Saturday, September 3, 2011

Nhà giàu đứt tay, bằng ăn mày đổ ruột


- Nguyễn Đạt Thịnh

Câu ca dao trên tựa bài báo này nêu lên một so sánh: vài ngàn bạc thuế mỗi năm không đủ nhiều để làm nhà giàu nhăn mặt, nhưng lại đủ nặng để làm nhà nghèo dành dụm suốt năm, hay chạy đôn chạy đáo để có tiền đóng thuế. Đó là điểm khác biệt giữa người giàu, kẻ nghèo về tiền thuế.
Điểm tương đồng giữa giới giàu và giới nghèo là cả hai đều không thích đóng thuế.
Không thích, nhưng vì ý thức được chính sách thuế vụ của chính phủ Hoa Kỳ thiên vị, bênh vực nhà giàu, giúp họ đóng ít thuế hơn nhà nghèo, nên tỉ phú Warren Buffett tình nguyện đóng thêm thuế; ông quá giàu, giàu đến mức không sợ đứt tay? Hay ông ngược đời, tự tay san bằng những bất công có lợi cho ông?
Dĩ nhiên chỉ có Buffett mới đủ tư cách trả lời những điều ẩn dấu trong tâm tư ông; tuy nhiên, người quan sát vẫn ghi nhận được thời điểm ông viết bài báo này là sau cuộc tranh đấu thắng lợi của các dân biểu Cộng Hòa tận tụy tranh đấu bảo vệ tủ sắt của ông trong cuộc thương lượng tìm phương thức trả bớt nợ cũ, để quốc hội cho phép chính phủ vay thêm nợ mới, bằng cách chấp thuận nâng trần nợ lên cao hơn.
Cuộc tranh đấu kéo dài gần 3 tháng; phe hành pháp Dân Chủ xin Hạ Viện Cộng Hòa chia nợ nần thành 4 phần; 3 phần được trả bằng tiền cắt giảm những ngân khoản giáo dục, y tế, xã hội dành cho dân nghèo, và 1 phần trả bằng tiền tăng thuế đánh vào các vị tỉ phú, triệu phú.
Hạ Viện thẳng tay bác bỏ, và cuối cùng toàn bộ tiền nợ được thanh toán bằng tiền cắt giảm ngân sách dành cho dân nghèo.
Tỉ phú Buffet thưởng công Hạ Viện bằng bài báo mang cái tựa Stop Coddling the Super-Rich (Thôi, đừng o bế tỉ phú nữa) đăng trên tờ New York Times. Có cần nêu lên câu hỏi "Buffett bảo ai 'thôi, đừng nịnh nhà giàu nữa' hay không?"
Dĩ nhiên, ông không bảo Tổng thống Barack Obama, người chủ trương đánh thuế nặng 2% nhà giàu Hoa Kỳ, để giảm thuế cho 98% còn lại.
Buffett là chủ tịch, tổng giám đốc công ty Berkshire Hathaway, lương hằng năm chỉ có $100,000, nhưng trị giá thị trường của cá nhân ông là 50 tỉ Mỹ kim. Năm ngoái, công ty ông điều khiển có số thâu $136.185 tỉ, số lời $12.967 tỉ, và số nhân viên 260,519 người. Địa bàn hoạt động của công ty là đầu tư và bảo hiểm.

Caption: Ông Warren Buffett

Bank of America (BOA) chao đảo vì nợ nần, Buffett vừa bỏ ra 5 tỉ Mỹ kim mua cổ phần BOA để, một mặt kiếm lời cho công ty Berkshire Hathaway, mặt khác để chứng tỏ là ông tín nhiệm tương lai vững vàng của ngân hàng này, và của nền kinh tế Hoa Kỳ. Tín nhiệm của ông sẽ tạo ra tín nhiệm của khách hàng, và tín nhiệm là yếu tố giúp BOA đứng vững.
Để có một ý niệm về mức giàu của tỉ phú Buffett, xin lấy mức nợ của Hoa Kỳ ra so sánh: Hoa Kỳ đang nợ 14,340 tỉ Mỹ kim, tính từ thuở lập quốc đến ngày mùng 3 tháng Tám 2011; trong lúc đó, công ty do ông Buffett làm chủ tịch, tổng giám đốc, lời -chỉ riêng trong năm 2010- $12,967 tỉ; hai con số tròm trèm bằng nhau.
So sánh này cho thấy việc trả nợ không thật sự là vấn đề, mà vấn đề, như ông Buffett trình bày trong bài ông viết, là chính sách thuế khóa của chính phủ; quốc hội nể nang, không đánh thuế đúng mức ông, và những nhà tỉ phú khác của Hoa Kỳ. Ông xin đóng thêm thuế cho công bằng.
Bài báo của ông gây chấn động trong giới tỉ phú quốc tế, làm họ giật mình nhận ra trách nhiệm của họ trong nỗi túng thiếu của quốc gia.
Tại Pháp, nữ tỉ phú Liliane Bettencourt hưởng ứng việc làm của Buffett; được coi là người đàn bà giàu nhất nước Pháp, bà tuyên bố muốn góp mặt, góp sức để giúp giải quyết những khó khăn tài chính của Pháp.

