Song Chi - Theo dõi tình hình báo chí trong và ngoài nước về mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong thời gian gần đây - cụ thể là từ sau đợt biểu tình chống Trung Quốc liên tiếp suốt hơn 2 tháng tại Hà Nội buộc phải tạm ngưng do bị đàn áp thẳng tay vào ngày 21 tháng 8, người Việt Nam dễ nhận ra những đặc điểm sau:
Nhìn bề ngoài, có vẻ như quan hệ căng thẳng giữa hai bên đã giảm nhiệt độ đáng kể. Báo chí chính thống Việt Nam “được lệnh” chuyển giọng. Không có những bài chỉ trích, lên án mạnh mẽ Trung Quốc như trước đó, sau vụ tàu Trung Quốc cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam. Ngược lại, là tin tức về những đợt thăm viếng qua lại như con thoi giữa các nhân vật lãnh đạo, các phái đoàn nhà nước hai bên. Là những lời phát biểu “nhiệt liệt nồng ấm” của các quan chức Việt Nam về tình hữu nghị Việt-Trung.
Kết quả của sự giảm nhiệt đó có lẽ là nhờ vào sự tích cực bày tỏ lòng trung thành của đảng và nhà nước CSVN đối với đảng và nhà nước cộng sản đàn anh Trung Quốc.
Tập Cận Bình, phó chủ tịch Trung Quốc tiếp Tướng Ngô Xuân Lịch, chủ nhiệm Tổng Cục
Chính Trị quân đội CSVN ngày 16 tháng 9, 2011 ở Bắc Kinh. (Hình: Tân Hoa Xã)
Trong cuộc “Ðối thoại chiến lược quốc phòng-an ninh Việt-Trung lần thứ hai” diễn ra tại Bắc Kinh ngày 28 tháng 8 năm 2011, trung tướng, thứ trưởng quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh đã đem hết ba tấc lưỡi, phơi hết cả gan ruột mà chứng tỏ điều này với Thượng Tướng Mã Hiểu Thiên, phó tổng tham mưu trưởng quân giải phóng nhân dân Trung Quốc.
Ông Vịnh ca ngợi “Nhưng nếu Việt Nam cần sự ủng hộ, đồng cảm, hợp tác và phát triển thì còn có ai hơn một nước Trung Quốc xã hội chủ nghĩa láng giềng?” Ðồng thời cam kết Việt Nam không bao giờ dựa vào bất kỳ nước nào để chống Trung Quốc. Cam kết giải quyết mọi chuyện bằng con đường đàm phán. Thậm chí, cam kết “kiên quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam với tinh thần không để sự việc tái diễn”!
Ðáp lại, Mã Hiểu Thiên khệnh khạng nhắc lại câu mà Tôn Quốc Tường, đại sứ toàn quyền Trung Hoa tại Việt Nam đã từng tuyên bố trong cuộc họp báo tại Hà Nội ngày 6 tháng 1 năm 2010: “Hòa bình hai bên đều có lợi, đối đầu hai bên đều thiệt hại”.
Hết ông Vịnh khẳng định, lại đến đại diện quân đội, ông Trung Tướng Ngô Xuân Lịch, trưởng đoàn cán bộ chính trị quân sự cấp cao Việt Nam tại cuộc hội đàm với đoàn đại biểu tổng bộ chính trị quân giải phóng nhân dân Trung Quốc: “Việt Nam không lôi kéo nước này để chống nước khác” (Bee.net.vn).
Kỷ niệm 66 năm Quốc khánh nước CHXHCN VN (2.9.1945-2.9.2011), trả lời phỏng vấn của Tân Hoa Xã và đài truyền hình trung ương Trung Quốc, đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Nguyễn Văn Thơ nhấn mạnh: “Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong thời gian qua phát triển tốt đẹp... Ðảng, chính phủ và nhân dân Việt Nam trước sau như một hết sức coi trọng quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện với đảng, chính phủ và nhân dân Trung Quốc, coi đây là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.” (“Hữu nghị và hợp tác Việt-Trung là xu hướng chính”, báo VNEconomy)
Báo chí lề phải của Việt Nam đăng hàng loạt bài “Việt-Trung cần dựa trên đại cục để giải quyết bất đồng” (TTXVN/ VNE), TQ coi trọng phát triển hợp tác toàn diện với VN” (TTXVN), “Việt Nam-Trung Quốc: Giải quyết bất đồng trên tinh thần thiện chí, xây dựng” (PLTP)...
Khi Ðới Bỉnh Quốc, ủy viên Quốc Vụ Trung Quốc đi thăm Việt Nam từ ngày 5-9 theo lời mời của Phó Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, đích thân ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng rồi đến ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp đón.
Trong đó ông Thủ Tướng Dũng với bài diễn văn hết lời ca ngợi tình hữu nghị Việt-Trung như “nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ với lòng biết ơn sâu sắc sự giúp đỡ to lớn của đảng, nhà nước và nhân dân Trung Quốc đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội ngày nay...” Và bộ đồng phục giống hệt như được may cùng một lò, đã gây bất bình, phản cảm đối với người dân.
Có thông tin cho rằng bộ quần áo của Thủ Dũng là do Ðới Bỉnh Quốc thay mặt nhà nước Trung Quốc may tặng để “tỏ tình hữu nghị”. Và nếu quả vậy thì phía Trung Quốc đã vừa chơi một trò rất thâm về mặt chính trị, ngoại giao khi để cho cả thế giới thấy “Việt Nam và Trung Quốc là một, đừng có mà chen vào”, như nhiều người đã phân tích!
