và Nghĩa Làm Người, để cùng nhau cất tiếng hát vang giữa mùa Xuân Dân Tộc Tự Do và Tự Chủ mà cỏ hoa cũng bật dậy lời ca. Cúi xin Mẹ Việt Nam hãy chờ chúng con trở lại cội nguồn.

Võ Đại Tôn (Hoàng Phong Linh)
9.9.2011.

0 comments:

Powered By Blogger