Caption: Nữ tỉ phú Liliane Bettencourt

Hôm thứ Ba 23/8, bà Bettencourt đề nghị chính phủ đánh thuế những tỉ phú như bà, một số thuế hợp lý, và chỉ đánh một lần thôi, không nối tiếp từ năm này sang năm khác, hầu để chính phủ có khả năng giải quyết bế tắc tài chánh, tránh biện pháp khắc khổ, và tránh tăng thuế đánh vào những giới trung lưu và nghèo hơn.
Nhiều người ngạc nhiên, vì có lần bà Bettencourt đã bị báo chí tố cáo là đã trốn thuế; trốn bằng cách lợi dụng chương trình che chở doanh nghiệp của chính phủ Sarkozy, nên đáng lẽ phải đóng thêm thuế, bà được lấy lại tiền sau mỗi mùa thuế. Bettencourt còn trốn thuế bằng cách giấu tiền trong
các ngân hàng Thụy Sĩ, và giấu không khai bà là chủ một hòn đảo trong 115 đảo nhỏ của đảo quốc Seychelles trên Ấn Độ Dương.
Xin đóng thêm thuế, bà đầm Pháp không đi xô lô như Buffett, bà kéo theo một danh sách 15 tỉ phú Pháp nữa; cũng như bà, những vị này tự nguyện đóng thêm thuế. Dưới đây là danh sách của 16 người vừa ký chung một lá thư ngỏ đăng báo yêu cầu chính phủ cho họ được đóng thêm thuế:
- Jean-Paul Agon, chủ tịch và CEO của hãng L'Oréal
- Liliane Bettencourt, cổ phần viên của hãng L'Oréal
- Antoine Frérot, CEO của hãng Veolia Environnement
- Denis Hennequin, CEO của hãng Accor
- Marc Ladreit de Lacharrière, chủ tịch và CEO của hãng Fimalac
- Maurice Lévy, CEO của hãng Publicis
- Christophe de Margerie, CEO của hãng Total
- Frédéric Oudéa, CEO của hãng Société Générale
- Claude Perdriel, chủ nhân tạp chí Le Nouvel Observateur
- Jean Peyrelevade, chủ tịch hàng Leonardo & Co. France
- Franck Riboud, chủ tịch và CEO của hãng Danone
- Stéphane Richard, chủ tịch và CEO của hãng France Télécom
- Louis Schweitzer, chủ tịch hãng Volvo và AstraZeneca
- Marc Simoncini, sáng lập viên của hãng Meetic và Jaina Capital
- Jean-Cyril Spinetta, chủ tịch hãng Air France-KLM và chủ tịch hội đồng quản trị hãng Areva
- Philippe Varin, CEO hãng PSA Peugeot-Citroen.
Những người này cũng mắng chính quyền Pháp, như ông Buffett mắng Hạ Viện Cộng Hòa, "thôi, đừng nịnh nữa".
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy mắc lời hứa "không tăng thuế" khi tranh cử; bà Bettencourt và nhóm "Les Riches" (nhóm nhà giàu Pháp) gỡ cho ông lời hứa này bằng cách tự nguyện xin được đóng thêm thuế.
Bài viết, dưới hình thức một lá thư ngỏ xin đóng thêm thuế của họ, được đăng trên tờ tuần san Le Nouvel Observateur, người chủ báo, ông Claude Perdriel, cũng là một trong 16 người ký tên xin đóng thêm thuế.
Việc làm của 16 nhà tỉ phú Pháp đáp ứng lời chỉ trích của dư luận là giới nhà giàu hưởng thụ quá nhiều mà trả lại cho xã hội quá ít. Thủ tướng Pháp Francois Fillon nhiều lần tuyên bố là ông bất bình trước số lương quá lớn các doanh nghiệp trả cho những viên chức lãnh đạo doanh nghiệp.
Lá thư ngỏ viết: "Chúng tôi, những chủ tịch công ty, những lãnh đạo thương trường, những doanh nhân, những nhà kinh tài hoặc những công dân giàu có, kêu gọi ban hành một sắc thuế đặc biệt nhắm vào những công dân giàu nhất trong nước.
"Sắc thuế này phải được tính toán hợp lý để tránh những hậu quả không ai muốn, như việc doanh nghiệp đội nón dọn ra hải ngoại và việc trốn thuế.
"Chúng tôi ý thức được rằng hệ thống kinh tế của Pháp và của Âu Châu tạo thành công cho chúng tôi, và chúng tôi muốn bảo vệ hệ thống đó. Tuy nhiên, đợt thuế chúng tôi đề nghị vẫn không tạo ra giải pháp, mà chỉ góp một phần vào giải pháp cải tổ hệ thống thuế vụ, để kích cầu và giúp gia tăng số thuế thu vào.
"Vào thời điểm mà số nợ của Pháp ngày một tăng cao hơn, rồi đe dọa đến cả tương lai của đất nước, của Âu Châu, và vào lúc chính phủ kêu gọi đoàn kết quốc gia,16 người chúng tôi tự thấy mình có bổn phận đáp ứng".

