Saturday, September 17, 2011

Sự vô cảm nhân danh … đồng loại?



Có phải hiện tượng hiếm?

Ngày 13/8/2011 mới đây, một vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đường Võ Thị Sáu (P7, Q3, TP. HCM), mà nếu ai được đọc trên VietNamNet, sẽ không khỏi cúi đầu suy nghĩ, xót xa, khi chứng kiến “Sự hiếu kỳ đớn hèn trên đường phố”.

Nạn nhân, một thanh niên đi xe máy nằm bất động trên đường, do bị va chạm với một xe máy khác. Chiếc xe này ngay lập tức đã bỏ trốn. Một chiếc xe buýt chở đầy khách may mắn kịp dừng lại trước người bị tai nạn. Nhưng thật lạ lùng, người bị nạn vẫn nằm đó, im lìm, bất động. Tài xế, nhân viên nhà xe thì đứng đó…chờ, còn hành khách ngồi bình thản trong xe. Trên lề đường, người hiếu kỳ tụ tập đứng nhìn…

Thật ra, cái hình ảnh đó quá quen thuộc trên bất cứ đường phố nào trong xã hội ta hiện nay. Người ta đứng nhìn, và nhìn…. Tựa như chưa bao giờ nhìn thấy người bị tai nạn giao thông, mà quên đi cái sống chết với người bị nạn chỉ mong manh gang tấc, đang rất cần những bàn tay giơ ra cứu giúp.

Rất may, có 3 đoàn viên thanh niên trong Đội phản ứng nhanh của Thành đoàn TP.HCM. Các anh lao đến bên nạn nhân, tìm cách chặn các xe ô tô đi qua. Nhưng một lần nữa, những chiếc xe ô tô cũng lướt nhanh qua, “vô cảm” như những con người hiếu kỳ đang đứng đó.

Cuối cùng, một chiếc xe cứu thương đang trên đường đưa người bệnh đến cấp cứu, cũng đã dừng lại.

Không biết số phận người bị nạn ra sao. Nhưng “sự hiếu kỳ đớn hèn” trên đường phố còn đọng lại trong lòng người đọc, như một nỗi xót xa không dễ gì tan ngay được.

Liệu cái sự nhẫn tâm đến thành vô cảm có phải là hiện tượng hiếm?

Hôi của trên đường phố Sài Gòn. Ảnh: internet
Trước đó, ngày 18/6, báo Pháp Luật TP. HCM đưa tin và ảnh một vụ việc xảy ra dưới thanh thiên bạch nhật có thể nói là đồng loại…ăn cướp một cách đê hèn của đồng loại.
Một người đàn ông đi xe máy gặp cướp ngay vòng xoay ngã 5 An Dương Vương. Không giằng được túi xách, 2 tên cướp tẩu thoát bỏ lại nạn nhân với chiếc túi rách toạc, tiền bay tung tóe.
Ngay lập tức, những người quanh đó và nhiều người đi đường dừng xe. Nhưng thay vì đuổi cướp, họ hối hả “đuổi” theo những đồng tiền đang vung vãi, hối hả “cất hộ” tiền của nạn nhân vào túi mình, trước ánh mắt bất lực và đau đớn của nạn nhân.
Người đàn ông thoát khỏi kẻ cướp chuyên nghiệp, nhưng lại gặp phải bọn cướp nhân danh…đồng loại. Và ông đã không thể thoát
Nói thật, khi nhìn hình ảnh đám đông xúm xít vì những đồng tiền ăn cướp, người viết bài thấy sao mà cay đắng thế. Cay đắng đến muốn khóc!
Không hiểu họ có giầu lên vì những đồng tiền ăn cướp của người bị nạn không? Và họ nghĩ gì khi tiêu những đồng tiền đó? Họ có bao giờ đặt hoàn cảnh mình, hoặc chính người thân của mình chẳng may bị nạn, thì sẽ nghĩ thế nào? Hay tặc lưỡi theo chủ nghĩa Mackeno: “Sống chết mặc bay, tiền ông bỏ túi”!
Xe máy bị cướp, nhưng xe tải cũng chẳng thoát khỏi thân phận.
Đó là vụ việc ngày 28/7, chiếc ô tô tải mang BKS 47P chạy theo hướngNam- Bắc, đến km 648 quốc lộ 1A thuộc xóm 16 (Đại Trạch, Bố Trạch- Quảng Bình) thì bị lật nghiêng khiến toàn bộ thùng hàng chứa hoa quả đổ tung tóe giữa đường.
Thế là, thay cho việc giúp đỡ người lái xe không may, hàng trăm người dân đi đường “tự giúp mình” bằng cách lao vào tranh giành hoa quả, khiến cảnh tượng vô cùng hỗn loạn và tuyến quốc lộ 1A lâm vào ùn tắc nghiêm trọng.
Đương nhiên, không phải lúc nào những kẻ cướp loại này cũng gặp may, mà có khi lại phải đóng vai bi hài. Một vụ tai nạn tương tự cách đây ít lâu trên đường quốc lộ 5. Một chiếc xe tải đổ, và những kẻ cướp thì hí hửng vơ vét. Nhưng rồi, 2 chiếc xe máy của kẻ cướp đường trong phút chốc cũng bị kẻ khác nẫng mất. Từ kẻ cướp đường thành kẻ bị hại. Ngưu tầm ngưu, thì mã tầm mã. Cổ nhân nói cấm sai.
Khi chứng kiến các vụ việc, những người có chút lương tâm không khỏi xót xa. Vì xưa nay, đạo lý của người Việt bao giờ cũng thấm đẫm tính nhân văn theo tinh thần “chị ngã em nâng”, “lá lành đùm lá rách”…. Có bao giờ thờ ơ kiểu: “Anh chết mặc anh”, hay “Lá lành lừa… lá rách” như bây giờ? Vì sao vậy?
Lý giải về những hiện tượng tiêu cực, trước đây chúng ta thường đổ tại- đó là vì kinh tế thị trường làm tha hóa con người. Thế nhưng cũng có không ít quốc gia, kinh tế thị trường phát triển sớm, nhưng xã hội ổn định, đâu có nhan nhản những chuyện vô cảm đến đau lòng như vậy? Cho dù chắc chắn, xã hội nào cũng có người tốt, kẻ xấu, có chuyện hay chuyện dở.
Thì việc đổ tại kinh tế thị trường làm tha hóa con người, là thứ ngụy biện dễ nhất. Mà không thấy rằng, chính chúng ta đang tự làm tha hóa chúng ta. Từ vô cảm đến tội ác, khoảng cách đó không xa.
Diện mạo con bệnh vô cảm
Khi mổ xẻ gốc rễ của con bệnh vô cảm, cũng có không ít người đổ lỗi cho giáo dục là nguyên nhân sâu xa của văn hóa làm người. Điều đó có phần đúng nhưng không phải tất cả. Lý do là ngay sau vụ cướp tiền của các bậc cha chú, ngay trên mạng xã hội, nhiều tiếng nói, trong đó có cả thanh niên thế hệ 9X đã chỉ trích việc làm vô lương tâm này.
Tôi là sinh viên, là thế hệ trẻ 9x. Những người lớn tuổi làm những chuyện xấu này liệu có thể dạy được con, cháu chúng tôi lớn lên và trở thành một công dân tốt? Liệu có thể tạo ra một người tốt nếu như bản thân họ lại có những hành vi đáng trách như vậy?
(VietNamNet, ngày 7/8)
Vô cảm vô phương cứu chữa. Ảnh minh họa internet
Vậy phải chăng, lỗi của căn bệnh vô cảm có gốc gác ở ngay chính trong cơ chế quản lý xã hội này, mà giáo dục chỉ là một thành viên góp phần?