Nghe đâu cuối năm nay, lại đến lượt ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đi thăm chính thức Trung Quốc.
Sau hàng loạt những cuộc thăm viếng, những lời ca tụng, bày tỏ sự trung thành từ phía Việt Nam mà có người gọi là “ngoại giao gia nô” và sự đáp lại ngọt nhạt của phía TQ là những gì?
Cái mà nhà nước Việt Nam đạt được tạm thời là sự căng thẳng được hạ nhiệt một cách giả tạo. Nhưng phía sau đó, ai cũng nhận ra, sự hèn hạ bạc nhược ngày càng lớn của nhà nước Việt Nam đối lập với sự ngang ngược ngạo mạn ngày càng tăng của nhà nước TQ.
Ngư dân Việt Nam vẫn tiếp tục không được tự do hành nghề ngay trên chính vùng biển thuộc lãnh hải của nước mình. Ðến mức trong chuyến công tác tại Nghệ An tháng 9 năm 2011, “Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị Quân khu 4 phải đảm bảo an toàn cho ngư dân đánh bắt hải sản, ngăn chặn tàu nước ngoài xâm nhập bất hợp pháp, phối hợp với các lực lượng giữ vững chủ quyền biển đảo của tổ quốc”. (“Ðảm bảo an toàn cho ngư dân đánh bắt trên biển”, báo Dân Việt)
Và ngư dân phải thành lập nghiệp đoàn nghề cá đầu tiên tại Lý Sơn ngày 15 tháng 9 để dựa vào nhau, bám biển bởi vì chính quyền đã bất lực không bảo vệ được người dân của mình.
Trong khi đó, ngày 2 tháng 9, Trung Quốc vẫn tiếp tục điều thêm tàu ngư chính đến quần đảo Hoàng Sa.
Báo Thanh Niên ngày 11.9 đưa tin: “Tàu cá Trung Quốc tràn ngập Trường Sa: Khoảng 500 tàu cá Trung Quốc đang ngang nhiên hoạt động lâu dài ở khu vực Trường Sa của Việt Nam...” Trong đó con tàu đa chức năng lớn nhất có trang thiết bị hiện đại, mà theo dư luận, không loại trừ con tàu này được trang bị vũ khí và có thể có cả tên lửa..
.
.
Khi một công ty Ấn Ðộ dự tính dò tìm dầu ở 2 lô 127 và 128 mà Việt Nam đã cấp giấy phép cho họ, nằm trong khu vực thềm lục địa Việt Nam ngoài khơi hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận, Trung Quốc liền lên tiếng cảnh báo, ngăn cấm!
Chưa kể, giàn khoan dầu vĩ đại mà Trung Quốc đã đem đến biển Ðông từ hồi tháng 5 năm 2011, chỉ chờ cơ hội để hạ thủy, chưa biết sẽ đặt vào vị trí nào.
Ðáp lại, nhà nước Việt Nam một mặt tiếp tục lùng bắt nguội, khủng bố tinh thần những người đi biểu tình vừa qua để triệt tiêu tinh thần yêu nước trong lòng họ. Một mặt tiếp tục chứng tỏ khả năng nhịn nhục vô hạn của mình.
Trước hàng loạt những hành vi xâm phạm chủ quyền trắng trợn của Trung Quốc, lại vẫn chỉ có người phát ngôn mới, ông Lương Thanh Nghị lên tiếng phản đối muộn màng với những lời lẽ được lập trình sẵn, không khác bà Nguyễn Phương Nga trước kia. Ngay cả một cuộc tọa đàm về chủ đề “Công lý và Hòa bình trên biển Ðông”, dự tính diễn ra tại thành phố HCM vào ngày 17 tháng 9 do các nhà nghiên cứu trình bày đã được chính quyền “yêu cầu hủy bỏ”, vì sợ mất lòng Bắc Kinh!
Ðảng và nhà nước CSVN, hiện đang rối bời vì tình hình kinh tế quá bết bát, nguy ngập. Ngoài nguyên nhân do mô hình, cấu trúc kinh tế sai lầm, khả năng điều hành quản lý kém cỏi, còn có cả sự đánh phá rất thâm hiểm về mọi mặt của Trung Quốc để làm cho kinh tế Việt Nam ngày càng lụn bại hầu dễ ép nhà nước Việt Nam nhượng bộ về chủ quyền. Và thái độ của Việt Nam đã cho thấy nhiều phần họ sẽ buông xuôi chủ quyền trên biển đảo cho Trung Quốc, để được yên thân mà chống đỡ cái chế độ đang ngày càng khủng hoảng toàn diện.
Sau hiệp định biên giới năm 1999 và hiệp định phân định vịnh Bắc bộ năm 2000 khiến Việt Nam bị thiệt hàng trăm, hàng ngàn cây số vuông lãnh thổ lãnh hải trước kia. Người dân Việt Nam hãy chuẩn bị tinh thần để đón nhận việc mất thêm biển đảo qua những đợt hội thảo, đàm phán song phương lần này trước sự bạc nhược “chưa đàm đã thua “của nhà nước Việt Nam như đã thấy!
0 comments:
Post a Comment