Giáo sư gốc Pháp Philippe Aghion, dạy kinh tế học tại Harvard, nói: "Lá thư ngỏ mang tính chất tượng trưng và làm dáng; tôi không tin ông Sarkozy sẽ cải tổ quan trọng chính sách thuế vụ của ông ta".

Phê bình đúng về chính phủ Sarkozy, nhưng giáo sư Aghion nhận định sai về lá thư của nhóm "Les Riches".
Rất giàu nhờ kỹ nghệ mỹ phẩm được hàng tỉ phụ nữ trên thế giới ưa chuộng, mua dùng để làm dáng bằng dầu thơm, bằng kem, bằng phấn, và bằng hàng trăm sản phẩm khác mang nhãn hiệu L'Oreal, nhưng bà Bettencourt không "làm dáng" trong đề nghị đóng thêm thuế cho chính phủ. Nếu bà muốn mua lời khen của dư luận, thì cái giá bà nhận trả sẽ rất đắt, thừa đủ để bà đỡ đầu cho nhiều công tác từ thiện, giáo dục, hay khoa học, những việc làm có tác dụng "làm dáng" hơn nhiều.
Xin đóng thuế thêm là một thái độ chính trị, và là lời bà Bettencourt chỉ trích chính sách thuế khóa của chính phủ Pháp, như ông Buffett chỉ trích chính sách thuế khóa của chính phủ Mỹ. Lời chỉ trích của bà Bettencourt sẽ gây ảnh hưởng bất lợi cho Tổng thống Sarkozy và phong trào UMP (Union for a Popular Movement), đảng chính trị mà Sarkozy là đảng viên.
Đảng chính trị Hoa Kỳ bị ông Buffett bảo "thôi, đừng nịnh nữa" là đảng Cộng Hòa; trong cuộc tổng tuyển cử 2012 đảng này và phong trào UMP của Pháp sẽ thấm đòn, cái đòn "nhà giàu đứt tay, bằng ăn mày đổ ruột".
Bài học kinh nghiệm mà các chính khách Pháp và Mỹ học được là vơ vét hết tiền của trong nước về cho vài ngàn ông bà tỉ phú là "nịnh" quá đáng, và tạo ra phản tác dụng. Hình thức phản tác dụng có ngừng lại với hai lá thư "sửa lưng" họ không?
Hay phản tác dụng còn hiện hình trên những lá phiếu tạo thay ngôi, đổi chỗ đảng cầm quyền tại Pháp, và đảng hùng cứ Hạ Viện tại Mỹ?

Nguyễn Đạt Thịnh

0 comments:

Powered By Blogger