Ai có thể nhìn thấy diện mạo của con bệnh vô cảm, mặt ngang mũi dọc ra sao?

Trong trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan đã nhìn ra nó. Đó cũng là 2 trong số 5 biểu hiện bệnh lý mà xã hội ta sẽ phải đối mặt nếu muốn vượt ra khỏi “vòng nguy hiểm” trên hành trình phát triển và hội nhập:

- Là quốc nạn tham nhũng đang biến tướng, ngày càng phức tạp với quy mô rộng hơn, tham lam hơn, làm thất thoát tài sản của dân nhiều hơn.

- Là những nhóm lợi ích đã và đang chi phối xã hội ở nhiều lĩnh vực. Đó là những nhóm lợi ích ích kỷ, chỉ nghĩ cho cá nhân mình, gia đình mình, công ty và tập đoàn mình, không nghĩ tới lợi ích chung của đất nước.

Nhưng con bệnh vô cảm còn lây lan và lộng hành hơn thế. Nó biến hóa vô hình. Không chỉ nằm trong những nhóm lợi ích, những người có điều kiện tham nhũng, con bệnh vô cảm len lỏi đến mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, đến tận cách hành xử của thường dân.

Nó nằm trong đồng tiền mà người cán bộ công quyền thản nhiên đút túi, mỗi khi người dân cần đến cửa quan
Nó nằm trong đồng tiền mà người thầy thuốc thản nhiên đút túi mỗi khi người bệnh cần cứu giúp

Nó nằm trong đồng tiền mà người thầy giáo thản nhiên đút túi mỗi khi học trò, người học cần kiến thức, để vượt qua cửa ải của học vấn

Sự thản nhiên của con người trước nỗi đau đồng loại càng nhiều, sự vô cảm càng nảy nở

Khi con người chúng ta, là nô lệ của tham vọng ích kỳ, đặt lợi ích quốc gia dưới lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm; khi con người là nô lệ của thèm muốn quyền lực, của mua quan bán tước, là nô lệ của đồng tiền, lợi lộc không phải do lao động làm ra, ấy là khi con bệnh vô cảm được tự do hoành hành nhất, “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”.

Thì việc nó nằm trong thái độ thờ ơ của con người với cái sống chết của con người đang bị tai nạn, nằm trong thái độ cướp bóc một cách hèn hạ không chút day dứt trước nỗi đau của đồng loại, cũng là điều không khó hiểu, dù thật đau xót và đáng phẫn nộ.

Đó là sự vô cảm nhân danh… đồng loại.

Nhưng liệu, có liều thuốc đắng nào có thể chữa trị cho con bệnh vô cảm này không?
15-09-2011

Kim Dung
Theo: Blog Hiệu Minh

--------

Duc H. Vu :

Quả thật là 1 điều khó hiểu và vô cùng khốn nạn, vượt ra ngoài sự tưởng tượng của tôi, không lẽ đất nước, con người VN hôm nay là thế đó, đối xử với chính đồng loại của mình mà 2 tiếng gọi nhau là "đồng bào" đây sao ? Trước năm 75, xã hội miền Nam tìm đâu ra cảnh vô cảm này ! Ai có thể cho tôi 1 lời giải thích tại sao ? Một chuyện thương tâm, 1 tai nạn nhỏ mà còn như vậy thì thử hỏi khi đất nước này hoàn toàn lọt vào tay cộng sản Tàu thì còn ra sao nữa ! Xa hơn, chuyện xuống đường biểu tình chống Tàu cộng xâm lược chỉ có vỏn vẹn trên dưới 100 người trong số 90 triệu người vô cảm khác dửng dưng với cặp mắt nhìn MACKENO (Mặc Kệ Nó) !!!???

0 comments:

Powered By Blogger